[201] Ba điểm đáng chú ý trong hai Phán quyết ngày 14.7.2020 của Toà ICJ trong hai vụ việc liên quan đến Quyết định của Hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)

Thẩm quyền phúc thẩm của Toà ICJ – Phân biệt phản đối về thẩm quyền (jurisdiction) và phản đối về điều kiện thụ lý (admissibility) – Quy định chuyển tiếp giữa Toà PCIJ và Toà ICJ   *   

Ngày 04.7.2018, một nhóm các quốc gia ở Trung Đông khởi kiện Qatar ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), đề nghị Toà bác bỏ hai quyết định trước đó của Hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Cụ thể hai vụ kiện là: Vụ phúc thẩm liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng ICAO theo Điều 84 của Công ước Hàng không dân dụng quốc tế (Bahrain, Ai Cập, Arab Saudi và UAE v. Qatar) (gọi tắt là “Vụ ICAO-A”), và Vụ phúc thẩm liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng ICAO theo Điều 2, Mục 2 của Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh quốc tế (Bahrain, AI Cập và UAE v. Qatar) (gọi tắt là “Vụ ICAO-B”). Hai vụ việc này liên quan đến hai Công ước khác nhau, nhưng bản chất pháp lý là giống nhau. Do đó, trong hai phán quyết, lập luận của các bên và của Toà gần như giống nhau hoàn toàn.

Xem hồ sơ vụ việc, bao gồm Phán quyết và tóm tắt phán quyết tại đâyđây. Bài viết này không tóm tắt hai Phán quyết trên mà chỉ điểm ra một số điểm đáng chú ý.

Bài viết này xin đề cập đến hai điểm mà, trong giới hạn hiểu biết của tác giả, các tài liệu bằng tiếng Việt chưa đề cập đến: (1) thẩm quyền phúc thẩm quyết định của Hội đồng ICAO của Toà ICJ, (2) phân biệt giữa phản đối thẩm quyền và phản đối khả năng thụ lý, và (3) quy định chuyển tiếp giữa Toà ICJ và Toà PCIJ.

  1. Thẩm quyền phúc thẩm của Toà ICJ

Theo quy định của Quy chế Toà ICJ, Toà ICJ có hai thẩm quyền chính là thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và thẩm quyền cho ý kiến tư vấn (xem thêm post này).

Thông thường, trong hầu hết các vụ tranh chấp mà Toà ICJ, Toà ICJ được yêu cầu xem xét và giải quyết vấn đề thực chất của tranh chấp. Chỉ một số lượng nhỏ các vụ việc các bên yêu cầu Toà đóng vai trò phúc thẩm các phán quyết đã được một cơ quan tài phán quốc tế khác giải quyết. Phạm vi phúc thẩm của Toà ICJ phụ thuộc vào yêu cầu của các bên thông qua.

Trong ba vụ việc liên quan đến Hội đồng ICAO mà Toà ICJ từng xem xét, bao gồm hai vụ việc vừa ra phán quyết và một vụ tương tự vào năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan, phạm vi thẩm quyền phúc thẩm của Toà ICJ là không giới hạn. Theo Công ước Chicago năm 1944, bất kỳ quyết định nào của Hội đồng ICAO cũng có thể được yêu cầu phúc thẩm tại Toà ICJ, và phán quyết của Toà ICJ sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc.[1] Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh cũng dẫn chiếu lại quy định nêu trên.[2] Xem chi tiết ở Mục 3 bên dưới.

Trong hai vụ khác, các quốc gia yêu cầu Toà ICJ xem xét lại các phán quyết trọng tài. Trong Vụ liên quan đến Phán quyết trọng tài của Nhà vua Tây Ban Nha năm 1906 (Honduras v. Nicaragua) được Honduras đưa ra Toà vào năm 1958, theo thỏa thuận giữa hai nước, Toà ICJ được yêu cầu xem xét liệu phán quyết trọng tài năm 1906 phân định biên giới giữa hai nước có hiệu lực ràng buộc hay không. Toà ICJ kết luận rằng Phán quyết trọng tài này có hiệu lực ràng buộc và Nicaragua phải thực thi phán quyết. Trong vụ việc thứ hai – Vụ liên quan đến Phán quyết trọng tài ngày 31 tháng 7 năm 1989 (Guinea-Bissau v. Senegal) – Guinea-Bissau yêu cầu Toà ICJ tuyên bố Phán quyết phân định biển của toà trọng tài đưa ra vào năm 1989 là không có giá trị và vô hiệu. rằng: (1) Toà trọng tài có ba thành viên, hai thành viên ủng hộ phán quyết, nhưng trong hai thành viên đó có một thành viên thể hiện ý kiến trái với phán quyết trong một tuyên bố đính kèm phán quyết, do đó, các kết luận trong phán quyết thực chất không phải là kết luận của đa số, (2) Toà trọng tài được yêu cầu trả lời hai câu hỏi nhưng chỉ trả lời một cầu hỏi. Toà ICJ bác bỏ toàn bộ hai lập luận của Guinea-Bissau, và kết luận rằng Phán quyết trọng tài ngày 31 tháng 7 năm 1989 có hiệu lực và ràng buộc hai nước. Trong cả hai vụ việc, thẩm quyền phúc thẩm của Toà ICJ giới hạn trong việc xem xét giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài, chứ không xem xét nội dung thực chất của tranh chấp.

