[113] Hai tàu khu trục Mỹ đi sát vào Đá Vành Khăn ngày 11 tháng 02 năm 2019

Quyền hàng hải phụ thuộc vào vùng biển – Quyền hàng hải trong 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn – Quan điểm của Việt Nam

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, ngày 11.02.2019, hai tàu khu trục Mỹ USS Spruance (DDG 111) và USS Preble (DDG 88) đã đi qua Đá Vành Khăn trong phạm vi 12 hải lý để “thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông.”[1] Theo phía Mỹ, Mục đích của hoạt động này, và cả chương trình FONOPS là nhằm duy trì thách thức các yêu sách biển thái quá và bảo vệ quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế.[2] Ngay trong ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying lên tiếng phản đối, cho rằng hai tàu khu trục của Mỹ đã “đi vào vùng nước liền kề” của Đá Vành Khăn mà “không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”, do đó, “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa hòa bình, an ninh và trật tự của các vùng biển liên quan.”[3]  Hua Chunying cũng cho biết “Hải quân Trung Quốc đã tiến hành xác định, xác nhận các tàu chiến của Mỹ theo quy định pháp luật, phát cảnh báo và trục xuất hai tàu trên.”[4]

Vậy liệu hoạt động ngày 11.02.2019 có thực sự phù hợp với các quy định về tự do hàng hải theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)?

Tàu khu trục Mỹ

Quy định chung của UNCLOS

Theo quy định của UNCLOS, quyền hàng hải của tàu thuyền nước ngoài được xác định dựa trên quy chế pháp lý của từng vùng biển mà tàu thuyền đó di chuyển. Cụ thể như sau :

Vùng biển

Quyền hàng hải của tàu thuyền nước ngoài

Nội thủy (bên trong đường cơ sở)

Về nguyên tắc, không có quyền hàng hải, phải xin phép quốc gia ven biển.

Lãnh hải (bên ngoài đường cơ sở, tối đa 12 hải lý)

Có quyền qua lại vô hại, nhưng một số quốc gia có yếu cầu riêng với tàu quân sự nước ngoài như yêu cầu xin phép trước (prior permission) hoặc/và thông báo trước (prior notification). Việt Nam yêu cầu thông báo trước.

Các vùng biển ngoài lãnh hải về phía biển: Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và biển cả.

Có quyền tự do hàng hải.

12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn là vùng biển có quy chế pháp lý gì?

Theo quy định chung nêu trên thì vùng biển trong phạm vi của Đá Vành Khăn có thể là nội thủy hoặc lãnh hải, hoặc là vùng biển ngoài lãnh hải. Câu trả lời nằm ở quy chế pháp lý của Đá Vành Khăn. Nếu Đá này là đảo theo Điều 121 thì sẽ có lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý ; ngược lại, nếu không phải đảo thì sẽ không có lãnh hải.

Trong phán quyết ngày 12 tháng 07 năm 2016, Tòa trọng tài đã kết luận rằng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) không phải là một đảo mà là một bãi lúc nổi lúc chìm (xem thêm kết luận của Tòa về các thực thể khác tại đây). Hơn nữa, do Đá này không nằm trong phạm vi 12 hải lý của bất kỳ đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa, do đó, vùng biển xung quanh Đá này không thể có quy chế pháp lý nội thủy hay lãnh hải. Nói cách khác, vùng biển trên không thể thuộc chủ quyền của Trung Quốc như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ở trên. Vùng biển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn thuộc về các vùng biển ngoài lãnh hải nơi tất cả tàu thuyền đều có quyền tự do hàng hải. Hoạt động của hai tàu khu trục Mỹ là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của UNCLOS.

Cũng lưu ý rằng, do Đá Vành Khăn nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đất liền Philippines, Tòa kết luận Đá này và vùng biển xung quanh thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Quan điểm của Việt Nam

Việt Nam chưa thể hiện quan điểm chính thức về riêng Đá Vành Khăn này, cũng như chưa đưa ra quan điểm về phán quyết của Tòa trọng tài như đã hứa. Các phát ngôn của Người phát ngôn (NPN) Bộ Ngoại giao Việt Nam không thể hiện quan điểm của Việt Nam về quy chế pháp lý của Đá Vành Khăn. NPN tuyên bố chung chung vào ngày 15.02.2019 rằng:

“Ngày 15/02/2019, trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu hải quân Hoa Kỳ vừa qua đã đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

… Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982…”

Lưu ý rằng không nên dựa vào việc NPN chỉ đề cập đến “quyền tự do hàng hải” – vốn chỉ tồn tại ờ vùng biển ngoài lãnh hải của các quốc gia ven biển – để suy diễn phát ngôn trên là ngầm công nhận quy chế bãi lúc nổi lúc chìm của Đá Vành Khăn. Phát ngôn trên được đưa ra để trả lời câu hỏi mà phóng viên đưa ra là tàu hải quân Mỹ “đi qua khu vực quần đảo Trường Sa”, và có thể được hiểu là toàn bộ hành trình của hai tàu chiến đi qua quần đảo Trường Sa, bao gồm cả khu vực ngoài 12 hải lý và trong 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Đây là cách trả lời chung chung cho một câu hỏi không chi tiết.

Trước đó, ngày 09.01.2019, NPN cũng đưa ra tuyên bố giống 100% cho câu hỏi tương tự về việc tàu chiến McCampbell của Mỹ “đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa” (thực chất là đi vào phạm vi 12 hải lý của ba đảo: Đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm – do đó, vụ việc này khác về bản chất với vụ việc Đá Vành Khăn).[5] Phát ngôn này có thể có ít nhất hai cách hiểu. Cách thứ nhất như ở trên: câu trả lời chung chung cho một câu hỏi không chi tiết. Cách thứ hai là theo Việt Nam, lãnh hải của ba đảo này hẹp hơn 12 hải lý, hoặc, cực đoan nhất là Việt Nam sẽ không xác lập lãnh hải cho ba đảo này, toàn bộ vùng biển xung quanh sẽ thuộc quyền tự do hàng hải. Đặc biệt lưu ý rằng, trong một vụ việc tương tự, ngày 31.01.2016, NPN lại có câu hỏi và câu trả lời cụ thể hơn rất nhiều:

“(MOFA) – Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 30/1/2016, Hải quân Hoa Kỳ thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 31/1/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh:

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”./.”

Không rõ lý do đằng sau của sự thay đổi cách đặt câu hỏi và cách trả lời theo hướng mơ hồ hơn gần đây.

Xem sự thay đổi của Đá Vành Khăn do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc từ 2012 đến 2017 tại đây.

Trần H. D. Minh

——————————————————————————————-

[1] ‘US sails 2 warships past disputed island chain in South China Sea’, ngày 11.02.2019, ABC News, https://abcnews.go.com/Politics/us-sails-warships-past-disputed-island-chain-south/story?id=60981579;

[2] Như trên.

[3] Họp báo thường kỳ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying ngày 11.02.2019, website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1637013.shtml (truy cập ngày 12.02.2019)

[4] Như trên.

[5] Thành Đạt, ‘Tàu hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc’, Báo Dân trí, ngày 07.01.2019, https://dantri.com.vn/the-gioi/tau-hai-quan-my-ap-sat-quan-dao-hoang-sa-thach-thuc-trung-quoc-20190107145153718.htm (truy cập ngày 12.02.2019).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: