Lịch sử tranh chấp – Vấn đề pháp lý trọng tâm – Liệu Guyana và Venezuela có bắt buộc phải chấp nhận lựa chọn Toà ICJ của Tổng thư ký Liên hợp quốc? – Liệu sự lựa chọn của Tổng thư ký có tương đương với việc hai nước đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Toà ICJ? – Vấn đề Venezuela không tham gia tố tụng
* Ngày 18.12.2020, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết về thẩm quyền trong Vụ Phán quyết trọng tài ngày 03 tháng 10 năm 1899 giữa Guyana và Venezuela (xem nguyên văn phán quyết (eng) và tóm tắt phán quyết (eng)). Vụ việc bắt đầu khi ngày 29.03.2018, Guyana khởi kiện Venezuela ra Toà ICJ liên quan đến tranh chấp về “giá trị pháp lý và hiệu lực ràng buộc của Phán quyết về Biên giới giữa Thuộc địa British Guiana và Liên bang Venezuela ngày 03 tháng 10 năm 1899”.
Lịch sử tranh chấp
Tranh chấp biên giới giữa Guyana và Venezuela bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19, khi đó Guyana là thuộc địa của Anh (Bristish Guyana, cho đến ngày 26.05.1966 mới giành độc lập). Khi đó, Anh và Venezuela đều yêu sách chủ quyền ở khu vực nằm giữa cửa sông Essequibo và sông Orinoco. Những năm 1890, Mỹ khuyến khích hai nước sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ngày 02.02.1897, hai nước ký Thoả thuận Washington để thành lập một toà trọng tài để giải quyết tranh chấp đường biên giới giữa British Guyana và Venezuela. Toà trọng tài ra phán quyết vào ngày 03.10.1899, trao toàn bộ cửa sông Orinoco và hai bên sông cho Venezuela, trao cho Anh khu vực phía đông kéo dài đến sông Essequibo ([34]). Sau phán quyết, một uỷ ban liên hợp Anh-Venezuela được thành lập để hoạch định biên giới. Ngày 10.01.1905, thành viên của uỷ ban từ Anh và Venezuela thông qua bản đồ biên giới chính thức và ký một thoả thuận xác nhận toạ độ địa lý được uỷ ban xác định là chính xác (nt).
Tuy nhiên, vào năm 1962, Venezuela từ chối công nhân giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài năm 1899, cho rằng phán quyết là kết quả của các thoả hiệp chính trị sau lưng Venezuela, tổn hại quyền chính đáng của nước này ([35]). Venezuela còn cho rằng đường biên giới được vẽ tuỳ tiện, không xem xét đến các quy định cụ thể của thoả thuận trọng tài và các nguyên tắc của luật quốc tế (nt). Do đó, tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Ngược lại, Anh cho rằng Phán quyết trọng tài năm 1899 đã giải quyết tranh chấp và có giá trị pháp lý ràng buộc.
Để giải quyết bất đồng trên, ngày 17.02.1966, Anh và Venezuela ký Thoả thuận Geneva, trong đó có quy định rằng: Một Uỷ ban hỗn hợp sẽ được thành lập để tìm giải pháp thoả đáng cho việc giải quyết thực tế bất đồng giữa Venezuela và Anh. Nếu Uỷ ban không thành công, hai nước sẽ lựa chọn một biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp khác. Nếu hai nước không thể thoả thuận được một biện pháp thì một cơ quan quốc tế sẽ có quyền quyết định, hoặc nếu không được thì, theo Điều IV(2), Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ quyết định biện pháp giải quyết tranh chấp ([43]).
Trên thực tế, Uỷ ban hỗn hợp không thể đưa ra giải pháp thoả mãn hai nước. Hai nước không thể tự thoả thuận một biện pháp khác để giải quyết, và cũng không thể đồng thuận về cơ quan quốc tế để quyết định vấn đề này. Năm 1982, Venezuela cho rằng theo Thoả thuận Geneva năm 1966, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ có quyền quyết định biện pháp giải quyết. Năm 1983, Guyana đồng ý với Venezuela. Từ năm 1990 đến 2014, Tổng thư ký Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian (good office), nhưng không thành công. Năm 2016, Tổng thư ký cho rằng nếu đến cuối năm 2017 mà đàm phán không có tiến triển thì sẽ tranh chấp sẽ được mang ra Toà ICJ ([57]). Venezuela phản đối đề nghị này, trong khi Guyana chấp nhận ([58]). Ngày 30.01. 2018, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chọn Toà ICJ làm biện pháp giải quyết tranh chấp ([59]). Ngày 29.03.2018, Guyana nộp đơn khởi kiện Venezuela ra Toà ICJ.
