[28] Vụ xin ý kiến tư vấn Tòa ICJ về việc chia tách quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius trong quá trình phi thực dân hóa

Bối cảnh việc chia tách quần đảo Chagos – Nội dung các nghị quyết của Liên hợp quốc – Đề xuất phản ứng cho Việt Nam – Cập nhật Tuyên bố của Việt Nam gửi đến Tòa ICJ ngày 01 tháng 03 năm 2018.

Ngày 22 tháng 6 năm 2017 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 71/292 yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho ý kiến tư vấn về vấn đề liên quan đến quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương (xem thêm về thẩm quyền tư vấn của Toà ICJ ở đây, đâyđây). Hai câu hỏi được đưa gửi đến Toà như sau:

  • Liệu tiến trình phi thực dân hóa đối với Mauritius được hoàn thành một cách hợp pháp khi Mauritius được trao trả độc lập vào năm 1968, theo sau việc chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius và có xem xét đến luật pháp quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ được thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng 1514 (XV) ngày 14/12/1960, 2066 (XX) ngày 16/12/1965, 2232 (XXI) ngày 20/12/1966 và 2357 (XXII) ngày 19/12/1967?
  • Có những hệ quả pháp lý nào theo luật pháp quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ được thể hiện trong các nghị quyết nêu trên, từ việc Anh tiếp tục quản lý quần đảo Chagos, bao gồm việc liên hệ với tình trạng Mauritius không có khả năng thực thi một chương trình tái định trên quần đảo Chagos cho các công dân của mình, đặc biệt là các công dân có nguồn gốc từ quần đảo Chagos?

Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đệ trình ý kiến của mình về hai câu hỏi trên trước ngày 30/01/2018 và có thể đệ trình các nhận xét về ý kiến của các quốc gia khác trước ngày 16/04/2018. Như vậy, trong trường hợp Việt Nam có ý định nêu quan điểm của mình, Chính phủ còn gần 06 tháng để chuẩn bị đệ trình và có 2,5 tháng sau đó để đưa ra ý kiến của Việt Nam đối với quan điểm của các quốc gia khác. Trong vụ xin ý kiến tư vấn liên quan đến Tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo năm 2008, Việt Nam đã có đệ trình về quan điểm của mình nhưng không có ý kiến về quan điểm của các quốc gia khác.[1]

Để hiểu rõ được hai câu hỏi trên, trước hết cần nắm một số thông tin và bối cảnh liên quan đến quần đảo Chagos này. Các thông tin này khá phổ biến trên mạng internet nhưng để có giá trị khách quan nhất có thể, trong bài viết này sẽ tóm tắt lại các thông tin trong phán quyết ngày 18 tháng 03 năm 2015 của Tòa trọng tài trong vụ kiện Khu vực Bảo tồn Biển Chagos giữa Mauritius và Anh,[2] và Phán quyết năm 2008 của Thượng viện Anh trong vụ Judgments – R (on the application of Bancoult) v Secretary of State for Foreign and Commonwealth Affairs.[3]

indian ocean3

  1. Bối cảnh việc chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius

Quần đảo Chagos là một phần của thuộc địa Mauritius của Anh Quốc trước 1965?[4]

Từ 1638 Mauritius trở thành thuộc địa của Hà Lan, sau đó Hà Lan từ bỏ vào năm 1710. Pháp chiếm hữu quốc đảo này và đổi tên thành Ile de France từ năm 1715. Quần đảo Chagos được xem là một phần của Ile de France dưới sự quản lý của Pháp. Năm 1814 Pháp chuyển nhượng Ile de France, bao gồm cả quần đảo Chagos cho Anh bằng Hiệp định Paris ngày 30/5/1814. Từ đó cho đến ngày 08/11/1965 – ngày quần đảo Chagos bị tách khỏi Mauritius – quần đảo này được quản lý như một lãnh thổ phụ thuộc của Mauritius. Đây là điểm gây tranh cãi giữa hai nước. Mauritius cho rằng quần đảo Chagos có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế, văn hóa và xã hội với Mauritius và được quản lý liên tục, không gián đoạn như một bộ phận cấu thanh của Mauritius trong suốt 150 năm dưới sự cai trị của Anh.[5] Trong khi đó, Anh cho rằng quần đảo này chỉ được quản lý một các lỏng lẽo từ Mauritius và về mặt pháp lý và thực tế là tách biệt với Mauritius.[6] Cũng cân lưu ý là trong Phán quyết của Thượng viện Anh năm 2008, Thượng viện Anh ghi nhận rằng quần đảo Chagos được quản lý như một phần của thuộc địa Mauritius.[7]

