[234] Thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu từ góc nhìn Luật La Mã

– Có hay không một “thời hiệu” cho hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa? –

1. Luật La Mã về xác lập quyền sở hữu tài sản theo thời hiệu (usucapio)

Trong tiếng Latin, từ “res” được dùng để chỉ một vật. Từ “res” cũng được hiểu là một quyền trừu tượng mà con người có được đối với vật. Nếu vật là đối tượng của quyền thì con người là chủ thể của quyền. Chính trong mối quan hệ này mà vật được coi là tài sản.[1]

Việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu (usucapio) là việc chuyển giao quyền sở hữu từ người chủ cũ sang người chủ mới sau một thời gian nhất định. Nói cách khác, trong trường hợp người chủ mới đã có được sự kiểm soát vật chất đối với tài sản nhưng người chủ cũ chưa làm các thủ tục bàn giao theo luật định thì người chủ mới sẽ có toàn quyền sở hữu sau một thời hạn. Thời hạn này được gọi là thời hiệu xác lập quyền sở hữu.[2]

Trong Luật La Mã cổ đại, tại Luật 12 Bảng, Bảng VI quy định về chiếm hữu và sở hữu tài sản, thì một người chiếm hữu liên tục hai năm đối với bất động sản thì sẽ trở thành chủ sở hữu của bất động sản đó (trong khi thời hạn đối với động sản là một năm). Đất đai được xem là một dạng bất động sản.

Bảng số VI trong Luật 12 Bảng được phục dựng tại Museo della Civilta Romana ở Rome, Italia. Ảnh: Jennings[3]

Trên nguyên tắc, Luật 12 bảng chỉ áp dụng cho công dân La Mã và tài sản nằm trên lãnh thổ La Mã. Nhưng đến thời Luật La Mã cổ điển, các phán quan vẫn áp dụng quy định này với ba điều kiện: (1) Phải có một căn cứ xác lập quyền sở hữu[4]; (2) Phải có sự ngay tình của người chiếm hữu và (3) Phải có sự liên tục của việc chiếm hữu.[5]

Thêm vào đó, trong thời kỳ Luật La Mã cổ điển, một chế định về ‘hết thời hiệu khởi kiện’ cũng được hình thành như một biện pháp bổ sung cho chế định ‘xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu’ nêu trên. Chế định hết thời hiệu khởi kiện này áp dụng cho cả những người không phải công dân La Mã. Theo đó, thời hạn chiếm hữu tối thiểu để việc hết thời hiệu khởi kiện phát sinh hiệu lực là 10 năm khi chủ sở hữu cư trú tại nơi có tài sản và 20 năm khi chủ sở hữu không cư trú tại đó. Chế định này được hiểu là một biện pháp trừng phạt áp dụng đối với chủ sở hữu nào không tích cực trong việc bảo vệ tài sản của mình. Do đó, biện pháp này không được áp dụng trong trường hợp vì lý do bất khả kháng nên không thể thực hiện các hành động tích cực bảo vệ tài sản.[6]

Đến thời Hạ Đế quốc, Justinianus (483-565 AD) đã củng cố cơ sở đạo đức cho pháp luật về tài sản nên đã thống nhất hai chế định nêu trên thành một trong Corpus Juris Civilis. Cụ thể, chế định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cũng được áp dụng cho những người không phải công dân La Mã và thời hiệu xác lập quyền sở hữu trở nên dài hơn với những điều kiện nghiêm ngặt hơn. Theo đó, thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản được xác định là 10 hoặc 20 năm tuỳ theo chủ sở hữu có hay không có mặt tại nơi có bất động sản với điều kiện người chiếm hữu ngay tình lúc bắt đầu chiếm hữu và việc chiếm hữu là có căn cứ. Còn trong trường hợp việc chiếm hữu không có căn cứ nhưng ngay tình thì thời hiệu là 30 năm. Điều quan trọng là, luật ghi nhận khi việc chiếm hữu được xác lập bằng vũ lực thì thời hiệu này không được áp dụng.[7]

2. Thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu từ góc nhìn Luật La Mã

Luật quốc tế về chủ quyền lãnh thổ có nguồn gốc từ các quy định của Luật La Mã về sở hữu tài sản.[8] Tuy rằng luật quốc tế thường ghi nhận có năm phương thức thụ đắc lãnh thổ (chiếm hữu, thời hiệu, chuyển nhượng, hình thành lãnh thổ mới và xâm chiếm[9]) nhưng nguyên tắc căn bản nhất trong việc hình thành các đường biên giới là sự đồng thuận (consent)[10].

Về mặt lý thuyết, thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu khác với nguyên tắc chiếm hữu thật sự (effective occupation) ở chỗ đối tượng thụ đắc không phải lãnh thổ vô chủ, mà là lãnh thổ có được một cách bất hợp pháp hoặc lãnh thổ mà hoàn cảnh lúc thụ đắc không rõ thể biết rõ tính hợp pháp của hành vi thụ đắc. Nói cách khác, chiếm hữu theo thời hiệu là cách thức thụ đắc lãnh thổ mà luật pháp quốc tế cho phép để hợp pháp hóa việc chiếm hữu hữu hiệu đối với một lãnh thổ nhất định, bất kể lãnh thổ đó đã thuộc về một quốc gia hay không xác định được quốc gia nào có chủ quyền.[11]

Theo phân tích ở Mục 1 nêu trên, yêu cầu cho việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với vật bao gồm: (1) Vật có thể chuyển giao quyền sở hữu (res habilis); (2) Căn cứ chuyển giao quyền sở hữu (justus titulus); (3) Thiện chí (fides); (4) Quyền sở hữu (possessio), gồm chiếm hữu (corpus) và ý định muốn sở hữu (animus); (5) Việc chiếm hữu là liên tục và đảm bảo một thời hạn theo luật định (tempus). Từ thế kỷ thứ XVI, các luật gia nổi tiếng như Grotius đã bắt đầu thảo luận về việc áp dụng chế định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu này như thế nào trong luật quốc tế và lập luận rằng điểm khác biệt lớn nhất là không tồn tại một thời hạn xác định.[12]

Trong thực tế xét xử các vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, việc xác lập chủ quyền dựa trên thời hiệu chỉ mang tính chất là một giai đoạn chuyển giao nhằm chứng minh cho một giai đoạn mà bên đang kiểm soát lãnh thổ đã thực hiện những hành xử chủ quyền. Xác lập chủ quyền theo thời hiệu chưa từng trở thành một cơ sở pháp lý độc lập để được Toà hay Trọng tài công nhận chủ quyền.[13] Điều đó có nghĩa là thời gian chỉ là một trong những yếu tố chứng minh cho sự kiểm soát hiệu quả[14] chứ tự thân nó không có ý nghĩa quyết định. Điển hình như, trong vụ Tranh chấp biên giới giữa Guiana thuộc Anh và Venezuela (1899) vấn đề thời hiệu được giải thích là “công khai, chiếm hữu liên tục, không đứt đoạn, không có nghi ngờ gì về khía cạnh đạo đức và pháp lý … và thiếu vắng những nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu từ người sở hữu trước đó”[15]. Trong vụ Grisbadarna (1909), các bên tranh chấp viện dẫn đến thời hiệu nhưng Hội đồng trọng tài đã không dùng từ thời hiệu trong suốt bản án mà thay vào đó là khẳng định rằng “có một nguyên tắc đã được thiết lập một cách rõ ràng là cần phải hạn chế tối đa việc thay đổi trật tự của mọi thứ”[16]. Tựu trung lại, trong nhiều vụ việc thì song song với các viện dẫn về thời hiệu là xem xét ý chí của bên có chủ quyền từ trước, theo đó, sự ngầm công nhận (acquiescence) của bên có chủ quyền trước đó là một yếu tố luôn được xét đến trong các lập luận về thời hiệu.[17]  Do đó, các phản đối ngoại giao hay các hành động hay phát biểu khác có tính chất phản đối tình trạng chiếm đóng sẽ vô hiệu hóa việc xác lập chủ quyền theo thời hiệu.[18]

3. Hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa dưới góc nhìn pháp lý

Từ những phân tích về chế định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu từ Luật La Mã và sự vận dụng vào luật quốc tế ở trên, có thể khẳng định rằng việc chiếm đóng của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa không thể hình thành danh nghĩa chủ quyền.

Thứ nhất, việc chiếm đóng đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc là hệ quả của một cuộc tấn công vũ trang. Theo cách nói của Luật La Mã thì đây là hành vi chiếm hữu không ngay tình, do vậy, dù sự chiếm đóng kéo dài bao lâu cũng không được tính thời hiệu xác lập quyền sở hữu. Theo luật quốc tế hiện nay, một cuộc tấn công vũ trang chắc chắn không phải là hành động thiện chí, do đó, danh nghĩa chủ quyền theo thời hiệu không thể được hình thành.

Thứ hai, không tồn tại ý định trao chủ quyền cho Trung Quốc từ phía Việt Nam. Chiếu theo bản chất của chế định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu của Luật La Mã thì đây là hành vi chiếm hữu không có căn cứ. Theo cách điều chỉnh của luật quốc tế thì không tồn tại một sự ngầm công nhận (acquiescence) của bên có chủ quyền là Việt Nam trong suốt thời gian Trung Quốc chiếm đóng kể từ năm 1974 cho đến nay. Ví dụ, Việt Nam (mà chủ yếu thông qua Người phát ngôn Bộ Ngoại giao) luôn đưa ra phát biểu phản đối và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Tuy những phát ngôn có cùng nội dung, lặp đi lặp lại nhưng đủ để thể hiện ý chí và có hệ quả pháp lý là làm cho việc chiếm hữu của Trung Quốc không thể hình thành danh nghĩa chủ quyền theo thời hiệu, theo đó, nước này không thể thụ đắc một cách hợp pháp lãnh thổ của Việt Nam. [19]

Trần Thị Kim Nguyên


[1] Nguyễn Ngọc Điện (2009), Giáo trình Luật La Mã, NXB Chính trị quốc gia, tr. 11

[2] Nguyễn Ngọc Điện (2009), Giáo trình Luật La Mã, NXB Chính trị quốc gia, tr. 19

[3] Nguyên văn: – usus auctoritas fundi biennium est, – ceterarum rerum omnium – annuus est usus. Nguồn: https://www.cultus.hk/hist5503A/12tables.html

[4] Căn cứ này có thể là một giao dịch hoặc một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền sở hữu

[5] Nguyễn Ngọc Điện (2009), Giáo trình Luật La Mã, NXB Chính trị quốc gia, tr. 33

[6] Nguyễn Ngọc Điện (2009), Giáo trình Luật La Mã, NXB Chính trị quốc gia, tr. 35

[7] Bruce W. Frier et al. (2016), The Codex of Justinian: A New Annotated Translation, with Parallel Latin and Greek Text, Cambridge University Press, ISBN: 9780521196826, pp. 2034-2035

[8] Shaw, M. (2021), International Law (9th ed.), Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/9781108774802, pp. 418-419.

[9] Luật quốc tế hiện đại không còn thừa nhận việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ là một phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp.

[10] Shaw, M. (2021), International Law (9th ed.), Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/9781108774802, p. 420.

[11] Trần Hữu Duy Minh (2017), “Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ”. Retrieved from https://iuscogens-vie.org/2017/09/22/35/, ngày 16/1/2024

[12] Johnson (1950), “Acquisitive Prescription in International Law”, 27 BYbIL 332. Dẫn theo Randall Lesaffer (2005), “Argument from Roman Law in Current International Law: Occupation and Acquisitive Prescription”, The European Journal of International Law Vol. 16 no.1. Retrieved from http://www.ejil.org/pdfs/16/1/289.pdf.

[13] Randall Lesaffer (2005), “Argument from Roman Law in Current International Law: Occupation and Acquisitive Prescription”, The European Journal of International Law Vol. 16 no.1. Retrieved from http://www.ejil.org/pdfs/16/1/289.pdf.

[14] Shaw, M. (2021), International Law (9th ed.), Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/9781108774802, p. 431.

[15] “publicity, continued occupation, absence of interruption, aided no doubt generally both morally and legally by the employment of labour and capital . . . or the absence of any attempt to exercise proprietary rights by the former possessor”

[16] “that it is a well-established principle that it is necessary to abstain as much as possible from changing the order of things”

[17] Randall Lesaffer (2005), “Argument from Roman Law in Current International Law: Occupation and Acquisitive Prescription”, The European Journal of International Law Vol. 16 no.1. Retrieved from http://www.ejil.org/pdfs/16/1/289.pdf.

[18] Trần Hữu Duy Minh (2017), “Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ”. Retrieved from https://iuscogens-vie.org/2017/09/22/35/, ngày 16/1/2024

[19] Trần Hữu Duy Minh (2017), “Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ”. Retrieved from https://iuscogens-vie.org/2017/09/22/35/, ngày 16/1/2024

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