Vấn đề pháp lý trọng tâm liên quan đến thẩm quyền của Toà ICJ
Theo Quy chế của Toà và luật quốc tế chung, Toà ICJ cũng như tất cả các cơ quan tài phán khác chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia khi và chỉ khi có sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của tất cả các bên tranh chấp (xem thêm post này). Do đó, để xem xét vụ việc này, Toà ICJ cần xác định liệu thông qua Thoả thuận Geneva năm 1966, Guyana và Venezuela đã có đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Toà hay chưa. Câu trả lời nằm ở việc giải thích và áp dụng Điều IV(2) của Thoả thuận này.
Điều IV(2) Thoả thuận Geneva năm 1966 quy định rằng:
“Nếu, trong ba tháng sau khi nhận báo cáo cuối cùng [của Uỷ ban hỗn hợp], Chính phủ gUyana và Chính phủ Venezuela không thể đạt thoả thuận về chọn lựa một biện pháp giải quyết theo Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, hai nước sẽ phải mang vấn đề quyết định chọn lựa biện pháp giải quyết ra một cơ quan quốc tế phù hợp mà hai nước cùng chấp nhận, hoặc, nếu không thể đạt thoã thuận về vấn đề này, sẽ phải mang ra Tổng thư ký Liên hợp quốc. Nếu biện pháp được lựa chọn không thể giải quyết bất đồng, cơ quan đó, hoặc trong trường hợp Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ chọn một biện pháp khác được trù định ở Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi bất đồng được giải quyết hoặc cho đến khi tất cả biện pháp hoà bình giải quyết được nêu ra đã hết.”
Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc liệt kê các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp như sau: đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, biện pháp tài phán, sử dụng các dàn xếp hay cơ quan khu vực, hoặc các biện pháp hoà bình khác.
Toà cho rằng câu hỏi trọng tâm là: “liệu việc trao quyền quyết định về chọn lựa một biện pháp giải quyết được quy định ở Điều 33 của Hiến chương cho Tổng thư ký, các Bên có đã đồng ý giải quyết bất đồng giữa hai nước bằng inter alia biện pháp tài phán” ([63]). Toà cũng xem xét liệu sự đồng ý (nếu có) có đi kèm điều kiện và phạm vi của sự đồng ý đó (nt).
Liệu Guyana và Venezuela có đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Toà thông qua Điều IV(2) Thoả thuận Geneva năm 1966?
Để trả lời câu hỏi này, Toà xem xét hai câu hỏi nhỏ quan trọng: (1) Liệu hai nước có bắt buộc chấp nhận biện pháp mà Tổng thư ký lựa chọn? và (2) Liệu quyết định lựa chọn Toà ICJ của Tổng thư ký có tương đương với việc hai nước chấp nhận thẩm quyền của Toà ICJ?
Liệu hai nước có bắt buộc phải chấp nhận lựa chọn của Tổng thư ký?
Trước hết, Toà xác định rằng quyết định lựa chọn biện pháp giải quyết của Tổng thư ký Liên hợp quốc có giá trị ràng buộc đối với các bên. Kết luận dựa trên nghĩa thông thường của lời văn của Điều IV(2) và mục đích và đối tượng của Thoả thuận Geneva năm 1966. Điều IV(2) dùng từ “sẽ phải” (shall) có nghĩa một nghĩa vụ, “mang ra” (refer) có nghĩa uỷ quyền quyết định cho bên thứ ba, và “quyết định” (decision) có nghĩa ràng buộc pháp lý khác với “khuyến nghị” (recommendations) ([72]). Mục đích và đối tượng của Thoả thuận cũng cho thấy ý định rằng hai nước mong muốn giải quyết triệt để bất đồng giữa hai nước ([73]). Do đó, Toà kết luận hai nước đã trao cho Tổng thư ký thẩm quyền lựa chọn, dưới hình thức một quyết định ràng buộc, biện pháp giải quyết bất đồng giữa họ ([78]).