Việc chia tách quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius năm 1965[8]

Quá trình đòi độc lập lại cho Mauritius chính thức bắt đầu từ năm 1959 và qua nhiều vòng đàm phán giữa chính quyền thuộc địa Mauritius và Chính phủ Anh.[9] Trong quá trình đàm phán, Anh đã đưa ra đề nghị chia tách quần đảo Chagos khỏi phần còn lại của thuộc địa Mauritius và giữ quần đảo này tiếp tục dưới sự quản lý của Anh. Theo Mauritius đề nghị này xuất phát từ việc đầu những năm 1960 Anh xem xét thỏa mãn Mỹ trong việc sử dụng một số đảo ở Ấn Độ Dương làm căn cứ quân sự. Hàng loạt các trao đổi giữa Anh và Mỹ trong năm 1964 cho thấy để thực thi kế hoạch này Anh sẽ tách các đảo và đặt chúng trực tiếp dưới sự quản lý của Anh. Năm 1964 Anh và Mỹ cũng khảo sát các đảo ở Ấn Độ Dương và cho rằng quần đảo Chagos là địa điểm thích hợp nhất để xây dựng căn cứ quân sự.

Năm 1965 đề nghị tách quần đảo Chagos được chuyển cho Chính quyền thuộc địa Mauritius. Mauritius phản đối và thay vào đó đề xuất một thỏa thuận cho thuê dài hạn. Tuy nhiên phía Mỹ bác bỏ đề xuất cho thuê này. Mỹ không muốn chủ quyền trên quần đảo Chagos chuyển sang tay của một quốc gia độc lập không liên kết.[10] Các trao đổi tiếp theo giữa Anh và Mauritius cho thấy Mauritius không bác bỏ hoàn toàn khả năng chia tách mà đang mặc cả để đạt được lợi ích lớn nhất. Có vẻ thỏa thuận cuối cùng là Mauritius chấp nhận việc tách quần đảo Chagos đổi lại Anh cam kết sẽ hoàn trả lại quần đảo này khi không có nhu cầu sử dụng vì mục đích quốc phòng và cam kết một số lợi ích khác, bao gồm cả việc bồi thường tiền mặt cho Mauritius. Việc chia tách quần đảo Chagos có hiệu lực ngày 08/11/1965 bằng việc Anh thành lập Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (British Indian Oean Territory – BIOT). Ngày 30/12/1966 Anh và Mỹ ký Thỏa thuận về việc Anh cho Mỹ sử dụng quần đảo Chagos vào mục đích quốc phòng.[11] Các trao đổi sau đó cho thấy Mỹ đồng ý chi 05 triệu đô-la chi phí thành lập BIOT cho phía Anh.[12] Năm 1968 Mauritius độc lập khỏi Anh. Những cư dân của quần đảo Chagos tiếp tục giữ quốc tịch Anh, bất kể họ có nhận thêm quốc tịch Mauritius sau năm 1968 hay không.[13] Gần đây Anh nhắc lại cam kết sẽ chuyển nhượng lại (cede) cho Mauritius quần đảo Chagos khi không có nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng.[14]

Di tản cư dân tại quần đảo Chagos[15]

