[194] Hậu ý kiến tư vấn của Toà ICJ năm 2019: Anh vẫn từ chối chấm dứt quản lý Quần đảo Chagos

Nghị quyết của Đại hội đồng yêu cầu Anh rút khỏi Quần đảo trước ngày 22.11.2019 – Anh tái khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Chagos – Vì sao Anh từ chối chấp nhận Ý kiến tư vấn của Toà?

Ngày 25.02.2019, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) ra Ý kiến tư vấn cho Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến Hệ quả pháp lý của việc chia tách Quần đảo Chagos khỏi Mauritius vào năm 1965 (xem post nàynày). Toà ICJ kết luận rằng:

  • Việc Anh chia tách Quần đảo này khỏi Mauritius vào năm 1965 trước khi trao trả độc lập cho Mauritius là không phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề phi thuộc địa hoá, trong đó có nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết.
  • Yêu cầu Anh phải chấm dứt việc quản lý Quần đảo này nhanh chóng nhất có thể.

Mặc dù, ý kiến tư vấn của Toà ICJ không có hiệu lực ràng buộc, các ý kiến này có sức nặng pháp lý đáng kể vì được xem là giải thích và áp dụng đúng các quy định của luật quốc tế (xem thêm post này).

Nghị quyết của Đại hội đồng yêu cầu Anh rút khỏi Quần đảo trước ngày 22.11.2019

Ngày 22.5.2019, Đại hội đồng thông qua Nghị quyết A/RES/73/295 ghi nhận Ý kiến tư vấn của Toà ICJ. Đại hội đồng xác nhận “Quần đảo Chagos là một phần lãnh thổ không tách rời của Mauritius”, và yêu cầu “Anh phải chấm dứt việc quản lý theo kiểu thuộc địa tại Quần đảo Chagos một cách vô điều kiện trong thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày nghị quyết này được thông qua.”

UNGA Res A/73/295

Nghị quyết được thông qua với 116 phiếu ủng hộ, 6 phiếu chống, 56 phiếu trắng, 15 quốc gia không bỏ phiếu (xem list cụ thể tại đây). Sáu nước bỏ phiếu chống bao gồm: Australia, Hungary, Israel, Maldives, Anh và Mỹ. 56 nước bỏ phiếu trắng chủ yếu là các quốc gia châu Âu. Theo The Guardian của Anh, tại phiên bỏ phiếu, các nhà ngoại giao Anh và Mỹ đã rất tích cực lobby để cố giữ số phiếu chống lớn hơn một con số. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 06 nước bỏ phiếu chống. Chính Mauritius cũng bất ngờ với kết quả bỏ phiếu bởi vì Anh và Mỹ đã thực hiện một chiến dịch lobby rất lớn tại thủ đô các nước và tại Liên hợp quốc.

Mỹ tích cực trong vấn đề này bởi vì từ năm 1966 Mỹ đã xây dựng và duy trì một căn cứ quân sự quan trọng trên Đảo Diego Garcia của Quần đảo này. Căn cứ này được dùng phục vụ cho chiến sự tại Iraq và Afganistan.[1] Năm 2016, Anh gia hạn cho Mỹ được tiếp tục sử dụng Quần đảo đến năm 2036.[2] Mỹ đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào căn cứ tại đây.[3]

Anh không tuân thủ hạn chốt mà Đại hội đồng đặt ra. Việc không tuân thủ này không là vi phạm luật quốc tế bởi vì nghị quyết của Đại hội đồng không có hiệu lực ràng buộc. Tuy nhiên, việc không tuân thủ nghị quyết là việc mà các quốc gia không mong muốn, ánh hưởng đến uy tín về chính trị và ngoại giao.

Anh tái khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Chagos

Trong một tuyên bố ngày 30.04.2019, Alan Duncan, Bộ trưởng phụ trách châu Âu và châu Mỹ của Anh, khẳng định rằng Anh tôn trọng Toà ICJ nhưng “không chia sẽ cách tiếp cận của Toà”. Ông khẳng định rằng:

“[Nước Anh] không nghi ngờ về chủ quyền của mình đối với Quần đảo Chagos, quần đảo đã nằm dưới chủ quyền của Anh liên tục từ năm 1814. Mauritius chưa bao giờ có chủ quyền đối với Quần đảo và chúng ta không công nhận yêu sách của nước này. Tuy nhiên, chúng ta đã đưa ra một cam kết dài hạn từ năm 1965 sẽ chuyển nhượng chủ quyền lãnh thổ cho Mauritius khi không còn cần thiết vì mục đích quân sự.”

UK 2019 on Chagos

Ngày 28.6.2019, Anh gửi công hàm phản đối Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) xem xét đệ trình của Mauritius liên quan đến thềm lục địa mở rộng của Quần đảo Chagos. Anh khẳng định lại mình có chủ quyền đối với Quần đảo này, và khẳng định Anh tiếp tục hưởng các quyền của quốc gia ven biển đối với quần đảo này.

Vì sao Anh từ chối chấp nhận Ý kiến tư vấn của Toà?

Lý do đầu tiên có thể đoán là do lợi ích chính trị và an ninh của Anh. Hiện nay, Mỹ đang duy trì căn cứ quân sự trên Quần đảo Chagos và việc trao trả lại cho Mauritius sẽ có ảnh hưởng không lường trước đến việc duy trì căn cứ này. Kể cả khi Mauritius đồng ý để Mỹ tiếp tục duy trình căn cứ, việc đặt căn cứ quân sự tại một quốc gia không phải đồng minh là điều mà Mỹ không mong muốn.

Nhìn ở tầm chiến lược hơn, Philippe Sands – một trong những luật sư luật quốc tế người Anh nổi tiếng nhất hiện nay – cho rằng Anh chưa chấp nhận Ý kiến tư vấn của Toà và áp lực quốc tế bởi vì nước này đang còn loay hoay để định hình vị trí của mình trên thế giới. Ông cho rằng:

“Anh là một cường quốc đang đi xuống (a diminished power). Nước này vừa mất một ghế thẩm phán tại Toà án Công lý Quốc tế. Nước này cũng thua một loạt các nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tôi nghĩ rằng nước Anh đang cần thời gian để nhận rõ thực tại rằng hoàn cảnh pháp lý d8a4 rất khác. Cuối cùng tôi nghĩ Anh cũng sẽ tuân thủ Ý kiến tư vấn của Toà.”

Trần H.D. Minh

——————————————————-

[1] M Schwikowski, “Chagos islands: The fight over Africa;s last British colony”, 22.11.2019, https://www.dw.com/en/chagos-islands-the-fight-over-africas-last-british-colony/a-51372316 truy cập ngày 12.6.2020.

[2] H Mance, “Extended US lease blocks Chagossian’s return home”, 16.11.2016, https://www.ft.com/content/abbc879a-ac1d-11e6-ba7d-76378e4fef24 truy cập ngày 12.6.2020.

[3] Như trên.

1 bình luận về “[194] Hậu ý kiến tư vấn của Toà ICJ năm 2019: Anh vẫn từ chối chấm dứt quản lý Quần đảo Chagos

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: