Quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế – Khuôn khổ phân tích vấn đề pháp lý thực chất – Các nghĩa vụ theo các thoả thuận song phương năm 1993, 1996 và 2013 – Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực – Mở rộng vấn đề: tranh chấp biên giới, lãnh thổ Ấn – Trung
Ngày 15.6.2020 vừa qua, binh lính của Ấn Độ và Trung Quốc đã có va chạm gây chết người tại đường kiểm soát thực tế chia cắt một khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Ấn Độ yêu sách chủ quyền đối với Aksai Chin đang do Trung Quốc quản lý. Năm 1993, hai nước đạt được thoả thuận chính thức công nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của đường kiểm soát thực tế (the line of actual control).[1]
Bài viết giới thiệu khung khổ pháp lý cơ bản để tiến hành các phân tích chuyên sâu về vụ xung đột này. Với tính chất như thế, bài viết không đưa ra quan điểm về các vấn đề thực chất (ai đúng, ai sai) không chỉ về vụ việc cụ thể này mà cả tranh chấp biên giới nói chung giữa hai nước. Bài viết hi vọng gợi mở các hướng phân tích chính, một phần giúp đọc giả đang loay hoay không biết bắt đầu phân tích từ đâu.
Có hai vấn đề sẽ được đề cập. Vấn đề thứ nhất có tính thủ tục liên quan đến các quy định về giải quyết tranh chấp quốc tế. vấn đề thứ hai có tính thực chất, chỉ ra các quy định chính, các vấn đề pháp lý chính cần phân tích thêm.
- Quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế
Khi một tranh chấp phát sinh giữa hai nước, luật quốc tế yêu cầu các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Đây là một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, tồn tại cả trong điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Các biện pháp hoà bình có thể bao gồm các biện pháp ngoại giao (đàm phán, trung gian, hoà giải, các dàn xếp khu vực hay toàn cầu) hay các biện pháp tư pháp (toà án , trọng tài). Xem thêm về nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp tại post này.
Ấn Độ và Trung Quốc đang sử dụng biện phán đàm phán, trong đó ở cấp cao nhất là cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước vào ngày 17.6.2020. Hai nước có thể sử dụng các dàn xếp khu vực hay toàn cầu để giải quyết tranh chấp, ví dụ như mang vụ việc ra Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Có thể có ý kiến cho rằng do các tuyên bố của hai nước đang xung đột nhau về chuyện gì xảy ra vào ngày 15.6.2020, hai nước cũng có thể ký thoả thuận thành lập uỷ ban điều tra để xác định. Tuy nhiên, khả năng này khá khó do vụ việc phát sinh giữa quân đội hai nước nên khó có thể nói hai nước không biết chuyện gì xảy ra.
Điều 4 của Thoả thuận năm 1993 giữa hai nước quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng giữa hai nước. Theo đó, khi có tình huống phát sinh, hai bên sẽ giải quyết thông qua gặp mặt và hiệp thương hữu nghị giữa giới chức biên giới. Các thông tin cho thấy đã có các trao đổi cấp tướng giữa quan đội hai nước tại khu vực phát sinh vụ việc.
Khả năng giải quyết bằng các biện pháp tư pháp tuỳ thuộc vào liệu hai nước có đạt được thoả thuận chấp nhận thẩm quyền của một toà án quốc tế hay thành lập một toà trọng tài. Với thái độ chống tài phán quốc tế của Trung Quốc thể hiện qua Vụ kiện Biển Đông, khả năng Trung Quốc chấp nhận một thoả thuận như thế không phải dễ. Ngược lại, Ấn Độ đã khởi kiện và bị kiện trước Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) trong một số vụ việc, như Vụ quyền qua lại trên lãnh thổ Ấn Độ bị Bồ Đào Nha kiện, hay gần đây khởi kiện Pakistan trong Vụ Jadhav.[2] Nói thêm là, hiện nay, chỉ Ấn Độ chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của Toà ICJ. Tuy nhiên, theo tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Toà vào ngày 27.9.2019, Ấn Độ loại trừ tranh chấp liên quan đến biên giới lãnh thổ, và tranh chấp có trước khi Ấn Độ ra tuyên bố này. Xem thêm về thẩm quyền của Toà ICJ tại post này.
Một nguyên tắc khác cũng áp dụng để điều chỉnh cách thức các quốc gia giải quyết tranh chấp là nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ lực. Nguyên tắc này và nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp được xem là hai mặt của cùng một đồng xu. Theo nguyên tắc này, các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực như một biện pháp giải quyết tranh chấp. Cho đến hiện nay, mặc dù căng thẳng vẫn tồn tại, chưa có dấu hiệu cho thấy hai nước vi phạm nguyên tắc này.
- Khuôn khổ pháp lý phân tích các vấn đề thực chất
Về mặt vấn đề thực chất, với kiến thức hạn chế đối với tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, bài viết chỉ xin nêu ra một số vấn đề lớn. Hoàn toàn có thể còn những vấn đề pháp lý khác xung quanh vụ xung đột.
2.1. Nghĩa vụ theo thoả thuận song phương về đường kiểm soát thực tế
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có ba thoả thuận song phương quan trọng về đường kiểm soát thực tế. Thoả thuận năm 1993 xác lập đường kiểm soát tạm thời (đây), và Thoả thuận năm 1996 về xây dựng lòng tin (đây), và Thoả thuận năm 2013 về hợp tác quốc phòng (đây).[3] Lời văn của ba thoả thuận cho thấy hai nước đều xem đây là điều ước quốc tế ràng buộc. Ba thoả thuận này công nhận và xác nhận lại sự tồn tại pháp lý của đường kiểm soát thực tế, và nghĩa vụ tôn trọng đường kiểm soát thực tế. Ngoài ra, ba Thoả thuận còn quy định một số nghĩa vụ có thể liên quan đến vụ xung đột biên giới ngày 15.6.2020.
Thoả thuận năm 1993 quy định hai nghĩa vụ chính như sau: hai bên không được tiến hành bất kỳ hoạt động nào vượt quá đường kiểm soát thực tế (Điều 1), và hai bên cam kết giữ lực lượng quân sự ở mức tối thiểu, và giảm lực lượng quân sự dọc theo đường kiểm soát thực tế (Điều 2).
Thoả thuận năm 1996 cụ thể hoá hai nghĩa vụ chính của Thoả thuận năm 1993. Trong đó, Điều I quy định rằng:
“Không bên nào được sử dụng năng lực quân sự chống lại bên còn lại. Không lực lượng vũ trang được một bên triển khai tại khu vực biên giới dọc theo đường kiểm soát thực tế như một phần của sức mạnh quân sự sẽ được sử dụng để tấn công bên còn lại, hay có hoạt động quân sự đe doạ đến bên còn lại, hay làm tổn hại đến hoà bình, hữu nghị và ổn định của khu vực biên giới Ấn-Trung.”
Điều VIII của Thoả thuận năm 2013 có quy định cụ thể để xử lý khi có đối đầu trực diện giữa lực lượng hai nước dọc đường kiểm soát thực tế. Cụ thể, điều này quy định rằng:
“Hai bên đồng ý rằng nếu lực lượng biên phòng của hai bên có đối đầu trực diện tại nơi mà hai bên chưa có quan điểm chung về đường kiểm soát thực tế, cả hai bên sẽ kiềm chế tối đa, hạn chế có hành động kích động, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực chống lại bên kia, đối xử với nhau lịch sự và ngăn chặn va chạm hoả lực hay xung đột vũ trang.”
Với các thông tin hiện có, có vẻ các nghĩa vụ trong ba Thoả thuận đã không được tôn trọn.
2.2. Vấn đề sử dụng vũ lực
Nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ lực là một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, vừa tồn tại trong điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và được công nhận là một quy phạm jus cogens. Các quốc gia không được phép đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ lực chống lại một quốc gia khác. Ngoài ra, như đã nói ở trên, sử dụng vũ lực là biện pháp bị cấm trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong quan hệ song phương hai nước, Thoả thuận năm 1993, 1996 và 2013 đều ghi nhận nghĩa vụ không sử dụng vũ lực. Xem thêm post này về nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực.
Liệu xung đột biên giới ngày 15.6.2020 có được xem là sử dụng vũ lực hay không? Với thông hiên hiện có, có vẻ xung đột này nên được xem là sử dụng vũ lực bởi vì (1) phát sinh giữa quân đội hai nước, (2) có yếu tố vũ lực, và (3) có hệ quả thương vong. Một số thông tin cho thấy vũ khí sử dụng không phải vũ khí quân dụng mà là đá và gậy có hàn đinh. Điều này không ảnh hưởng đến kết luận trên, bởi vì vũ lực không nhất thiết phải từ vũ khí quân dụng, và đá và gậy có hàn đinh cũng là một dạng vũ khí.
Kết luận sơ bộ như vậy không đồng nghĩa với việc quy kết nước nào sai trong việc sử dụng vũ lực. Các phát ngôn từ hai nước xung đột nhau khiến cho khó xác thực thông tin nào phản ánh việc. Có thể Ấn Độ, Trung Quốc hay cả hai đều sai?
Lưu ý rằng, với đánh giá chủ quan, nếu việc sử dụng vũ lực do một bên bắt đầu thì cũng không có vẻ thoả mãn điều kiện để được xem là “tấn công vũ trang” (armed attack) để kích hoạt quyền tự vệ của bên còn lại. Tấn công vũ trang là dạng sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất. Không phải mọi việc sử dụng vũ lực của một quốc gia chống lại quốc gia khác đều được xem là tấn công vũ trang. Trong vụ việc này, việc không sử dụng vũ khí quân dụng có thể có dụng ý làm giảm mức độ nghiêm trọng nếu có xung đột. Xem thêm post này về về quyền tự vệ.
2.3. Mở rộng hơn vấn đề: Tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Vụ xung đột chỉ là một tranh chấp phái sinh từ một tranh chấp lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc: tranh chấp biên giới đối với vùng Aksai Chin đang do Trung Quốc quản lý. Thông thường, với vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ cần được áp dụng để giải quyết. Theo đó, tuỳ từng vụ việc, chủ quyền có thể xác lập dựa trên chiến hữu, chiếm hữu theo thời hiệu, chuyển nhượng, và sự thay đổi tự nhiên. Xem thêm post này.
Tuy nhiên, đôi khi chủ quyền lãnh thổ cũng cũng có thể xác định thông qua việc xem xét liệu có một thoả thuận ràng buộc nào giữa các quốc gia liên quan công nhận hay xác lập một đường biên giới hay không. Nếu xác định là có thoả thuận như vậy, thì không cần thiết áp dụng luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Đây là lý do mà một số học giả phân biệt giữa tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp biên giới. Trong một trường hợp khác, nguyên tắc estoppel cũng có thể được viện dẫn nếu một bên đã từng công nhận chủ quyền của bên còn lại, hay công nhận đường biên giới.
Trong một vụ việc tranh chấp biên giới, lãnh thổ, có thể cần xem xét đến tất cả những vấn đề pháp lý trên. Do tác giả có hiểu biết hạn chế về lịch sử của vùng Aksai Chin, cộng với thiếu bằng chứng xác thực, nên chỉ có thể gợi mở một số vấn đề nêu trên.
Trần H.D. Minh
Nguồn ảnh: “Galwan Valley: China and India clash on freezing and inhospitable battlefield“, ngày 17.6.2020, BBC, https://www.bbc.com/news/world-asia-india-53076781 truy cập ngày 20.6.2020.
———————————————————————
[1] Agreement on the Maintenance of Peace and Tranquility along the Line of Actual Control in the India-China Border Areas, ngày 7 tháng 9 năm 1993, https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/CN%20IN_930907_Agreement%20on%20India-China%20Border%20Areas.pdf truy cập ngày 20.6.2020.
[2] Xem sáu vụ mà Ấn Độ là một bên tranh chấp trước Toà ICJ tại đầy, https://www.icj-cij.org/en/cases-by-country/in truy cập ngày 20.6.2020.
[3] Agreement on the Maintenance of Peace and Tranquility along the Line of Actual Control in the India-China Border Areas, ngày 7 tháng 9 năm 1993, xem chú thích số 1; Agreement between India and China on Confidence-Building Measures in the Military Filed along the Line of Actual Control in the India-China Border Areas, ngày 29 tháng 11 năm 1996, https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/CN%20IN_961129_Agreement%20between%20China%20and%20India.pdf truy cập ngày 20.6.2020; Border Defence Cooperation Agreement between India and China, ngày 23 tháng 10 năm 2013, https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/CH-IN_131023_BorderDefenceCooperationAgreement.pdf truy cập ngày 20.6.2020.
Trả lời