Vào năm 1965 có khoảng 1.360 người cư trú trên quần đảo Chagos. Nếu tính luôn những người sinh ra ở Chagos thì tổng cộng khoảng 1.500 đến 1.700 người. Trong giai đoạn 1968 và 1973 Anh tiến hành việc mua lại đất thuộc sở hữu tư nhân và di tản cư dân quần đảo Chagos. Hầu hết cư dân Chagos được chuyển đến Mauritius và Seychelles.[16] Năm 1971 Toàn quyền BIOT ra lệnh cấm bất kỳ ai đi vào quần đảo này hoặc có mặt hay còn ở trên quần đảo này mà không có giấy phép được cấp theo lệnh này. Các trao đổi vào năm 1972 cho thấy Anh đồng ý bồi thường cho Mauritius tổng cộng 650.000 bảng Anh cho chi phí tái định cư những người bị di tản khỏi quần đảo Chagos. Một số vụ kiện đã được các cư dân cũ của quân đảo tiến hành trước tòa án của Anh nhằm đòi bồi thường và quyền trở lại đất đai của tổ tiên trên quần đảo Chagos. Tuy nhiên theo Mauritius, Anh đã di tản một cách cưỡng chế đối với các cư dân trên quần đảo Chagos.[17] Trong phán quyết năm 2008, Bộ Ngoại giao Anh công nhận rằng việc di tản và tái định cư cư dân Chagos được tiến hành “với một sự vô cảm với những lợi ích của cư dân (a callous disregard of their interests)”.[18] Phần lớn thời gian, cộng đồng người Chagos bị để lại tự sinh sống trong các khu ổ chuột ở Port Louis – thủ đô của Mauritius.[19] Điều kiện sinh sống rất tồi tệ.[20]

  1. Nghĩa vụ theo các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Trong câu hỏi của mình, Đại hội đồng nêu rõ đề nghị Tòa ICJ xem xét các nghĩa vụ pháp lý xuất phát từ luật quốc tế, trong đó các nghĩa vụ thể hiện trong các Nghị quyết 1514 (XV) ngày 14/12/1960, 2066 (XX) ngày 16/12/1965, 2232 (XXI) ngày 20/12/1966 và 2357 (XXII) ngày 19/12/1967.

Nghị quyết 1514 (XV) năm 1960 là nghị quyết quan trọng nhất của Liên hơp quốc khởi động tiến trình phi-thực dân hóa các thuộc địa. Nghị quyết đã thông qua Tuyên bố về Trao trả độc lập cho các Dân tộc và nước thuộc địa. Tòa ICJ cũng công nhận rằng nghị quyết này là một bước quan trọng trong sự phát triển của luật quốc tế liên quan đến lãnh thổ không tự trị [non-self-governing territories] và tiến trình phi-thực dân hóa.[21] Nghị quyết thể hiện cụ thể hơn nguyên tắc tự quyết dân tộc – một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.[22] Nghị quyết nhấn mạnh “tính cấp thiết của việc chấm dứt nhanh chóng và vô điều kiện chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó.”[23] Bảy nội dung của Nghị quyết cụ thể là:

“1. Việc lệ thuộc các dân tộc vào sự nô dịch, áp đặt và bóc lột nước ngoài cấu thành hành vi phủ nhận các quyền con người cơ bản, trái với Hiến chương Liên hợp quốc và là một trở ngại cho việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác thế giới.

  1. Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết; theo quyền đó họ tự do quyết định thể chế chính trị và tự do theo đõi phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
  2. Việc thiếu sự chuẩn bị về chính trị, kinh tế, xã hội hay giáo dục không là lý do để trì hoãn [việc trao trả] nền độc lập.
  3. Tất cả các hành động vũ trang hay biện pháp đàn áp dưới mọi hình thức nhằm chống lại các dân tộc phụ thuộc phải được chấm dứt để họ các thể thực thi một cách hòa bình và tự do quyền tiến đến nền độc lập, và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của họ phải được tôn trọng.
  4. Các bước đi ngay sau đó phải được tiến hành ở các lãnh thổ không tự trị hoặc lãnh thổ ủy thác hoặc tất cả các lãnh thổ khác mà chưa đạt được nền độc lập nhằm trao tất cả quyền lực cho các dân tộc của các vùng lãnh thổ đó một cách vô điều kiện và không được bảo lưu, phù hợp với ý chí và nguyện vọng được các dân tộc thể hiện một cách tự do, không có bất kỳ sự phân biệt về chủng tộc, nòi giống hay màu da, nhằm cho phép họ được hưởng nền độc lập và tự do hoàn toàn.
  5. Bất kỳ nổ lực nào nhằm chia rẽ hoàn toàn hay một phần sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một nước [a country] là trái với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
  6. Tất cả các Quốc gia [States] phải tuân thủ một cách thiện chí và nghiêm túc các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền và Tuyên bố này trên cơ sở bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng quyền chủ quyền của tất cả các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ.”

Có thể thấy trong vấn đề liên quan đến chia tách quần đảo Chagos, các quy định về tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thuộc địa sẽ là trọng tâm trong các xem xét pháp lý. 03/07 đoạn của Nghị quyết nhắc đền nghĩa vụ tôn trọng này (các đoạn 4, 6, và 7 và cả trong lời nói đầu). Liên quan đến vấn đề này, trong Nghị quyết 2232 (XXI) năm 1966 về các lãnh thổ thuộc địa trong đó có Mauritius, Đại hội đồng LHQ đã bày tỏ quan ngại trước thông tin cho thấy một số quốc gia tiếp tục chính sách chia tách sự toàn vẹn lãnh thổ của một số thuộc địa và thiết lập các căn cứ, cơ sở quân sự tại các vùng lãnh thổ đó. Đoạn 4 của Nghị quyết này nhắc lại rằng “bất kỳ nổ lực nào nhằm chia tách sự toàn vẹn lãnh thổ của các vùng lãnh thổ thuộc địa và việc thiết lập các căn cứ và cấu trúc quân sự tại các vùng lãnh thổ này là trái với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 1514 (XV) của Đại hội Đồng.” Nội dung này cũng được nhắc lại trong Nghị quyết 2357 (XXII) năm 1967.[24]

Vấn đề thứ hai là Tòa ICJ cũng cần xem xét đến liệu hành vi chia tách quần đảo Chagos như một điều kiện để trao trả độc lập cho Mauritius có vi phạm vào nghĩ vụ trao trả độc lập một cách vô điều kiện và không bảo lưu hay không. Cuối cùng, Tòa ICJ cũng cần xem xét liệu việc thỏa thuận chia tách Chagos giữa Anh và Chính quyền thuộc địa Mauritius có giá trị pháp lý thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân tộc Mauritius (bao gồm cả quần đảo Chagos) hay không, khi Chính quyền này được bầu cử một cách khá dân chủ.

Trong vụ việc này, Anh sẽ gặp khó khăn trong việc biện minh hoặc xử lý êm đẹp hành vi chia tách quần đảo Chagos trước khi trao trả độc lập cho Mauritius và di tản không nhân đạo cư dân quần đảo để dọn sạch đất cho Mỹ xây dựng căn cứ quân sự (bất kể việc chia tách này có phải là điều kiện để Anh chấp nhận cho Mauritius độc lập hay không). Hành vi này chẳng có gì “sai” khi nước Anh đặt lợi ích quốc gia lên trên hết nhưng nó gây “lấn cấn” về đạo đức và có thể về mặt pháp lý. Về phía Mauritius, nước này cũng phải đối mặt với việc giải thích hành vi chấp nhận việc chia tách quần đảo Chagos và đối xử với cư dân quần đảo này trong quá khứ đặt trong bối cảnh tư tưởng chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm và không thể nhượng bộ.

  1. Đề xuất cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, vụ việc này có một phần liên quan do Việt Nam cũng đã từng là một nước thuộc địa. Tuy nhiên, cách thức giành độc lập của Việt Nam khác với Mauritius; trong khi Mauritius thông qua đàm phán với Anh một cách hoàn bình và theo tiến trình dân chủ, Việt Nam lựa chọn biện pháp bạo lực cách mạng. Có hai câu hỏi cần đặt ra: Việt Nam có nên có ý kiến, và nếu có ý kiến, thì nên có ý kiến như thế nào. Đây là câu hỏi chính sách thuộc về quyết định chính trị chứ không liên quan đến pháp lý, bởi lẻ Việt Nam không có nghĩa vụ phải có ý kiến. Do đó, để trả lời hai câu hỏi trên cần nhìn ở hai mặt lợi và hại chứ không phải đúng và sai (pháp lý).

  • Có nên có ý kiến hay không?

Việt Nam đã từng có ý kiến trong vụ việc liên quan đến Kosovo. Lý do cho việc này có thể do vấn đề nội dung của vụ việc liên quan đến nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết và ly khai – những vấn đề mà Việt Nam quan tâm và có quan điểm rất rõ ràng. Đối với Việt Nam, toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc cứng, tuyệt đối vượt trên mọi nguyên tắc và quy định của luật quốc tế. Nếu đúng là như vậy thì vụ việc quần đảo Chagos là một cơ hội nữa để Việt Nam nhấn mạnh lại quan điểm đó. Đặc biệt Việt Nam cần lên tiếng để bảo đảm rằng các hành vi của các nước thực dân đô hộ trước đây (Pháp và Nhật) không thể ảnh hưởng đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Việc có ý kiến ở Tòa ICJ cũng là một bước thực tập cho đội ngũ pháp lý của Việt Nam quen thuộc hơn với các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực có thể có nếu Anh có ý kiến mong Việt Nam không dính líu vào vụ việc. Điều này cần phải chờ đợi phản ứng của phía Anh để đánh giá mức độ quan tâm và quan điểm của Anh về vụ việc này.

  • Nếu có ý kiến thì nên ý kiến gì?

Như đã nói trên, các quan trọng nhất đối với Việt Nam là bảo đảm nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ được công nhận mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong quá trình bị đô hộ thành thuộc địa. Có thể trong gần 100 năm đô hộ của Pháp và một giai đoạn ngắn của Nhật, hai nước này đã có hành vi nào đó (mà mình chưa biết) có thể ảnh hưởng đến toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Để bảo đảm chắc chắc lãnh thổ Việt Nam được tôn trọng và không bị thay đổi bất lợi trong giai đoạn là thuộc địa, để giữ vững từng tất đất của tổ tiên, đặc biệt là các lãnh thổ đang bị nước khác tranh chấp như Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam nên có ý kiến về giá trị và vai trò của nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Suy luận ngược lại thì cũng có thể Pháp đã có thay đổi nào đó mang lại lợi ích lãnh thổ cho Việt Nam, ảnh hưởng đến toàn vẹn lãnh thổ của nước khác, như Lào và Campuchia trong giai đoạn Liên bang Đông Dương (1887 – 1945). Nếu như thế thì quan điểm trên sẽ có thể có ảnh hưởng tiêu cực, mặc dù về nguyên tắc đường biên giới Việt Nam và các nước hiện đang được điều chỉnh theo các điều ước quốc tế sau này.

4. Tuyên bố của Việt Nam gửi đến Tòa ICJ

(Cập nhật ngày 11/9/2018Ngày 01 tháng 03 năm 2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã gửi đến Tòa ICJ Văn vản tuyên bố của Việt Nam về vụ việc này (xem tại đây). Tiếp nối với việc tham gia vào Vụ Kosovo, Việt Nam đã chủ động hơn trong việc thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề pháp lý quốc tế trong tiến trình tố tụng tại các cơ quan tài phán quốc tế. Tuyên bố của Việt Nam chỉ nêu quan điểm (cùng lập luận) khẳng định Tòa ICJ có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn trong vụ việc này: Yêu cầu xin ý kiến tư vấn được đưa ra phù hợp Điều 65(1) Quy chế Tòa và Điều 91(1) Hiến chương Liên hợp quốc, và được thể hiện bằng các thuật ngữ pháp lý. Thông thường có hai điều kiện để Tòa ICJ thực thi thẩm quyền cho ý kiến tư vấn: (1) Tòa có thẩm quyền theo quy định, và (2) Không có lý do xác đáng (compelling reasons) để từ chối cho ý kiến (xem thêm tại post này và post này). Việt Nam chỉ tập trung vào điều kiện thứ nhất. Thay vì lập luận rằng không có lý do xác đáng để từ chối cho ý kiến tư vấn, Việt Nam cho rằng có lý do để Tòa nên cho ý kiến tư vấn:

Việt Nam đánh giá cao và tôn trọng tất cả tiến trình pháp lý quốc tế, bao gồm thủ tục xin ý kiến tư vấn tại Tòa án Công lý Quốc tế. Ý kiến tư vấn của Tòa đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của luật pháp quốc tế, thông qua làm sáng tỏ các vấn đề còn mơ hồ của luật pháp quốc tế và tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Việc gửi quan điểm đến Tòa là một bước tích cực, đáng khích lợi của Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ pháp lý của Bộ Ngoại giao. Việc tích cực tham gia vào các tiến trình pháp lý quốc tế nên được xem là một bộ phận của đường lối hội nhập quốc tế được đưa ra từ Đại hội Đảng lần thứ XII – hội nhập pháp lý. Việt Nam và Thái Lan là hai nước duy nhất trong ASEAN tham gia vào vụ việc này: Khác với Việt Nam gửi văn bản, Thái Lan tham gia trình bày trước Tòa(xem Verbatim Record, Doc. CR2018/26, 17-28). Quan điểm của Thái Lan tập trung vào một chủ đề rất thú vị: Các điều ước bất bình đẳng (Unequal treaties).

(*) Văn bản tuyên bố của Việt Nam có một lỗi typo.

Trần H. D. Minh

———————————————————————-

[1] Xem https://iuscogens-vie.org/2017/04/02/14

[2] Xem thông tin và download tài liệu liên quan đến vụ kiện này tại Chagos Marine Protected Area Arbitration (Mauritius v. United Kingdom), https://pca-cpa.org/en/cases/11/

[3] Judgments – R (on the application of Bancoult) v Secretary of State for Foreign and Commonwealth Affairs, xem tại https://publications.parliament.uk/pa/ld200708/ldjudgmt/jd081022/banc-1.htm

[4] Phán quyết ngày 18 tháng 03 năm 2015, đoạn 56 – 62.

[5] Như trên, đoạn 62.

[6] Như trên.

[7] Judgments – R (on the application of Bancoult) v Secretary of State for Foreign and Commonwealth Affairs, đoạn 4, xem tại https://publications.parliament.uk/pa/ld200708/ldjudgmt/jd081022/banc-1.htm

[8] Như trên, đoạn 63 – 87.

[9] Sẽ có câu hỏi rằng tại sao chính quyền thuộc địa lại có quyền và vị thế đàm phán để đòi độc lập với mẫu quốc? Điều này có thể xảy ra ở Mauritius do quá trình dân chủ hóa trong việc quản lý thuộc địa của Anh. Nước Anh dần cho phép hình thành các cơ quan nhà nước do chính người dần thuộc địa bầu cử ra. Đến năm 1959 Đảng Lao động Mauritius đã giành đa số trong Hội đồng Lập pháp Mauritius và chính thức xác định mục tiêu giành độc lập hoàn toàn khỏi Anh. Nếu không có quá trình dân chủ hóa với sự nới lỏng dần quản lý từ Anh thì có thể việc giành độc lập của Mauritius sẽ không thể diễn ra bằng cách đàm phán trực tiếp với Anh.

[10] Phán quyết 2008, đoạn 6.

[11] Như trên, đoạn 89.

[12] Như trên.

[13] Phán quyết 2008, đoạn 6.

[14] Phán quyết năm 2015, đoạn 147.

[15] Như trên, đoạn 88.

[16] Phán quyết 2008, đoạn 6.

[17] Notice of arbitration of Mauritius, đoạn 2.

[18] Phán quyết 2008, đoạn 10.

[19] Như trên.

[20] Như trên, đoạn 11.

[21] Vụ Western Sahara, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ, 1975, đoạn 12, 31, 32.

[22] Như trên, đoạn 55.

[23] Nghị quyết 1514, lời mở đầu.

[24] Nghị quyết 2357 (XXII) ngày 19/12/1967, lời nói đầu và đoạn 4.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: