[216] Yếu tố nhân đạo trong áp dụng Điều 73 của UNCLOS đối với hành vi IUU

Sự cần thiết phải xem xét yếu tố nhân đạo khi áp dụng biện pháp chế tài đối với hành vi IUU – Không giam giữ, áp dụng các hình phạt thân thể hay tra tấn – Không sử dụng vũ lực – Xem xét đến yếu tố nhân đạo và các quyền lợi khác của ngư dân khi xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

Sự cần thiết phải xem xét yếu tố nhân đạo khi áp dụng các biện pháp chế tài đối với hành vi IUU trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển

Trong bài phát biểu vào năm 2014, Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã từng nói rằng, hoạt động IUU tiếp tục làm suy yếu sự bền vững về kinh tế và môi trường của ngành thủy hải sản và trữ lượng cá của Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Chính vì vậy, IUU phải được ngăn chặn và xử lý để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, đảm bảo quyền lợi kinh tế, cũng như quyền chủ quyền của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển[1]. Mặc dù vậy, việc áp dụng các biện pháp chế tài đối với hành vi IUU của các quốc gia hiện nay cũng còn những tranh luận nhất định và cần được xem xét kĩ lưỡng nhằm đảm bảo mức độ tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế.

Trong khuôn khổ pháp luật quốc tế về quyền con người, các quyền tự do cơ bản của con người đã được quy định tại các văn kiện quốc tế quan trọng như: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 (viết tắt là “UDHR”, vie), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (viết tắt là “ICCPR”, vie)… Dựa theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc của các ngành luật này, trong việc thực thi thẩm quyền để ngăn chặn và xử lý hoạt động IUU, quốc gia ven biển cần phải tính đến các yếu tố nhân đạo khi áp dụng các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm. Cụ thể:

Không giam giữ, áp dụng hình phạt thân thể hay tra tấn trong xử lý các hành vi đánh bắt cá trái phép

Như đã nói ở trên, để bảo vệ các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế, “ quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết…”, tuy nhiên, “các chế tài do quốc gia ven biển trù định (…) không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác”.[2] Như vậy, việc bắt giữ tàu, thuyền và thủy thủ đoàn nước ngoài của quốc gia ven biển có những giới hạn nhất định. Quốc gia ven biển cũng không được áp đặt hình phạt tống giam đối với ngư dân, thủy thủ đoàn trừ trường hợp có thỏa thuận riêng giữa các quốc gia hữu quan về vấn đề này[3], và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.

Nhìn chung, quy định trên đây được thiết kế khá hài hòa với quyền của cá nhân được ghi nhận tại Điều 3 của UDHR và Điều 9 của ICCPR. Trong đó, quyền của cá nhân được hiểu là “quyền tự do và an toàn cá nhân” hoặc trong phạm vi hẹp hơn là “quyền không bị giam giữ tùy tiện”. Theo đó “Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện”.[4] Trong bối cảnh xử lý hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển bị hạn chế quyền tài phán khi UNCLOS không cho phép việc áp đặt các chế tài hình sự đối với ngư dân, thuyền viên hay thủy thủ đoàn của quốc gia khác. Mặt khác, việc thực hiện quy định tại Điều 73(2) của UNCLOS cũng chưa thực sự đảm bảo hoàn toàn quyền tự do của ngư dân trong trường hợp họ không có khả năng nộp một khoản bảo đảm, bảo lãnh có giá trị lớn. Trong khi pháp luật quốc tế hiện hành không có những quy định hay tiêu chí cụ thể nhằm xác định giới hạn tối đa cho khoản bảo lãnh bằng tiền, thì một số quốc gia ven biển đã tự cho phép việc tiếp tục bắt giữ hoặc thậm chí áp đặt các biện pháp chế tài hình sự như phạt tù, giam giữ đối với những ngư dân không có khả năng thực hiện khoản bảo lãnh.[5]

Nguyên tắc không áp đặt hình phạt tù, giam giữ đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp cũng đã được khẳng định qua một số quan điểm của các thẩm phán của Tòa ITLOS. Trong vụ việc Tomimaru (Japan v. Russian Federation) năm 2007, thẩm phám Jesuscho rằng: một số biện pháp chế tài của quốc gia ven biển được quy định và được thực hiện theo quy định pháp luật của chính quốc gia ven biển đó như áp dụng hình phạt tống giam, các biện pháp chế tài hình sự khác để xử lý các hành vi vi phạm về đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế khi không có thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan đều bị coi là trái với quy định tại Điều 73 của UNCLOS.[6] Mặc dù vậy, trên thực tế, một số quốc gia ven biển thường đối xử với những ngư dân bị nghi ngờ hoặc có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp như là một dạng tội phạm nghiêm trọng. Họ bị giam giữ trong thời gian dài và thông tin về những ngư dân bị bắt giữ cũng không được cập nhật thường xuyên.

Việc UNCLOS nghiêm cấm quốc gia ven biển áp dụng bất kể một hình phạt thân thể nào cũng được coi là quy định mang tính nhân văn khi đã đứng về phía những ngư dân và bảo vệ quyền con người cơ bản cho họ[7]. Quy định này được xây dựng dựa trên quyền không bị tra tấn và quyền được đối xử nhân đạo được quy định tại Điều 5 của UDHR và Điều 7 của ICCPR, theo đó, “không ai có thể bị tra tấn, hoặc bị đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”.[8] Ngoài ra, vấn đề chống tra tấn còn được đề cập trong một số điều ước quốc tế khác về quyền con người, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984 (sau đây viết tắt là “CAT”, vie). Trong đó, CAT đưa ra định nghĩa về hành vi tra tấn là “bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức…”. Tính tuyệt đối của việc cấm tra tấn được ghi nhận tại Điều 2 của Công ước CAT, theo đó“không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe dọa bởi chiến tranh, mất ổn định, chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”[9], hay “mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”.[10]

Quyền không bị tra tấn và được đối xử nhân đạo là một trong số ít các quyền tuyệt đối mà UDHR, ICCPR và CAT công nhận, hành vi tra tấn bị cấm trong mọi hoàn cảnh kể cả thời bình, thời chiến hay trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Bất cứ lý do nào biện minh cho hành vi tra tấn đều không thể chấp nhận.[11] Mặt khác, Khoản 1 Điều 10 của ICCPR cũng ghi nhận “những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người”.[12] Về vấn đề này, Ủy ban nhân quyền Úc đã từng đưa ra phán quyết về việc vi phạm nhân quyền của Chính phủ Úc trong việc áp đặt hình phạt giam giữ các ngư dân của Indonesia do nghi nghờ những ngư dân này hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp tại lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Úc. Cụ thể, Chính phủ Úc đã giam giữ những ngư dân này trên chính các tàu, thuyền của họ tại bến cảng Darwin trong điều kiện hết sức tồi tệ như thiếu thốn nước sạch, chỗ ngủ nghỉ không đảm bảo, thậm chí không được đảm bảo vệ sinh cá nhân. Căn cứ trên tình trạng giam giữ không hề có tính nhân đạo này, Ủy ban nhân quyền Úc cho rằng việc Chính phủ Úc giam giữ những ngư dân trong điều kiện như vậy đã cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền tại Khoản 1 Điều 10 của ICCPR.[13]

Như vậy, thẩm quyền của quốc gia ven biển trong việc xử lý hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân, thuyền viên, thủy thủ đoàn của quốc gia khác tại vùng biển mà tại đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoặc quyền chủ quyền là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tính nhân đạo trong việc thực thi các biện pháp chế tài, đảm bảo các quyền con người cơ bản đối với những ngư dân, thuyền viên, và thủy thủ đoàn đó.

