[105] Vụ kiện Palestine v. Mỹ tại Tòa ICJ về Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961: Sơ bộ về thẩm quyền

Nội dung của tranh chấp – Bốn câu hỏi về thẩm quyền của Tòa – Liệu Palestine là một quốc gia? – Liệu có quan hệ điều ước giữa Palestine và Mỹ? – Liệu tranh chấp có liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước Viên năm 1961? – Liệu Israel có là một bên tranh chấp không thể thiếu? – Kết luận sơ bộ 

Ngày 28 tháng 9 năm 2018, Palestine khởi kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) liên quan đến việc Mỹ di chuyển trụ sở đại sứ quán của nước này tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem (xem đơn kiện bằng tiếng Anh tại đây, tóm tắt của Ban thư ký Tòa tại đây). Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem được chính thức mở cửa vào ngày 14 tháng 5 năm 2018.[1] Đây là vụ kiện đầu tiên mà Palestine tiến hành trước Tòa ICJ. Palestine yêu cầu Tòa tuyên bố Mỹ đã vi phạm Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 khi di chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, buộc Mỹ rút phái đoàn ngoại giao khỏi Jerusalem và cam kết không tái phạm.[2]

1. Nội dung tranh chấp được đệ trình

Palestine cho rằng Jerusalem có quy chế pháp lý quốc tế đặc biệt theo các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nghị quyết 181(II) năm 1947 khẳng định “Thành phố Jerusalem được xác lập như một thực thể riêng biệt với quy chế quốc tế đặc biệt.” Điều đó có nghĩa là Jerusalem không là một phần lãnh thổ của Israel. Do đó, việc Mỹ di chuyển đại sứ quán của mình tại Israel đến Jerusalem đã vi phạm các quy định của Công ước Viên năm 1961.

Các quy định của Công ước Viên năm 1961 sử dụng cụm từ “ở quốc gia tiếp nhận” (in the receiving State) ở nhiều điều khoản, ví dụ như Điều 3(1) về chức năng của phái đoàn ngoại giao là đại diện cho quốc gia ở quốc gia tiếp nhận. Theo đó, rõ ràng rằng chức năng đại diện của phái đoàn ngoại giao (và hai chức năng khác trong năm chức năng theo Điều 3(1)) phải được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận.[3] Điều 3(1) nêu trên quy định nguyên văn rằng:

“1. Các chức năng của một phái đoàn ngoại giao bao gồm, inter alia,:

  • Đại diện quốc gia gửi ở quốc gia tiếp nhận;
  • Bảo vệ lợi ích của quốc gia gửi và của công dân của mình ở quốc gia tiếp nhận trong khuôn khổ cho phép của luật quốc tế;
  • Đàm phán với Chính phủ quốc gia tiếp nhận;
  • Thu thập bằng các biện pháp hòa bình các điều kiện và tình hình phát triển ở quốc gia tiếp nhận, và báo cáo về cho Chính phủ quốc gia gửi;
  • Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa quốc gia gửi và quốc gia tiếp nhận, và phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa và khoa học giữa hai nước.”

Theo Palestine, cụm từ “ở quốc gia tiếp nhận” còn được sử dụng ở 12 điều khoản khác của Công ước, và điều này cho thấy phái đoàn ngoại giao của một quốc gia phải được thành lập trên lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận.[4] Hơn nữa, Điều 21(1) cũng quy định quốc gia tiếp nhận sẽ tạo điều kiện cho phái đoàn ngoại giao mua trụ sở trên lãnh thổ của mình (on its territory).[5] Tóm lại, Palestine cho rằng Jerusalem không phải là lãnh thổ của Israel, mà Công ước Viên năm 1961 lại yêu cầu phái đoàn ngoại giao của một nước phải được thành lập trên lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận, do đó, việc Mỹ di chuyển đại sứ quán của mình tại Israel đến Jerusalem đã vi phạm Công ước trên.

Xem thêm post về Quyền miễn trừ, ưu đãi ngoại giao và lãnh sự.

2. Bốn câu hỏi về thẩm quyền của Tòa ICJ

Theo đơn kiện của Palestine,[6] Tòa ICJ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà Palestine đệ trình theo Điều 1 của Nghị định thư tùy chọn của Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao. Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 có hiệu lực năm 1964. Công ước được thông qua kèm với một nghị định thư: Nghị định thư tùy chọn về Giải quyết tranh chấp bắt buộc (Optional Protocol concerning the Compulsory Settlement of Disputes 1961). Nghị định thư này cũng có hiệu lực năm 1964. Điều 1 Nghị định thư tùy chọn quy định

Các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hay áp dụng Công ước sẽ thuộc thẩm quyền bắt buộc của Tòa án Công lý Quốc tế và theo đó có thể được đệ trình trước Tòa theo đơn kiện của bất kỳ bên tranh chấp nào là Thành viên của Nghị định thư này.

Mỹ là thành viên của Công ước Viên và Nghị định thư nêu trên vào năm 1972. Palestine gia nhập Công ước Viên ngày 02 tháng 04 năm 2014 và Nghị định thư tùy chọn ngày 22 tháng 03 năm 2018. Ngay sau đó, ngày 01 tháng 5 năm 2018, Mỹ gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định Palestine không là một quốc gia có chủ quyền, không có quyền gia nhập Nghị định thư tùy chọn và do đó không có quan hệ điều ước với Palestine theo Nghị định thư tùy chọn.[7] Ngày 12 tháng 10 năm 2018, hai tuần sau khi Palestine khởi kiện Mỹ ra Tòa ICJ dựa trên Nghị định thư tùy chọn, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được công hàm của Mỹ tuyên bố rút khỏi Nghị định thư.[8]

Để xem xét Tòa ICJ có thẩm quyền hay không, bốn vấn đề sau đây có thể được xem xét đến: (1) Palestine có là một Quốc gia hay không?, (2) có hay không quan hệ điều ước giữa Mỹ và Palestine liên quan đến Công ước Viên năm 1961? (3) tranh chấp về di chuyển đại sứ quán Mỹ có phải là tranh chấp về giải thích hay áp dụng Công ước Viên hay không? Và (4) Israel có phải là một bên không thể thiếu trong tranh chấp?

Đọc thêm hai bài phân tích trên EJIL Talk!: Palestine Sues the United States in the ICJ re Jerusalem Embassy của Marko Milanovic, và Palestine’s Application the ICJ, neither Groundless nor Hopeless. A Reply to Marko Milanovic của Alina Miron.

Câu hỏi 1: Palestine có là một Quốc gia hay không?

Câu hỏi này được đặt ra bởi lẻ câu trả lời sẽ có tính quyết định trong việc xác định liệu Nghị định thư tùy chọn có được xem là căn cứ xác lập thẩm quyền của Tòa và liệu Palestine có quyền đệ trình tranh chấp lên Tòa hay không. Nếu Palestine không phải là quốc gia, vậy Tòa không thể có thẩm quyền để xem xét vụ kiện (xem thêm Định nghĩa Quốc gia trong luật quốc tế).

Chỉ có Quốc gia mới có quyền là thành viên của Công ước Viên năm 1961 và Nghị định thư tùy chọn. Điều 48 và 50 của Công ước Viên năm 1961 quy định chỉ có bốn nhóm quốc gia (State) có quyền gia nhập Công ước này: Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Quốc gia thành viên của các cơ quan chuyên trách, Quốc gia là thành viên của Quy chế Tòa, các Quốc gia khác được Đại hội đồng mời gia nhập. Điều V và VII của Nghị định thư tùy chọn quy định các Quốc gia thành viên của Công ước Viên và tất cả các Quốc gia khác có thể trở thành thành viên của Công ước đều có quyền gia nhập Nghị định thư. Tóm lại, chỉ có Quốc gia mới có quyền gia nhập Công ước và Nghị định thư tùy chọn.

Theo Quy chế Tòa ICJ, cũng chỉ có Quốc gia mới có tư cách đệ trình tranh chấp cho Tòa giải quyết. Điều 35 Quy chế Tòa quy định Tòa chỉ mở cho các Quốc gia thành viên của Quy chế Tòa và các Quốc gia khác. Các thực thể phi quốc gia, như tổ chức quốc tế, không có quyền đệ trình tranh chấp để giải quyết trước Tòa ICJ. Nói cách khác, Tòa chỉ giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và quốc gia (xem thêm post về Thẩm quyền của Tòa ICJ). 

