Tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết – Quyền được tự lựa chọn biện phán giải quyết của các bên – Ưu tiên các cơ chế tương tự ngoài UNCLOS – Các cơ quan tài phán được trù định – Điều kiện tiên quyết – Thẩm quyền – Luật áp dụng – Ngoại lệ và giới hạn thẩm quyền
Cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Phần XV của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Phần XV có ba mục, Mục 1 về các quy định chung, Mục 2 về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán bắt buộc, và Mục 3 về ngoại lệ và giới hạn đối với các biện pháp tài phán được trù định ở Mục 2.
I. Các quy định chung
- Tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982
Đầu tiên phải khẳng định rằng không phải tất cả các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên của UNCLOS đều có thể được giải quyết bằng cơ chế giải quyết của Công ước. Chỉ những tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của Công ước mới thuộc phạm vi giải quyết của cơ chế này.[1] Vậy hiểu như thế nào là một tranh chấp “liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của Công ước”? Sẽ đơn giản và rõ ràng nhất nếu trong quá trình tranh chấp hình thành và tồn tại, các trao đổi giữa các bên có dẫn chiếu đến tên của Công ước hoặc đến các chế định, quy định cụ thể của Công ước.Ví dụ như nước A cáo buộc nước B đã vi phạm Điều 18 và 19 của UNCLOS liên quan đến quyền qua lại vô hại khi nước B đặt ra các quy định đặc biệt áp dụng cho tàu chiến của nước A khi qua lại vô hại trong lãnh hải của nước B. Tranh chấp này rõ ràng là một tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng hai quy định của UNCLOS, do đó, chắc chắn thuộc phạm vi giải quyết của cơ chế của Công ước.
Tuy nhiên, các cơ quan tài phán không yêu cầu ở mức độ rõ ràng cao như vậy. Trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Tòa ICJ cho rằng “không nhất thiết rằng bởi vì một Quốc gia không dẫn chiếu rõ ràng trong đàm phán với một Quốc gia khác về một điều ước quốc tế cụ thể mà Quốc gia đó cho rằng đã bị vi phạm bởi hành vi của Quốc gia khác đó, thì nước này không được viện dẫn điều khoản [giải quyết tranh chấp] bắt buộc của điều ước đó.”[2] Yêu cầu tối thiểu để một tranh chấp được xem là liên quan đến giải thích và áp dụng một điều ước là “các trao đổi phải dẫn chiếu đến nội dung-chủ đề của điều ước đó với mức độ rõ ràng đủ để cho phép Quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhận thức rằng có hoặc có vẻ như có một tranh chấp liên quan đến nội dung-chủ đề đó.”[3] Đương nhiên, việc viện dẫn cụ thể đến một điều ước quốc tế sẽ loại trừ mọi nghi ngờ từ phía bên tranh chấp khác.
Do đó, để tránh các tranh cãi không cần thiết các quốc gia nên viện dẫn cụ thể tên của UNCLOS 1982 trong các trao đổi của mình, hoặc ít nhất sử dụng các từ có liên quan đến nội dung-chủ đề của Công ước, ví dụ như các từ ngữ liên quan đến các chế định của Công ước, các vấn đề được Công ước điều chỉnh, hoặc ít nhất có đề cập đến luật biển quốc tế.
Những tranh chấp không liên quan đến nội dung-chủ đề của Công ước sẽ không thể sử dụng cơ chế của Công ước để giải quyết. Rõ ràng nhất là các tranh chấp thuần túy liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ không được điều chỉnh bởi bất kỳ quy định nào của Công ước mà được điều chỉnh bởi một ngành luật quốc tế khác – luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ không liên quan đến giải thích hay áp dụng bất kỳ quy định nào trong số 320 điều và 09 phụ lục của UNCLOS 1982. Tuy nhiên một số tranh chấp khác gián tiếp liên quan đến Công ước cũng có thể thuộc phạm vi giải quyết của cơ chế của Công ước (xem Mục II.3. Thẩm quyền bên dưới).
- Quyền được lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp
Mặc dù Công ước có quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhưng Công ước vẫn bảo đảm quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn một biện pháp khác, bên ngoài Công ước nếu các bên cho rằng thích hợp. Điều 280 quy định “Không có quy định nào trong Phần này ảnh hưởng đến quyền của bất kỳ quốc gia thành viên nào thỏa thuận với nhau tại bất kỳ thời điểm nào để giải quyết một tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước này bằng bất kỳ biện pháp hòa bình nào mà các quốc gia tự lựa chọn.” Nói cách khác các bên trong tranh chấp có thể bỏ qua cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước. Điều kiện tiên quyết là các bên phải có thỏa thuận. Thỏa thuận như thế phải là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý (một điều ước quốc tế),[4] bao gồm cả các thỏa thuận trên thực tế mà không dưới dạng chính thức nào (de facto agreement).[5]
Cũng lưu ý rằng kể cả khi có thỏa thuận thì cũng không có nghĩa là một bên trong tranh chấp không bao giờ được quay lại sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước. Điều 281 quy định cơ chế của Công ước vẫn được áp dụng nếu (i) các bên không đạt được giải pháp bằng biện pháp đã chọn và (ii) thỏa thuận không loại trừ bất kỳ thủ tục nào tiếp theo. Như vậy, Công ước vẫn bảo đảm cơ chế của mình sẽ luôn có sẵn cho các bên trong trường hợp biện pháp các bên lựa chọn không thể giải quyết được tranh chấp. Trong Vụ kiện Biển Đông, Tòa trọng tài cho rằng một thỏa thuận loại trừ như thế phải được thể hiện rõ ràng nhất định.[6] Nếu một thỏa thuận chỉ lựa chọn một biện pháp khác thì không thể có hiệu lực loại bỏ được. Ví dụ như nước A và B cùng thỏa thuận lựa chọn đàm phán là biện pháp giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS và không có bất kỳ quy định nào trong thỏa thuận hay có bằng chứng khác xác định là A và B cũng đồng thời loại bỏ việc áp dụng cơ chế của Công ước. Thỏa thuận như vậy sẽ không thể ngăn A hoặc B tại một thời điểm nào đó đơn phương sử dụng cơ chế của Công ước.
- Ưu tiên các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất tương tự trong khuôn khổ ngoài UNCLOS 1982
Điều 282 quy định rằng trong trường hợp có tồn tại một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chấp tương tự như cơ chế của UNCLOS trong các thỏa thuận song phương, khu vực hay đa phương thì cơ chế giải quyết tranh chấp đó sẽ được áp dụng thay thế cho cơ chế của UNCLOS, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Có thể logics ở đây là nếu các bên có cơ chế giải quyết tranh chấp riêng với nhau thì nên sử dụng cơ chế đó trước khi sử dụng cơ chế đa phương phổ quát như của UNCLOS. Đương các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn bỏ qua sự ưu tiên mặc định này.
Điểm quan trọng nhất ở Điều 282 là không phải bất kỳ cơ chế giải quyết nào cũng được ưu tiên so với cơ chế của UNCLOS. Cơ chế đó phải có tính chất tương tự để thay thế cho cơ chế của UNCLOS, theo câu chữ của Điều 282 thì phải là một cơ chế cho phép “theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong tranh chấp, tranh chấp đó sẽ được đệ trình ra một thủ tục dẫn đến quyết định ràng buộc”. Ở đây có hai yếu tố mà một cơ chế thay thế cần phải: (i) cho phép đơn phương sử dụng hay nói cách khác là một cơ chế bắt buộc , và (ii) kết quả giải quyết tranh chấp phải có hiệu lực ràng buộc như một phán quyết của cơ quan tài phán. Và để thỏa mãn hai yếu tố đó thì cơ chế đó ít nhất cũng phải là một cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán bắt buộc! Đây là cách giải thích đã được Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông áp dụng.[7]
Với yêu cầu cao như thế, khó có các điều ước quốc tế nào đáp ứng được. Hầu hết các điều ước quốc tế đa phương đều chỉ ghi nhận một hay vài điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp. Một ví dụ rất thú vị từ Vụ kiện Biển Đông là trường hợp áp dụng Điều 282 vào Điều 27 của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Sau khi xem xét quy định giải quyết tranh chấp ở từng khoản trong bốn khoản của Điều 27, Tòa trọng tài kết luận là có khoản thỏa mãn yếu tố này lại không thỏa mãn yếu tố kia, hoặc không thỏa mãn cả hai, hoặc không có sẵn để sử dụng. Cụ thể, Tòa trọng tài cho rằng:
“… Điều 27(1) của CBD yêu cầu các bên tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán. Đấy không phải là một thủ tục bắt buộc dẫn đến quyết định ràng buộc. Điều 27(2) quy định rằng, nếu đàm phán thất bại, các bên ‘có thể cùng nhau tìm kiếm môi giới, hoặc yêu cầu trung gian bởi bên thứ ba.’ Đấy không là một thủ tục bắt buộc mà còn không phải là thủ tục dẫn đến quyết định ràng buộc. Điều 27(3) quy định rằng một thành viên của CBD có thể đưa ra một tuyên bố bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu rằng nếu tranh chấp không thể giải quyết theo Điều 27(1) và (2), nước này chấp nhận một hoặc cả hai biện pháp tài phán trọng tài hoặc Tòa án Công lý Quốc tế như là biện pháp bắt buộc. Thủ tục này có thể dẫn đến quyết định ràng buộc, tuy nhiên, cả Philippines và Trung Quốc đều không có tuyên bố như thế, do đó, thủ tục này không có sẵn ‘theo yêu cầu của bất kỳ bên nào’ như quy định ở Điều 282. Điều 27(4) quy định rằng nếu các bên không chấp nhận cùng hoặc bất kỳ thủ tục ràng buộc nào ở Điều 27(3), thì tranh chấp ‘sẽ được đệ trình lên hòa giải.’ Đây là thủ tục bắt buộc, nhưng nó lại không dẫn đến quyết định ràng buộc. Tối đa, ủy ban hòa giải … có thể ‘đưa ra một đề xuất giải quyết tranh chấp mà các bên phải xem xét một cách thiện chí’. Như đây lại không phải là một ‘quyết định ràng buộc’.”[8]
II. Các quy định về điều kiện, thẩm quyền và hạn chế của các biện pháp tài phán bắt buộc
- Các cơ quan tài phán được Công ước trù định
Công ước trù định bốn cơ quan tài phán để các quốc gia lựa chọn: (a) Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), (b) Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), (c) trọng tài theo Phụ lục VII, và (d) trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII. Điều 286 quy định cách thức lựa chọn và xác định cơ quan tài phán có quyền thụ lý. Tại bất kỳ thời điểm nào, các quốc gia đều có thể đưa ra tuyên bố lựa chọn một hay nhiều cơ quan tài phán trong bốn cơ quan trên.[9] Nếu các bên tranh chấp cùng lựa chọn một cơ quan thì cơ quan đó có quyền thụ lý. Ngược lại nếu lựa chọn khác nhau thì tranh chấp phải mang ra tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Phụ lục VII cũng là cơ quan tài phán sẽ giải quyết tranh chấp giữa các bên không có tuyên bố lựa chọn, như trường hợp Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Tòa ITLOS là một tòa án quốc tế mới được thành lập, gồm 21 thẩm phán. Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và đưa ra ý kiến tư vấn. Ngoài ra có hai thẩm quyền đặc biệt mà UNCLOS quy định riêng cho Tòa ITLOS là (i) thả tàu nhanh và (ii) đưa ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời gian chờ thành lập tòa trọng tài.[10] Tòa ITLOS có thể giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước (ví dụ như EU). Xem thêm về thầm quyền của Tòa ITLOS tại đây.
Tòa ICJ là một trong các cơ quan chính của Liên hợp quốc, gồm 15 thẩm phán. Theo Quy chế của Tòa, Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của UNCLOS, Công ước không quy định thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn của Tòa ICJ, do đó, yêu cầu xin ý kiến tư vấn phải trực tiếp dựa trên cơ sở là Quy chế của Tòa mà không thể dựa trên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Khác với Tòa ITLOS, Tòa ICJ không thể thụ lý giải quyết tranh chấp mà một hoặc các bên là tổ chức quốc tế. Xem thêm về thầm quyền của Tòa ICJ tại đây.
Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các thành viên của Công ước, gồm 05 trọng tài viên. Trọng tài là một cơ quan tài phán mang tính chấp vụ việc (ad hoc). Thẩm quyền giải quyết tranh chấp này tương tự như của Tòa ITLOS và Tòa ICJ.
Trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII có thẩm quyền hẹp hơn so với ba cơ quan tài phán nói trên. Thẩm quyền của tòa chỉ giới hạn trong phạm vi các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng các quy định của Công ước liên quan đến (1) đánh bắt cá, (2) bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, (3) nghiên cứu khoa học biện và (4) hành hải, bao gồm cả vấn đề ô nhiễm do tàu thuyền và xả thải.[11] Hơn nữa, khác với các cơ quan tài phán nên, thành viên của tòa được quy định là các “chuyên gia” (experts) trong các lĩnh vực trên mà không cần có chuyên môn pháp lý.
- Điều kiện tiên quyết để sử dụng các biện pháp tài phán bắt buộc
Điều 286 quy định các biện pháp tài phán bắt buộc chỉ được sử dụng nếu không thể giải quyết tranh chấp bằng các quy định ở Mục 1 của Phần XV, cụ thể là các quy định ở Điều 281, 282 và 283. Điều 281 và 282 đã được phân tích ở trên. Phần này sẽ phân tích Điều 283. Điều 283 quy định về nghĩa vụ trao đổi quan điểm, cụ thể “khi tranh chấp phát sinh … các bên trong tranh chấp phải nhanh chóng tiến hành trao đổi quan điểm liên quan đến việc giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác.”
Mục đích của việc bắt buộc phải trao đổi quan điểm trước khi có thể sử dụng các biện pháp tài phán là nhằm bảo đảm các bên nhận thức được rõ sự tồn tại của một tranh chấp và tạo cơ hội cho các bên tự giải quyết tranh chấp với nhau. Nghĩa vụ này không yêu cầu bắt buộc phải tiến hành đàm phán chính thức; đương nhiên tiến hành đàm phán sẽ tốt hơn nhưng không bắt buộc. Nghĩa vụ trao đổi quan điểm cũng được xem là thỏa mãn nếu một bên chủ động liên hệ trao đổi trong khi bên còn lại không trả lời các liên hệ này.[12] Nghĩa vụ này cũng không yêu cầu việc trao đổi quan điểm phải liên quan đến nội dung của tranh chấp mà chỉ cần liên quan đến biện pháp mà tranh chấp đã phát sinh giữa các bên có thể được giải quyết.[13]
- Thẩm quyền của các cơ quan tài phán được trù định
Điều 288 quy định thẩm quyền của các cơ quan tài phán được trù định ở Điều 287. Theo đó, các cơ quan tài phán này sẽ có thẫm quyền đối với bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước được đệ trình phù hợp với quy định của Phần XV. Ngoài ra, theo Điều 288(2), các cơ quan này còn có thể có thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng các thỏa thuận khác liên quan đến mục đích của Công ước này khi được đệ trình phù hợp với thỏa thuận đó. Như vậy một tranh chấp không nhất thiết phải liên quan đến bất kỳ điều khoản nào của Công ước cũng có thể được đệ trình lên các cơ quan tài phán được trù định ở Điều 287 với điều kiện ba điều kiện: (i) có một thỏa thuận, (ii) thỏa thuận đó liên quan đến mục đích của Công ước, và (iii) thỏa thuận đó có quy định về việc đệ trình lên các cơ quan tài phán ở Điều 287. Ví dụ điển hình nhất là Thỏa thuận về Thực thi Phần XI và Thỏa thuận về Nguồn cá.[14]
- Luật áp dụng
Điều 293 quy định các cơ quan tài phán sẽ áp dụng “Công ước này và các quy định khác của luật quốc tế không trái với Công ước”. Kết hợp với Điều 288(2), luật áp dụng để giải quyết tranh chấp sẽ bao gồm cả các thỏa thuận là đối tượng của tranh chấp. Cũng lưu ý rằng cần phải phân biệt rõ giữa Điều 293 về luật áp dụng và Điều 288 về thẩm quyền. Luật áp dụng có thể bao gồm các quy định bên ngoài Công ước và thậm chí ở những quy định không liên quan trực tiếp đến luật biển (ví dụ luật điều ước quốc tế). Không thể dựa vào Điều 293 để mở rộng phạm vi các tranh chấp thuộc thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế được trù định ở Điều 287 (ví dụ như đệ trình một tranh chấp thuần túy về luật điều ước quốc tế).
“Các quy định khác của luật pháp quốc tế” ở Điều 293 cho phép các cơ quan tài phán có thể áp dụng các quy định thuộc các ngành luật thứ cấp (secondary rules) của luật quốc tế như các quy định về giải thích điều ước theo luật điều ước quốc tế, hay xác định trách nhiệm pháp lý của bên vi phạm theo luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia. Trong một số án lệ, luật áp dụng đôi khi là các quy định thực chất (primary rules) của các ngành luật. Trong Vụ kiện Biển Đông, Tòa trọng tài đã sử dụng Công ước về Mua bán thương mại các loài hoang dã bị đe dọa (CITES) như “một phần của luật pháp quốc tế chung cung cấp nội hàm cho Điều 192 và 194(5) của Công ước” để kết luận Trung Quốc đã vi phạm hai điều khoản trên khi không có biện pháp ngăn chặn ngư dân nước này đánh bắt các loài động vật nằm trong danh mục cấm của CITES.[15] Trong Vụ Khu vực bảo tồn biển Chagos, Tòa trọng tài chủ yếu xoay quanh giải thích và áp dụng Thỏa thuận Lancaster năm 1965 giữa Anh và Mauritius.[16]
- Ngoại lệ và giới hạn thẩm quyền của các cơ quan tài phán
Thẩm quyền của các cơ quan tài phán được trù định ở Điều 287 bị hạn chế bởi các ngoại lệ mặc định ở Điều 297 và các giới hạn tùy chọn ở Điều 298. Điều 297 quy định các cơ quan tài phán không có thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển và đánh bắt cá. Điều này tăng cường tính chất độc quyền của quyền của quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển trong hai lĩnh vực trên. Điều 298 quy định các quốc gia có thể đưa ra tuyên bố loại trừ một hay nhiều tranh chấp khỏi phạm vi thẩm quyền của các cơ quan tài phán. Các tranh chấp đó bao gồm (i) tranh chấp liên quan đến phân định biển và danh nghĩa lịch sử, (ii) tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự và hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đánh bắt cá, và (iii) tranh chấp đang được xem xét tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Có lẽ để cân bằng lại việc loại trừ các tranh chấp trên khỏi thẩm quyền bắt buộc của các cơ quan tài phán, UNCLOS cho phép các quốc gia tranh chấp được đơn phương yêu cầu hòa giải bắt buộc theo Phụ lục V. Trừ các tranh chấp ở điểm (b) và (c) của Điều 298, các tranh chấp bị loại trừ ở Điều 297 và ở Điều 298(1)(a) đều có thể được mang ra hỏa giải bắt buộc. Vụ việc đầu tiên và duy nhất mà một quốc gia đơn phương yêu cầu hòa giải bắt buộc là Vụ liên quan đến phân định biển giữa Timor Leste và Australia (Australia có đưa ra tuyên bố loại trừ theo Điều 298). Vụ hòa giải bắt buộc này thành công và là một tiền lệ quan trọng cho các quốc gia ở trong hoàn cảnh tranh chấp tương tự (xem chi tiết tại đây).
Trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất đưa ra tuyên bố theo Điều 298 vào năm 2006 loại trừ cả ba loại tranh chấp trên. Điều đó có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng không thể khởi kiện Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán được trù định ở Điều 287 về bất kỳ tranh chấp nào thuộc ba loại trên, và ngược lại Trung Quốc cũng không thể làm như thế với bất kỳ quốc gia nào.
Trần H. D. Minh
English summary: Dispute settlement mechanism under the UNCLOS 1982. This article introduces a general overview on main provisions of Part XV on dispute settlement of the Convention.
——————————————————————-
[1] Vụ kiện Biển Đông (Philippines vs. Trung Quốc), Phán quyết về thẩm quyền của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS năm 2015, đoạn 148.
[2] Vụ liên quan đến Hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ chống lại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ), Phán quyết về thẩm quyền của Tòa ICJ năm 1984, đoạn 83.
[3] Vụ liên quan đến Áp dụng Công ước quốc tế về Loại trừ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc (Georgia v. Nga), Phán quyết về thẩm quyền của Tòa ICJ năm 2011, đoạn 30.
[4] Vụ Hòa giải giữa Đông Timor và Australia, Quyết định về thẩm quyền của Ủy ban Hòa giải năm 2016, đoạn 56 – 57.
[5] Vụ Barbados và Trinidad and Tobago, Phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2006, đoạn 200(ii).
[6] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc), xem chú thích số 1, đoạn 223. [7] Như trên, đoạn 291. [8] Như trên, đoạn 320.
[9] Vấn đề còn gây tranh cãi hiện nay là việc xác định cơ quan tài phán có quyền thụ lý khi các quốc gia cùng lựa chọn nhiều hơn một cơ quan tài phán. Xung đột thẩm quyền có thể xảy ra.
[10] UNCLOS, Điều 290(5) và 292. [11] Điều 1, Phụ lục VIII UNCLOS.
[12] Vụ M/V Louisa (Saint Vincent and the Grenadines v. Tây Ban Nha), Lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa ITLOS năm 2010, đoạn 55 – 65.
[13] Vụ Khu vực Bảo tồn Biển Chagos (Mauritius v. Anh), Phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2015, đoạn 378; Vụ Arctic Sunrise (Hà Lan v. Nga), Phán quyết về nội dung của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2015, đoạn 151.
[14] Thỏa thuận về Thực thi Phần XI của Công ước Luật Biển năm 1994, Phụ lục, Mục 3, điểm 12, Mục 6, điểm (1)(f)(ii) và điểm 4, Mục 8, điểm 1(f); Thỏa thuận về Thực thi các quy định của Công ước Luật Biển liên quan đến bảo tồn và quản lý nguồn cá vắt ngang và di cư cao độ năm 1995, Điều 30.
[15] Vụ kiện Biển Đông, xem chú thích số 1, đoạn 950 – 966.
[16] Vụ Khu vực Bảo tồn Biển Chagos, xem chú thích số 12.