[81] Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Quy chế của các thực thể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông

Các thực thể trên biển theo UNCLOS – Kết luận của Tòa và hệ quả pháp lý – Giá trị của phán quyết đối với Việt Nam – Yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông – Tác động đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam – Tác động đến yêu sách biển của Việt Nam

Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có quy định về quy chế pháp lý của các thực thể thường thấy ở trên biển, bao gồm bãi san hô (reefs, Điều 6), bãi lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations, Điều 13), đảo nhân tạo, công trình và kiến trúc nhân tạo (artificial islands, installations or structures, Điều 60 và 80), và đảo (islands, Điều 121). Trong đó, bãi san hô, bãi lúc nổi lúc chìm và đảo là các thực thể tự nhiên.

Thực thể

Định nghĩa

Quy chế pháp lý

Bãi san hô (reefs) UNCLOS không có định nghĩa, được xem là một dạng đặc biệt của bãi lúc nổi lúc chìm. Có thể được sử dụng để vạch làm đường cơ sở thông thường.

Không có các vùng biển riêng.

Bãi lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations) Điều 13 quy định “Bãi lúc nổi lúc chìm là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp và chìm khi thủy triều lên cao.”

Có thể được sử dụng để vạch làm đường cơ sở thông thường (Điều 13) và đường cơ sở thẳng (Điều 7).

 

Không có các vùng biển riêng.

Đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc nhân tạo (artificial islands, installations or structures) UNCLOS không có định nghĩa. Phân biệt với bãi san hô, bãi lúc nổi lúc chìm và đảo ở tính chất nhân tạo. Một số trường hợp không thể phân biệt được với tàu thuyền, như các giàn khoan thăm dò dầu khí di động vừa có tính chất di động của tàu thuyền, vừa cố định xuống đáy biển khi tiến hành khoan. Không có các vùng biển riêng, chỉ có một vùng an toàn (safety zone) rộng không quá 500 mét (Điều 60 và 80).
Đảo (Islands) Điều 121(1) quy định “Đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và luôn nổi khi thủy triều lên cao.”

 

Đảo có tất cả các vùng biển tương tự như đất liền (Điều 121(2)).

 

Điều 121(3) quy định “Đảo đá không có khả năng cho con người cư trú hay đời sống kinh tế riêng”. Đảo đá cũng phải thỏa mãn định nghĩa chung ở Điều 121(1). Đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Điều 121(3)).

Trong Vụ kiện Biển Đông ra phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế giải thích cụ thể, rõ ràng một cách cẩn trọng nhất về định nghĩa “bãi lúc nổi lúc chìm” và “đảo đá”. Xem giải thích về đảo đá của Tòa tại post này.

Kết luận của Tòa và hệ quả pháp lý

Tòa kết luận rằng tất cả các thực thể trên quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough hoặc là bãi lúc nổi lúc chìm hoặc là đảo đá.[1] Không có bất kỳ thực thể nào là đảo với đầy đủ các vùng biển (islands with full entitlements).[2] Điều đó có hai hàm ý. Một, các bãi lúc nổi lúc chìm sẽ có quy chế pháp lý của vùng biển mà bãi đó thuộc về. Ví dụ, bãi lúc nổi lúc chìm nằm trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải sẽ có quy chế pháp lý của lãnh hải, theo đó, quốc gia ven biển có chủ quyền đối với bãi đó. Nếu bãi nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của quốc gia ven biển chẳng hạn, thì sẽ có quy chế pháp lý của vùng EEZ và thềm lục địa.

Hai, không một đảo nào ở quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough có thể có vùng EEZ và thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý và vùng tiếp giáp lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Cụ thể hơn, Tòa xác định quy chế cho 09 thực thể:

  • Các đảo đá  gồm Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef-North), và Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), và
  • Các bãi lúc nổi lúc chìm gồm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief), Đá Lạc (Gaven Reef-South), và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Ngoài ra, Tòa còn có hai kết luận quan trọng. Thứ nhất, bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng thủ đắc lãnh thổ. Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ chỉ áp dụng với đất liền và đảo (gồm cả đảo đá). Thứ hai, các hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo không làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể, vì các thực thể được xác định (“phân loại”) theo các điều kiện tự nhiên.

Giá trị pháp lý của phán quyết đối với Việt Nam

Về nguyên tắc, phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế chỉ có giá trị ràng buộc pháp lý với các quốc gia là bên trong vụ việc. Phán quyết của Tòa trọng tài chỉ có giá trị ràng buộc pháp lý với Philippines và Trung Quốc, mà không có bất kỳ giá trị pháp lý nào với tất cả các quốc gia khác. Phán quyết của Tòa chỉ là nguồn bổ trợ của luật quốc tế. Tuy nhiên, phán quyết có sức nặng pháp lý và là một tuyên bố pháp lý có giá trị tham khảo cho các quốc gia và các cơ quan tài phán trong các vụ việc tương tự. Một phán quyết hợp lý sẽ là một “án lệ” khó có thể bác bỏ, phớt lờ. Nếu phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 được xem là hợp lý thì các quốc gia khác như Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định. Nói đơn giản, về nguyên tắc, kết luận của Tòa không ràng buộc với Việt Nam, nhưng về thực tế, Việt Nam không thể làm khác kết luận của Tòa nếu kết luận đó được xem là hợp lý.

Đương nhiên, nếu phán quyết này qua thời gian được xem là không hợp lý, giải thích sai luật, kết luận chưa chính xác thì sẽ bị bác bỏ và chẳng có tác động gì ngoại trừ việc bị mang ra phê phán.

Phần này được phân tích dựa trên giả định rằng phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 là hợp lý và Việt Nam chấp nhận phán quyết đó. Cũng lưu ý rằng cho đến hiện nay Việt Nam chỉ ra tuyên bố chính thức hoan nghênh việc Tòa ra phán quyết (xem tại đây),[3] mà chưa thể hiện rõ quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận nội dung của phán quyết. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết “Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.”[4] Cho đến hiện nay có vẻ chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa ra một tuyên bố về nội dung như thế. Phần viết tiếp theo về tác động của phán quyết đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông được phân tích trên cơ sở giả định rằng (1) phán quyết là hợp lý, giải thích đúng luật, hoặc (2) Việt Nam chấp nhận phán quyết là hợp lý, giải thích đúng luật với Việt Nam.

Yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông

Yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông có thể được chia làm hai nhóm: (1) yêu sách chủ quyền lãnh thổ với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và (2) yêu sách biển đối với các vùng biển tạo ra từ đất liền Việt Nam và các đảo ở hai quần đảo trên. Yêu sách chủ quyền lãnh thổ sẽ được giải quyết theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ; yêu sách biển sẽ theo luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS. Một điểm cần lưu ý (và rất quan trọng) rằng việc sử dụng từ “yêu sách” mang ý nghĩa trung tính, chỉ mang nội hàm là “Đòi hỏi, bắt buộc phải đáp ứng điều gì, vì nghĩ là mình có quyền được hưởng” (tra Từ điển Việt – Việt tại đây). Yêu sách là từ thể hiện quan điểm của một bên về một vấn đề nào đó, trước khi được công nhận một cách khách quan. Nói đơn giản, từ “yêu sách” chỉ mang nghĩa tương tự như “quan điểm”; do đó, sẽ có yêu sách hợp pháp, và yêu sách bất hợp pháp như yêu sách đường chữ U của Trung Quốc.

Hiện nay phổ biến trên mạng Internet ba dạng bản đồ thể hiện yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông. Nếu tìm kiếm cụm từ “Vietnam claims in the South China Sea” trên Google, mục Hình ảnh sẽ thấy những hình ảnh hiện lên đầu tiên thể hiện một đường yêu sách rất rộng lớn bao trùm hơn khá lớn diện tích Biển Đông (ví dụ xem Hình 1, nguồn tại đây). Tìm kiếm thêm sẽ xuất hiện một bản đồ thể hiện đường yêu sách của Việt Nam “khiêm tốn hơn” (xem Hình 2, nguồn tại đây). Khiêm tốn nhất (hẹp nhất) là Hình 3 bên dưới tại Asia Maritime Transparency Initiative.

Sự khác biệt giữa các bản đồ trên nằm ở suy đoán về quan điểm của Việt Nam về quy chế chế pháp lý của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định chung, rập khuôn theo Điều 121 UNCLOS, rằng:

Điều 20. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo         

‘1. Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

3. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của Luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê toạ độ địa lý do Chính phủ công bố.

Chính phủ chưa công bố hải đồ, bản kê tọa độ địa lý của các đảo, và vùng biển của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Điều 20(3) nêu trên. Về mặt ngoại giao, Việt Nam cũng chưa công bố quan điểm chính xác về quy chế pháp lý của từng đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do chưa có quan điểm rõ ràng, giới học giả sẽ vạch các bản đồ thể hiện yêu sách của Việt Nam theo suy đoán của mình. Hình 1 và Hình 2 thể hiện yêu sách biển trong trường hợp Việt Nam xem tất cả các đảo thuộc hai quần đảo đều có vùng EEZ và thềm lục địa. Hình 3 thể hiện yêu sách biển nếu các đảo đó chỉ được xem là đảo đá theo Điều 121(3) UNCLOS và Điều 20(2) Luật Biển Việt Nam.

Tác động của phán quyết đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông

Đối với yêu sách chủ quyền lãnh thổ, phán quyết của Tòa trọng tài sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam theo hướng lảm rõ hơn rằng Việt Nam chỉ có thể yêu sách với các đảo mà không thể yêu sách đối với các bãi san hô, bãi lúc nổi lúc chìm hay bãi ngầm. Theo đó, Việt Nam có thể yêu sách chủ quyền với các đảo đá  gồm Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef-North), và Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), và không thể yêu sách chủ quyền đối với các bãi lúc nổi lúc chìm gồm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef), và Đá Vành Khăn (Mischief). Tương tự như thế nếu áp dụng vào quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên chưa có tuyên bố chính thức nào về danh sách cụ thể các thực thể mà Việt Nam có chủ quyền. Nếu Việt Nam chấp nhận phán quyết, thì sẽ làm rõ ràng hơn nội hàm yêu sách chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo trên, loại bỏ các thực thể không phải là đảo.

Đối với yêu sách biển, phán quyết của Tòa trọng tài có lợi cho Việt Nam khi loại bỏ khả năng có vùng chồng lấn EEZ và thềm lục địa giữa vùng biển tạo ra từ đất liền Việt Nam và các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Tranh chấp chủ quyền ở các thực thể này không thể là cơ sở để cho rằng vùng biển xung quanh (vượt quá 12 hải lý của các đảo) cũng là vùng biển tranh chấp. Vùng biển tranh chấp, theo đó, chỉ giới hạn trong phạm vi 12 hải lý của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Một điểm cần lưu ý rằng các bãi lúc nổi lúc chìm và bãi chìm nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo sẽ thuộc về quốc gia có quyền đối với vùng biển nơi có các bãi đó. Cụ thể, Tòa xác định rõ Đá Vành Khăn thuộc về Philippines bởi vì nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của bất kỳ đảo nào và nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng EEZ và thềm lục địa của Philipines tính từ đất liền nước này. Như vậy, nếu Việt Nam chấp nhận phán quyết, yêu sách với Đá Vành Khăn sẽ không thể đưa ra (nếu cho có yêu sách như thế) hoặc không thể duy trì (nếu đã từng có).

Tóm lại, nếu Việt Nam chấp nhận phán quyết (hoặc phán quyết sau này được xem là án lệ hợp lý) thì sẽ tác động khiến Việt Nam làm rõ yêu sách chủ quyền của mình với những đảo nào, và những vùng biển nào thuộc về Việt Nam. Tuyên bố chung kiểu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc về Việt Nam, hoặc Biển Đông là của Việt Nam cần được hiểu với nội hàm cụ thể và rõ ràng hơn.

Trần H. D. Minh

Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:

  1. Nội dung chính, tác động của phán quyết và gợi mở cho Việt Nam
  2. Lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam
  3. Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
  4. Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa – Liên hệ thực tiễn của Việt Nam
  5. Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
  6. Phân tích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài
  7. Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông

—————————————————————————-

[1] Vụ kiện Biển Đông (Philippines vs Trung Quốc) (Phán quyết về nội dung) [2016] Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, đoạn 643 – 648.   [2] Như trên.

[3] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, ngày 12/07/2018, xem tại <http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160712171301> (truy cập ngày 25/5/2018); Nguyễn Hùng, ‘Việt Nam hoan nghênh Tòa trọng tài đã đưa ra pháp quyết cuối cùng’. Ngày 12/07/2018, Báo điện tử VOV, xem tại <http://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-hoan-nghenh-toa-trong-tai-da-dua-ra-phan-quyet-cuoi-cung-529614.vov> (truy cập ngày 25/5/2018).   [4] Như trên.

19 bình luận về “[81] Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Quy chế của các thực thể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: