Các cơ quan tài phán quốc tế – Nguyên tắc xác lập thẩm quyền – Cách thức thể hiện sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền – Vì sao Philippines kiện được Trung Quốc mà Việt Nam thì không?
Câu hỏi trên được nhiều người đặt ra trong những năm gần đây khi tình hình Biển Đông trở nên nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặt biệt là những người không có chuyên môn luật quốc tế. Nếu được diễn đạt chính xác và chặt chẽ hơn, câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao Việt Nam không thể sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để đòi lại chủ quyền lãnh thổ trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
1. Các cơ quan tài phán quốc tế
Các cơ quan tài phán quốc tế thường chỉ đến tòa án quốc tế và trọng tài quốc tế. Tòa án quốc tế là cơ quan tài phán thường trực với các thẩm phán thường trực. Nổi tiếng nhất có thể kể đến là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS). Tòa ICJ là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, được thành lập theo Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Tòa có 15 thẩm phán, được lựa chọn trên cơ sở phân chia khu vực địa lý, có nhiệm kỳ 9 năm. Thầm phán Tòa ICJ do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn có người trong Tòa ICJ. Tòa ITLOS được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tòa có 21 thẩm phán, được Hội nghị các Quốc gia Thành viên Công ước (SPLOS) lựa chọn trên cơ sở phân chia khu vực địa lý, có nhiệm kỳ 9 năm.
Khác với tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế không phải là một cơ quan tài phán thường trực. Trọng tài quốc tế mang tính chất vụ việc (ad hoc), có nghĩa là trọng tài quốc tế được thành lập khi có tranh chấp và sẽ tự động giải tán khi giải quyết xong tranh chấp đó. Số lượng trọng tài viên thường là số lẻ, 03 hoặc 05 người, do các quốc gia lựa chọn. Thủ tục xét xử linh hoạt hơn, và do các quốc gia quyết định. Ví dụ gần đây nhất về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế là Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
2. Nguyên tắc xác lập thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế
Mặc dù có sự tồn tại của các cơ quan tài phán quốc tế, các cơ quan này không có thẩm quyền đương nhiên để giải quyết tranh chấp (xem thêm post về Thẩm quyền của các tòa án quốc tế: ICJ và ITLOS). Ví dụ, Tòa ICJ là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc nhưng không có nghĩa là Tòa này có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Các cơ quan tài phán quốc tế chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia khi và chỉ khi có sự đồng ý của các quốc gia liên quan. Nói cách khác, không một quốc gia nào có thể bị mang ra trước cơ quan tài phán quốc tế mà không có sự đồng ý của quốc gia đó. Đây là nguyên tắc cứng và tuyệt đối. Đây là một đặc trưng cơ bản của giải quyết tranh chấp quốc tế, khác hẳn với pháp luật quốc gia. Trong pháp luật quốc gia, một người không cần sự đồng ý của người khác để có thể khởi kiện người đó ra trước tòa án. Các vụ kiện trong pháp luật quốc gia thường là khởi kiện đơn phương. Trong khi đó, đơn phương khởi kiện mà không có sự đồng ý của quốc gia liên quan sẽ không được các cơ quan tài phán quốc tế chấp nhận.
Áp dụng vào tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cần phải có sự đồng ý của các quốc gia tranh chấp khác để có thể mang một vụ kiện ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là Trung Quốc, Philippines, Brunei và Malaysia. Điều này là gần như không có khả năng do Trung Quốc luôn luôn kiên quyết chỉ giải quyết tranh chấp ở Biên Đông qua đàm phán và hiệp thương chính trị, và tuyệt đối không chấp nhận biện pháp tài phán. Không có sự đồng ý của Trung Quốc, không một cơ quan tài phán quốc tế nào sẽ có thẩm quyền xét xử với đơn kiện đơn phương của Việt Nam.
3. Cách thức các quốc gia đồng ý chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế
Sự đồng ý của các quốc gia có thể được đưa ra trước hoặc sau khi có tranh chấp. Trước khi tranh chấp phát sinh các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau để chấp nhận thẩm quyền của một cơ quan tài phán quốc tế dự trù cho các tranh chấp có thể phát sinh trong tương lại. Ví dụ như thông qua việc tham gia vào UNCLOS các quốc gia đã đồng ý chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của các cơ quan tài phán quốc tế trong các tranh chấ sẽ phát sinh trong tương lai. Nếu không có thỏa thuận trước thì sau khi tranh chấp pháp sinh các quốc gia cũng có thể ký một “thỏa thuận đặc biệt” (special agreement) để cùng mang tranh chấp cụ thể đó lên cơ quan tài phán quốc tế mà các bên lựa chọn. Ví dụ như trường hợp các thỏa thuận đặt biệt được ký kết giữa các quốc gia liên quan để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo giữa Indonesia và Maylaysia năm 1997, và giữa Malaysia và Singapore năm 2003.[1]
Sự đồng ý cũng có thể thông qua thỏa thuận như nêu ở trên hoặc thông qua tuyên bố đơn phương. Các quốc gia có quyền, tại bất kỳ thời điểm nào, đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa ICJ.[2] Nếu tranh chấp phát sinh và các bên liên quan đều có tuyên bố chấp nhận thẩm quyền cùng một thời điểm hoặc không cùng thời điểm nhưng các tuyên bố đó vẫn còn hiệu lực thì Tòa ICJ cũng có thẩm quyền xem xét tranh chấp.
Sự đồng ý của các quốc gia chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế có thể rộng hoặc hẹp tùy ý chí của các quốc gia.
4. Vì sao Philippines kiện được Trung Quốc?
Sẽ có người nói rằng vì sao Việt Nam không thể khởi kiện Trung Quốc trong khi Philippines lại làm được? Có hai yếu tố quyết định vì sao Philippines kiện được và kiện thành công Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài ngay tại thời điểm nước này phê chuẩn UNCLOS 1982. UNCLOS 1982 đã có quy định buộc các quốc gia phải chấp nhận trước thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế, kể cả khi tại thời điểm nước đó phê chuẩn nước đó không hề có bất kỳ tranh chấp nào với bất kỳ quốc gia nào khác. Như vậy việc Philippines “đơn phương” khởi kiện Trung Quốc không có nghĩa là khởi kiện mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Thứ hai, các vấn đề mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài xem xét được thiết kế để không liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Trường Sa. Bởi lẽ theo quy định của UNCLOS, và Philippines biết quy định đó, Tòa trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS (nói cách khác, tranh chấp về biển). UNCLOS điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trên biển; trong khi vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ do một ngành luật khác quy định – luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài. Nói nôm na là chúng ta không thể mang vấn đề tranh chấp hôn nhân-gia đình ra tòa lao động để xét xử.
Tóm lại, Việt Nam khó kiện ra cơ quan tài phán quốc tế để đòi chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là do khó có thể thuyết phục các quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt là Trung Quốc, chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế.
Trần H. D. Minh
————————————————————————–
[1] Thỏa thuận đặc biệt giữa Indonesia và Malaysia ngày 31/05/1997 trong Vụ tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia/Malaysia), Tòa ICJ, Phán quyết năm 2002, đoạn 1 – 2; Thỏa thuận đặc biệt giữa Malaysia và Singapore ngày 06/01/2003 trong Vụ Tranh chấp chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore), Tòa ICJ, Phán quyết năm 2008, đoạn 1 – 2. [2] Quy chế Tòa ICJ, Điều 36.
cho em hỏi là tranh chấp quốc tế nào mà Việt Nam lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng trọng tài quốc tế chưa ạ?
Chào bạn Ngô Thế Huân,
Mình không có thông tin cho thấy Việt Nam từng lựa chọn sử dụng biện pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp quốc tế. Điều này không có nghĩa là không có vụ kiện trọng tài nào, mà có thể là có những vụ kiện mà thủ tục yêu cầu xét xử kín.
Duy Minh
Em chào thầy ạ,
Việc Philippines kiện được Trung Quốc là do Trung Quốc đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa khi ký kết UNCLOS. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thành viên của UNCLOS, vì vậy theo em hiểu thì Trung Quốc vẫn đang chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế; đồng nghĩa với việc Việt Nam vẫn có thể kiện được Trung Quốc do Trung Quốc đồng ý/chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán. Qua đó, em thấy cách hiểu này của em có phần khác so với trên.
Thầy có thể làm rõ ý này giúp em được không ạ?
Em cảm ơn thầy.
Quỳnh Vũ
Chào Epiphyllum,
Cách hiểu của em là chính xác: Trung Quốc vẫn đang là thành viên của UNCLOS và Việt Nam có thể khởi kiện nước này đối với các tranh chấp liên quan đến “giải thích và áp dụng Công ước”. Bài viết có giải thích rõ sự khác nhau giữa tranh chấp về giải thích, áp dụng Công ước và tranh chấp chủ quyền, và bài viết chỉ nói về tranh chấp chủ quyền. Đây là hai loại tranh chấp khác nhau, được điều chỉnh bởi hai ngành luật khác nhau. Thẩm quyền của các cơ quan tài phán theo UNCLOS chỉ liên quan đến tranh chấp về giải thích, áp dụng Công ước, không mở rộng ra với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Em xem đoạn gần cuối này nhé: “[…] các vấn đề mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài xem xét được thiết kế để không liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Trường Sa. Bởi lẽ theo quy định của UNCLOS, và Philippines biết quy định đó, Tòa trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS (nói cách khác, tranh chấp về biển). UNCLOS điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trên biển; trong khi vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ do một ngành luật khác quy định – luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài. Nói nôm na là chúng ta không thể mang vấn đề tranh chấp hôn nhân-gia đình ra tòa lao động để xét xử.”
Duy Minh
Thưa thầy nếu Việt Nam sử dụng muốn sử dụng chức năng tư vấn của ICJ về chủ quyền biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể đặt những câu hỏi như thế nào cho ỊC ạ . Thầy có thể cho em xin một vài câu hỏi tư vấn VN có thể đặt ra cho ICJ về các vấn đề trên không ạ ?