Không sử dụng vũ lực như là biện pháp chế tài để xử lý các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp

Một trong các văn kiện pháp lý quốc tế đặt nền móng cơ bản cho việc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đó chính là Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, theo đó, Khoản 4 Điều 2 của văn kiện này quy định “Tất cả các thành viên từ bỏ việc đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.[14] Mặc dù đe dạo sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực bị coi là bất hợp pháp trong quan hệ quốc tế, nhưng Hiến chương cũng đặt ra những trường hợp ngoại lệ nhất định.[15] Trên thực tế, UNCLOS không có quy định cụ thể rằng liệu việc sử dụng vũ lực có được cho phép để ngăn chặn và xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp hay không? Tuy nhiên Điều 301 của UNCLOS cũng chỉ ra nguyên tắc chung trong việc sử dụng biển vào những mục đích hòa bình, đó là:“trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng Công ước, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia hay tránh cùng bất kỳ cách nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”.[16]Điều này cho thấy, Điều 301 của UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia thành viên hạn chế tối đa việc sử dụng vũ lực như là biện pháp chế tài đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, trong trường hợp được phép sử dụng vũ lực thì phải đảm bảo phù hợp với pháp luật quốc tế trên tinh thần nhân đạo và tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản.

Bên cạnh đó, Điểm (f) Đoạn 1 Điều 22 Thỏa thuận của Liên hợp quốc về trữ lượng cá[17]quy định “quốc gia tiến hành điều tra phải đảm bảo rằng điều tra viên có thẩm quyền của mình…tránh sử dụng vũ lực ngoại trừ khi và xét khi cần thiết để đảm bảo sự an toàn của các điều tra viên và khi các điều tra viên bị cản trở khi thực thi các nghĩa vụ của mình. Việc sử dụng vũ lực không được vượt quá mức hợp lý mà hoàn cảnh yêu cầu”.[18]Ngoài ra, Nghị định thư 2005 sửa đổi Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải cũng ghi nhận quy định tương tự.[19] Trong vụ M/V “Saiga” (No. 2) (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea) năm 1999, ITLOS đã kết cho rằng việc cảnh sát biển của Guinea nổ súng trên tàu Saiga trong khi không có bất kỳ sự phản kháng, chống trả hay đe dọa sử dụng vũ lực từ các thuyền viên trên tàu là sử dụng vũ lực vượt quá mức cho phép và không cần thiết. Qua đó, ITLOS kết luận dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và cũng như không có lý do nào để quốc gia sử dụng vũ lực vượt quá mức độ cho phép, đồng thời việc sử dụng vũ lực chỉ nên xem xét trong những hoàn cảnh thực sự hợp lý và cần thiết và nên là biện pháp cuối cùng[20].Trong vụ việc này, dựa trên tinh thần quy định tại Điều 293 của UNCLOS[21], ITLOS đã giải quyết vụ việc bằng cách áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế điều chỉnh việc sử dụng vũ lực đồng thời xem xét đến yếu tố nhân đạo trong việc thực thi các quy định pháp luật về biển.[22] Mặc dù M/V Saiga không phải là vụ việc trực tiếp đề cập đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, nhưng nó lại là một trong các vụ việc đặt nền tảng pháp lý quan trọng trong thực tiễn xét xử các tranh chấp sau này của ITLOS khi cơ quan này, ngoài việc giải quyết vụ việc dựa trên các quy định của pháp luật quốc tế, đã xem xét đến yếu tố nhân đạo trong khi bàn luận và đưa ra phán quyết của mình.

Tương tự, trong vụ The “Juno Trader” Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea-Bissau) năm 2004, Cộng hòa Guinea-Bissau đã bắt giữ tàu cá của Saint Vincent cùng toàn bộ thủy thủ đoàn khi cho rằng họ đã có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Guinea-Bissau[23]. ITLOS đã kết luận Guinea-Bissau đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 73 của UNCLOS do đã không nhanh chóng thả chiếc tàu bị bắt giữ và trả tự do cho thủy thủ đoàn của chiếc tàu đó khi đã có khoản bảo lãnh 50,000-euro cho việc vi phạm của tàu Saint Vincent cùng thủy thủ đoàn. ITLOS đã dẫn chiếu đến yếu tố nhân đạo và trình tự, thủ tục hợp pháp của pháp luật quốc tế khi giải thích và áp dụng Khoản 2 Điều 73 của UNCLOS để giải quyết vụ việc. Hơn nữa, trong ý kiến riêng của mình, thẩm phán Treves còn cho rằng “việc sử dụng vũ lực không cần thiết và các vi phạm về nhân quyền và trình tự, thủ tục hợp pháp của pháp luật quốc tế là những yếu tố phải được xem xét để ấn định một sự bảo lãnh hoặc bảo đảm có thể được xem là hợp lý” [đối với hành vi vi phạm].[24]

Xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp phải có sự cân nhắc, xem xét đến các yếu tố nhân đạo cũng như các quyền lợi khác của ngư dân

Mặc dù một số điều ước quốc tế về quyền con người không có những quy định trực tiếp, nhưng quyền được bảo vệ về tài sản đối với tàu, thuyền của ngư dân cũng là vấn đề cần phải cân nhắc và xem xét trong hoạt động thiết lập và thi hành các biện pháp xử lý đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của quốc gia ven biển. Quyền được bảo vệ về tài sản được ghi nhận tại Điều 1 của Nghị định thư của Công ước Châu Âu về bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản năm 1952 (sau đây viết tắt là “ECHR”). Theo đó, mỗi công dân đều có quyền sở hữu đối với tài sản và không ai có quyền tước đoạt quyền sở hữu tài sản của công dân ngoại trừ phục vụ cho mục đích công và theo các quy định của pháp luật và các nguyên tắc chung của luật quốc tế.

UNCLOS cũng gián tiếp thừa nhận quyền sở hữu đối với tài sản là tàu, thuyền của ngư dân qua quy định về việc phóng thích, trả tự do nhanh chóng cho đối với tàu, thuyền bị bắt giữ cùng toàn bộ thủy thủ đoàn khi có sự bảo lãnh hay bảo đảm tương ứng.[25] Ngoài ra, trong hệ thống các điều ước quốc tế về biển, việc phá hủy tàu, thuyền chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể như trong trường hợp di rời những xác tàu, thực hiện thanh thải hoặc yêu cầu thanh thải xác tàu gây nguy hiểm hoặc trở ngại đối với hoạt động hàng hải, hoặc gây ra hậu quả nguy hại đối với môi trường biển, gây ảnh hưởng tới lợi ích của các quốc gia hữu quan được quy định tại Công ước quốc tế về di rời xác tàu đắm năm 2007 (Công ước Nairobi).[26] Việc thực hiện phá hủy có thể được phép theo chấp thuận của Hội đồng bảo an, chẳng hạn như Nghị quyết số 2184 để giải quyết vấn nạn cướp biển và cướp có vũ trang trên biển tại dọc bờ biển của Sô-ma-li.[27] Chính vì vậy, việc quốc gia ven biển bắt giữ, phá hủy tàu, thuyền của ngư dân khi xử lý hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp là rất hạn chế vì nó xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của họ. Trong phán quyết Vụ Tomimaru giữa Nga và Nhật Bản năm 2007, ITLOS cũng đã khẳng định rằng, “việc tịch thu tàu là có thể chấp nhận được khi thực thi quyền của quốc gia ven biển theo Điều 73(1). Tuy nhiên, việc tịch thu sẽ không phù hợp nếu mục đích của nó chỉ là “hạn chế khả năng xin thả tàu nhanh”[28].

Nguồn tài nguyên cá và sinh vật biển là tài sản chung, về nguyên tắc, công dân của mọi quốc gia được tự do đánh bắt cá trên các vùng biển quốc tế.[29] Ngoài ra, xét về tính nhân đạo, quyền được đánh bắt cá cũng gắn liền với quyền được đảm bảo về các nguồn thức ăn của con người. Chính vì vậy, quyền này cần phải được xem xét khi xử lý những ngư dân có hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển. Quan điểm này đã được Hoa Kỳ đưa ra trong phiên thảo luận về việc đảm bảo sự bền vững của hoạt động nghề cá quy mô nhỏ. Dựa trên cơ sở pháp lý tại Khoản 1 Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966[30], Hoa Kỳ cho rằng các quốc gia thành viên cần cân nhắc quyền được bảo đảm nguồn thức ăn, an ninh lương thực của ngư dân khi hoạt động khai thác, đánh bắt cá.[31]

(*) Trích lược bài Nguyễn Thị Hồng Yến & Nguyễn Phương Dung, “Yếu tố nhân đạo trong áp dụng Điều 73 của UNCLOS đối với hành vi IUU và thực tiễn tại Biển Đông”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 4 (396), tháng 4/2021, tr. 46-.


[1] Xem Barack Obama, “Presidential Memorandum – Comprehensive Framework to Combat Illegal, Unreported, Unregulated Fishing and Seafood Fraud” (17/06/2014), <https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2014/06/17/presidential-memorandum-comprehensive-framework-combat-illegal-unreporte>, ngày truy cập 14/3/2020

[2] Xem UNCLOS, Khoản 2 và 3 Điều 73.

[3] Xem UNCLOS, Khoản 3 Điều 73.

[4] Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), Điều 3 quy định “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Điều 9 “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định”.; Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, “Giới thiệu Công ước về các quyền dân sự và chính trị [ICCPR.1966]”, Nhà xuất bản Hồng Đức 2012, trang 151.

[5] Brian Wilson, “Human Rights and Maritime Enforcement” (2016) 52 Stanford Journal of International Law 243, trang 302; Nadia Daly, “South China Sea dispute sees sea cucumber fishermen ‘forced into Australian water’” (ABC News, 10/03/2017) < https://www.abc.net.au/news/2017-03-10/sth-china-sea-dispute-sees-illegal-fishos-pushed-into-aus-waters/8344994> ngày truy cập 14/3/2020

[6] “Tomimaru” Case (Japan v. Russian Federation) [2007] International Tribunal for the Law of the Sea,Separate opinion of Judge Jesus, đoạn 7. Nguồn: <https://www.itlos.org/cases/list-of-cases/case-no-15/> ngày truy cập 14/3/2020; Brian Wilson, “Human Rights and Maritime Enforcement” (2016) 52 Stanford Journal of International Law 243, trang 302.

[7] Xem UNCLOS Khoản 3 Điều 73.

[8] Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), Điều 5 quy định “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”.

[9] Xem CAT Khoản 2 Điều 2.

[10] Xem CAT Khoản 3 Điều 2.

[11] Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, “Giới thiệu Công ước về các quyền dân sự và chính trị [ICCPR.1966]” (Nhà xuất bản Hồng Đức 2012), trang 107 – 109; “Cấm tra tấn trong luật nhân quyền quốc tế” < https://phapluatxahoi.vn/cam-tra-tan-trong-luat-nhan-quyen-quoc-te-183070.html> truy cập ngày 10/4/2020.

[12] Khái niệm “người bị tước tự do” được hiểu là để chỉ những người do bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc chế tài hành chính hoặc hình sự mà bị hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú và một số quyền tự do khác. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, “Giới thiệu Công ước về các quyền dân sự và chính trị [ICCPR.1966]”, Nhà xuất bản Hồng Đức 2012, trang 125.

[13] Australian Human Rights Commission, Report of an inquirty into a complaint by Mr Zacharias Manongga Consul for the Northern Territory, of the Republic of Indonesia that human rights of Indonesian Fishers detained on vessels in Darwin Harbour were breached by the Commonwealth of Australia, các đoạn từ 6.1 – 6.3. Nguồn: <https://www.humanrights.gov.au/publications/report-inquiry-mr-zacharias-manongga> truy cập ngày 10/4/2020; Brian Wilson, “Human Rights and Maritime Enforcement” (2016) 52 Stanford Journal of International Law 243, trang 303 – 305.

[14] Hiến chương Liên hợp quốc, Khoản 4 Điều 2.

[15] Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật quốc tế, Nxb Tư pháp, Hà Nội, Tr. 49-50

[16] Xem UNCLOS Điều 301.

[17]Xem chi tiết Thoả thuận tại https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=XXI-7&chapter=21&clang=_en, truy cập ngày 10/4/2020

[18] Thỏa thuận Liên hợp quốc về trữ lượng cá (The UN Fish Stocks Agreement), Điểm (f) Đoạn 1 Điều 22. Điều này cũng được ITLOS dẫn chiếu là một trong các cơ sở pháp lý để áp dụng giải quyết vấn đề sử dụng vũ lực trong vụ việc The M/V “Saiga” (No. 2) Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea).

[19] Nghị định thư 2005 sửa đổi Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải, Khoản 9 Điều 8.

[20] The M/V “Saiga” (No. 2) Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea) [1999] International Tribunal for the Law of the Sea (Judgement of 01 July 1999), các đoạn từ 153 – 159. Nguồn: <https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/case_no_2/published/C2-J-1_Jul_99.pdf> truy cập ngày 10/4/2020

[21] Điều 293 của UNCLOS quy định Tòa án có thẩm quyền áp dụng các quy định của UNCLOS và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế không mâu thuẫn với UNCLOS. Trong vụ việc này, ITLOS đã áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế điều chỉnh việc sử dụng vũ lực và dựa trên các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế.

[22] The M/V “Saiga” (No. 2) Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea) [1999] International Tribunal for the Law of the Sea (Judgement of 01 July 1999), các đoạn từ 153 – 159. Nguồn: <https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/case_no_2/published/C2-J-1_Jul_99.pdf> truy cập ngày 10/4/2020; Brian Wilson, “Human Rights and Maritime Enforcement” (2016) 52 Stanford Journal of International Law 243, trang 314 – 315.

[23] The “Juno Trader” Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea-Bissau) [2004] International Tribunal for the Law of the Sea (Judgment of 18 December 2004), các đoạn từ 71 – 80. Nguồn: <https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/case_no_13/13_judgment_181204_en.pdf> truy cập ngày 10/4/2020.

[24] The “Juno Trader” Case (Saint Vincent and the Grenadines v. Guinea-Bissau) [2004] International Tribunal for the Law of the Sea (Judgment of 18 December 2004), Separate Opinion of Judge Treves, đoạn 5. Nguồn: <https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/case_no_13/13_judgment_181204_sep_op_Treves_en.pdf> truy cập ngày 10/4/2020

[25]Xem UNCLOS Khoản 2 Điều 73.

[26]Xem thêm nội dung Công ước Nairobi 2007 tại https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/228988/8243.pdf, truy cập ngày 28/10/2020

[27] Nghị quyết số 2184 do Hội đồng bảo an ban hành tại phiên họp lần thứ 7309 vào ngày 12/11/2014 – Resolution 2184 (2014) adopted by the Security Council at its 7309th meeting, on 12 November 2014, đoạn 11. Nguồn: <http://unscr.com/en/resolutions/2184>; Brian Wilson, “Human Rights and Maritime Enforcement” (2016) 52 Stanford Journal of International Law 243, trang 306 – 307.

[28] “Tomimaru” Case (Japan v. Russian Federation) [2007] International Tribunal for the Law of the Sea,Separate opinion of Judge Jesus, đoạn 7. Nguồn: <https://www.itlos.org/cases/list-of-cases/case-no-15/>;

[29] Nguyên tắc này được UNCLOS thể hiện tại Điều 87 của UNCLOS theo đó các quốc gia có quyền tự do đánh bắt hải sản trên biển cả với điều kiện khi thực hiện quyền tự do này phải tính đến lợi ích của các quốc gia khác cũng như phù hợp với quy định của UNCLOS; Leonardo Bernard, “The Right to Fish and International in the South China Sea” (2016) 4(1) Journal of Political Risk <http://www.jpolrisk.com/the-right-to-fish-and-international-law-in-the-south-china-sea/>.

[30] Khoản 1 Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) quy định “Mỗi quốc gia thành viên Công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp, một cách riêng rẽ và thông qua sự hợp tác giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tới mức tối đa các tài nguyên sẵn có của mình, nhằm đạt được việc bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt kể cả việc thông qua những biện pháp lập pháp”.

[31] Chairperson’s Report of the Technical Consultation on International Guidelines for Securing Sustainable Small-Scale Fisheries, đoạn 25. Nguồn: <www.fao.org/cofi/42012-0b57ccfe210b01ee77ff0583999330713.pdf> truy cập ngày 10/4/2020

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: