Hoạt động của Trung Quốc trên thực địa – Vi phạm về bảo vệ môi trường biển – Vi phạm quyền tài phán của Philippines – Tác động đến yêu sách chủ quyền – Vi phạm nghĩa vụ không làm trầm trọng tranh chấp – Liên hệ với thực tiễn cải tạo đảo của Việt Nam tại Trường Sa
Hoạt động xây dựng đảo (island-building) và cải tạo đảo (land reclamation) của Trung Quốc đã diễn ra từ những năm 1990 với quy mô nhỏ và vừa. Từ cuối năm 2013 Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo ở quy mô lớn chưa từng thấy trên 07 thực thể ở quần đảo Trường Sa, bao gồm Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef-North), Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef), và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), với tổng diện tích mở rộng khoảng 12.8 triệu m2 trong vòng ba năm.[1] Trung Quốc đã cải tạo đảo tại các đảo đá (Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven, và Đá Gạc Ma) và xây dựng các đảo nhân tạo ở các bãi lúc nổi lúc chìm (Đá Tư Nghĩa, Đá Xu Bi, và Đá Vành Khăn).
Hình ảnh so sánh các thực thể trước và sau hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc (trích từ phán quyết): Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven và Bãi Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Xu Bi, và Đá Vành Khăn.
Tòa trọng tài kết luận hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2013 đã vi phạm hàng loạt các nghĩa vụ theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cụ thể: (a) vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo các Điều 192, 194(1), 194(2), 197, 123, và 206, (b) vi phạm quyền tài phán của Philippines liên quan đến xây dựng đảo nhân đạo theo các Điều 60 và 80, và (c) vi phạm nghĩa vụ không làm trầm trọng tranh chấp đang được cơ quan tài phán xem xét giải quyết.
- Các vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường của Trung Quốc
Kỹ thuật được Trung Quốc sử dụng chủ yếu để tiến hành xây dựng đảo là kỹ thuật hút phun (cutter-suction dredge), theo Một tàu với giàn khoan sẽ khoan vào đáy biển để lấy vật liệu cho việc san lấp, sau đó, vật liệu được hút lên và di chuyển theo một ống nỗi trên mặt biển để đổ vào địa điểm cần san lấp (xem hình minh họa bên dưới).[2] Tàu phun hút lớn nhất của Trung Quốc là Tian Jing Hao có công suất hút 4.500 m3 cát, đá và vật chất từ đáy biển một giờ.[3] Theo các chuyên gia của Tòa trọng tài, việc sử dụng kỹ thuật này gây tác động đến hệ thống bãi ngầm ở ba khía cạnh: (1) trực tiếp phá hủy nơi cư trú ở bãi ngầm do bị vùi lấp, (2) giá tiếp tác động đến hệ sinh vật tầng đáy như san hô và cỏ biển do sự thay đổi thủy động lực học, gia tăng trầm tích, tăng độ đục của nước biển và gia tang dinh dưỡng trong nước biển, và (3) gián tiếp tác động đến sinh vật hữu cơ trong nước, như cá và vi sinh vật do việc phát tán trầm tích, chất hóa học và dinh dưỡng cũng như tiếng ồn.[4]
Dựa trên các bằng chứng và đánh giá của chuyên gia, Tòa kết luận hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm hàng loạt nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển như sau:
- Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Điều 192.[5] Điều 192 quy định nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.” Các quốc gia có nghĩa vụ vụ phải chủ động có biện pháp bảo vệ, gìn giữ , và không được làm xấu đi môi trường biển; bảo đảm các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình tôn trọng môi trường của nước khác và môi trường ở vùng biển quốc tế.[6] Nghĩa vụ này yêu cầu chủ động ngăn chặn hoặc ít nhất giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường khi tiến hành các hoạt động xây dựng quy mô lớn.[7] Hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã gây ra tổn hại đến môi trường, do đó vi phạm nghĩa vụ ở Điều 192.
- Hoạt động nạo vét lấy vật liệu cho hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ ở Điều 194(1) khi gây ô nhiễm trầm tích cho môi trường biển.[8] Điều 194(1) quy định: “Các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này.” Ô nhiễm môi trường được định nghĩa ở Điều 1 của Công ước là việc con người đưa vào môi trường biển một các trực tiếp hoặc gián tiếp các chất có tác động hoặc có thể có tác động hủy diệt đến tài nguyên sinh vật và môi sinh. Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phóng thích nhiều trầm tích vào nước biển, gia tang độ đục của nước và gây tổn hại đến môi trường biển, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(1).
- Việc Trung Quốc không có biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của các loài bị đe dọa vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5).[9] Điều 194(5) quy định: “Các biện pháp được thi hành theo đúng phần này bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo vệ và gìn giữ các hệ thống sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh cũng như điều kiện cư trú của các loài và các sinh vật biển khác đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt.” Các bằng chứng khoa học cho thấy khu vực biển mà các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc thực hiện là “hệ sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh”, và là nơi cư trú của các loài đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt như ngao khổng lồ (tridacnidae), đồi mồi (hawksbill turtles) và một số loài cá và san hô khác.[10] Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phá hủy hệ sinh thái và nơi cư trú của các loài nêu trên, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5).
- Việc Trung Quốc không có bất kỳ nỗ lực nào để hợp tác hay phối hợp với các quốc gia xung quanh Biển Đông khi thực hiện hoạt động xây dựng đảo đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác theo Điều 197 và Điều 123.[11] Việc không có hợp tác hay phối hợp với các nước khác thể hiện qua việc Philippines và các quốc gia xung quanh Biển Đông đã có phản đối với hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc.[12] Điều 197 quy định về hợp tác trên phạm vi thế giới hay khu vực. Điều 123 quy định về hợp tác giữa các quốc gia trong các vùng biển kín và nửa kín.
- Việc Trung Quốc không báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện hoạt động xây dựng đảo đã vi phạm nghĩa vụ ở Điều 206.[13] Điều 206 quy định hai nghĩa vụ: nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường và nghĩa vụ báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường. Với quy mô và tác động của hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc, rõ ràng rằng có lý do xác đáng để tin rằng hoạt động này có thể làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, và do đó Trung Quốc có nghĩa vụ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.[14] Tuy nhiên, Tòa không thể kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo Điều 206 bởi vì không có bằng chứng chứng minh nước này không thực hiện đánh giá tác động môi trường.[15] Tòa chỉ kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường (obligation to communicate) theo Điều 206.[16] Điều 206 quy định rằng “Khi các quốc gia có những lý do xác đáng để cho rằng các hoạt động đã dự tính thuộc quyền tài phán hay quyền kiểm soát của mình có quy cơ gây ra một vụ ô nhiễm nghiêm trong hay làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, thì trong chừng mực có thể, các quốc gia này cần đánh giá các tác động tiềm tàng cùa các hoạt động này đối với môi trường đó và cần báo cáo lại những kết quả của những đánh giá này theo cách đã được quy định ở Điều 205.” Điều 205 quy định việc công bố các báo cáo: “Các quốc gia công bố các báo cáo về kết quả thu được trong khi áp dụng Điều 204 hay, theo khoảng thời gian thích hợp, cung cấp các báo cáo như vậy cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền và các tổ chức quốc tế này cần phải để cho mọi quốc gia khác sử dụng các báo cáo này.”
- Vi phạm quyền tài phán của Philippines liên quan đến đảo nhân tạo
Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vi phạm quyền tài phán của Philippines liên quan đến xây dựng đảo nhân tạo theo Điều 60 và 80. Điều 60 và 80 quy định quốc gia ven biển có quyền độc quyền trong việc cấp phép, xây dựng, vận hành và sử dụng các đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc nhân tạo trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tòa trọng tài đã kết luận rằng Đá Vành Khăn là một bãi lúc nổi lúc chìm và do đó là một bộ phân thuộc đáy biển chỉ thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.[17] Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia khác không có quyền chủ quyền hay quyền tài phán trên Đá Vành Khăn.[18] Việc Trung Quốc xây dựng Đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo mà không có sự cho phép của Philippines đã vi phạm quyền tài phán theo Điều 60 và 80.[19]
Tòa trọng tài cũng xem xét liệu hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef) có hệ quả pháp lý củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với thực thể này hay không. Tòa cho rằng Đá Vành Khăn là một bãi lúc nổi lúc chìm, và do đó, không thể là đối tượng thụ đắc lãnh thổ.[20] Nói cách khác, Đá Vành Khăn không thể được xem là “lãnh thổ” để bất kỳ quốc gia nào có thể xác lập chủ quyền.[21] Đây là một phần của đáy biển, và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.[22] Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn vi phạm quyền tài phán của Philippines theo Điều 60 và 80. Mặc dù không trực tiếp trả lời câu hỏi, nhưng Tòa đã gián tiếp bác bỏ mọi khả năng một quốc gia xác lập chủ quyền đối với Đá Vành Khăn (kể cả Philippines), bất kể Trung Quốc đã xây dựng đá này thành một đảo nhân tạo luôn nổi. Một thực thể ở trạng thái tự nhiên là bãi lúc nổi lúc chìm sẽ không thể trở thành lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia dù được cải tạo một cách nhân tạo thành một thực thể luôn nổi.
- Vi phạm nghĩa vụ không làm trầm trọng tranh chấp
Ngoài ra, Tòa xem xét liệu việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng đảo sau khi Philippines khởi kiện có vi phạm nghĩa vụ không mở rộng hay làm trầm trọng tranh chấp khi tranh chấp đó đang được một cơ quan tài phán quốc tế xem xét giải quyết. Tòa cho rằng luật quốc tế quy định nghĩa vụ không mở rộng hay làm trầm trọng tranh chấp khi cơ quan tài phán đang xem xét giải quyết.[23] Hành vi của một bên trong tranh chấp có thể làm trầm trọng tranh chấp theo ba cách: (1) tiếp tục thực hiện những hành vi đang bị cáo buộc vi phạm quyền của bên còn lại trong tranh chấp, theo cách làm cho vi phạm bị cáo buộc nghiêm trọng thêm, (2) có hành vi làm giảm hiệu quả thực tế của phán quyết sẽ được đưa ra hoặc gây khó khăn đáng kể cho việc thực thi phán quyết, và (3) có hành vi gây tổn hại đến tính toàn vẹn của tiến trình giải quyết tranh chấp bằng việc gây khó khăn cho cơ quan tài phán xem xét vụ việc, hay có hành vi khiến cho tiến trình giải quyết tranh chấp không còn hiệu quả giải quyết tranh chấp trên thực tế.[24]
Việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng đảo sau khi Philippines khởi kiện và trong giai đoạn Tòa trọng tài đang xem xét đã làm trầm trọng tranh chấp do hoạt động này tạo ra “tình trạng đã rồi” (fait accompli) tại Đá Vành Khăn khiến cho việc thực hiện phán quyết khó khăn hơn và không thể trả lại hiện trạng ban đầu trước cải tạo, tiếp tục gây ra tổn hại không thể khắc phục cho môi trường biển, và phá hủy bằng chứng về tình trạng tự nhiên của các thực thể.[25]
- Liên hệ với thực tiễn san lấp biển của Việt Nam ở Trường Sa
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tiến hành các hoạt động san lấp biển để mở rộng diện tích đất tại các thực thể do từng bên chiếm đóng. Điểm khác nhau lớn nhất là hoạt động của Trung Quốc có quy mô lớn vượt hẳn so với Việt Nam và Philippines. Theo Báo cáo Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, diện tích cải tạo mở rộng của từng nước ở Trường Sa như sau:[26]
STT. |
Nước thực hiện | Diện tích mở rộng |
1. |
Đài Loan | 8 acres (0.032 km2) |
2. | Malaysia |
70 acres (0.283 km2) |
3. |
Philippines | 14 acres (0.057 km2) |
4. | Trung Quốc |
2900 acres (11.74 km2) |
5. | Việt Nam |
80 acres (0.323 km2) |
Báo cáo này so sánh rằng chỉ từ tháng 12 năm 2013, diện tích mà Trung Quốc mở rộng trong vòng 20 tháng lớn gấp 17 lần so với diện tích mở rộng của tất cả các quốc gia khác cộng lại trong vòng 40 năm, chiếm 95% diện tích bồi lấp trên quần đảo Trường Sa.[27] Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng xác nhận hoạt động san lấp biển của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Năm 2015 trong họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết:
“Thời gian qua, chúng tôi có củng cố một số hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam hiện nay có đóng quân ở 9 đảo nổi, 12 đảo chìm. Trên các đảo nổi, chúng tôi chỉ làm kè xung quanh, tránh sóng đánh xói lở, đảm bảo cho người dân và quân trên đảo có cuộc sống an toàn Ở các đảo chìm, chúng tôi chỉ xây dựng những căn nhà nhỏ, ít người ở và không có hoạt động mở rộng. Tính chất, quy mô của chúng tôi hoàn toàn là vấn đề dân sự.”[28]
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân độ nhân dân Việt Nam, cho biết thêm: “Hiện nay, các khu kinh tế quốc phòng trên biển tiếp tục được hoàn thiện. Ở Trường Sa đã xây dựng các âu tàu phục vụ cho nhân dân đánh bắt cá. Đảo Đá Tây đã xây dựng khu hậu cần kỹ thuật kinh tế. Điều kiện đảm bảo khi xử lý các tình huống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển thì chúng ta làm ngày càng tốt hơn.”[29]
Hình ảnh và số liệu diện tích cải tạo đảo của Việt Nam trên 10 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa có thể tham khảo trên trang Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) trong bài “Xây dựng đảo của Việt Nam: Tiêu chuẩn kép hay hạt muối bỏ biển?“.
Với quy mô rất hạn chế nhưng thế, hoạt động tôn tạo, san lấp biển của Việt Nam ít có tác động đến môi trường biển hơn hẳn so với Trung Quốc. Nếu tác động tiêu cực được hạn chế tối đa hoặc loại trừ, hoạt động của Việt Nam sẽ không vi phạm Điều 192 và 194(1) và (5), và cũng không thuộc trường hợp phải thực hiện báo cáo tác động môi trường và công khai báo cáo đó theo Điều 206. Nếu Việt Nam có hoạt động trên 12 đảo chìm ở quần đảo Trường Sa thì tính hợp pháp của hoạt động sẽ phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển và đáy biển nơi có đảo chìm và quốc gia nào có quyền đối với vùng biển và đáy biển đó. Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa trọng tài xác định hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn vi phạm quyền tài phán của Philippines do thực thể này thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Như vậy, hoạt động tôn tạo, san lấp (nếu có) trên 12 đảo chìm sẽ là hợp pháp nếu thuộc vùng biển của Việt Nam, ví dụ như nằm trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải của một đảo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hoặc nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính tính từ bờ biển hay đảo khác thuộc Việt Nam).
Trần H. D. Minh
Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:
- Nội dung chính, tác động của phán quyết và gợi mở cho Việt Nam
- Lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam
- Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
- Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
- Quy chế của các thực tể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông
- Phân tích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài
- Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông
———————————————————————
[1] Vụ kiện Biển Đông (Philippines vs Trung Quốc) [2016] (Phán quyết) Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, tr. 330, đoạn 854. [2] Như trên, đoạn 855. [3] Như trên, đoạn 856. [4] Như trên, đoạn 857. [5] Như trên, đoạn 983. [6] Như trên, đoạn 941. [7] Như trên. [8] Như trên, đoạn 983. [9] Như trên. [10] Như trên, đoạn 945. [11] Như trên, đoạn 984 – 986. [12] Như trên, đoạn 984, xem thêm chú thích 1180 trong Phán quyết. [13] Như trên, đoạn 987 – 991. [14] Như trên, đoạn 988. [15] Như trên, đoạn 991. [16] Như trên. [17] Như trên, đoạn 1030. [18] Như trên. [19] Như trên, đoạn 1037 – 1038. [20] Như trên, đoạn 1040. [21] Như trên. [22] Như trên, đoạn 1041. [23] Như trên, đoạn 1174. [24] Như trên, đoạn 1176. [25] Như trên, đoạn 1181.
[26] Bộ Quốc phòng Mỹ, Chiến lược an ninh biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2015), xem tại <https://www.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/NDAA%20A-P_Maritime_SecuritY_Strategy-08142015-1300-FINALFORMAT.PDF> (truy cập ngày 28/4/2018), tr. 40. [27] Như trên.
[28] Chung Hoàng, Lê Anh Dũng, Bạt Tuất, ‘BT Quốc phòng: VN chỉ kè kín đảo thuộc chủ quyền’, ngày 04/6/2015, Báo diện tử Vietnamnet, xem tại <http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bt-quoc-phong-vn-chi-ke-kin-dao-thuoc-chu-quyen-240496.html> (truy cập ngày 28/4/2018); Tuấn Hợp, ‘Bộ trưởng Quốc phòng: Việt Nam chỉ kè đảo để tránh xói lở’, ngày 01/6/2015, Báo điện tử Dân trí, xem tại <http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-quoc-phong-viet-nam-chi-ke-dao-de-tranh-xoi-lo-1433846471.htm> (truy cập ngày 18/4/2018); Tùng Đinh, ‘Đại tướng Phùng Quang Thanh: VN kè đảo để đảm bảo an toàn cho dân và quân’, ngày 01/6/2015, Báo điển tử VTCNews, xem tại <https://vtc.vn/dai-tuong-phung-quang-thanh-vn-ke-dao-de-dam-bao-an-toan-cho-dan-va-quan-d208616.html> (truy cập ngày 28/4/2018); Bộ Quốc phòng Mỹ, ‘News transcript: Joint press conference by Secretary Carter and Minister of National Defense Thanh, in Hanoi, Vietnam’, ngày 01/6/2015, xem tại <https://www.defense.gov/News/Transcripts/Transcript-View/Article/607052/joint-press-conference-by-secretary-carter-and-minister-of-national-defense-tha/> (truy cập ngày 28/4/2018).
[29] Vũ Hân, ‘Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Kinh tế quốc phòng trên biển ngày càng tốt hơn’, ngày 25/5/2018, Báo Thanh niên Online, xem tại <https://thanhnien.vn/thoi-su/thuong-tuong-nguyen-trong-nghia-kinh-te-quoc-phong-tren-bien-ngay-cang-tot-hon-966383.html> (truy cập ngày 25/5/2018); Thế Kha, ‘Cương quyết trước việc ngư dân nước bạn vào vùng biển Việt Nam’, ngày 25/5/2018, Báo Dân trí online, xem tại <http://dantri.com.vn/su-kien/cuong-quyet-truoc-viec-ngu-dan-nuoc-ban-vao-vung-bien-viet-nam-20180525105911824.htm> (truy cập ngày 25/5/2018); Duy Tiến, ‘Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Thế trận quốc phòng trên biển (sic) Đông đang tốt hơn’, ngày 25/5/2018, Báo An ninh Thủ đô, xem tại <http://anninhthudo.vn/quan-su/thuong-tuong-nguyen-trong-nghia-the-tran-quoc-phong-tren-bien-dong-dang-tot-hon/769071.antd> (truy cập ngày 25/5/2018).