[139] Quyết định ngày 14.06.2019 của Toà ICJ bác bỏ yêu cầu của UAE áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Qatar trong Vụ Qatar v. UAE

Nội dung yêu cầu của UAE – Lý do Tòa ICJ bác bỏ yêu cầu của UAE – Ý kiến khác của các thẩm phán

Ngày 11.06.2018, Qatar khởi kiện UAE ra Toà ICJ cáo buộc UAE vi phạm Công ước về Loại trừ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), đồng thời nộp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với UAE. Ngày 23.07.2018, Toà ICJ chấp nhận một phần yêu cầu của Qatar, quyết định áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời với UAE.

Ngày 22.03.2019, UAE yêu cầu Toà ICJ áp dụng biện pháp tạm thời đối với Qatar nhằm “bảo đảm các quyền thủ tục của UAE” và “ngăn chặn Qatar làm trầm trọng hóa hoặc mở rộng tranh chấp giữa hai bên”. Ngày 14.06.2019, Toà ICJ ra quyết định bác bỏ yêu cầu của UAE (xem toàn văn Quyết định, tóm tắt của Ban thư ký Toà).

Như vậy, trong vụ kiện này, cả hai bên đã có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với nhau, nhưng chỉ có Qatar thành công thuyết phục Toà ICJ.

PM no. 2 Qatar UAE

Nội dung yêu cầu của UAE

UAE yêu cầu Tòa áp dụng bốn biện pháp:[1]

  • Qatar phải ngay lập tức rút khiếu nại (communication) của nước này chống lại UAE trước Uỷ ban CERD – Uỷ ban được thành lập để giám sát việc thực thi Công ước CERD – và có biện pháp chấm dứt việc xem xét khiếu nại đó của Uỷ ban này. Biện pháp này nhằm bảo vệ quyền về thủ tục của UAE và hơn nữa, là quyền của UAE không bị buộc phải tham gia vào hai thủ tục giải quyết tranh chấp song song trước Tòa ICJ và Ủy ban CERD.[2]
  • Qatar phải ngay lập tức chấm dứt việc ngăn cản UAE hỗ trợ công dân Qatar, bao gồm việc không chặn truy cập từ lãnh thổ của Qatar vào website của UAE để nộp xin thị thực quay lại UAE. Hành vi của Qatar đã vô hiệu hóa các biện pháp mà UAE tiến hành để thực thi Quyết định ngày 23.7.2018 của Tòa ICJ, và tạo ra ấn tượng sai lầm rằng UAE cưỡng chế thi hành lệnh cấm đi lại đối với người Qatar.[3]
  • Qatar phải ngay lập tức ngăn chặn các cơ quan nhà nước và các hãng truyền thông được Nhà nước Qatar tài trợ, kiểm soát và sở hữu tuyên truyền các cáo buộc sai sự thật về UAE và các vấn đề tranh chấp, qua đó, đã làm trầm trọng hoá và mở rộng tranh chấp, khiến cho việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn;
  • Qatar phải kiềm chế không có bất kỳ hành động nào làm trầm trọng và mở rộng tranh chấp mà Toà ICJ đang xem xét.

Lý do Toà ICJ bác bỏ yêu cầu của UAE

Theo Điều 41 Quy chế Tòa, Tòa có quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thòi nhằm bảo đảm quyền của bất cứ bên nào trong tranh chấp đang được Tòa xem xét: “The Court shall have the power to indicate, if it considers that circumstances so require, any provisional measures which out to be taken to preserve the respective rights of either party”. Trên cơ sở Điều 41, Tòa đã cụ thể hóa trong án lệ của mình thành năm yếu tố cần thỏa mãn để Tòa có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: (1) thẩm quyền sơ bộ (prima facie), (2) có căn cứ cho thấy bên yêu cầu có quyền pháp lý là đối tượng cần bảo vệ, (3) có nguy cơ tổn hại không thể khắc phục đối với quyền đó, (4) tình huống có tính khẩn cấp, và (5) có mối liên hệ giữa quyền bị ảnh hưởng và biện pháp được yêu cầu (xem thêm tại post này).

Trong vụ việc này, Toà đã quyết định mình có thẩm quyền prima facie trong Quyết định ngày 23.07.2019 áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với UAE theo yêu cầu của Qatar. Không có lý do cần thiết phải xem xét lại vấn đề thẩm quyền prima facie khi xem xét yêu cầu của UAE.[4]

Với 15 phiếu thuận, 01 phiếu chống, Toà ICJ bác bỏ yêu cầu của UAE với lý do:

  • Đối với biện pháp (1) và (2) theo yêu cầu của UAE, Tòa không thấy hai biện pháp này là nhằm bảo vệ quyền gì của UAE theo Công ước CERD.[5] Hai biện pháp này không thoả mãn điều kiện thứ hai về việc chứng minh bên yêu cầu có quyền pháp lý cần bảo vệ. Kết luận này của Tòa là hợp lý vì UAE không viện dẫn ra được bất kỳ quyền nào của nước này theo CERD mà UAE cho rằng cần phải được bảo vệ.
  • Biện pháp (3) và (4) nhằm ngăn chặn tranh chấp bị trầm trọng hoá. Toà cho rằng biện pháp ngăn chặn tranh chấp bị trầm trọng hoá “chỉ có thể được áp dụng như một biện pháp bổ sung đi kèm với một biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền của các bên”. Do Toà không thấy cần thiết phải áp dụng bất kỳ biện pháp cụ thể nào, do đó, cũng không cần thiết áp dụng biện pháp bổ sung ngăn chặn tranh chấp bị trầm trọng hoá.[6] Hơn nữa, trong Quyết định ngày 23.07.2018, Toà đã yêu cầu các bên không làm trầm trọng hay mở rộng tranh chấp rồi.[7]

Ý kiến khác của các thẩm phán

Mặc dù ủng hộ quyết định của Toà, Phó chánh án, Thẩm phán Xue cho rằng đáng nhẽ Toà nên cẩn trọng hơn khi tuyên bố rằng biện pháp ngăn chặn tranh chấp bị trầm trọng hoá hay mở rộng là một biện pháp bổ sung, và chỉ có thể áp dụng đi kèm với một biện pháp cụ thể. Xue cho rằng mặc dù quan điểm trên là sự tiếp nối của xu hướng của Toà trong các án lệ gần đây, nhưng việc khẳng định quá rõ ràng như thế sẽ có thể “trói tay” Toà trong tương lại. Ý kiến của Thẩm phán Xue hợp lý trong chừng mực rằng Tòa ICJ không cần thiết và cũng không có lý do xác đáng để nhất định phải “hạ cấp” biện pháp này xuống thành “biện pháp bổ sung”. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp này phù hợp với nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, mà Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng đã giải thích rằng:

“Các Quốc gia là bên trong tranh chấp, cùng như các Quốc gia khác phải kiềm chế không có hành động có thể làm trầm trọng hóa tình huống cũng như đe dọa đến việc duy trình hòa bình và an ninh quốc tế” (xem thêm post này).

Trong Tuyên bố chung của Tomka, Gaja và Gevorgian, ba thẩm phán đồng ý với quyết định của Toà nhưng bác bỏ lập luận của Toà. Ba thẩm phán cho rằng yêu cầu của UAE bị bác bỏ bởi vì Toà không có thẩm quyền prima facie do tranh chấp giữa hai nước không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước CERD. Thẩm phán Salam cũng có quan điểm tương tự. Về vấn đề này, xem thêm bài viết về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 23.7.2018.

Trần H. D. Minh

English summary: The Order of the Court to reject the request to indicate provisional measures submitted by UAE is reasonable as there is no plausible rights to be protected by the measures requested by the UAE. However, as Vice-President Xue reasonably stated in her declaration, the Court seemed to be over-reached when it “downgraded” the measure of non-aggravation to “an addition to specific measures”. In reaching its conclusion, there is no real need or compelling reason for the Court to make such an statement. Moreover, the non-aggravation measures are in line with the interpretation of the UNGA Resolution 2625 (1970) of the principle of peaceful settlement of disputes, which includes a duty that: “States parties to an international dispute, as well as other States, shall refrain from any action which may aggravate the situation so as to endanger the maintenance of international peace and security, and shall act in accordance with the purposes and principles of the United Nations.” (emphasis added). 

——————————————————————

[1] Vụ liên quan đến việc áp dụng Công ước chống Phân biệt chủng tộc (Qatar v. UAE), Quyết định về yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa ICJ ngày 14.06.2019, đoạn 8.   [2] Như trên, đoạn 19.   [3] Như trên, đoạn 20.   [4] Như trên, đoạn 16.   [5] Như trên, đoạn 27.   [6] Như trên, đoạn 28.   [7] Như trên, đoạn 29.

1 bình luận về “[139] Quyết định ngày 14.06.2019 của Toà ICJ bác bỏ yêu cầu của UAE áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Qatar trong Vụ Qatar v. UAE

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: