[228] Tòa án Công lý Quốc tế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nga trong Vụ kiện liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước chống diệt chủng (Ukraine v. Nga)

Bối cảnh vụ việc và Quyết định của Tòa – Tòa có thẩm quyền prima facie – Ukraine có căn cứ nhất định để cho rằng mình có các quyền đang bị vi phạm và các biện pháp được Ukraine đề nghị là nhằm bảo vệ các quyền này – Có nguy cơ tổn hại không thể khắc phục cho các quyền của Ukraine và tình huống có tính khẩn cấp cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời – Quan điểm của các thẩm phán

Ngày 24.02.2022, Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine dựa trên inter alia quyền tự vệ theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc (xem thêm post) và để chấm dứt hành vi “diệt chủng” của Ukraine ở vùng Donetsk và Luhansk miền đông Ukraine. Ngày 26.02.2022 Ukraine đã khởi kiện Nga ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) liên quan đến Công ước chống diệt chủng. Cụ thể Ukraine cho rằng inter allia (i) cáo buộc của Nga cho rằng Ukraine có hành vi diệt chủng là sai, do đó, (ii) không là cơ sở để công nhận Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập, và cũng (ii) không là cơ sở để tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” (xem Application instituting proceedings).

Cùng với đơn kiện, Ukraine đề nghị Tòa ICJ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: (i) Nga phải ngay lập tức ngừng các chiến dịch quân sự của mình như là các biện pháp ngăn chặn hành vi “diệt chủng” như phía Nga tuyên bố, và (ii) ngay lập tức bảo đảm các nhóm vũ trang mà Nga kiểm soát hay hỗ trợ không có thêm các hành động quân sự (xem Request for the indication of provisional measures submitted by Ukraine).

Nga không nộp đệ trình cũng như tham gia phiên tòa nhưng có gửi Văn kiện quan điểm. Lý do được đưa ra là không thể xem xét và đưa ra các quyết định về tham gia vụ kiện và thực hiện các nghiên cứu cần thiết trong 5 ngày. (xem Document from Russia setting out its position regarding the alleged “lack of jurisdiction” of the Court in the case)

Ngày 16.03.2022, Tòa ICJ ra Quyết định áp dụng một số biện pháp tạm thời, trong đó có hai biện pháp do Ukraine đề xuất (xem Order of 16 March 2022).

Để có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa cần phải có (i) thẩm quyền sơ bộ đối với tranh chấp (prima facie jurisdiction), (ii) bên đề nghị cần có sơ sở nhất định rằng mình có quyền đang bị vi phạm hoặc có thể bị vi pham (the existence of a plausibale right) và mối liên hên giữa quyền này và biện pháp được đề nghị, (iii) quyền này có nguy cơ bị tổn hại không thể khắc phục, và (iv) tính cấp thiết phải áp dụng biện pháp tạm thời (xem thêm post).

Tòa có thẩm quyền prima facie

Trong Quyết định ngày 16.03.2022, Tòa cho rằng mình có thẩm quyền prima facie bởi vì hai lý do. Thứ nhất, cả Nga và Ukraine đều là thành viên của Công ước chống diệt chủng, và theo Điều IX của Công ước này thì: Các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước sẽ được đệ trình lên Tòa ICJ theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào. Thứ hai, giữa Ukraine và Nga đang có một tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước, bằng chứng là từ năm 2014 Nga đã có các cáo buộc Ukraine có hành vi “diệt chủng” và Ukraine luôn bác bỏ các cáo buộc này. Hơn nữa, khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”, một trong những lý do Nga đưa ra là để chấm dứt hành vi diệt chủng của Ukraine. Điều này cho thấy “có sự khác nhau về quan điểm” giữa các bên về việc liệu Ukraine có thực hiện hành vi diệt chủng vi phạm các nghĩa vụ của nước nagy theo Công ước hay không và liệu việc sử dụng vũ lực của Nga nhằm chấm dứt hành vi “diệt chủng” của Ukraine có phù hợp với các nghĩa vụ theo Công ước hay không. Tòa kết luận giữa Nga và Ukraine đang có một tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước. Do đó, theo Điều IX của Công ước này, Tòa có thẩm quyền prima facie đối với tranh chấp do Ukraine đề trình.

Ukraine có căn cứ nhất định để cho rằng mình có các quyền đang bị vi phạm và các biện pháp được Ukraine đề nghị là nhằm bảo vệ các quyền này

Ukraine đề nghị Tòa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ các quyền của mình không bị vi phạm do các cáo buộc không có căn cứ của Nga và không bị tổn hại do các hành động quân sự theo cách thức lạm dụng các quy định về “ngăn ngừa và trừng phạt” hành vi diệt chủng của Công ước.

Điều I Công ước quy định tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, Tòa cho rằng Công ước không quy định các biện pháp cụ thể nào có thể áp dụng để thực hiện nghĩa vụ này. Các biện pháp ngăn ngừa và trừng phạt phải phù hợp với các phần khác của Công ước, trong đó có Điều VIII, IX ([56]). Điều VIII quy định nếu diệt chủng xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên “có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc thực hiện các biện pháp theo Hiến chương Liên hợp quốc mà các cơ quan này cho rằng phù hợp”. Điều IX quy định các quốc gia có thể đệ trình tranh chấp lên Tòa ICJ để giải quyết. Hơn nữa, Tòa nhấn mạnh rằng “khi thực hiện nghĩa vụ ngăn ngừa diệt chủng, ‘mỗi Quốc gia chỉ có thể hành động trong phạm vi cho phép của luật quốc tê’” ([57]). Tòa kết luận rằng “Tòa nghi ngờ là Công ước … cho phép một Quốc gia thành viên sử dụng vũ lực đơn phương trên lãnh thổ của một Quốc gia khác để ngăn ngừa hay trừng phạt cho một cáo buộc hành vi diệt chủng” trong khi Tòa không có đủ bằng chứng để xác nhận cáo buộc của Nga ([59]). Do đó, Ukraine có căn cứ để cho rằng mình có quyền không thể bị vi phạm bằng các hành động quân sự của Nga cho mục đích ngăn ngừa và trừng phạt cáo buộc hành vi diệt chủng ở Ukraine.

Tòa tiếp tục cho rằng hai biện pháp chính mà Ukraine đề nghị đúng là để bảo vệ các quyền nêu trên của Ukraine ([63]), do đó, có mối liên hệ giữa quyền cần bảo vệ và biện pháp được đề nghị ([64]).

Có nguy cơ tổn hại không thể khắc phục cho các quyền của Ukraine và tình huống có tính khẩn cấp cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tòa cho rằng bất kỳ chiến dịch quân sự nào, nhất là chiến dịch có quy mô như Nga đang thực hiện ở Ukraine, chắc chắn sẽ gây ra các mất mát về nhân mạng, tổn hại về thể chất và tinh thần, tài sản và cho môi trường ([74]). Người dân trong cuộc xung đột hiện nay bị đặc biệt bị dễ tổn thương. Chiến dịch quân sự của Nga đã khiến nhiều người dân thiệt mạng và bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng, khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn (nhiều người không có thực phẩm thiết yếu, nước uống, điện, thuốc và sưởi ấm), một số lượng lớn người phải di tản ([75]). Tòa dẫn lại Nghị quyết A/RES/ES-11/1 ngày 02.03.2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có thể hiện quan ngại lớn với các báo cáo về các vụ việc tấn công cơ sở dân sự, công nhận hành động quân sự của Nga có quy mô mà cộng đồng quốc tế chưa từng chứng kiến ở châu Âu trong nhiều thập kỷ và cần có các biện pháp khẩn cấp để cứu thế hệ này khỏi khói lửa chiến tranh, đồng thời lên án quyết định của Nga đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng và thể thiện quan ngại lớn với các điều kiện nhân đạo ngày càng xuống cấp ở Ukraine ([76]).

Trong bối cảnh trên, Tòa cho rằng việc phớt lờ các quyền mà Ukraine có căn cứ nhất định để xác lập có thể gây tổn hại không thể khắc phục và tình huống hiện giờ có tính khẩn cấp ([77]).

Như vậy, Tòa cho rằng tất cả các điều kiện để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Quan điểm của các thẩm phán

Tòa ICJ có 15 thẩm phán và các thẩm phán bỏ phiếu như sau:

  • 15/15 đồng thuận yêu cầu cả Ukraine và Nga phải hạn chế có các hành động làm xấu đi tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, hoặc làm cho tranh chấp khó giải quyết hơn.
  • 13/02 đồng ý yêu cầu Nga phải ngay lập tức ngừng các hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Thẩm phán Gevorgian (Nga) và Xue (Trung Quốc) bỏ phiếu chống.
  • 13/02 đồng ý yêu cầu Nga phải bảo đảm các nhóm vũ trang chịu sự chỉ đạo haowjc hướng dẫn của nước này, cũng như các tổ chức, cá nhân chịu sự kiểm soát hay chỉ đạo của Nga không có thêm hành động quân sự. Thẩm phán Gevorgian (Nga) và Xue (Trung Quốc) bỏ phiếu chống.

Trong Tuyên bố của mình, lý do chính mà Thẩm phán Gevorgian bỏ phiếu chống là vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền prima facie. Theo ông, bản chất của tranh chấp mà Ukraine đệ trình không liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước mà là vấn đề sử dụng vũ lực. Vấn đề sử dụng vũ lực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước nên Tòa không thể xác lập thẩm quyền theo Điều IX của Công ước này (xem Declaration of Vice-President Gevorgian).

Trong Tuyên bố của mình, Thẩm phán Xue khẳng định mình “hoàn toàn ủng hộ kêu gọi các hoạt động quân sự ở Ukraine nên ngay lập tức chấm dứt để khôi phục lại hòa bình ở đất nước này và trong khu vực” ([1]). Tuy nhiên, bà cho rằng lập luận và kết luận của Tòa không chính xác ở một số điểm như sau: (i) các quyền mà Ukraine cho rằng mình có không thể được xác lập theo Công ước , (ii) không có mối liên hệ giữa các quyền đó với các biện pháp được Tòa áp dụng, (iii) các biện pháp áp dụng với Nga không đóng góp cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Chia sẽ một phần với ý kiến của Thẩm phán Gevorgian, bà cho rằng có vẻ bản chất của tranh chấp mà Ukraine đề trình là liên quan đến vấn đề công nhận quốc gia với Donetsk và Luhansk và vấn đề sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, chứ không phải về vấn đề chống diệt chủng. (xem Declaration of Judge Xue).

Từ một góc độ khác, Thẩm phán Bennouna (Morocco) bỏ phiếu thuận vì muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng cho rằng (i) Công ước không cho phép một nước (như Ukraine) được khởi kiện ra Tòa về một tranh chấp liên quan đến cáo buộc diệt chủng của một nước chống lại mình, và (ii) Công ước cũng không điều chỉnh vấn đề cáo buộc diệt chủng hay sử dụng vũ lựa dựa trên cáo buộc diệt chủng. Nói cách khác, theo ông, bản chất của vụ kiện là về “cáo buộc diệt chủng”, chứ không phải là “liệu có diệt chủng hay không”. Ông cũng cho rằng Tòa đã không chứng minh được Ukraine có quyền nào theo Công ước. (xem Declaration of Judge Bennouna)

Một điểm cần lưu ý là thông thường khi các thẩm phán phản đối một quyết định của đa số ở Tòa, các thẩm phán thường dùng hình thức Ý kiến phản đối (Disenting Opinions). Việc hai thẩm phán Gevorgian và Xue dùng hình thức tuyên bố có thể hàm ý giảm sức nặng của ý kiến phản đối của mình.

Các thẩm phán khác cũng có ý kiến: Declaration of Judge Bennouna (Morocco), Separate Opinion of Judge Robinson (Jamaica), Declaration of Judge Nolte (Đức), và Declaration of Judge ad hoc Daudet (Pháp, do Ukraine chỉ định).

Trần Hữu Duy Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: