[143] Quyết định ngày 06.07.2019 của Tòa ITLOS áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ M/T San Padre Pio giữa Thụy Sĩ và Nigeria

Bối cảnh – Vì sao Tòa ITLOS có thẩm quyền quyết định trong một vụ kiện trước Tòa trọng tài? – Các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời – Kết luận của Tòa

1. Bối cảnh

Ngày 06.5.2019, Thủy Sĩ gửi Nigeria thông báo khởi kiện Nigeria theo thủ tục tại Phụ lục VII, Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) liên quan đến việc Nigeria bắt giữ tàu M/T San Padre Pio hơn một năm trước đó. Ngày 21.05.2019, Thụy Sĩ viện dẫn Điều 290 UNCLOS đề nghị Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tranh chấp bắt đầu từ việc Hải quân Nigeria bắt giữ tàu San Padre Pio mang cờ của Thụy Sĩ trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nigeria vào ngày 23.01.2018, với cáo buộc tàu này “dính líu đến một trong các vụ việc sang mạn dầu khí từ tàu sang tàu (ship-to-ship ‘STS’ transfers of gasoil)”.[1] Số dầu khí này dự kiến được chuyển đến Ụ Odudu (Odudu Terminal) do Công ty Total vận hành trên vùng EEZ của Nigeria. Theo Thụy Sĩ, tàu San Padre Pio bị bắt tại vị trí cách bờ biển Nigeria 32 hải lý – tức là khả năng cao là nằm ngoài lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của Nigeria, và không nằm trong phạm vi vùng an toàn của bất kỳ công trình nhân tạo nào.

Theo Nigeria, tàu San Padre Pio không có đủ giấy tờ cho phép thực hiện việc sang mạn dầu khí theo quy định của Nigeria. Tày này được chuyển về cảng biển của Nigeria, nhân viên bị tạm giữ để điều tra. Cơ quan chức năng của Nigeria cáo buộc thuyền trưởng, ba cán bộ và tàu này “vào ngày 23 tháng 01 năm 2018 tại Ụ Odudu tại khu vực Bonney … đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi vi phạm về phân phối, kinh doanh sản phảm dầu khí mà không có giấy phép hợp pháp” (đoạn 33, 34), “cung cấp giấy tờ không chính xác cho Hải quân” (đoạn 38). Bốn người này sau đó được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh, tuy nhiên, theo phía Thụy Sĩ, họ vẫn bị buộc ở lại tàu, không được tham gia các phiên tòa, không được rời tàu kể cả trong trường hợp khẩn cấp y tế (đoạn 40).

Trong thời gian bị tạm giữ và được Hải quân Nigeria bảo vệ, tàu San Padre Pio bị cướp vũ trang tấn công.

Xem Quyết định ngày 06.7.2019 của Tòa ITLOS: toàn văn, tóm tắt. Tuyên bố đi kèm với Quyết định của các Thẩm phán Kittichaisaree, Kolodkin, Chadha và Cabello, Ý kiến riêng của Thẩm phán Heidar, thẩm phán ad hoc Murphy, Petrig, và Ý kiến phản đối của các Thẩm phán Bouguetaia, Gao, Lucky, và Kateka.

PM San Padre Pio

2. Vì sao vụ kiện đệ trình lên Tòa trọng tài mà Tòa ITLOS lại có thẩm quyền ra quyết định?

Khoản 1, Điều 290 quy định rằng trong giai đoạn chờ phán quyết cuối cùng, biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được cơ quan tài phán đưa ra nếu cơ quan tài phán đó có thẩm quyền sơ bộ (prima facie jurisdiction) và nhằm mục đích bảo vệ các quyền của bên tranh chấp hoặc ngăn chặn tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường biển. Tranh chấp giữa Thụy Sĩ và Nigeria được đệ trình lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS, do đó, Tòa trọng tài sẽ có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tuy nhiên, việc thành lập tòa trọng tài cần thời gian, do đó, trong giai đoạn chờ thành lập tòa, thẩm quyền này sẽ thuộc về Tòa ITLOS – một tòa án thường trực (Khoản 5, Điều 290, UNCLOS).

3. Các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Để có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa ITLOS cần thỏa mãn bốn điều kiện sau (xem thêm Thẩm quyền của các tòa án quốc tế: Tòa ICJ và ITLOS):

  1. Tòa có thẩm quyền sơ bộ (prima facie jurisdiction);
  2. Có nguy cơ thực sự và nhãn tiền (real and imminent risks) có thể gây tổn hại không thể khắc phục được (irreparable damage) đến quyền của các bên hoặc đến môi trường biện, theo đó, cần chứng minh thêm yếu tố tính khẩn cấp (urgency);
  3. Quyền cần bảo vệ ít nhất có cơ sở để xác lập (at least plausible);
  4. Có liên hệ giữa quyền cần bảo vệ và biện pháp được áp dụng.

Tùy từng vụ việc mà cơ quan tài phán có thể gộp, tách hoặc chỉ nhấn mạnh đến một số điều kiện quan trọng theo bối cảnh vụ việc.

4. Kết luận của Tòa ITLOS

4.1. Về các điều kiện cần thiết để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Về thẩm quyền sơ bộ, Tòa ITLOS cho rằng xét một cách sơ bộ, giữa Thụy Sĩ và Nigeria có tranh tranh về giải thích và áp dụng Công ước,[2] đã thỏa mãn điều kiện về trao đổi quan điểm theo Điều 283 dù Nigeria không phản hồi các công hàm của Thụy Sĩ.[3] Do đó, Tòa cho rằng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS có thẩm quyền sơ bộ đối với vụ kiện này (đoạn 76).

Tòa ITLOS tiếp tục xem xét tính khẩn cấp của tình hình (urgency of the situation), bao gồm xem xét đến liệu quyền cần bảo vệ có cơ sở để xác lập hay không, và liệu  có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục. Một, Tòa ITLOS cho rằng các quyền mà Thụy Sĩ muốn bảo vệ – quyền tự do hành hải và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác theo Điều 58 trên vùng EEZ của Nigeria – là có cơ sở để xác lập.[4] Tòa không thấy cần thiết phải xem xét thêm liệu các quyền khác mà Thụy Sĩ cáo buộc là có cơ sở hay không, bao gồm các quyền theo ICCPR, và Công ước về Lao động hàng hải năm 2006.[5] Hai, Tòa đồng ý với Thụy Sĩ rằng nếu Tòa trọng tài xác định là Nigeria vi phạm quyền tự do hàng hải của Thụy Sĩ thì sẽ là một thiệt hại không thể khắc phục bằng tài chính, do đó, việc bắt giữ và giam giữ tàu San Padre Pio cùng thủy thủ và hàng hóa cấu thành một nguy cơ gây ra thiệt hại,[6] và nguy cơ này là thực sự và nhãn tiền trong bối cảnh tàu bị cướp vũ trang tấn công và tình hình cướp biển và cướp có vũ trang nghiêm trọng tại vùng biển này.[7] Do đó, Tòa xác định có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục trong hoàn cảnh hiện nay của vụ việc (đoan 131).

4.2. Về lựa chọn biện pháp khẩn cấp tạm thời thích hợp

Thụy Sĩ yêu cầu Nigeria cung cấp nhiên liệu và thả tàu San Pdre Pio, thả thuyền trưởng và ba cán bộ, và cho phép họ rời khỏi Nigeria, và yêu cầu Nigeria tạm dừng mọi biện pháp tố tụng và hành chính hiện nay (đoạn 134). Tòa chấp nhận một phần lớn các yêu cầu với một số điều chỉnh để đáp ứng các quan ngại hợp lý của Nigeria. Tòa quyết định: Về phía Nigeria, nước này sẽ thả và cho phép rời khỏi Nigeria đối với tàu, hàng hóa, thuyền trưởng và thủy thủ của tàu San Padre Pion; về phía Thụy Sĩ, nước này phải ký bảo lãnh trị giá 14 triệu USD và bảo đảm rằng thuyền trưởng và thủy thủ của tàu sẽ quay lại Nigeria để bị xét xử nếu tòa trọng tài kết luận Nigeria không vi phạm UNCLOS (đoạn 146).

Trần H. D. Minh

—————————————————————–

[1] Xem tóm tắt diễn biến vụ việc tại Vụ M/T San Padre Pio (Thụy Sĩ v. Nigeria) [2019] (Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) ITLOS [30]-[41].   [2] Như trên, [61].   [3] Như trên, [75].   [4] Như trên, [108].   [5] Như trên, [109].  [6] Như trên, [128].   [7] Như trên, [129].

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: