Dự án tàu ngầm hạt nhân của AUKUS – Có phải là “vũ khí hạt nhân”? – Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân – Mở rộng khái niệm “vũ khí hạt nhân” – Chạy đua vũ trang, ASEAN, Hội đồng Bảo an và một đóng góp của Việt Nam, ngoại giao Việt Nam cho hòa bình, an ninh thế giới
Ngày 15.09.2021, Lãnh đạo của ba nước Anh, Australia và Mỹ tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường (an enhanced trilateral security partnership) – gọi tắc là AUKUS. Trong Tuyên bố chung của ba nhà lãnh đạo, hoạt động hợp tác đầu tiên của AUKUS là “hỗ trợ Australia sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân”. Tuyên bố cũng ghi nhận cam kết của Australia như sau:
“Australia cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về biện pháp an toàn, minh bạch, xác thực, và trách nhiệm để bảo đảm việc không phổ biến, an toàn và an ninh của vật liệu và kỹ thuật hạt nhân. Australia duy trì cam kết thực thi tất cả các nghĩa vụ của một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm các nghĩa vụ với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.”
Ba nhà lãnh đạo cũng “cam kết chặt chẽ về sự lãnh đạo của mình trong vấn đề không phổ biến toàn cầu.”
Những nội dung của Tuyên bố chung nêu trên cho thấy ba nước không xem việc sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nuclear-powered submarines) là vũ khí hạt nhân (nuclear weapons).
Một mặt, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được trang bị cho Hải quân Australia. Điều này cho thấy các tàu này sẽ được sử dụng làm vũ khí (weapons), và phục vụ cho mục đích quân sự. Điều này có thể hàm ý các tàu ngầm này nên được xem là vũ khí hạt nhân, và ba nước đã vi phạm nghĩa vụ trong Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968.
Mặt khác, Tuyên bố chung của AUKUS cho thấy ba nước không xem các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là vũ khí hạt nhân. Quan điểm này có hợp lý ở chỗ các tàu ngầm này sẽ không trang bị đầu đạn hạt nhân, mà chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân để vận hành con tàu. Trong chiến đầu, năng lượng hạt nhân sẽ không trực tiếp được sử dụng để tấn công vào quốc gia khác.
Vậy quan điểm nào là đúng? Chúng ta cần dựa vào quy định của Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968.
*
Hiệp ước này được ký kết vào ngày 01.07.1968, có hiệu lực vào ngày 05.03.1970, hiện nay có 191 quốc gia thành viên, bao gồm Anh, Australia và Mỹ. Hiệp ước quy định hai nghĩa vụ chính. Đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (nuclear-weapon states), các nước này cam kết: “không trực tiếp hay gián tiếp chuyển giao cho bất kỳ bên nào các vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác hoặc quyền kiểm soát đối với các vũ khí và thiết bị này; không trợ giúp, khuyến khích hay dụ dỗ dưới mọi hình thức các quốc gia không có vũ khí hạt nhân để sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác hoặc quyền kiểm soát đối với các vũ khí và thiết bị đó.” (Điều 1)
Đối với các quốc gia không sỡ hữu vũ khí hạt nhân (non-nuclear-weapon states), các nước này cam kết không tiếp nhận chuyển giao, không sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân, các thiết bị nỗ hạt nhân khác hoặc quyền kiểm soát các vũ khí hay thiết bị đó (Điều 2).
Mặc dù đề cập đến “vũ khí hạt nhân” và “các thiết bị nổ hạt nhân khác”, nhưng Hiệp ước không có định nghĩa về các thuật ngữ này. Theo nghĩa thông thường của thuật ngữ “nuclear weapons” thì thuật ngữ này có nghĩa là: “a bomb or missile that uses nuclear energy to cause an explosion” (Từ điển Oxford). Định nghĩa này xác định một vũ khí hạt nhân phải là một vũ khí sử dụng năng lượng hạt nhân để gây ra một vụ nổ.
Một nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 1990 mô tả đặc trưng của một một vũ khí hạt nhân là tác động hủy diệt hạng loạt vượt trội hẳn so với bất kỳ vũ khí nào khác của con người, phải cấu thành từ “một đầu đạn hoặc thiết bị nổ hạt nhân” (the nuclear exploisive device or warhead). Các đầu đạn này có thể được đặt vào các loại tên lửa, bom hay pháo, hay các vũ khí khác. Do đó, Nghiên cứu cho rằng “thuật ngữ ‘vũ khí hạt nhân’ thường dùng để cả đầu đạn hạt nhân và thiết bị mang đầu đạn hạt nhân phóng vào mục tiêu.”
Trong Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1996, vũ khí hạt nhân được hiểu là “các thiết bị nổ sử dụng năng lượng từ phản ứng phân hạch hoặc hợp hạch của các phân tử. Về bản chất, tiến trình này trong vũ khí hạt nhân hiện nay sẽ giải phóng không chỉ một lượng lớn năng lượng và nhiệt lượng mà còn các bức xạ mạnh mẽ và lâu dài” (đoạn 35).
Các phân tích trên cho thấy, về bản chất, một vũ khí được xem là vũ khí hạt nhân nếu vũ khí đó tạo ra một vũ nổ trực tiếp bằng năng lượng hạt nhân. Về hình thức, vũ khí hạt nhân phải được cấu tạo từ một đầu đạn hạt nhân, và chính đầu đạn hạt nhân này sẽ được phóng đến mục tiêu và tạo ra vụ nổ.
Với định nghĩa trên, có vẻ AUKUS đã đúng khi cho rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải là vũ khí hạt nhân. Năng lượng hạt nhân chỉ được sử dụng để vận hành con tàu mà không được sử dụng để trực tiếp tấn công, và cũng sẽ không tạo ra một vụ nổ bằng năng lượng hạt nhân. Như vậy, việc chuyển giao công nghệ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải là chuyển giao và nhận chuyển giao vũ khí hạt nhân, không vi phạm Hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968.
*
Kết luận trên không phải là một kết luận đáng hài lòng. Liệu khái niệm về vũ khí hạt nhân có thể mở rộng ra khỏi khái niệm truyền thống, bao quát tất cả việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích quân sự, nhất là ứng dụng vào các vũ khí, khí tài? Phản ứng của các quốc gia đối với AUKUS là rất quan trọng. Một phản ứng nhất quán, kiên quyết có thể cấu thành một “thực tiễn sau này” có thể mở rộng nghĩa của khái niệm “vũ khí hạt nhân” qua con đường giải thích điều ước quốc tế (post) hoặc sửa đổi điều ước quốc tế (post). Điều kiện là khi phản ứng, các nước cần viện dẫn Hiệp ước năm 1968 và cần tin rằng vũ khí hạt nhân phải được hiểu theo nghĩa rộng.
*
Bàn rộng ra về mặt chính sách, liệu việc kế hoạch của AUKUS có tạo ra hiệu ứng domino, khuyến khích các quốc gia khác cũng tìm kiếm công nghệ hạt nhân quân sự? Khi các quốc gia thấy rằng việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào các loại vũ khí, khí tài – miễn sao chúng không chứa đầu đạn hạt nhân – là việc làm được có thể chấp nhận, chính họ cũng sẽ tự mình nghiên cứu, không nhất thiết phải chờ chuyển giao công nghệ, tiềm ẩn bóng dáng của một cuộc chạy đua vũ trang. Đây có phải là điều cộng đồng quốc tế mong muốn nhìn thấy? ASEAN nên có quan điểm thế nào? Liệu các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (P5) có nên xây dựng một lập trường chung về vấn đề này, để răn đe các nước khác tự phát triển công nghệ hạt nhân quân sự bằng các lệnh trừng phạt của Hội đồng? Việt Nam có thể tận dụng những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an để đề xuất, thúc đẩy một lập trường chung như vậy. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng của Việt Nam cho hòa bình và an ninh thế giới, thời cơ để ngoại giao Việt Nam phát huy tinh thần chủ động, tích cực của mình.
Trần H. D. Minh
Trả lời