Đa số các quốc gia trên thế giới công nhận Palestine là một quốc gia – chủ thể của luật quốc tế. Tuy nhiên, một số nước lớn vẫn chưa công nhận Quốc gia Palestine như Mỹ và EU. Mỹ không cho rằng Palestine đủ tiêu chí để là một quốc gia độc lập.[9] Palestine đương nhiên cho rằng mình là một quốc gia, và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thay mặt cộng đồng quốc tế công nhận.[10] Palestine trích vẫn Nghị quyết 67/19 (2012) Đại hội đồng công nhận “quy chế Quốc gia quan sát viên phi thành viên của Liên hợp quốc” (non-member observer State in the United Nations). Không rõ vì sao Bộ Ngoại giao Việt Nam lại dịch là ‘quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên’,[11] và dịch ‘the State of Palestine’ là ‘Nhà nước Palestine’.[12] Từ góc độ luật quốc tế, cách dịch này mang tính đa nghĩa, dễ gây hiểu lầm không cần thiết.

Quy chế pháp lý của Palestine vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, rất nhạy cảm về mặt chính trị. Do đó, nhiều khả năng Tòa sẽ tìm cách không phải đề cập đến vấn đề này.

UNGA res 67 19 Palestine

Câu hỏi 2: Có quan hệ điều ước giữa Mỹ và Palestine theo Nghị định thư tùy chọn?

Câu hỏi này quan trọng ở chỗ hai quốc gia có thể đều là thành viên của một điều ước nhưng lại không có quan hệ điều ước với nhau. Vấn đề này được nêu lên một cách rất thông minh bởi Sotirios Lekkas trên EJIL Talk![13] Như đã đề cập ở trên, ngay khi Palestine gửi công hàm gia nhập Nghị định thư tùy chọn, Mỹ đã có công hàm khẳng định không có quan hệ điều ước với Palestine theo Nghị định thư này. Tình huống này tương tự như việc Israel và các nước Ả-rập cùng gia nhập các điều ước đa phương nhưng luôn có tuyên bố không công nhận nhau đi kèm. Sotirios Lekkas cho rằng nếu đã không có quan hệ điều ước theo Nghị định thư tùy chọn thì Điều 1 và mọi điều khoản khác của Nghị định thư đều không có hiệu lực pháp lý giữa hai nước, và do đó, Tòa không có thẩm quyền xem xét mà không cần thiết xem xét đến câu hỏi liệu Palestine có phải là một quốc gia hay không.

Marko Milanovic không đồng ý với Sotirios Lekkas,[14] ông cho rằng tuyên bố của Mỹ là vô hiệu về mặt pháp lý bởi vì một quốc gia không có quyền đơn phương vô hiệu hóa (inoperative) quan hệ điều ước giữa quốc gia thành viên và quốc gia mới gia nhập. Quyền đó chỉ có thể khi có bảo lưu hợp pháp.

Vấn đề liệu một quốc gia có quyền từ chối quan hệ điều ước với một quốc gia mới gia nhập hay không là một vấn đề rất thú vị, cần nghiên cứu thêm. Ở đây một điểm cần lưu ý rằng, toàn bộ hệ thống pháp lý quốc tế được xây dựng dựa trên nền tảng sự đồng ý của quốc gia. Các quốc gia có quyền quyết định xác lập hay không xác lập quan hệ điều ước với quốc gia khác thông qua việc ký kết các điều ước. Mặt khác, khi tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương mở cho nhiều quốc gia khác thì các quốc gia cũng phải dự trù và có thể xem là ngầm đồng ý với việc phải xác lập quan hệ điều ước với các quốc gia gia nhập sau. Nếu ý kiến thứ hai này là đúng thì câu hỏi về tư cách quốc gia của Palestine sẽ nhất định cần xem xét đến; còn nếu ý kiến thứ nhất là đúng thì vụ kiện có thể bị bác mà không cần xem xét đến các căn cứ khác.

Câu hỏi 3: Tranh chấp mà Palestine đệ trình có liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Viên?

Vấn đề thứ ba mà Tòa cần xem xét là liệu nội dung tranh chấp mà Palestine đệ trình có liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Viên hay không? Nếu tranh chấp được đệ trình không liên quan đến Công ước Viên năm 1961 thì Palestine không thể dựa vào Nghị định thư tùy chọn để khởi kiện, và Tòa ICJ cũng không thể có thẩm quyền theo Nghị định thư đó.

Theo các án lệ của Tòa ICJ, để xác định một tranh chấp có liên quan đến giải thích hay áp dụng một điều ước hay không, cần phải có bằng chứng cho thấy tranh chấp đó liên quan đến nội dung, vấn đề được điều ước đó điều chỉnh (the subject-matter of the treaty), tốt nhất là đề cập trực tiếp đến điều ước đó trong các trao đổi (ví dụ như tên của điều ước, điều khoản của điều ước chẳng hạn).[15] Trong đơn kiện của mình, Palestine dẫn hai công hàm gửi đến Mỹ liên quan đến việc di chuyển đại sứ quán đến Jerusalem có nhắc đến Công ước Viên năm 1961.[16] Công hàm ngày 14/05/2018 của Palestine gửi Bộ Ngoại giao Mỹ xem hành động của Mỹ là vi phạm Công ước Viên năm 1961. Công hàm ngày 04/07/2018 thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về việc đang có tranh chấp giữa hai nước theo Điều I và II của Nghị định thư tùy chọn liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Viên.

Như vậy, rõ ràng rằng Palestine đã có thông báo gửi trực tiếp đến Mỹ đề cập đế tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Viên năm 1961. Đặc biệt là công hàm ngày 04/07/2018 thông báo rõ ràng, không mập mờ về sự tồn tại một tranh chấp như thế. Hơn nữa, như tóm tắt ở trên, nội dung tranh chấp theo đơn kiện mà Palestine đệ trình liên quan đến nội hàm của các quy định của Công ước Viên năm 1961 – nội hàm của cụm từ “ở nước tiếp nhận” sử dụng trong Công ước có được hiểu là đại sứ quán của một nước phải ở trong lãnh thổ của nước tiếp nhận hay không. Ngoài ra, với hai công hàm này, Palestine cũng có thể lập luận rằng nước này đã thỏa mãn điều kiện thủ tục (nếu có) theo quy định của Nghị định thư tùy chọn về việc thông báo sự tồn tại của một tranh chấp.

Câu hỏi 4. Israel có phải là một bên tranh chấp không thể thiếu?

Câu hỏi thứ ba cũng rất quan trọng, và có thể có tính chất quyết định trong việc Tòa có xem xét vụ kiện hay không. Nếu Israel là một bên tranh chấp không thể thiếu thì Tòa chỉ có thể thực thi thẩm quyền xem xét vụ kiện khi Israel chấp nhận thẩm quyền của Tòa hoặc có yêu cầu can thiệp (intervene) vào vụ kiện theo Điều 62 Quy chế Tòa ICJ. Israel hiện không là thành viên của Nghị định thư tùy chọn và cũng không có tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa.

Việc Tòa từ chối thực thi thẩm quyền giải quyết một tranh chấp được đệ trình khi không có sự đồng ý của một bên thứ ba không thể thiếu thường được gọi là nguyên tắc Monetary Gold (Monetary Gold principle) theo tên của vụ việc đầu tiên mà Tòa xem xét nguyên tắc này – Vụ Tiền vàng được đưa khỏi Rome năm 1943 giữa Ý và Pháp, Anh và Mỹ (Monetary Gold Removed from Rome in 1943). Trong vụ kiện này, bốn nước là Ý, Pháp, Anh và Mỹ đã ký thỏa thuận đặc biệt (special agreement) chấp nhận thẩm quyền của Tòa để xem xét vụ kiện này. Nhưng, trong phán quyết năm 1954, Tòa không đồng ý xem xét vụ kiện khi Albania không đồng ý tham gia bởi vì “các lợi ích pháp lý của Albania sẽ không chỉ bị ảnh hưởng nếu Tòa ra phán quyết mà còn sẽ là nội dung thực chất của một phán quyết như thế.”[17] Trong phán quyết năm 1995 trong Vụ Đông Timor giữa Bồ Đào Nha và Australia, Tòa đã khẳng định lại nguyên tắc này như là phái sinh của một trong những nguyên tắc cơ bản trong Quy chế Tòa: Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi các quốc gia tranh chấp đồng ý với thẩm quyền của Tòa.[18] Tòa đã từ chối giải quyết tranh chấp trên với lý do Indonesia không đồng ý tham gia. Tòa cho rằng:

“[…] trong vụ việc này, hiệu lực của phán quyết mà Bồ Đào Nha yêu cầu sẽ tương đương với việc xác định liệu Indonesia cho quân vào và tiếp tục chiếm đóng Đông Timor có hợp pháp hay không và theo đó, liệu Indonesia có quyền ký kết điều ước quốc tế trong vấn đề về tài nguyên thềm lục địa của Đông Timor hay không. Quyền và nghĩa vụ của Indonesia sẽ là một nội dung thực chất của một phán quyết như thế mà không có sự đồng ý của Quốc gia này. Một phán quyết như vậy sẽ trái ngược trực tiếp với ‘một nguyên tắc rõ ràng của luật quốc tế, như được ghi nhận trong Quy chế Tòa, cụ thể rằng Tòa chỉ có thể thực thi thẩm quyền với một Quốc gia khi Quốc gia đó đồng ý.’”[19]

Tóm lại, nếu quyền và nghĩa vụ của một quốc gia là nội dung chính của một vụ kiện thì Tòa chỉ xem xét giải quyết vụ kiện khi quốc gia đó đồng ý.

Trong vụ kiện của Palestine, có vẻ nguyên tắc này sẽ là căn cứ quan trọng nhất để Mỹ đề nghị Tòa không giải quyết vụ kiện. Quyền và nghĩa vụ của Israel sẽ khó có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp từ một phán quyết của Tòa ở nhiều khía cạnh. Israel vẫn xem Jerusalem là thủ đô của mình và là một phần lãnh thổ của Israel. Nếu Tòa cho rằng Công ước Viên yêu cầu đại sứ quán của một nước phải ở trên lãnh thổ của nước tiếp nhận thì rõ ràng việc kết luận Mỹ có vi phạm khi di chuyển đại sứ quán đến Jerusalem sẽ cần Tòa giải quyết vấn đề Jerusalem có thuộc lãnh thổ của Israel hay không. Đương nhiên, nếu Tòa cho rằng Công ước Viên không nên được giải thích như trên thì Tòa có thể kết luận Mỹ không vi phạm mà không cần thiết xem xét đến quy chế lãnh thổ của Jerusalem. Lập luận như thế buộc Tòa phải xem xét giải thích Công ước Viên trước khi đi đến quyết định liệu có thực thi thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà Palestine đệ trình hay không. Điều này hàm ý rằng có khả năng Tòa không thể chia tách thành hai giai đoạn xét xử: phiên xem xét thẩm quyền và phiên xem xét thực chất.

3. Kết luận sơ bộ

Vụ kiện mà Palestine đệ trình sẽ là một trong những vụ kiện gây “đau đầu” nhất cho các thẩm phán Tòa ICJ trong thời gian gần đây bởi tính chất nhạy cảm chính trị. Mặc dù Tòa là một cơ quan tư pháp, xét xử theo luật quốc tế nhưng không thể loại trừ yếu tố chính trị tác động đến hoạt động của Tòa. Trong Vụ xin ý kiến tư vấn về việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ chiếm đóng của Palestine năm 2004, Tòa đã xác định rõ ràng rằng Israel đã vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng vụ việc đó là theo thủ tục xin ý kiến tư vấn, khác với vụ kiện của Palestine lần này. Trong vụ kiện này, nội dung tranh chấp liên quan đến Công ước Viên thực chất không quan trọng và cũng không thực sự phức tạp về mặt pháp lý. Cái mà Tòa đặc biệt khó khăn phải đối mặt: Liệu Palestine có phải là một quốc gia hay không?

Có hai viễn cảnh. Thứ nhất, Tòa chấp nhận có thẩm quyền và theo đó công nhận Palestine là một quốc gia – chủ thể của luật quốc tế. Kết luận như thế hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế về tư cách quốc gia (xem thêm Định nghĩa Quốc gia trong luật quốc tế), và ý kiến của tuyệt đại đa số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Phán quyết của Tòa sẽ là viên gạch cuối cùng để kết tinh ý kiến đa số đó, khép lại một trong những vấn đề tranh cãi pháp lý nhưng vô lý và phi đạo đức. Đương nhiên, một số quốc gia sẽ rất không hài lòng. Viễn cảnh này đầy hy vọng nhưng khá không chắc chắn.

Thứ hai, Tòa sẽ từ chối xem xét vụ kiện với lý do: (a) Israel là bên thứ ba không thể thiếu theo nguyên tắc Monetary Gold, (b) không có quan hệ điều ước giữa Mỹ và Palestine, và tệ hại nhất là (c) Palestine không là một quốc gia. Nhiều khả năng nhất, dù rất không mong muốn, là Tòa sẽ không giải quyết vụ kiện này với lý do (a) và (b) ở trên.

Trần H. D. Minh

Bài viết đã được phát triển để đăng tạp chí chuyên ngành: Trần Hữu Duy Minh, “Vụ kiện giữa Pa-le-xtin và Mỹ trước Tòa án Công lý Quốc tế: Các vấn đề pháp lý liên quan đến thẩm quyền của Tòa”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (116), tháng 03/2019, tr. 205-.

—————————————————————-

[1] Stephen Farrell, Why is the U.S. moving its embassy to Jerusalem? (ngày 07/05/2018), xem tại https://www.reuters.com/article/us-usa-israel-diplomacy-jerusalem-explai/why-is-the-us-moving-its-embassy-to-jerusalem-idUSKBN1I811N (truy cập ngày 15/10/2018).

[2] State of Palestine, Application instituting proceedings in the International Court of Justice: State of Palestine v. United States of America (28 September 2018), 12 [51] – [3].   [3] Như trên, 10 [38].   [4] Như trên, 10 [42].   [5] Như trên, 11[43].   [6] Như trên, 7 [25].

[7] Xem tại https://treaties.un.org/doc/Publication/CN/2018/CN.228.2018-Eng.pdf (truy cập ngày 15/10/2018).   [8] Xem tại https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=III-5&chapter=3&clang=_en#10 (truy cập ngày 15/10/2018).

[9] Công hàm C.N.228.2018.TREATIES-III.5 của Mỹ ngày 01 tháng 5 năm 2018, xem tại https://treaties.un.org/doc/Publication/CN/2018/CN.228.2018-Eng.pdf (truy cập ngày 16/10/2018).

[10] Công hàm số C.N.272.2018.TREATIES-III.5 của Palestine ngày 31 tháng 05 năm 2018, xem tại https://treaties.un.org/doc/Publication/CN/2018/CN.272.2018-Eng.pdf (truy cập ngày 16/10/2018).

[11] Trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị ngày 30/11/2012, xem tại http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns121203091236/view (truy cập ngày 16/10/2018).   [12] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tài liệu cơ bản về Nhà nước Pa-le-xtin (tháng 01/2015), xem tại http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/nr040830134623/copy3_of_nr120518142443/nr120613093835/ns150421174312 (truy cập ngày 16/10/2018).

[13] Xem tại, https://www.ejiltalk.org/palestine-sues-the-united-states-in-the-icj-re-jerusalem-embassy/#comment-261653 (truy cập ngày 15/10/2018).   

[14] https://www.ejiltalk.org/palestine-sues-the-united-states-in-the-icj-re-jerusalem-embassy/#comment-261657

[15] Xem Vụ liên quan đến Áp dụng Công ước quốc tế về Loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (Goergia v. Nga) [2011] (Phán quyết về thẩm quyền) ICJ 70, 85  [30].

[16] Xem Application of the State of Palestine (n 2) 8-9 [34]-[35].

[17] Case of the monetary gold removed from Rome in 1943 (Italy v. Pháp, Anh và Mỹ) [1954] (Phán quyết về thẩm quyền) ICJ 19, 32.   [18] Vụ Đông Timor (Bồ Đào Nha v. Australia) [1995] (Phán quyết) ICJ 90, 101 [26].   [19] Như trên, 105 [34].

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