[219] Bình luận nhanh quan điểm của Việt Nam nhân dịp năm năm Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng

Quan điểm của Việt Nam đưa ra ngày 12.07.2016 – Quan điểm của Việt Nam đưa ra ngày 12.07.2021 – Những điểm giống nhau thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt, không thay đổi – Một, về nguyên tắc giải quyết tranh chấp – Hai, về biện pháp ngoại giao và pháp lý – Ba, Chủ quyền lãnh thổ và quyền trên Biển Đông của Việt Nam – Bốn, một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Cách đây đúng năm năm, ngày 12.07.2016, nhân dịp Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là ông Lê Hải Bình đã cho biết quan điểm của Việt Nam như sau:

“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” (link)

Ngày 12.07.2021, nhân kỷ niệm năm năm Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS năm 1982.”

————————————-

Hai phát ngôn có nội dung gần như tương tự nhau, nói lên rằng quan điểm của Việt Nam về Vụ kiện Biển Đông và về Phán quyết là nhất quán, xuyên suốt và không thay đổi (an established position). Dưới đây sẽ điểm qua các điểm giống nhau nêu trên, đồng thời cũng kèm theo bình luận ngắn về nội dung, cũng như về sự khác nhau về câu chữ giữa hai phát ngôn.

Một, Việt Nam nhất quán quan điểm chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Quan điểm này phù hợp với hai trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực. Hai nguyên tắc này tồn tại trong tập quán quốc tế ràng buộc tất cả các quốc gia, đồng thời được quy định cụ thể trong Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 2) và UNCLOS (Điều 279 và 301). Điểm khác nhau giữa hai phát ngôn là phát ngôn năm 2016 đề cập đến “luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước”. Trong khi phát ngôn năm 2021 lại bỏ qua “luật pháp quốc tế” mà chỉ nêu cụ thể hai điều ước quốc tế là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS. Sự khác nhau này giữa hai phát ngôn dẫn đến phạm vi luật điều chỉnh sẽ khác nhau (xem post về các nguồn của luật quốc tế).

Hai, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông, bao gồm cả biện pháp ngoại giao và biện pháp pháp lý. Trong phát ngôn năm 2016 và 2021 đều đề cập đến “tiến trình ngoại giao và pháp lý”; đây là một cụm từ dùng để chỉ các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Xem thêm post này.

Tuy nhiên, cách sử dụng cụm từ “tiến trình ngoại giao và pháp lý” trong hai phát ngôn có sự khác nhau. Trong phát ngôn năm 2016, “tiến trình ngoại giao và pháp lý” dùng để bổ nghĩa cho cụm từ “giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình” – toàn văn cụm từ này là “giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Trong phát ngôn năm 2021, cấu trúc từ ngữ trên không còn được sử dụng. Phát ngôn năm 2021 sử dụng câu: “giải quyết các tranh chấp […] ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình”. Cấu trúc này cho thấy “các tiến trình ngoại giao và pháp lý” và “các giải pháp, biện pháp hòa bình” –được nối với nhau bằng liên từ “” – có vị thế tương đương và ngang bằng nhau. Theo nghĩa thông thường, cấu trúc này cho thấy các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác với các biện pháp hòa bình. Nếu như thế, các tiến trình ngoại giao và pháp lý mà phát ngôn năm 2021 đang đề cập đến là gì? Còn theo một cách hiểu khác, hai cụm từ này bổ nghĩa cho nhau, và giống nội dung trong phát ngôn năm 2016: “các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.

Ba, hai phát ngôn nhắc lại rằng Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và có các quyền trên biển phù hợp với UNCLOS. Điểm khác nhau là phát ngôn năm 2016 nêu rõ các quyền (quyền đối với các vùng biển và quyền tạo ra từ các đảo thuộc hai quần đảo trên), trong khi phát ngôn năm 2021 chỉ nêu ngắn gọn và súc tích hơn. Sự súc tích và ngắn gọn trong phát ngôn năm 2021 tạo cảm giác rằng Việt Nam không nhấn mạnh đến các quyền của mình mà nhấn mạnh vào ý rằng UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất mà Việt Nam dựa vào để yêu sách quyền. Trước đó quan điểm này đã được nêu trong Công hàm 20/HC-2020 của Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày 30.03.2020 (xem post).

Bốn, Việt Nam mong muốn duy trì Biển Đông là một vùng biển của luật pháp quốc tế. Phát ngôn năm 20216 nêu rõ quan điểm “tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.” Phát ngôn năm 2021 nhắc đến một “trật tự ở trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”. Về nội dung, hai cụm từ này có vẻ prima facie đồng nghĩa nhau. Cả hai đều nhấn mạnh rằng mọi hoạt động trên Biển Đông phải dựa trên cơ sở pháp lý là luật pháp quốc tế. Nói đơn giản, khi hoạt động trên Biển Đông, bất kể là hoạt động gì, các quốc gia phải tuân thủ đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, và tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia khác. Biển Đông là vùng biển của luật pháp, của thượng tôn pháp luật. Việt Nam không chấp nhận bất kỳ hoạt động, hành vi hay âm mưu nào để biến Biển Đông thành vùng biển ngoài vòng pháp luật. Với nghĩa đó, hai cụm từ trên giống với cụm từ “trật tự pháp lý”, và có vẻ hẹp hơn cụm từ “trật tự dựa trên luật lệ” (a rules-based order).

Cụm từ “trật tự dựa trên luật lệ” là một cụm từ không rõ nghĩa và đã tồn tại trong thảo luận chính trị quốc tế. Nhìn chung nội hàm của cụm từ này nhằm chống lại “trật tự dựa trên sức mạnh” (a power-based order), và xoay quanh vai trò của luật quốc tế (xem bài của PGS. TS. Đặng Cẩm Tú).

Còn từ góc độ của một dân luật quốc tế, và dựa trên nghĩa thông thường của từ ngữa, từ “rule” có nghĩa là các quy tắc, quy định ứng xử giữa các bên trong xã hội. Các quy tắc, quy định này có thể có hiệu lực ràng buộc pháp lý (pháp luật – law) hoặc không (như quy tắc đạo đức hay phong tục, lệ làng). Như vậy, cụm từ “trật từ dựa trên luật lệ” rộng hơn và bao gồm cà “trật tự dựa trên luật pháp (quốc tế)” ((international)-law-based order). Trật tự này dựa trên cả luật quốc tế, và cả các quy định, quy tắc không phải luật quốc tế (ví dụ như Code for Unplanned Encouters at Sea (CUES) – một bộ quy tắc mà các quốc gia đều chấp nhận nhưng lại không ràng buộc pháp lý).

Trên Biển Đông, chúng ta có cả hai loại quy định, quy tắc đó: một bên là luật pháp quốc tế như UNCLOS hay Hiến chương Liên hợp quốc, và một bên khác là các quy định, quy tắc không phải luật quốc tế (như Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông năm 2002 (DOC), một văn kiện chính trị, không ràng buộc pháp lý). Với cách hiểu này, “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế” sẽ không bao gồm DOC. Bình luận trên đây chỉ mang tính chất suy nghĩ ban đầu, và cần nghiên cứu chuyên sâu hơn về các cụm từ này.

Trần H. D. Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: