Ngày 25.02.2019, Tòa ICJ đã công bố ý kiến tư vấn theo đề nghị của Đại hội đồng liên quan đến việc Anh chia tách quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius năm 1965 – ba năm trước khi trao độc lập cho Mauritius. Xem giới thiệu vụ việc tại đây.
Điều 96(1) Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 65(1) Quy chế Tòa cho phép Đại hội đồng và các cơ quan khác xin ý kiến tư vấn của Tòa ICJ về những vấn đề pháp lý. Để Tòa ICJ có thẩm quyền tư vấn, đề nghị xin ý kiến cần thỏa mãn hai điều kiện: (1) cơ quan xin ý kiến có quyền xin ý kiến, và (2) vấn đề xin ý kiến phải là vấn đề pháp lý. Trong trường hợp Tòa có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn, nếu có lý do xác đáng (compelling reasons) thì Tòa có quyền từ chối. Một trong những lý do xác đáng có thể là việc cho ý kiến tư vấn liên quan đến một tranh chấp giữa các quốc gia có thể vi phạm vào nguyên tắc thẩm quyền của Tòa xác lập dựa trên sự đồng ý chấp nhận của các bên tranh chấp. Xem thêm về các vấn đề pháp lý chung liên quan đến thẩm quyền tư vấn của Tòa tại đây.
Trong vụ việc này, với 14/14 thẩm phán ủng hộ, hai điều kiện tiên quyết đã thỏa mãn để Tòa có thẩm quyền. Và, Tòa cũng không cho rằng có bất kỳ lý do xác đáng nào để từ chối cho ý kiến tư vấn. Kết luận này của Tòa nhận được 12 phiếu ủng hộ và 02 phiếu chống của thẩm phán Tomka (Slovenia) và thẩm phán Donoghue (Mỹ). Trong Tuyên bố của Tomka và Ý kiến phản đối của Donoghue đính kèm Ý kiến tư vấn, hai thẩm phán cùng cho rằng Tòa nên từ chối cho ý kiến vì rõ ràng nội dung của câu hỏi xin ý kiến là tranh chấp song phương giữa Mauritius và Anh, trong đó Anh không chấp nhận giải quyết bằng biện pháp tài phán. Việc xin ý kiến tư vấn là một thủ thuật để “lách” khỏi nguyên tắc cơ quan tài phán chỉ có thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi tất cả các bên đồng ý. Đa số thẩm phán của Tòa không đồng ý với quan điểm trên của Tomka và Donoghue với hai lý do:
- Câu hỏi mà Đại hội đồng xin ý kiến tư vấn không phải về vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Mauritius và Anh liên quan đến quần đảo Chagos,[1] và đúng như Donoghue đã thừa nhận Ý kiến tư vấn của Tòa cũng được viết để không đề cập đến vấn đề chủ quyền.[2] Donoghue vẫn cho rằng việc không đề cập này chỉ là hình thức, còn về bản chất, Ý kiến tư vấn của Tòa cũng đã ngầm quyết định chủ quyền của Chagos thuộc về Mauritius.[3]
- Vấn đề phi thuộc địa hóa là một trong những vấn đề sớm và nhất quán trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, câu hỏi về quần đảo Chagos nằm trong “khuôn khổ rộng hơn của vấn đề phi thuộc địa hóa.”[4] Tomka lại chỉ ra rằng sự thật là vấn đề Chagos không hề nằm trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng và Ủy ban đặc biệt về Phi thuộc địa hóa nửa thế kỷ qua.[5]
Luận điểm trung tâm của Tomka và Donoghue là có bằng chứng rõ ràng cho thấy mục đích thực sự của việc vận động Đại hội đồng thông qua nghị quyết xin ý kiến về vấn đề Chagos là Mauritius muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền với Anh ra cơ quan tài phán quốc tế. Không phủ nhận được rằng đây là động cơ thực sự của Mauritius. Nhưng điều đó không có nghĩa là Tomka và Donoghue đã đúng về luật. Bất kể động cơ phía sau của Mauritius là gì, nghị quyết xin ý kiến tư vấn là của Đại hội đồng. Đại hội đồng đã chấp nhận vấn đề Chagos là vấn đề mà cơ quan này cần có ý kiến tư vấn của Tòa. Logics ở đây tương tự như vấn đề bảo hộ ngoại giao (diplomatic protection): một quốc gia khởi kiện quốc gia khác vì đã vi phạm quyền của công dân nước mình thì vụ kiện đó là vụ kiện giữa quốc gia với quốc gia bất kể động cơ, mục đích của vụ kiện là nhằm bảo đảm quyền lợi, bồi thường cho cá nhân liên quan! Trong vụ việc Chagos này, dù vấn đề được nếu ra và lobby bởi Mauritius với bất kỳ động cơ, mục đích gì phía sau, với việc thông qua nghị quyết xin ý kiến tư vấn, vấn đề đó đã được Đại hội đồng “chuyển hóa” thành vấn đề của cơ quan này.
Cái có thể rõ ràng từ Ý kiến tư vấn này của Tòa là: về nguyên tắc, Tòa sẽ không từ chối cho ý kiến, và chỉ cần vấn đề được xin ý kiến có thể liên quan/nằm trong trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan xin ý kiến thì Tòa sẽ nhất quán cho ý kiến. Dù ủng hộ kết luận của Tòa, nhưng đáng tiếc là Tòa, và cả hai thẩm phán phản đối Tomka và Donoghue, không tiến xa hơn trong việc đưa ra một lập luận mới thuyết phục tuyệt đối hơn về ranh giới giữa thẩm quyền tư vấn và thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong những vụ việc mà nội dung có liên quan đến tranh chấp giữa các quốc gia. Việc so sánh với bảo hộ ngoại giao như trên không đủ thuyết phục vì bảo hộ ngoại giao không liên quan đến chủ quyền của một quốc gia quyết định chấp nhận thẩm quyền của một cơ quan tài phán. Xem thêm post về Ranh giới giữa chức năng giải quyết tranh chấp và chức năng tư vấn của Tòa ICJ.
Trong post của mình trên EJIL Talk!, Marko Milanovic cho rằng “về mặt kỹ thuật, Tòa đã đúng, trừ việc kết luận của Tòa … rõ ràng ảnh hưởng đến chủ quyền của Anh đối với quần đảo Chagos”. Milanovic nhấn mạnh rằng vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của việc định hình câu hỏi trước các cơ quan tài phán quốc tế (this shows just how important questions of characterization and framing can be). Vụ việc này, cùng với Vụ kiện Biển Đông cho thấy cách hỏi có thể quyết định liệu cơ quan tài phán có thẩm quyền hay không.
Trần H. D. Minh
————————————————————————————–
[1] Ý kiến tư vấn của Tòa, 22 [86]. [2] Dissenting Opinion of Judge Donoghue [11], [18]. [3] Như trên, [18]-[19]. [4] Ý kiến tư vấn của Tòa, 23 [88]. [5] Declaration of Judge Tomka [4]-[5].