Các vụ việc trên cho chúng ta một góc nhìn rộng hơn về vai trò giải quyết tranh chấp của Toà ICJ. Toà ICJ có thể đóng vai trò cơ quan giải quyết tranh chấp, và cả cơ quan phúc thẩm các phán quyết trọng tài.

  1. Phân biệt phản đối thẩm quyền (jurisdiction) và phán đối về điều kiện thụ lý (admissibility)

Trong hai vụ liên quan đến Hội đồng ICAO, Toà cũng xác nhận lại các nhận định của mình trong các phán quyết mới liên quan đến vấn đề phân biệt giữa hai loại phản đối sơ bộ (preliminary objections) nêu trên.[3] Trong các vụ việc mà các bên cho rằng Toà ICJ không thể xem xét một tranh chấp, các quốc gia thường đưa ra hai loại phản đối: phản đối thẩm quyền (a preliminary objection to jurisdiction) và phản đối điều kiện thụ lý (a preliminary objection to admissibility). Trong Phán quyết năm 2008 cho Vụ liên quan đến việc áp dụng Công ước chống Diệt chủng giữa Croatia và Serbia, Toà ICJ từng chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa hai loại phản đối sơ bộ này như sau:

“Thực tiễn xét xử của Toà phân biệt rõ ràng hai loại phản đối này. Bất kể loại phản đối nào, hiệu lực của một phản đối sơ bộ đối với một đệ trình là, nếu được chấp nhận, tiến trình xét xử liên quan đến đệ trình đó sẽ chấm dứt; do đó Toà sẽ không tiếp tục xem xét nội dung thực chất của đệ trình này. Nếu là phản đối thẩm quyền, bởi vì thẩm quyền của Toà xuất phát từ sự đồng ý của các bên, phản đối này được đưa ra do Quốc gia phản đối cho rằng mình không chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà. Một phản đối sơ bộ về điều kiện thụ lý bao quát một loạt các vấn đề khác nhau hơn […] Về cơ bản, một phản đối như thế bao gồm một lập luận rằng kể cả khi Toà có thẩm quyền thì có lý do pháp lý để Tòa nên từ chối xem xét vụ việc, hoặc, thông thường hơn là xem xét một đệ trình cụ thể trong một vụ việc. Các lý do thông thường có nội dung cơ bản là vấn đề này nên được giải quyết in limine litis [trước khi được mang ra toà], ví dụ như trước khi xem xét nội dung thực chất của một vụ việc, có thể thấy rằng có vẻ không thoả mãn các quy định liên quan đến quốc tịch của đệ trình; chưa hoàn thành điều kiện về sử dụng hết các biện pháp tại chỗ; thoả thuận của các bên sử dụng một biện pháp giải quyết hoà bình khác; hay đệ trình mang tính giả định.”[4]

Screen Shot 2020-08-09 at 17.27.09

Trong Phán quyết trên, Toà cũng dẫn lại một đoạn trong Phán quyết năm 2003 của mình trong Vụ dàn khoan dầu giữa Iran và Mỹ như sau:

“Các phản đối về điều kiện thụ lý thông thường có hình thức một lập luận rằng: thậm chí nếu Toà có thẩm quyền, và các bằng chứng được Quốc gia nguyên đơn đưa ra có vẻ là đúng thật, thì cũng có lý do để Toà không nên tiến hành xem xét nội dung thực chất của vụ việc.”[5]

Screen Shot 2020-08-09 at 17.29.48

Tóm tại, phản đối thẩm quyền và phản đối điều kiện thụ lý khác nhau ở chỗ: phản đối thẩm quyền nhằm chứng mình Toà không có thẩm quyền bởi vì một trong các bên tranh chấp chưa chấp nhận thẩm quyền của Toà, còn phản đối về điều kiện thụ lý nhằm chứng minh dù Toà có thẩm quyền thì cũng có lý do để Toà không nên xem xét vụ việc. Điểm chung của hai loại phản đối là nếu được chấp nhận, Toà sẽ chấm dứt việc xem xét vụ việc, hoặc chấm dứt xem xét một đệ trình cụ thể.

  1. Quy định chuyển tiếp giữa Toà ICJ và Toà PCIJ

Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) là toà án của Hội Quốc Liên, và là tiền thân của Toà ICJ. Toà ICJ là toà án của Liên hợp quốc, được thành lập vào năm 1945 theo Hiến chương Liên hợp quốc. Trong khi đó, Công ước Chicago và Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh đều được ký kết vào năm 1944, trước khi Toà ICJ thành lập, nên quy định về giải quyết tranh chấp chỉ nhắc đến Toà PCIJ. Cụ thể, quy định xác lập thẩm quyền phúc thẩm của Toà PCIJ như sau.

Điều 84 của Chương XVII Công ước Chicago năm 1944 quy định về giải quyết tranh chấp như sau:

“Nếu bất kỳ bất đồng nào giữa hai hay nhiều Quốc gia ký kết liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước này và các Phụ lục không thể giải quyết thông qua đàm phán, bất đồng đó sẽ được Hội đồng giải quyết theo yêu cầu của bất kỳ bên liên quan nào… Theo Điều 85, bất kỳ Quốc gia ký kết nào cũng có thể nộp yêu cầu phúc thẩm quyết định của Hội đồng lên một toà trọng tài ad hoc theo thoả thuận với các bên tranh chấp khác or lên Toà án Thường trực Công lý Quốc tế….” (in đậm thêm vào)

Điều II, Mục 2 của Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh có quy định dẫn chiếu lại Chương XVII của Công ước Chicago như sau:

“Nếu bất kỳ bất đồng nào giữa hai hay nhiều Quốc gia ký kết liên quan đến giải thích hay áp dụng Hiệp định này không thể giải quyết bằng đàm phán, các quy định của Chương XVII của Công ước [Chicago] sẽ được áp dụng giống như đối với các bất đồng liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước nêu trên.”

Như vậy, cả Công ước Chicago và Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh đều trao cho Toà PCIJ thẩm quyền phúc thẩm của Toà PCIJ nếu các bên không đạt được thoả thuận thành lập toà trọng tài ad hoc.

Khi dự thảo Quy chế Toà ICJ, các quốc gia đã thấy trước yêu câu phải có quy định chuyển tiếp thẩm quyền giữa Toà PCIJ đang tồn tại và Toà ICJ chuẩn bị thành lập. Quy định chuyển tiếp này được ghi nhận tại Điều 37 Quy chế Toà ICJ, cụ thể như sau:

“Bất kỳ khi nào một điều ước quốc tế hay công ước đang có hiệu lực có quy định đệ trình một vấn đề lên một toà án đã được Hội Quốc Liên thành lập, hoặc lên Toà án Thường trực Công lý Quốc tế, trong quan hệ giữa các quốc gia là thành viên của Quy chế này, vấn đề đó sẽ được đệ trình lên Toà án Công lý quốc tế.”

Screen Shot 2020-08-09 at 17.33.14

Trong Vụ Công ty Bacelona, Toà giải thích mục đích chính của Điều 37 là (1) bảo vệ càng nhiều càng tốt các điều khoản xác lập thẩm quyền khỏi bị vô hiệu hoá khi Toà PCIJ bị giải thể, (2) bằng cách cho phép Toà ICJ tự động thay thế cho Toà PCIJ trong các quy định của các điều ước quốc tế giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia khác là thành viên Quy chế, (3) như vậy sẽ tránh được việc các quốc gia phải ký kết từng thoả thuận đặc biệt riêng lẻ để đệ trình tranh chấp.[6] Tóm lại, Toà cho rằng Điều 37 là “một cơ chế đặc biệt giữa các bên là thành viên Quy chế, theo đó sẽ tự động chuyển đổi các viện dẫn đến Toà án Thường trực trong các điều khoản thẩm quyền thành các viện dẫn đến Toà hiện tại.”[7] Toà xác nhận lại hiệp lực thay thế mà Điều 37 tạo ra trong Vụ Thềm lục địa Biển Aegean.[8] Đặt biệt là trong Vụ phúc thẩm liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng ICAO giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971 – vụ việc đầu tiên và duy nhất cho đến trước khi có hai Vụ ICAO này – Toà ICJ viện dẫn lại Vụ Công ty Bacelona và đơn giản khẳng định mình có thẩm quyền xem xét yêu cầu phúc thẩm.[9] Trong hai vụ ICAO này, Toà cũng xác nhận lại hiệu lực của Điều 37.[10]

Trần H.D. Minh

——————————————————————–

[1] Công ước Chicago năm 1944, Điều 84-86.

[2] Hiệp định về Dịch vụ quá cảnh năm 1944, Điều II.

[3] ICAO-A, tr. 23, đoạn 55; ICAO-B, tr. 23, đoạn 55.

[4] Vụ liên quan đến việc Áp dụng Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng (Croatia v. Serbia) (Phán quyết về Phản đối sơ bộ) [2008] ICJ Rep 412, tr. 456, đoạn 120.

[5] Vụ dàn khoan dầu (Iran v. Mỹ) (Phán quyết) [2003] ICJ Rep 161, tr. 177, đoạn 29.

[6] Vụ Công ty TNHH lực kéo, diện và năng lượng Bacelona (Bỉ v. Tây Ban Nha) (Phán quyết về Phản đối sơ bộ) [1964] ICJ Rep 6, tr. 31.

[7] Như trên.

[8] Vụ Thềm lục địa Biển Aegean (Hi Lạp v. Thổ Nhĩ Kỳ) [1978] (Phán quyết) ICJ Reports 1978 3, 15 [34].

[9] Vụ phúc thẩm liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng ICAO (Ấn Độ v. Pakistan) [1972] (Phán quyết) ICJ Reports 1972 46, 53 [15] và 60 [25].

[10] Phán quyết cho Vụ ICAO-A, 17 [28]; Vụ ICAO-B 16 [28].

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