Thẩm quyền của Toà ICJ: Giải quyết tranh chấp – Cho ý kiến tư vấn – Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm quyền của Toà ITLOS: Giải quyết tranh chấp – Cho ý kiến tư vấn – Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời – Thả tàu nhanh.
Các tòa án quốc tế là các cơ quan tài phán thường trực, bao gồm các thẩm phán được các quốc gia lựa chọn, xét xử với tư cách cá nhân và theo nhiệm kỳ. Hiện nay có một số tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR), Tòa án Nhân Quyền Liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền Châu Phi (ACHPR). Các tòa án này có thể phân loại theo thẩm quyền nội dung (tất cả vấn đề pháp lý: ICJ, ECJ; chuyên ngành: ITLOS về luật biển, ICC về luật hình sự, ECtHR, IACHR và ACHPR về nhân quyền) và theo thẩm quyền lãnh thổ (phổ quát: ICJ, ITLOS, ICC; khu vực: ECJ, ECtHR ở châu Âu, IACHR ở châu Mỹ, ACHPR ở châu Phi). Một số tòa án đặc biệt không thường trực như các tòa án hình sự do Hội đồng Bảo an thành lập như Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR). Phần dưới đây chỉ tập trung vào hai tòa án có ý nghĩa nhất với Việt Nam hiện nay, Tòa ICJ và Tòa ITLOS. Xem thêm bài về Vì sao Việt Nam khó khởi kiện các nước khác để đòi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa?
Tòa ICJ được thành lập năm 1945 theo Hiến chương Liên hợp quốc, kế thừa của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) của Hội quốc liên. Tòa có 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Đại hội đồng (ĐHĐ) và Hội đồng Bảo an (HĐBA). Các thẩm phán khác được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý, hiện có các khu vực: Đông Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latin và Carribe, Tây Âu và các nước khác. Năm nước ủy viên thường trực của HĐBA luôn có thẩm phán trong Tòa, trừ Anh từ năm 2018.
Tòa ITLOS được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Tòa có 21 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Hội nghị Quốc gia Thành viên. Các thẩm phán được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý.
- Thẩm quyền của Tòa ICJ
Tòa ICJ có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh mang tính thủ tục như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tòa ICJ trong phiên công bố phán quyết Vụ phân định biển giữa Chilê và Peru, 2014. Nguồn: VOA News
1.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tòa có thẩm quyền áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia nếu các quốc gia đồng ý với thẩm quyền của Tòa. Sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Tòa của tất cả các bên tranh chấp là cơ sở pháp lý duy nhất để Tòa có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với một tranh chấp cụ thể. Điều này phù hợp với một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế: không một quốc gia nào bị buộc phải mang tranh chấp của mình với quốc gia khác ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết khi không có sự đồng ý của quốc gia đó.[1]
Sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp có thể được thể hiện bằng nhiều cách như được trù định ở khoản 1 – 5 của Điều 36 Quy chế Tòa.
- Các quốc gia có thể chấp nhận thẩm quyền của Tòa thông qua việc tham gia vào điều ước quốc tế có quy định phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa (xem danh sách tại đây).
- Các quốc gia có thể tại bất kỳ thời điểm nào đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa (xem danh sách tại đây, gồm 73 nước trong đó khu vực Đông Nam Á có Campuchia, Philippines và Đông Timor). Phạm vi chấp nhận có thể không giới hạn, vô điều kiện hoặc có thể chấp nhận với điều kiện một hay một số quốc gia nhất định cũng chấp nhận có đi có lại như tế, hoặc giới hạn về nội dung tranh chấp, quốc gia tranh chấp hoặc thời hạn chấp nhận.
- Các quốc gia có ký kết thỏa thuận đặc biệt (special agreement) để chấp nhận thẩm quyền của Tòa đối với một tranh chấp cụ thể sau khi tranh chấp phát sinh.
Nói cách khác, thẩm quyền của Tòa có thể xác lập dựa trên quy định của điều ước quốc tế, tuyên bố của các quốc gia và thỏa thuận đặc biệt. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Tòa có thể được đưa ra sau khi tuyên bố khởi kiện được đệ trình – trường hợp forum prorogatum.
1.2. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn
Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc (ad hoc). Cơ sở pháp lý để Tòa ICJ có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn là Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 96(1) quy định Tòa có thể cho ý kiến tư vấn đối với bất kỳ câu hỏi pháp lý nào theo yêu cầu của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Điều 96(2) quy định các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên trách có thể được Đại hội đồng cho phép đệ trình yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Tòa về các câu hỏi pháp lý “phát sinh trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này”. Có hai điều kiện để Tòa có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn: (i) cơ quan, tổ chức xin ý kiến có quyền xin ý kiến (xem danh sách tại đây), và (ii) câu hỏi đặt ra cho Tòa phải là câu hỏi pháp lý. Câu hỏi pháp lý là câu hỏi “được viết bằng các thuật ngữ pháp lý và nêu lên các vấn đề của luạt quốc tế … và về bản chất cần trả lời dựa trên luật.”[2]
Một điểm cần chú ý là, khác với quyền xin ý kiến tư vấn không hạn chế của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, các cơ quan khác phải thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết: (i) được Đại hội đồng cho phép và (ii) câu hỏi phải nằm trong phạm vi hoạt động của cơ quan xin ý kiến tư vấn. Năm 1996 Tòa ICJ đã không cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do câu hỏi mà tổ chức này đưa ra không thuộc phạm vi hoạt động của mình.[3] Mục đích của việc đưa ra ý kiến tư vấn là làm sáng tỏ về mặt pháp lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức này đang xử lý, qua đó, định hướng được hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó.
Một điểm quan trọng cần chú ý là các cơ quan, tổ chức có quyền xin ý kiến tư vấn của Tòa nhưng Tòa cũng có quyền từ chối không cho ý kiến tư vấn. Nhưng trường hợp này rất hạn hữu bởi vì một khi cơ quan, tổ chức đã có quyền xin ý kiến thì với tư cách là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc, Tòa không nên từ chối cho ý kiến tư vấn. Việc từ chối này khác với việc Tòa không có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn; vấn đề có hay không có thẩm quyền phục thuộc vào việc yêu cầu xin ý kiến tư vấn có thỏa mãn điều kiện ở Điều 96 hay không. Việc từ chối cho ý kiến tư vấn đang nói ở đây là trường hợp Tòa xét thấy có thẩm quyền nhưng Tòa từ chối thực thi thẩm quyền đó! Việc từ chối này chỉ có thể khi Tòa xét thấy có lý do xác đáng (compelling reasons).[4] Một ví dụ mà Tòa đưa ra là nếu việc đưa ra ý kiến tư vấn vi phạm nguyên tắc rằng không một quốc gia nào có thể bị buộc mang tranh chấp của mình ra giải quyết ở cơ quan tài phán quốc tế mà không có sự đồng ý của quốc gia đó.[5]
Xem thêm về thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Toà ICJ ở đây và đây.
1.3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa. Điều 41 quy định Tòa sẽ có quyền đưa ra, nếu hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nhằm bảo đảm quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp. Tất cả các bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Để có thể ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa cần thỏa mãn:[6]
- Tòa có thẩm quyền prima facie đối với vụ việc,
- Quyền mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm phải ít nhất có cơ sở (at least plausible),
- Có mối liên hệ (link) giữa quyền đó và biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được yêu cầu áp dụng,
- Thực sự có nguy cơ gây tổn hại không thể khắc phục đối với quyền của bên yêu cầu (risk of irreparable prejudice), và
- Tình huống có tính khẩn cấp (urgency).
Biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể giống như bên yêu cầu đề nghị hoặc là biện pháp mà chính Tòa cho rằng thích hợp.[7] Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ràng buộc đối với các bên.[8] Xem thêm phân tích về Quyết định áp dụng biển pháp tạm thời trong Vụ Ukraina v Nga (2017), Vụ Qatar v UAE (2018), và Vụ Iran v. Mỹ (2018).
2. Thẩm quyền của Tòa ITLOS
Tòa ITLOS có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh.
Các thẩm phán Tòa ITLOS. Nguồn: un.org
2.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tòa ITLOS có thẩm quyền dựa trên các quy định của Phần XV Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Khi là thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã chấp nhận đồng thời thẩm quyền của Tòa ITLOS – một trong bốn cơ quan tài phán bắt buộc được trù định ở Điều 287 UNCLOS – đối với tất cả các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước. Tòa ITLOS có thẩm quyền đối với tất cả các tranh chấp không được giải quyết theo các quy định ở Mục I, Phần XV và không rơi vào giới hạn ở Điều 297 và ngoại lệ tùy chọn ở Điều 298. Điều 288 cũng cho phép Tòa ITLOS giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các thỏa thuận khác liên quan đến mục đích của Công ước được đệ trình phù hợp với quy định của thỏa thuận đó (xem danh sách các thỏa thuận trao thẩm quyền cho Tòa ITLOS).
Một điểm khác giữa Tòa ITLOS và Tòa ICJ là trong khi chỉ có quốc gia mới có tư cách là một tranh chấp trước Tòa ICJ,[9] Tòa ITLOS mở cho mọi thành viên của UNCLOS, bao gồm cả quốc gia và tổ chức quốc tế (như EU).
Bên trong Tòa ITLOS có Viện giải quyết tranh chấp đáy biển (Seabed Dispute Chamber), gồm 11 thẩm phán lựa chọn từ 21 thẩm phán của Tòa ITLOS.[10] Viện này có thẩm quyền bắt buộc đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động ở Vùng đáy biển quốc tế.[11]
2.2. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn
Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc (ad hoc). Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS được chia làm hai loại: thẩm quyền của Viện giải quyết tranh chấp đáy biển (Seabed Dispute Chamber – SDC) và thẩm quyền của toàn thể Tòa ITLOS. SDC có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng hoặc Hội đồng của Cơ quan Quyền lực Đáy biển Quốc tế (ISA) về các câu hỏi pháp lý nằm trong phạm vi hoạt động của hai cơ quan này.[12] Yêu cầu xin ý kiến tư vấn cần được ưu tiên giải quyết trước các vụ việc tranh chấp.[13]
Trong khi thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của SDC được quy định cụ thể và rõ ràng thì thẩm quyền đó của toàn thể Tòa ITLOS được quy định ngầm định ở Điều 21 Phụ lục VI UNCLOS (Quy chế Tòa ITLOS). Điều 21 quy định thẩm quyền của Tòa “bao gồm tất cả tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đệ trình cho Tòa phù hợp với Công ước này và tất cả các vấn đề được quy định cụ thể trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn được ngầm định trong cụm “tất cả các vấn đề khác được quy định trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Tòa ITLOS cho rằng Điều 21 không tự nó trao cho Tòa thẩm quyền cho ý kiến tư vấn mà chính “các thỏa thuận khác” mới là trao thẩm quyền này cho Tòa.[14] Điều 21 và “các thỏa thuận khác” trao thẩm quyền cho Tòa có liên hệ chặt chẽ với nhau và cấu thành cơ sở pháp lý thực chất cho thẩm quyền tư vấn của Tòa.[15]
Cho đến tháng 12 năm 2017 SDC cho một ý kiến tư vấn và Tòa ITLOS cho một ý kiến tư vấn.
2.3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tòa ITLOS và cả SCD đều có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 290. Điều 290(1) quy định “Nếu một tranh chấp được đệ trình đúng thủ tục lên một tòa mà tòa đó xét thấy có thẩm quyền prima facia … tòa có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà tòa thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.” So với quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa ICJ, thì Điều 290 mở rộng ra thêm một mục đích nữa khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: bảo vệ môi trường biển. Trong án lệ của Tòa (và Tòa thường dựa trên án lệ của Tòa ICJ), biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra nếu thỏa mãn:
- Tòa có thẩm quyền prima facie;
- Có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây tổn hại không thể khắc phục được đến quyền của các bên hoặc đến môi trường biển, theo đó, cần chứng minh thêm yếu tố tính khẩn cấp;
- Quyền mà các bên yêu sách và yêu cầu bảo đảm ít nhất có cơ sở (at least plausible);
- Có liên hệ (link) giữa quyền mà các bên yêu sách và biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa ITLOS áp dụng có thể giống, khác hoàn toàn hoặc một phần so với biện pháp được các bên yêu cầu.[16] Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ràng buộc các bên, “tạo ra nghĩa vụ pháp lý mà các bên phải tuân thủ”.[17]
Ngoài những vụ việc đang được Tòa ITLOS thụ lý giải quyết, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập. Các tòa trọng tài theo Phụ lục VII và VIII của UNCLOS là các cơ quan vụ việc mà trọng tài viên chỉ được chỉ định hay lựa chọn khi có tuyên bố khởi kiện. Có những vụ việc mà tòa trọng tài mất gần 06 tháng để thành lập, như Vụ kiện Biển Đông. Trong giai đoạn đó, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, thì có thể đệ trình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lên Tòa ITLOS theo khoản 5, Điều 290. Sau khi thành lập các tòa trọng tài có thể thay đổi, hủy bỏ hay xác nhận lại các biện pháp này.
2.4. Thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh
Thẩm quyền thả tàu nhanh là một thẩm quyền đặc thù được trù định tại Điều 292 của UNCLOS. Mục đích của việc tạo ra thẩm quyền này cho các cơ quan tài phán là nhằm bảo đảm việc phóng thích nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ khi bị quốc gia ven biển bắt giữ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Chủ tàu sau đó sẽ quay lại để giải quyết với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Do đó, thủ tục thả tàu nhanh không ảnh hưởng đến việc giải quyết cáo buộc chống lại tàu thuyền của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển.
Điều 292(1) quy định rằng: “Khi cơ quan chức năng của một quốc gia thành viên bắt giữ tàu thuyền mang cờ của quốc gia thành viên khác và có cáo buộc cho rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ của tàu sau khi nộp tiền bảo lãnh hay các bảo đảm tài chính hợp lý khác, vấn đề thả tàu khỏi giam giữ có thể được đệ trình lên bất kỳ tòa nào được các bên chấp nhận hoặc, nếu không có thỏa thuận trong 10 ngày kể từ thời điểm giam giữa, đệ trình lên tòa được quốc gia bắt giữ chấp nhận theo Điều 287 hoặc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.” Như vậy thủ tục thả tàu nhanh sẽ phải kích hoạt bởi quốc gia có tàu bắt giữ, không phải chủ tàu thuyền bị bắt giữ. Chủ tàu tự mình phải thuyết phục quốc gia mà tàu mang cơ kích hoạt thủ tục. Quốc gia mà tàu mang cờ có quyền chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kích hoạt thủ tục của chủ tàu.
Tòa có thẩm quyền (có thể là Toà ITLOS nếu không có thoả thuận) sẽ ra phán quyết thả tàu nhanh nếu quốc gia có tàu bị bắt giữ chứng minh được rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Nghĩa vụ thả nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ được quy định trong các điều khoản về hoạt động chấp pháp của quốc gia ven biển trong lĩnh vực tài nguyên sinh vật (như đánh bắt cá) ở Điều 73(2),[18] lĩnh vực bảo vệ môi trường biển ở Điều 220(7) và Điều 226(1)(b). Việc thủ tục thả tàu nhanh liên quan đến thẩm quyền chấp pháp của quốc gia ven biển trên vùng biển của mình tạo ra quan ngại cho một số quốc gia không kích hoạt thủ tục này để yêu cầu phóng thích tàu của họ bị bắt giữ trên các vùng biển tranh chấp. Bởi vì nếu yêu cầu thả tàu nhanh thì có thể bị cho là ngầm công nhận vùng biển tranh chấp là của quốc gia bắt giữ vì (i) nộp bảo lãnh và (ii) công nhận quốc gia bắt giữ tàu đang thực hiện thẩm quyền của quốc gia ven biển tại vùng biển đó dựa trên các điều 73, 220 và 226.
Các án lệ về thả tàu nhanh của ITLOS chủ yếu liên quan đến việc xác định mức hợp lý của khoản bảo lãnh. Các án lệ khá thống nhất nhau và đã hình thành nên cách tiếp cận và tiêu chí chính khi xem xét tính hợp lý của mức bảo lãnh. Tính hợp lý của khoản bảo lãnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tuỳ hoàn cảnh của vụ việc cụ thể, và cần được đánh giá một cách khách quan.[19] Các yếu tố chính cần xem xét đến bao gồm (1) mức độ nghiêm trọng của cáo buộc vi phạm, (2) hình phạt có thể bị áp dụng theo luật của quốc gia bắt giữ, (3) giá trị của tàu bị bắt giữ và hàng hoá trên tàu, (4) mức bảo lãnh và hình thức bảo lãnh mà quốc gia bắt giữ yêu cầu.[20] Số vụ việc liên quan đến thả tàu nhanh chiếm đa số trong tổng các vụ việc Toà ITLOS xem xét trong giai đoạn đầu Toà đi vào hoạt động. Vụ việc thả tàu nhanh cuối cùng là Vụ Tomimaru (Nhật Bản v. Nga) có phán quyết năm 2007. Một vài ý kiến có thể cho rằng việc hơn 10 năm qua không có vụ việc mới liên quan đến thả tàu nhanh được cho là nhờ một phần vào việc Toà ITLOS đã làm sáng toả cách tiếp cận và tiêu chí chính để xác định mức bảo lãnh hợp lý, qua đó, các quốc gia tự xử lý với nhau mà không cần mang ra Toà xem xét nữa.
Trần H. D. Minh
English summary: The jurisdiction of international courts and tribunals: the ICJ and ITLOS. This piece briefly introduces an overview of the jurisdiction of the ICJ on settling disputes between states, giving advisory opinions and indicating provisional measures, and the jurisdiction of the ITLOS on settling disputes between parties to the UNCLOS, giving advisory opinions, indicating provisional measures and deciding on prompt release.
————————————————————
[1]Vụ Quy chế pháp lý vùng Đông Carolie, Ý kiến tư vấn của Tòa PCIJ năm 1923, tr. 27. [2]Vụ Tây Sahara, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1975, đoạn 15. [3]Vụ tính hợp pháp của vũ khí hạt nhân trong xung đột vũ trang, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1996. [4]Vụ một số chi phí của Liên hợp quốc (Điều 17, khoản 2 Hiến chương), Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1962, tr. 155. [5]Vụ Tây Sahara (n 2) đoạn 32 – 33.
[6] Inna Uchkunova, Provisional Measures before the International Court of Justice, The Law and Practice of Intl Courts and Tribunals 12 (2013), tr. 397. Xem thêm các lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gần đây của Tòa trong Vụ liên quan đến Áp dụng Công ước CERD và ICSFT (Ukraine v. Nga), Lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa ICJ năm 2017, Vụ về Quyền miễn trừ và tiến trình tố tụng hình sự (Guinea Xích đạo v. Pháp), Lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa ICJ năm 2016.
[7] Malcolm N. Shaw, International law, 6th ed., Cambridge University Press, 2008, tr. 1095.
[8]Vụ LaGrand (Đức v. Mỹ), Phán quyết của Tòa ICJ năm 2001, đoạn 102; Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới (Costa Rica v. Nicaragua), Lệnh áp dụng biện pháp tạm thời của Toà ICJ năm 2011, đoạn 84; Vụ một số hoạt động của Nicaragua ở khu vực biên giới (Costa Rica v. Nicaragua)/Vụ xây dựng con đường ở Costa Rica dọc theo Sông San Juan (Nicaragua v. Costa Rica), Lệnh áp dụng biện pháp tạm thời của Toà ICJ năm 2013, đoạn 57; Vụ liên quan đến việc thu giữ một số tài liện và dữ liệu (Đông Timor v. Australia), Lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà ICJ năm 2014, đoạn 53; Vụ quyền miễn trừ và tiến trình tố tụng hình sự (Guinea Xích đạo v. Pháp), Lệnh áp dụng biện pháp tạm thời của Toà ICJ năm 2016, đoạn 97; Vụ Jadhav (Ấn Độ v. Pakistan), Lệnh áp dụng biện pháp tạm thời của Toà ICJ năm 2017, đoạn 59.
[9] Quy chế Tòa ICJ, Điều 34(1). [10] Điều 35(1), Mục 4, Phụ lục VI, UNCLOS. [11] Điều 187, UNCLOS. [12] Điều 191, UNCLOS. [13]Như trên.
[14]Vụ yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Ủy ban Nghề cá Tiểu khu vực (SRFC), Ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS năm 2015, đoạn 58. [15]Như trên.
[16] Điều 89(5), Quy tắc của Tòa.
[17]Vụ phân định biển ở Đại Tây Dương (Ghana/Co6te d’Ivoire), Phán quyết của Viện đặc biệt năm 2017, đoạn 647.
[18] Điều 73 về hoạt động chấp pháp của quốc gia ven biển đối với các vi phạm quyền chủ quyền về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp cần thiết như lên tàu, kiểm tra, bắt giữ hay tố tụng nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của mình phù hợp với Công ước. Tuy nhiên, Điều 73 đặt ra ba giới hạn cho các hoạt động chấp pháp này: (i) tàu và thuỷ thủ bị bắt giữ phải được thả nhanh chóng sau khi nộp bảo lãnh hợp lý, (ii) biện pháp xử lý đối với vi phạm đánh bắt cá trong vùng EEZ không bao gồm phạt tù khi không có thoả thuận hoặc các hình phạt thể xác khác, và (iii) quốc gia bắt giữ phải thông báo cho nhanh chóng cho quốc gia mà tàu mang cờ.
[19]Vụ Hoshinmaru (Nhật Bản v. Nga), Phán quyết của Toà ITLOS năm 2007, đoạn 82. [20]Như trên.
Thầy ơi, sau một hồi bối rối em mới nhận ra ICJ đã cung cấp 2 ý kiến tư vấn vào cùng ngày (ngày 8/7/1996) cho 2 yêu cầu khác nhau của WHO (năm 1993) và của Đại hội đồng (năm 1994) về tính hợp pháp của vũ khí hạt nhân trong xung đột vũ trang. Yêu cầu của WHO thì Tòa từ chối thẩm quyền, còn yêu cầu của Đại hồi đồng thì Tòa chấp nhận.
Em nghĩ có thể một phần lý do Tòa từ chối yêu cầu của WHO là vì yêu cầu gần như trùng với yêu cầu của Đại hội đồng. Nếu không có lẽ ICJ cũng không dễ dàng từ chối thẩm quyền đối với một vấn đề pháp lý quan trọng như thế. Case này khá thú vị thầy ạ.
Hi Bình,
Suy luận của em không có trong lập luận của ICJ khi kết luận mình không có thẩm quyền trả lời câu hỏi của WHO. Do đó, chúng ta chẳng bao giờ biết được nó có đúng thực là một phần lý do “ngầm” trong quá trình ICJ xem xét ra quyết định hay không. Em có thể thử xem các declarations, opinions của các thẩm phán; những ý kiến này có thể chứa những lập luận mà ICJ đã thảo luận “sau cánh gà” nhưng không được đa số ủng hộ để xuất hiện trong Ý kiến tư vấn.
Duy Minh