[83] Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông

Gần đây trên EJIL Talk! có hai bài viết của Douglas Guilfoyle về “nghiên cứu phê phán” (Critical Study) của Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (Chinese Society of International Law _ CSIL) bác bỏ các kết luận của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông. Nghiên cứu “South China Sea Arbitration: A Critical Study” quy tụ hơn 70 học giả tham gia, dày 500 trang, phê phán từng điểm trong các phán quyết của Tòa trọng tài, đặc biệt là phán quyết về thẩm quyền và điều kiện thụ lý năm 2015. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Chinese Journal of International Law – tự giới thiệu trên website của Nhà xuất bản Đại học Oxford (Anh Quốc) là một tạp chí thuộc SSCI độc lập, có phản biện được liên kết với Hội Luật Quốc tế Trung Quốc và Viện Luật Quốc tế thuộc Đại học Wuhan, xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Oxford.[1] Nhà xuất bản Đại học Oxford là một trong những nhà xuất bản nổi tiếng và uy tín trên thế giới.

Bài viết đầu tiên của Guifoyle về một số nội dung nổi bật của nghiên cứu này (A new twist in the South China Sea Arbitration: The Chinese Society of International Law’s Critical Study). Bài viết thứ hai về mối quan hệ giữa nhóm nghiên cứu và Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Taking the party line on the South China Sea Arbitration). Tranh luận qua lại trong phần comments của hai bài viết, có sự tham gia của Sienho Yee (giáo sư luật quốc tế tại Đại học Wuhan, Tổng biên tập tạp chí Chinese Journal of International Law), hai giáo sư người Trung Quốc Zheng và Zhang, và Marko Milanovic (phó giáo sư luật quốc tế tại Đại học Nottingham). Tranh luận có thể được tóm tắt lại là (xem đoạn dịch bên dưới):

  • Guilfoyle nghi ngờ Nghiên cứu Phê phán không mang tính học thuật khách quan mà chủ yếu nhằm biện minh cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc hậu thuẫn.
  • Sienho Yee cho rằng nghi ngờ của Guilfoyle là vô căn cứ, vì Nghiên cứu Phê phán được phản biện theo đúng tiêu chuẩn của Tạp chí như mọi bài viết gửi đăng khác.
  • Zheng cho rằng học giả Trung Quốc lập luận để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, và đây là việc bình thường ở mọi nơi.
  • Zhang cho rằng không có gì sai trái khi học già Trung Quốc xây dựng lập luận để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. Điều quan trọng là liệu lập luận thực chất có hợp lý hay không, nếu hợp lý thì chấp nhận, nếu không thì sẽ bị phản biện.
  • Milanovic thì cho rằng quan điểm của Zheng & Zhang là không bình thường, học giả cần nghiên cứu độc lập với quan điểm của chính phủ nước họ, có thể ủng hộ hay phản đối phụ thuộc vào có phù hợp với luật quốc tế hay không. Điều quan trọng là không nhậm nhèm giữa vai trò học giả độc lập và luật sư cho chính phủ.

Trao đổi giữa bốn học giả trên bộc lộ một điểm thú vị. Có sự khác biệt giữa học giả phương Tây và học giả Trung Quốc. Học giả phương Tây chủ trương (chưa chắc đúng trên thực tế) học thuật độc lập, không “hùa” theo quan điểm của chính phủ, phân tách rõ giữa nghiên cứu thuần túy học thuật và nghiên cứu phục vụ tư vấn chính phủ. Lợi ích quốc gia không nằm trong khái niệm của nghiên cứu học thuật thuần túy. Trong khi đó, học giả Trung Quốc kết hợp vai trò là học giả và trách nhiệm công dân, nghiên cứu khoa học phục vụ lợi ích quốc gia mà quan điểm của chính phủ đặt ra. Trong khi bảo vệ lợi ích quốc gia của nước họ, học giả Trung Quốc vẫn bám sát yêu cầu học thuật – tính chất hợp lý về nội dung lập luận mà họ đưa ra. Đương nhiên, nếu nhìn rộng ra thì bảo vệ luật pháp quốc tế cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia trong dài hạn!

Thực chất, có thể thông điệp mà Guilfoyle và Milanovic muốn gửi đến độc giả là sự cần thiết của việc tách bạch giữa nghiên cứu học thuật và viết ủng hộ quan điểm của chính phủ. Không ai cấm và cũng không có gì sai khi học giả Trung Quốc nghiên cứu, xuất bản ủng hộ quan điểm của chính phủ nước này. Nhưng, họ không nên cố tạo ra vẻ khách quan, tạo vỏ bọc học thuật thuần túy, và đặc biệt cũng không nên che giấu mối quan hệ với Bộ Ngoại giao nước này. Nếu nghiên cứu này có chú thích, như Guilfoyle chỉ ra, ghi nhận vai trò của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì sẽ hoàn toàn bình thường. Một nghiên cứu viết ra để ủng hộ quan điểm của chính phủ cần được thực hiện một cách đường đường chính chính!

east-vs-west-2

Nguồn ảnh minh họa: Yang Liu, East Meets West (2007).

Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:

  1. Nội dung chính, tác động của phán quyết và gợi mở cho Việt Nam
  2. Lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam
  3. Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
  4. Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa – Liên hệ thực tiễn của Việt Nam
  5. Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
  6. Quy chế của các thực tể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông
  7. Phân tích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài

————————————————————————————-

Trong bài viết đầu tiên, Guilfoyle nhận xét rằng nghiên cứu của CSIL thiên vị và phục vụ cho việc củng cố quan điểm của Chính phủ Trung Quốc:

“Nghiên cứu Phê phán cũng củng cố quan điểm cho rằng, trái với các quốc gia phương Tây, giới học giả Trung Quốc thiếu tính đa dạng khi nói về nội dung của vụ việc và có lẻ không sẵn lòng từ bỏ tính thiên vị… chẳng có gì mờ ám hay gián tiếp trong việc cộng đồng học giả Trung Quốc ủng hộ quan điễm của chính phủ [nước này]… điều này phản ánh thực tế sự kiểm duyệt mềm hoặc sự lo lắng khi có quan điểm không phổ biến trong một thị trường học thuật cạnh tranh, hoặc chỉ đơn giản là các học giả cũng quá dễ dàng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc như mọi người khác… thực tế chính phủ Trung Quốc có chiến lược sử dụng nguồn tài chính dành cho nghiên cứu để phát triển năng lực trong lĩnh vực luật biển. (Có thể hình dung rằng các học giả có chí hướng phát triển nghề nghiệp và đang cần nguồn tài chính [để phục vụ nghiên cứu] sẽ không muốn bị xem là không thân thiện với chính phủ trong lĩnh vực này”). Một câu hỏi rất thú vụ là liệu việc triển khai các công cụ tài chính phục vụ cho nghiên cứu có tạo ra một loạt các bài báo đăng trên các tạp chí uy tín bằng tiếng Anh có cùng quan điểm như trong Nghiên cứu phê phán.

Rõ ràng, không có gì xấu khi giới học giả đưa ra quan điểm trùng hợp với chính sách của chính phủ hoặc làm tư cấn cho chính phủ. Hiện tượng các luật sư-học giả phục vụ ở các vị trí trong chính phủ từ lâu đã phổ biến ở Mỹ, và không chỉ ở Mỹ. Tuy nhiên, thực sự đáng quan tâm khi một hội nhóm học thuật quan trọng sẽ lộ liễu tái-xét xử lại một vụ việc và đưa ra kết luận bằng tiếng Anh cho độc giả quốc tế. Tôi không biết bất kỳ nỗ lực tương tự nào của một hội nhóm học thuật quốc gia của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an liên quan đến một phán quyết pháp lý quốc tế quan trọng.”

Trong phần comments, Sienho Yee – giáo sư Luật quốc tế của Đại học Wuhan,  Tổng biên tập của Tạp chí Chinese Jounral of International Law, nơi xuất bản Nghiên cứu nêu trên, cũng đồng thời tham gia viết trong nghiên cứu này – phản bác lại ý kiến của Guilfoyle, bảo vệ tính khách quan học thuật của nghiên cứu và uy tín của Tạp chí. Ông viết:

“Ở Trung Quốc, chúng tôi cho rằng các nhà chuyên môn cần nghiên cứu nội dung thực chất một cách cẩn trọng trước khi phát biểu về bất cứ điều gì, trong khi những người khác nhìn vào bề ngoài của sự việc. Nhóm nghiên cứu của Hội [Luật Quốc tế] Trung Quốc bỏ ra hơn một năm ba tháng để hoàn thành Nghiên cứu phê phán này (https://academic.oup.com/chinesejil/article-pdf/17/2/207/24810530/jmy012.pdf), sau đó được thẩm định nội bộ bởi khoảng 20 chuyên gia; khi nghiên cứu được gửi đến cho tạp chí Chinese Journal of International Law, Nghiên cứu Phê phán (giống như một bài gửi đăng khác), như thường lệ phải đi qua quá trình phản biện bởi các chuyên gia không liên quan đến dự án. Tôi tin rằng nếu một người còn có phẩm hạnh, thì trước khi đưa ra các nhận xét lạ lùng, sẽ dành đủ thời gian để nghiên cứu nội dung của các lập luận, điểm mạnh và điểm yếu, và luôn ghi nhớ rằng đây là một nghiên cứu phê phán về phán quyết trọng tài, không có mục đích đưa ra yêu sách cho Trung Quốc. Thú vị là ngày nay  không gian blog đang trở thành diễn đàn cho sự bề ngoài, với những nhận xét chẳng liên quan đến thực chất. Những học giả nghiêm túc nên xem xét lời mời của tạp chí khi có phản biện tại: http://www.chinesejil.org/standinginvitation.htm

Bài viết thứ hai của Guifoyle chỉ ra một số bằng chứng cho thấy việc thực hiện “Nghiên cứu phê phán”, Hội Luật Quốc tế Trung Quốc và cả tạp chí Chinese Journal of International Law có thể có mối liên hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong phần comments của bài viết này, hai giáo sư người Trung Quốc cho rằng:

“Không có gì sai trái khi các luật sư quốc tế của Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia của chính đất nước họ trong chừng mực họ vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn logic và đạo đức học thuật. Việc chính phủ Trung Quốc có ủng hộ hay không không quan trọng. Điều quan trọng là lập luận pháp lý [được đưa ra có hợp lý]. Tự cho là đúng luôn là độc tố và chẳng giúp ích gì. – Zhihua Zheng”

“Luật sư quốc tế Trung Quốc lập luận cho lợi ích quốc gia của họ. Đây là điều bình thường ở mọi nơi. – zhang”

Marko Milanovic bác bỏ hai nhận xét trên:

“Tôi phải nói rằng tôi thấy hai nhận xét của Giáo sư Zheng và Zhang là hoàn toàn gây bối rối. Đây KHÔNG phải là điều bình thường ở mọi nơi khi các học giả luật quốc tế xây dựng lập luận để bảo vệ lợi ích quốc gia của đất nước họ. Ví dụ như, rõ ràng công việc của các giáo sư luật quốc tế ở các trường luật của nước Anh không phải là nói theo quan điểm của chính phủ Anh dưới vỏ bọc học thuật. Thực tế các luật sư quốc tế học thuận thường là những người lên tiếng phê phán lớn nhất các hành vi của chính phủ Anh, ví dụ như liên quan đến tính hợp pháp của cuộc chiến tại Iraq.

Để nói rõ ràng, trong giới học thuật, việc giống nhau giữa các quan điểm về nội dung thực chất và quan điểm của quốc gia là một vấn đề rất phức tạp, như đã chỉ ra trong cuốn sách mới đây của Anthea Roberts. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự giống nhau này, có thể xung đột hoặc không với đạo đức học thuật. Cũng chẳng có gì sai khi một học giả nhận một công việc được trả lương cho chính phủ của học để lên tiếng ủng hộ quan điễm của chính phủ – trước các cơ quan tài phán quốc tế chẳng hạn – trong chừng mực học giả làm rõ ràng và tách bạch rằng họ đang làm công việc cho chính phủ. Nhưng, trong giới luật học, quan trọng là phải tách bạch giữa nghiên cứu ủng hộ [một quan điểm nào đó] và nghiên cứu học thuật độc lập.”

Trần H.D. Minh

————————————————————————–

[1] http://www.chinesejil.org/ (truy cập ngày 30/5/2018).

12 bình luận về “[83] Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: