[171] Nỗ lực “tìm thêm việc” của Tòa ITLOS trong những năm gần đây

Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) là một tòa khá trẻ tuổi so với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Tòa ITLOS được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), chính thức hoạt động vào ngày 01.10.1996, gần hai năm sau khi Công ước có hiệu lực. Xem thêm về thẩm quyền của Tòa ITLOS tại post này.

Cho đến hiện nay, trong danh sách vụ việc mà Tòa đã và đang thụ lý giải quyết, có 29 vụ việc. Trong số đó, có 09 vụ liên quan đến thủ tục thả tàu nhanh (prompt release), 08 vụ liên quan đến thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures), 03 vụ liên quan đến phân định biển (maritime delimitation), 02 vụ liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn (advisory proceedings), và 07 vụ liên quan đến các vấn đề pháp lý thực chất khác (trong đó, có 01 vụ mà các bên xin rút).

Có thể thấy, có đến 17/29, chiếm gần 60%, vụ việc mà Tòa giải quyết là liên quan đến những thủ tục “bổ trợ”, bao gồm thả tàu nhanh và áp dụng biển pháp khẩn cấp tạm thời. Còn lại mới là các vụ việc mà Tòa được yêu cầu xem xét vấn đề pháp lý thực chất, theo nghĩa là các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ quan trọng của các quốc gia theo UNCLOS. Điều này có thể cho thấy rằng các quốc gia chưa thực sự đánh giá cao và tin cậy vào Tòa ITLOS, dẫn đến tình trạng “ế việc” của Tòa trong một thời gian.

Tình trạng “ế việc” này nổi bật nhất trong khoảng 12 năm đầu kề từ khi Tòa đi vào hoạt động. Trong những năm đấy, Tòa có tất cả 09 vụ thả tàu nhanh, 02 vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, 01 vụ thực chất và 01 vụ thực chất khác nhưng bị rút sau đó do cách bên đã đàm phán thành công. Với danh sách các vụ ban đầu như thế, điểm duy nhất mà Tòa đóng góp cho luật pháp quốc tế là hình thành nên một hệ thống án lệ nhất quán về thủ tục thả tàu nhanh. Sau 09 vụ viện này, không còn bất kỳ vụ việc nào liên quan đến thả tàu nhanh được đệ trình lên Tòa. Có ý kiến cho rằng việc Tòa hình thành một hệ thống án lệ nhất quán trong 09 vụ việc thả tàu nhanh trong giai đoạn trước đã làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này, theo đó, các quốc gia biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình để không vi phạm hoặc không dám vi phạm.

Đến năm 2009, có thể là các thẩm phán nhận thấy tình trạng “khá ngại ngùng” của mình, hoặc có thể do các quốc gia đã tin tưởng hơn với Tòa, Tòa ITLOS bắt đầu có sự thay đổi. Tòa có vẻ bắt đầu chủ động tìm kiếm các vụ việc thực chất mới cho mình. Năm 2014, Chánh án Golitsyn của Tòa ITLOS mời Ghana và Côte d’Ivoire tham vấn liên quan đến một tranh chấp phân định biển giữa hai nước mà lúc đầu hai nước cũng dự định xét xử tại tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Sau đó, Ghana và Côte d’Ivoire cũng đã đồng ý chuyển vụ việc cho Tòa ITLOS xét xử. Hai nước yêu cầu xét xử bằng thủ tục viện đặc biệt (special chamber) với năm thành viên (03 thẩm phán đương nhiệm của Tòa và 02 thẩm phán ad hoc do từng bên lựa chọn). Thủ tục viện đặc biệt được quy định tại Điều 15 của Quy chế Tòa ITLOS (thủ tục này cũng có tại Tòa ICJ theo Điều 26 Quy chế Tòa ICJ).

Judge Paik

Lần thứ hai mà Tòa ITLOS “cướp việc” của tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS là trong Vụ liên quan đến phân định biển ở Ấn Độ Dương giữa Mauritius và Maldives. Với sự tham vấn của Chánh án Paik của Tòa ITLOS, ngày 24.09.2019, Mauritus và Maldives đã đồng ý chuyển vụ việc này từ tòa trọng tài sang Tòa ITLOS theo thủ tục viện đặc biệt (với 07 thẩm phán đương nhiệm và 02 thẩm phán ad hoc do từng nước lựa chọn). Ngay sau đó, vào tháng 12.2019, trong một cách thức tương tự, lần thứ ba Chánh án Paik của Tòa ITLOS đã thành công tham vấn cho Thụy Sĩ và Nigeria chuyển vụ tranh chấp liên quan đến tàu San Padre Pio mang cờ của Thụy Sĩ từ tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS sang Tòa ITLOS.

Căn cứu để Tòa ITLOS có thể chủ động tham vấn cho các bên tranh chấp là do UNCLOS đã có quy định về vai trò đặc biệt của Chánh án Tòa ITLOS trong việc thành lập tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS. Tòa trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chất vụ việc (ad hoc), không có sẵn cho các quốc gia. Khi có tranh chấp, các quốc gia sẽ đàm phán lựa chọn trọng tài viên và cơ quan đóng vai trò thư ký cho tòa trọng tài. Theo Điều 3(e) Phụ lục VII UNCLOS, Chánh án Tòa ITLOS sẽ có quyền chỉ định trọng tài viên nếu các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận lựa chọn trọng tài. Ví dụ gần đây là trong Vụ kiện Biển Đông, Chánh án Tòa ITLOS lúc đó đã phải chỉ định 04/05 trọng tài viên, do Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và chỉ có Philippines chỉ định một trong tài viên. 

Khi nhắc đến việc chuyển vụ việc từ trọng tài thành vụ việc xét xử tại Tòa ITLOS, không thể không nhất đến Vụ phân định biển tại Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar. Vụ việc này đánh nhẽ ra được xét xử theo thủ tục trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS nhưng, Bangladesh và Myanmar đã có thỏa thuận chuyển vụ việc này cho Tòa ITLOS giải quyết. Đây là vụ việc rất quan trọng khi mà lần đầu tiên Tòa ITLOS được nhận một vụ việc liên quan đến một trong những vấn đề quan trọng và phức tạp trong luật biển quốc tế – vấn đề phân định biển. Tòa đã làm rất tốt vai trò của mình trong vụ việc này với việc xét xử rất nhanh, và chỉ trong ba năm đã ra phán quyết. Hơn nữa, phán quyết trong Vụ Bangladesh/Myanmar này lại đề cập đến một vấn đề pháp lý mới và quan trọng – vấn đề phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý khi chưa xác lập ranh giới ngoài. Cách tiếp cận của Tòa được Tòa ICJ chấp nhận sau đó. Việc thuyết phục Tòa ICJ – một tòa án quốc tế nổi tiếng và lâu đời – chấp nhận cách tiếp cận của mình, Tòa ITLOS đã thể hiện năng lực của mình dù là một tòa án rất trẻ lúc đó!

*

Với sự chủ động của mình, Tòa ITLOS đã thành công trong việc thuyết phục các quốc gia đệ trình tranh chấp lên cho Tòa xét xử. Đây có thể được xem là một đóng góp nữa của Tòa ITLOS cho sự phát triển của luật quốc tế thông qua việc hình thành một nền ngoại giao tài phán với một vai trò chủ động hơn của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc tìm tranh chấp để giải quyết. Tin rằng với nhiều danh sách các vụ việc ngày càng dài, uy tín và vai trò của Tòa ITLOS sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa.

Trần H. D. Minh

———————————————————————-

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