Sau đó, Toà xem xét liệu các bên đã đồng ý với sự lựa chọn của Tổng thư ký. Toà trả lời xác nhận, bởi vì (i) trong Điều 33 của Hiến chương – được nhắc đến trong Điều IV(2) – có đề cập đến trọng tài và biện pháp tài phán, và (ii) việc quy định quyền quyết định lựa chọn “cho đến khi bất đồng được giải quyết” cho thấy các bên có ý định trao cho Tổng thư ký thẩm quyền lựa chọn biện pháp thích hợp nhất để giải quyết triệt để tranh chấp ([82]-[83]). Do đó, hai bên đã thể hiện sự đồng ý chấp nhận việc lựa chọn biện pháp tài phán của Tổng thư ký ([84]).
Tóm lại, Toà cho rằng thông qua Điều IV(2) của Thoả thuận Geneva năm 1966, Guyana và Venezuela đã đồng ý trao quyền lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, và do đó, khi Tổng thư ký lựa chọn biện pháp tài phán, cụ thể là Toà ICJ, hai quốc gia cũng phải chấp nhận biện pháp này.
Liệu quyết định lựa chọn Toà ICJ của Tổng thư ký tương tương với sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của hai nước?
Toà nhắc lại rằng thẩm quyền của Toà chỉ có thể dựa trên sự đồng ý của các bên tranh chấp và trong phạm vi mà họ đồng ý ([111]). Sự đồng ý có thể được đưa ra dưới bất kỳ hình thức nào, do đó, không loại trừ việc đồng ý thông qua một cơ chế như Điều IV(2) Thoả thuận Geneva năm 1966 ([112]). Điều kiện là sự đồng ý đó phải “theo cách thức tự nguyện và không thể tranh cãi” (in a voluntary and indisputable manner) [113]). Venezuela cho rằng lựa chọn Toà ICJ theo Điều IV(2) không tương đương với việc Venezuela đã chấp nhận thẩm quyền của Toà ([114]). Tuy nhiên, Toà bác bỏ lập luận này. Toà cho rằng nếu sự lựa chọn của Tổng thư ký lại phải cần sự đồng ý thêm một lần nữa của các bên thì sự lựa chọn đó không có hiệu quả để giải quyết triệt để tranh chấp như mục đích và đối tượng của Thoả thuận ([114]).
Từ các phân tích trên, Toà cho rằng Guyana và Venezuela đã chấp nhận thẩm quyền của Toà thông qua việc trao quyền quyết định lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc theo Điều IV(2) Thoả thuận Geneva năm 1966.
Venezuela từ chối tham gia tranh tụng ([23]-[28])
Gần ba tháng sau khi bị Guyana khởi kiện, ngày 18.06.2018, Venezuela tuyên bố rằng Toà không có thẩm quyền và từ chối tham gia tranh tụng. Mặc dù không tham gia, Venezuela cam kết rằng “do tôn trọng Toà”, Venezuela sẽ cung cấp cho Toà “các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng để Toà thực thi trách nhiệm của mình theo Điều 53(2) của Quy chế” ([8]). Tòa khẳng định rằng theo quy định tại Điều 53 Quy chế, và án lệ nhất quán của Toà việc không tham gia của một bên tranh chấp không ngăn cản Toà xem xét vụ việc ([24]), không ảnh hưởng đến giá trị của phán quyết ([26]). Toà dẫn lại Điều 53 của Quy chế quy định rằng khi một bên không tham gia tranh tụng, bên còn lại có quyền yêu cầu Toà phán quyết có lợi cho các đệ trình của mình, và “Toà phải, trước khi phán quyết như thế, phải tự thoả mãn rằng Toà không chỉ có thẩm quyền […] mà các đệ trình đó phải có cơ sở pháp lý và bằng chứng vững chắc.”
Toà cũng chỉ ra rằng việc không thm gia của một bên có hai bất lợi: (i) bên không tham gia không có cơ hội đưa ra bằng chứng và lập luận có lợi cho mình, chống lại cáo buộc của bên còn lại, và (ii) Toà không có được những thông tin, bằng chứng, lập luận đó mặc dù vẫn phải xem xét và đưa ra quyết định ([25]).
Quan điểm của Toà phù hợp với án lệ quốc tế chung về vấn đề này, trong đó có Phán quyết về Thẩm quyền và điều kiện thụ lý năm 2015 của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (eng, tr, 39-42 [112]-[123]).
Trần H. D. Minh
(*) Ký kiệu ([…]) trong là là số thứ tự của đoạn trong Phán quyết.
Trả lời