[236] Phán quyết ngày 13.07.2023 của Tòa ICJ trong Vụ phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển Nicaragua giữa Nicaragua và Colombia

Bối cảnh vụ việc – Quan điểm của các bên – Quan  của Toà – Yêu cầu trong ba đệ trình của Nicaragua

Bối cảnh vụ việc

Vào ngày 16 tháng 9 năm 2013, Nicaragua khởi kiện Colombia ra Toà ICJ liên quan đến tranh chấp phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý giữa nước này và Colombia. Ngày 17 tháng 3 năm 2016, ICJ ra Phán quyết xác định Toà có thẩm quyền trong vụ việc này trên cơ sở Điều XXXI của Hiệp ước Châu Mỹ về Giải quyết tranh chấp tại Thái Bình Dương (“Hiệp ước Bogotá”).

Trong Quyết định ngày 4 tháng 10 năm 2022, Tòa nhận định trước khi tiến hành xem xét bất cứ vấn đề kỹ thuật nào liên quan đến phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Nicaragua, cần phải quyết định một số câu hỏi pháp lý trong quá trình tranh tục trước đó của Nicaragua và Colombia tại Toà. Do đó, hai quốc gia này được ICJ yêu cầu giới hạn lập luận trong quá trình tranh tụng tiếp theo xung quanh hai câu hỏi: (i) theo tập quán quốc tế, quyền của một quốc gia đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải có thể mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác không? và (ii) các tiêu chí theo tập quán quốc tế để xác định ranh giới của thềm lục địa ngoài 200 hải lý là gì và quy định từ Khoản 2 đến Khoản 6 của Điều 76 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có phản ánh tập quán quốc tế không? Ngày 13.17.2023, Toà ra Phán quyết cuối cùng và tiến hành xem xét câu hỏi thứ nhất và thứ hai, trước khi đưa ra quyết định đối với các yêu cầu trong ba đệ trình của Nicaragua.

Để xem chi tiết Phán quyết: toàn văn bằng tiếng Anh, và bản tóm tắt phán quyết của Ban thư ký Tòa. Xem thêm: ý kiến riêng của các Thẩm phán Iwasawa, NolteXue; tuyên bố của Thẩm phán Bhandari; và ý kiến phản đối của các Thẩm phán Tomka, Robinson, Charlesworth và Thẩm phán ad hoc Skotnikov.

Quan điểm của các bên

Nicaragua lập luận nước này có quyền chủ quyền đối với  thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và đề xuất một đường phân định tạm thời đối với diện tích khu vực chồng lấn giữa nước này và Columbia. Bên cạnh đó, Nicaragua cho rằng chỉ có ba đảo là San Andrés, Providencia và Santa Catalina của Colombia đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo tập quán quốc tế được phản ánh tại Điều 121(2) của UNCLOS, trong khi Roncador, Serrana, Serranilla và Bajo Nuevo là “đá” theo quy định của Điều 121(3) UNCLOS và không có thềm lục địa. Hơn nữa, Nicaragua cho rằng các đảo San Andrés, Providencia và Santa Catalina nằm trên cùng rìa lục địa với đất liền của nước này và do đó có thể được quyền mở rộng thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, song không được mở rộng về phía đông của giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Nicaragua. Ngoài ra, Nicaragua khẳng định các quy định từ Khoản 2 đến Khoản 6 Điều 76 UNCLOS liên quan các tiêu chí xác định ranh giới của thềm lục địa ngoài 200 hải lý phản ánh tập quán quốc tế.

Ngược lại, Columbia đề nghị Tòa bác bỏ yêu cầu của Nicaragua về phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Nước này lập luận cụ thể rằng, theo tập quán quốc tế, một quốc gia không được yêu sách thềm lục địa ngoài 200 hải lý nếu như thềm lục địa ngoài 200 hải lý này mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác. Colombia nhắc lại Phán quyết của Toà trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia) vốn công nhận chủ quyền của nước này đối với lãnh hải và các quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của các đảo San Andrés, Providencia và Santa Catalina cũng như cho phép Colombia tiếp tục thực thi chủ quyền đối với một số cù lao nằm ở phía đông đường phân định biển. Hơn nữa, Colombia lập luận Roncador, Serrana, Serranilla và Bajo Nuevo là “đảo” theo Điều 121(1) UNCLOS về định nghĩa đảo và do đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kể cả ở các khu vực nằm cách đường cơ sở của Nicaragua hơn 200 hải lý. Ngoài ra, Colombia khẳng định các quy định từ Khoản 2 đến Khoản 6 Điều 76 UNCLOS liên quan các tiêu chí xác định ranh giới của thềm lục địa ngoài 200 hải lý không phản ánh tập quán quốc tế.

Đường phân định biển trong Phán quyết năm 2012 của Toà ICJ trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia)

Quan điểm của Toà

Quyền của quốc gia ven biển theo tập quán quốc tế đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác

Đối với câu hỏi đầu tiên trong Quyết định ngày 4 tháng 10 năm 2022, trước hết, Tòa khẳng định trong tập quán quốc tế hiện nay chỉ có một thềm lục địa duy nhất theo nghĩa là các quyền thực chất của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa của mình không phân biệt giữa thềm lục địa trong hay ngoài 200 hải lý ([75]).

Tiếp theo, Toà đi đến kết luận rằng theo tập quán quốc tế, quốc gia ven biển không có quyền mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác dựa trên ba lập luận tại Đoạn 77 của Phán quyết. Thứ nhất, Toà nhận định đại đa số đệ trình trước CLCS của các quốc gia thành viên UNCLOS đã đều không khẳng định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia khác. Toà cho rằng hành vi của các quốc gia với đệ trình trước CLCS là “biểu hiện của opinio juris(indicative of opinio juris), ngay cả khi hành vi đó có thể được “thúc đẩy một phần bởi những cân nhắc khác ngoài ý thức về nghĩa vụ pháp lý” (motivated in part by considerations other than a sense of legal obligation). Thứ hai, Tòa nhận định chỉ có một số ít quốc gia khẳng định trong đệ trình của mình trước CLCS rằng thềm lục địa vượt ngoài 200 hải lý của mình mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác, và trong những trường hợp đó, các quốc gia liên quan đã đưa ra tuyên bố phản đối đệ trình này. Ngoài ra, trong số ít các quốc gia ven biển không phải thành viên UNCLOS, Tòa chưa ghi nhận bất cứ quốc gia đưa ra tuyên bố ủng hộ thềm lục địa vượt ngoài 200 hải lý mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia khác. Cuối cùng, Toà kết luận thực tiễn quốc gia đối với vấn đề này có thể coi là đủ “phổ biến và nhất quán” (sufficiently widespread and uniform) để xác định tập quán quốc tế, và với thời gian kéo dài, thực tiễn chung này có thể được xem là một “biểu hiện của opinio juris(expression of opinio juris), một yếu tố cấu thành của tập quán quốc tế ([77]).

Nhận định của Toà tại Đoạn 77 là một điểm nổi bật của Phán quyết này và dường như mâu thuẫn với Phán quyết của Toà trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Hà Lan; Đức v. Đan Mạch). Theo đó, trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc, ICJ nhận định thực tiễn chung phải “vừa phổ biến, vừa nhất quán rõ ràng” và phải “cho thấy bằng chứng về niềm tin rằng thực tiễn này là nghĩa vụ mà một quy định pháp lý yêu cầu”.[1] Trong cùng Phán quyết này, Toà thừa nhận sự phức tạp trong việc xác định các quy phạm tập quán quốc tế khi những quy phạm này được chứa đựng trong một điều ước quốc tế bởi khó để xác định liệu một quốc gia hành động trên cơ sở nghĩa vụ của điều ước quốc tế hay hành động trên cơ sở nghĩa vụ theo tập quán quốc tế.[2] Quay trở lại với Phán quyết năm 2023 của ICJ trong vụ Nicaragua v. Colombia, lập luận của Toà về thực tiễn chung dựa trên đệ trình của các quốc gia lên CLCS theo Điều 76(8) UNCLOS, vốn mang tính kỹ thuật cao và không nhất thiết thể hiện quan điểm pháp lý của những quốc gia này. Ngoài ra, việc thủ tục phản đối của CLCS cho phép các quốc gia phủ quyết việc xem xét đệ trình trong các trường hợp tranh chấp khiến nhiều nước loại trừ thông tin kỹ thuật trong phạm vi 200 hải lý của mình vì lý do chiến lược thay vì nghĩa vụ pháp lý. Do đó, việc Tòa lập luận dựa trên đệ trình của các quốc gia lên CLCS để xác định thực tiễn chung đã đặt ra câu hỏi liệu thực tiễn chung có thực sự đại diện cho “nghĩa vụ mà một quy định pháp lý yêu cầu” hay bao gồm cả “những cân nhắc khác ngoài ý thức về nghĩa vụ pháp lý”([77]).

Các tiêu chí theo tập quán quốc tế để xác định ranh giới của thềm lục địa ngoài 200 hải lý

Đối với câu hỏi thứ hai trong Quyết định ngày 4 tháng 10 năm 2022, Toà nhấn mạnh Điều 76(1) UNCLOS, vốn phản ánh tập quán quốc tế, đặt ra hai tiêu chí là khoảng cách (“distance criterion”) và phần kéo dài tự nhiên (“natural prolongation criterion”) để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa ([75]). Theo đó, Điều 76 quy định quốc gia ven biển có tối thiểu 200 hải lý và nếu ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý thì thềm lục địa của quốc gia ven biển “không vượt quá 350 hải lý” tính từ đường cơ sở hoặc “nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý”. Bên cạnh hai tiêu chí về khoảng cách và phần kéo dài tự nhiên được quy định tại Điều 76 UNCLOS để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, Toà ICJ trong Phán quyết này tại đoạn 77-79 đã bổ sung thêm tiêu chí thứ ba rằng quốc gia ven biển không có quyền mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác. Nói cách khác, ngay cả khi một quốc gia có thể chứng minh rằng mình có thềm lục địa vượt ngoài 200 hải lý thì thềm lục địa mở rộng này không được chồng lấn với thềm lục địa nằm bên trong phạm vi 200 hải lý của một quốc gia khác ([82]).

Yêu cầu trong ba đệ trình của Nicaragua

Yêu cầu của Nicaragua trong đệ trình thứ nhất

Đối với yêu cầu trong đệ trình thứ nhất, Nicaragua đề xuất tọa độ đối với ranh giới thềm lục địa vượt ngoài 200 hải lý của nước này mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Colombia. Tòa nhắc lại kết luận của mình tại đoạn 77-79 rằng quốc gia ven biển không có quyền mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác theo tập quán quốc tế ([86]). Do vâỵ, ICJ kết luận bác bỏ yêu cầu này của Nicaragua.

Yêu cầu của Nicaragua trong đệ trình thứ hai

            Đối với yêu cầu trong đệ trình thứ hai, Nicaragua đề xuất tọa độ đối với ranh giới thềm lục địa vượt ngoài 200 hải lý của nước này mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo San Andrés và Providencia thuộc Colombia. Nicaragua đồng ý những đảo này có thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý nhưng lập luận rằng các đảo này không nên mở rộng về phía đông giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của Nicaragua do quy mô nhỏ theo Phán quyết năm 2012. Ngược lại, Colombia khẳng định rằng thềm lục địa của San Andrés và Providencia mở rộng theo mọi hướng tính từ đường cơ sở của họ, bao gồm cả phía đông và cho rằng yêu cầu của Nicaragua mâu thuẫn với Phán quyết năm 2012. Trước tiên, Tòa nhận định Nicaragua và Columbia đã đồng ý rằng đảo San Andrés và Providencia có khả năng có các vùng biển riêng và ghi nhận chủ quyền của Columbia đối với lãnh hải, và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo này. Tòa nhắc lại kết luận của mình tại đoạn 77-79 rằng quốc gia ven biển không có quyền mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác theo tập quán quốc tế ([91]). Chính vì yêu sách thềm lục địa ngoài 200 hải lý của Nicaragua mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo San Andrés và Providencia nên ICJ kết luận bác bỏ yêu cầu thứ hai này.

Yêu cầu của Nicaragua trong đệ trình thứ ba

Đối với yêu cầu trong đệ trình thứ ba, Nicaragua yêu cầu Tòa tuyên bố Serranilla, Bajo Nuevo và Serrana là “đá” theo quy định của Điều 121(3) UNCLOS cũng như không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trước tiên, Tòa khẳng định chủ quyền của Colombia đối với Serranilla, Bajo Nuevo và Serrana và nhận định không cần thiết phải xác định quy chế pháp lý của Serranilla và Bajo Nuevo bởi các đảo nằm ngoài khu vực phân định trong Phán quyết năm 2012. Ngoài ra, Tòa đã vạch ra hai khả năng liên quan đến quy chế pháp lý của Serranilla và Bajo Nuevo. Theo đó, nếu Serranilla và Bajo Nuevo là “đảo”, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì thềm lục địa bên trong 200 hải lý của chúng sẽ chồng lấn với thềm lục địa vượt 200 hải lý của Nicaragua. Ngược lại, nếu chúng không có khả năng tạo lập các vùng biển và từ đó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì sẽ tạo ra bất kỳ vùng lấn nào đối với yêu sách thềm lục địa ngoài 200 hải lý của Nicaragua. Do đó, Tòa kết luận bác bỏ yêu cầu thứ ba này.

Phạm Quốc Hào


[1] Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Hà Lan) (Đức v. Đan Mạch) [1969] (Phán quyết) ICJ Report 1969, đoạn 74-77.

[2] Như trên, đoạn 76.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