[202] Xét xử vắng mặt trong tài phán quốc tế: Quy định và thực tiễn

Cơ sở pháp lý xác lập thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế – Quy định áp dụng khi một bên vắng mặt – Một số vụ việc thực tế trước Toà ICJ, Toà ITLOS và Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS: Vụ Thẩm quyền đánh bắt cá (Iceland) – Vụ thử hạt nhân (Pháp) – Vụ Nicaragua v. Mỹ (Mỹ) – Vụ kiện Biển Đông (Trung Quốc) – Vụ tàu Arctic Sunrise (Nga)

Cơ sở pháp lý xác lập thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế

Một nguyên tắc cơ bản trong tài phán quốc tế là một cơ quan tài phán quốc tế chỉ có thẩm quyền xét xử một tranh chấp khi các bên tranh chấp chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán đó. Nguyên tắc này áp dụng cho cả các toà án thường trực (như Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) và Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)), và các toà trọng tài vụ việc (trọng tài ad hoc).

Sự chấp nhận thẩm quyền có thể đưa ra theo ba cách cơ bản sau: (1) tuyên bố đơn phương chấp nhận thẩm quyền, (2) tham gia vào một điều ước quốc tế có điều khoản bắt buộc chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế, và (3) ký kết các thoả thuận đặc biệt (special agreement) chấp nhận thẩm quyền liên quan đến một tranh chấp cụ thể. Phạm vi chính xác của việc chấp nhận thẩm quyền phụ thuộc vào nội dung của các tuyên bố, điều ước quốc tế hay thoả thuận đặc biệt nêu trên. Trong trường hợp chấp nhận thẩm quyền thông qua việc tham gia một điều ước quốc tế có điều khoản bắt buộc chấp nhận thẩm quyền, một yếu tố quan trọng cần xem xét đến là liệu các bên tranh chấp có bảo lưu điều khoản đó hay không.

Trong trường hợp các bên bất đồng về việc liệu một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền xét xử một tranh chấp hay không, chính cơ quan tài phán quốc tế đó sẽ có thẩm quyền để quyết định vấn đề này.

Xem thêm về vấn đề thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế tại post này.

Quy định áp dụng cho việc xét xử vắng mặt

Mặc dù, theo quy định chính các cơ quan tài phán mới có thẩm quyền xác định liệu mình có thẩm quyền xét xử hay không, không hiếm các trường hợp một quốc gia phản đối thẩm quyền của cơ quan tài phán đó bằng cách từ chối không tham gia quá trình tố tụng. Trong các trường hợp này, quy định chung của luật quốc tế là: việc vắng mặt của một bên không ảnh hưởng đến việc xét xử của cơ quan tài phán quốc tế.

Điều 53 Quy chế Toà ICJ quy định:

“1. Khi một bên không xuất hiện trước Toà, hoặc không trình bày lập luận của mình, bên còn lại có thể đề nghị Toà quyết định theo hướng có lợi cho các đệ trình của mình.

2. Trước khi quyết định, Toà phải tự thoả mãn không chỉ Toà có thẩm quyền phù hợp với Điều 36 và 37, mà còn bảo đảm đệ trình phải có căn cứ chắc chắn về bằng chứng và pháp lý.”

Tương tự, Quy chế của Toà ITLOS và Toà trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng quy định như thế. Điều 28 của Phụ lục VI UNCLOS, cũng là Quy chế Toà ITLOS, quy định rất rõ rằng:

“Khi một bên không xuất hiện trước Toà hoặc không trình bày lập luận của mình, bên còn lại có thể đề nghị Toà tiếp tục xét xử và đưa ra phán quyết. Việc vắng mặt của một bên hoặc việc không trình bày lập luận không tự mình ngăn cản tiến trình xét xử. Trước khi đưa ra quyết định, Toà phải tự thoả mãn không chỉ Toà có thẩm quyền đối với tranh chấp , và đệ trình phải có căn cứ vững chắc về bằng chứng và pháp lý.”

Điều 9 của Phụ lục VII UNCLOS quy định gần như nguyên văn như Điều 28 nêu trên.

Như vậy, bản thân việc một quốc gia từ chối tham gia tiến trình xét xử của một tranh chấp không có bất kỳ giá trị pháp lý để ngăn cản một cơ quan tài phán xét xử. Việc vắng mặt chỉ có thể xem là một cách thức bày tỏ thái độ phản đối về mặt chính trị và truyền thông. Mặc dù không có bất kỳ giá trị pháp lý nào, việc vắng mặt của một bên tạo ra khó khăn cho cơ quan tài phán quốc tế trong việc quá trình xét xử, ví dụ như khó khăn về việc thu thập bằng chứng và bảo đảo quyền cho bên vắng mặt.  Những khó khăn này xuất phát từ yêu cầu rằng phán quyết được ra phải “có căn cứ vững chắc về bằng chứng và pháp lý.”

Một số vụ việc mà một bên từ chối tham gia

Các vụ việc được tổng hợp từ danh sách vụ việc của Toà ICJ, Toà ITLOS và Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS.

Vụ Thẩm quyền đánh bắt cá (Anh/Đức v. Iceland). Năm 1972, Anh và Đức khởi kiện Iceland ra Toà ICJ, cáo buộc việc Iceland dự kiến mở rộng vùng đặc quyền đánh bắt cá của mình từ 12 hải lý thành 50 hải lý vi phạm quyền của hai nước này. Iceland cho rằng Toà ICJ không có thẩm quyền và từ chối tham gia tiến trình tố tụng. Năm 1973, Toà ICJ ra Phán quyết khẳng định mình có thẩm quyền. Năm 1974 Toà ra Phán quyết về nội dung, xác định hành vi của Iceland vi phạm luật quốc tế. Xem toàn bộ hồ sơ vụ việc tại đây.

Vụ Thử hạt nhân (Australia/New Zealand v. Pháp). Năm 1973, Australia và New Zealand khởi kiện Pháp ra Toà ICJ vào năm 1972 cáo buộc Pháp vi phạm các quy định của luật quốc tế khi tiến hành thử vũ khí hạt nhân trên không ở vùng biển Nam Thái Bình Dương. Pháp từ chối tham gia. Mặc dù không tham gia, các quan chức cấp cao của Pháp đã ra hàng loạt các tuyên bố đơn phương nêu rõ cam kết không tiếp tục thử vũ khí hạt nhân trên không nữa (xem thêm post này về hiệu lực của tuyên bố đơn phương). Năm 1974, Toà ICJ ra phán quyết công nhận các tuyên bố đơn phương này cấu thành một nghĩa vụ pháp lý ràng buộc nước Pháp. Bởi vì Pháp sẽ không thử hạt nhân trên không nữa nên Australia và New Zealand đã đạt được mục đích khi khởi kiện. Tranh chấp không còn thực sự tồn tại. Dựa trên cơ sở đó, Toà ICJ không xem xét các đệ trình thực chất của hai nước. Xem toàn bộ hồ sơ vụ việc tại đây.

Vụ hoạt động bán quân sự và quân sự của Mỹ chống lại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ). Năm 1984, Nicaragua khởi kiện Mỹ ra Toà ICJ cáo buộc Mỹ vi phạm hàng loạt các quy định tập quán quốc tế như nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Mỹ cho rằng Toà ICJ không có thẩm quyền vì khi chấp nhận thẩm quyền của Toà Mỹ đã bảo lưu thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến các điều ước đa phương, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc – là điều ước đa phương ghi nhận các nguyên tắc nêu trên. Mỹ tham gia vào giai đoạn xem xét thẩm quyền của Toà. Nhưng sau khi Toà ra phán quyết vào năm 1984 bác bỏ lập luận của Mỹ và xác nhận Toà có thẩm quyền xét xử tranh chấp chấp, Mỹ từ chối tham gia vào giai đoạn xét xử nội dung thực chất. Mặc dù, cũng là từ chối tham gia nhưng việc Mỹ xuất hiện trong giai đoạn đầu là một bước đi đáng hoang nghêng, thể hiện sự tôn trọng tối thiểu của một quốc gia đối với luật pháp quốc tế và Toà ICJ. Xem toàn bộ hồ sơ vụ việc tại đây.

Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc). Năm 2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc theo thụ tục trọng tài quy định tại Phụ lục VII UNCLOS, cáo buộc Trung Quốc vi phạm hàng loạt các quyền trên biển của Philippines theo quy định của UNCLOS. Trung Quốc từ chối tham gia tiến trình tố tụng, tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của Toà trọng tài và không công nhận phán quyết của Toà trọng tài. Khác với Mỹ trong Vụ Nicaragua v. Mỹ nêu trên, Trung Quốc không tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình Toà trọng tài xem xét vụ việc. Năm 2015, Toà trọng tài ra Phán quyết về Thẩm quyền và Điều kiện thụ lý, xác định mình có thẩm quyền với hàng loạt các đệ trình của Philippines. Năm 2016, Toà trọng tài ra Phán quyết về nội dung, vừa xác nhận thẩm quyền đối với các đệ trình còn lại vừa kết luận nội dung thực chất của các đệ trình mà Toà có thẩm quyền xem xét. Xem loạt post về Vụ kiện Biển Đông tại đây. Xem toàn bộ hồ sơ vụ việc tại đây.

Vụ tàu Arctic Sunrise (Hà Lan v. Nga). Năm 2013, Hà Lan khởi kiện Nga theo thủ tục trọng tài quy định tại Phụ lục VII UNCLOS, cáo buộc Nga vi phạm các quy định của UNCLOS khi bắt giữ tàu Arctic Sunrise mang cờ Hà Lan cùng với thuỷ thủ đoàn. Trong khi chờ Toà trọng tài thành lập, Hà Lan đệ trình yêu cầu lên Toà ITLOS đề nghị Toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (xem tại đây). Nga từ chối tham gia tiến trình tố tụng. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc trong Vụ kiện Biển Đông nêu trên, Nga có gửi trực tiếp một công hàm đến Toà ITLOS – khi Toà xem xét vấn đề thẩm quyền prima facie theo thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong công hàm đó, Nga có trình bày ngắn gọn lập luận chứng minh Toà không có thẩm quyền. Nguyên nhân từ chối tham gia có vẻ xuất phát từ việc Nga cảm thấy Hà Lan không thiện chí trong quá trình trao đổi để giải quyết vụ việc qua kênh ngoại giao, và bất ngờ khởi kiện khi các bên có thời gian để tìm hiểu vụ việc, và trao đổi quan điểm đầy đủ (Hà Lan khởi kiện Nga 16 ngày sau khi tàu bị bắt giữ, và 9 ngày sau khi gửi Nga công hàm đầu tiên về vụ việc). Năm 2013, Toà ITLOS ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Năm 2015, Toà trọng tài ra Phán quyết xác định mình có thẩm quyền xét xử vụ việc. Năm 2016, Toà trọng tài ra Phán quyết về nội dung. Năm 2017, Toà ra Phán quyềt về vấn đề bồi thường. Mặc dù từ chối tham gia, ở mức độ nhất định, Nga có cách tiếp cận rất thiện chí khi tự thả tàu Arctic Sunrise cùng thuỷ thủ đoàn, và ký thoả thuận bồi thường với Hà Lan.[1] Như vậy, ngoài mặt Nga từ chối tham gia, trong khi thực chất lại tuân thủ Phán quyết của Toà trọng tài. Đây là điều đáng hoan nghêng, ít nhất thể hiện được sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và tài phán quốc tế. Xem toàn bộ hồ sơ vụ việc tại đây.

Điểm chung của các vụ việc trên là, trừ Vụ Thử hạt nhân, tất cả các bên vắng mặt đều là bên thua trong vụ kiện. Nói chính xác hơn, các bên vắng mặt là các bên được xác định vi phạm luật quốc tế.

Trần H. D. Minh

—————————————————————-


[1] Phạm Lan Dung & Trần Hữu Duy Minh, “Phán quyết của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc: Tiến trình, Nội dung và Giá trị pháp lý”, in trong Nguyễn Hồng Thao (chủ biên), Luật quốc tế và những vấn đề thực tiễn tại Việt Nam (NXB. Thanh Niên 2020), tr. 65-100.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