Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá và phản ứng của Việt Nam – Nội dung lệnh cấm của Trung Quốc – Kết luận của Tòa – Các điểm lưu ý có giá trị kinh nghiệm – Liên hệ thực tiễn cấm khai thác thủy sản trên biển của Việt Nam
Mỗi năm Trung Quốc đều ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông vào mùa hè, và Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn có phản đối gửi Trung Quốc (xem phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá năm tháng 05/2009,[1] tháng 06/2009,[2] 2010,[3] 2011,[4] 2012,[5] 2013,[6] 2014,[7] 2015,[8] 2016,[9] 2017[10] và 2018[11]). Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã được Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông xem xét và kết luận, do đó, sẽ cần thiết tìm hiểu lại lập luận và kết luận của Tòa để có nhận thức đúng đắn về lệnh cấm này phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Khu vực Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá. Nguồn ảnh: VNExpress.net
Nội dung lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc
Trong Vụ kiện Biển Đông, Philippines cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này thông qua việc ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012. Lệnh cấm này được Ủy ban Nghề cá Quân Nanhai thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra vào ngày 10 tháng 5 năm 2012, quy định:
“1. Tất cả các loại hoạt động sản suất, trừ hoạt động sử dụng lướt đơn và dây câu cá, sẽ bị cấm từ 12:00 trưa ngày 16 tháng 05 ở khu vực Biển Đông từ vĩ tuyến 12o Bắc đến ‘Ranh giới chung của vùng biển Fujian-Guangdong’ (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ) thuộc quyền tài phán của Công hòa Nhân dân Trung Hoa.
- Trong thời gian cấm đánh bắt cá, tất cả các tàu cá thuộc diện bị cấm sẽ phải neo đậu tại cảng và lưới được xếp lại, không có ngoại lệ. Không đơn vị nào được cung cấp dầu hoặc đá, hoặc mua, phân phối, cấp đông hay lưu trữ cá từ các tàu cá thuộc diện cấm đánh bắt.
- Trong thời gian cấm đánh bắt cá, bất kỳ tàu cá nào có Giấy phép đánh bắt đặc biệt của Nansha và dự định đánh bắt cá tại vùng biển của Quần đảo Nansha phía nam vĩ tuyến 12o Bắc phải nghiêm túc tuân thủ hệ thống báo cáo khi ra, vào cảng biển, và bất kỳ hoạt động sản xuất nào trong vùng biển bị cấm theo lệnh cấm này.
- Những ai đánh bắt cá vi phạm các quy định của lệnh cấm sẽ bị tịch thu lượng cá và tất cả các lợi ích bất hợp pháp khác và bị phạt 50,000 NDT; nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị tịch thu ngư cụ và thu hồi giấy phép đánh bắt cá; nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ tịch thu tàu cá; nếu vi phạm ở mức hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. ”
Kết luận của Tòa trọng tài
Tòa trọng tài xem xét Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 ở hai khía cạnh: việc thực thi lệnh cấm trên thực tế và việc ban hành lệnh cấm. Ở khía cạnh thứ nhất, Philippines không cung cấp cho Tòa trọng tài bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực sự thực thi Lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chống lại ngư dân của Philippines. Do không có bằng chứng, Tòa không thể xem xét liệu Trung Quốc có vi phạm hay không.[12]
Tòa cũng không thể kết luận đối với cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc ngăn cản ngư dân nước này đánh bắt cá trong vùng biển xung quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.[13] Philippines đã không thể cung cấp bằng chứng cho thấy tàu công vụ của Trung Quốc thực sự có hành vi cụ thể ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá.[14] Tuy nhiên, Tòa cũng ghi nhận rằng việc không có bằng chứng không có nghĩa là Trung Quốc không có hành vi ngăn cản, vì rõ ràng các tàu thực thi pháp của của Trung Quốc hiện diện tại hai khu vực biển đó và yêu sách của Trung Quốc về quyền tài phán về đánh bắt cá ở Biển Đông có thể khiến ngư dân Philippines nghi ngại và tránh khỏi hai khu vực biển trên.[15] Đương nhiên, không có bằng chứng thì Tòa vẫn không thể kết luận liệu Trung Quốc có vi phạm quyền chủ quyền của Philippines liên quan đến đánh bắt cá hay không.[16]
Do không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực sự cưỡng chế thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Tòa trọng tài xem xét cáo buộc của Philippines ở khía cạnh thứ hai: Liệu hành vi ban hành lệnh trên có vi phạm quyền chủ quyền của Philippines? Tòa cho rằng quy định của Lệnh cấm có phạm vi áp dụng rộng lớn trong Biển Đông, bao gồm cả những vùng biển chỉ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và áp dụng cho cả những tàu thuyền nước ngoài không mang cờ của Trung Quốc.[17] Khi áp dụng lệnh cấm, ngư dân Philippines có thể bị trừng phạt khi họ đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.[18] Do đó, hành vi của Trung Quốc ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Điều 56 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.[19]
Một số điểm lưu ý có giá trị kinh nghiệm
Từ kết luận của Tòa trọng tài có thể thấy ba điểm cần chú ý khi đánh giá về tính hợp pháp của lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc.
Thứ nhất, hành vi ban hành lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc với phạm vi áp dụng bao gồm cả vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước khác và đối tượng áp dụng bao gồm cả tàu thuyền nước ngoài đã đủ cấu thành vi phạm Điều 56 của Công ước.
Thứ hai, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm cần thu thập đầy đủ bằng chứng để chứng minh rõ ràng rằng có những vụ việc cụ thể liên quan đến việc Trung Quốc cưỡng chế thực thi lệnh cấm trên. Các cáo buộc chung chung sẽ không được chấp nhận. Các bằng chứng này cũng cần cho thấy hành vi cưỡng chế do tàu công vụ của Trung Quốc thực hiện. Nếu hành vi do “tàu lạ” hay “tàu không xác định” hay thậm chí tàu dân sự, tàu cá mang cờ của Trung Quốc cũng không thể quy trách nhiệm cho Trung Quốc. Trong trường hợp đó, quốc gia bị ảnh hưởng chỉ có thể quy cho Trung Quốc vi phạm trong việc không nỗ lực ngăn chặn hành vi bất hợp pháp của tàu mang cờ của nước này.
Thứ ba, nếu không thể quy trách nhiệm cho Trung Quốc có hành vi cưỡng chế thực thi lệnh cấm trên thực tế thì dù có xác định Trung Quốc vi phạm do hành vi ban hành lệnh cấm, cũng không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các vụ việc cụ thể phát sinh.
Thực tiễn cấm đánh bắt cá của Việt Nam
Luật thủy sản năm 2017 của Việt Nam cũng có quy định cho phép cơ quan chức năng có quyền ban hành danh sách các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn nhằm mục đích bảo vệ nguồi lệ thủy sản (Điều 13(4) và (5), hoặc Luật thủy sản năm 2003, Điều 8(3)). Thẩm quyền ban hành danh sách khu vực cấm khai thác thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp. Phần dưới chỉ điểm qua các khu vực thuộc danh sách của Bộ Nông nghiệp ban hành.
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Danh mục các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm (Thông tư 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2011, đính chính theo Quyết định 835/QĐ-BNN-TCTS ngày 14 tháng 7 năm 2012), theo đó xác định rõ các khu vực cấm cụ thể với tọa độ chính xác, thời gian cấm trong năm và các loài thủy sản là đối tượng bảo vệ của khu vực cấm. Trong 12 khu vực cấm khai thác thủy sản, 8 khu vực trên sông hồ và 8 khu vực biển. Trong các khu vực cấm trên biển, 05 khu vực ở trong Vịnh Bắc Bộ, 01 khu vực ở vùng biển Tây Nam Bộ và 02 khu vực trong Vịnh Thái Nam. Không có khu vực cấm ở vùng biển miền trung.
Trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, có 05 khu vực cấm khai thác gồm Hòn Mỹ – Hòn Miều (Quảng Ninh), QUần đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà – Ba Lạt (Hải Phòng – Thái Bình), Hòn Nẹ – Lạch Ghép (Thanh Hóa), và Vịnh Diễn Châu (Nghệ An). Các khu vực cấm này đều nằm bên vùng biển thuộc Việt Nam theo Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000.
Ngoài Vịnh Bắc Bộ, có 03 khu vực cấm khai thác thủy sản trên biển: Ven bờ biển Bạc Liêu, Vùng biển ven bờ Cà Mau và Vùng biển ven bờ Kiên Giang (xem bản đồ minh họa bên dưới). Thời gian cấm khai thác là từ tháng 04 đến hết tháng 06 hàng năm nhằm bảo vệ các loài tôm giống trong thời gian sinh sản như họ tôm he và giống tôm rảo (riêng Vùng biển ven bờ Kiên Giang thêm đối tượng bảo vệ là cá phèn và cá chỉ vàng). Cả 03 khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm này phần lờn đều nằm trong nội thủy của Việt Nam, một phần nhỏ ở vùng biển Cà Mau nằm trong lãnh hải. Các khu vực cấm này không nằm trong vùng biển của nước khác hay chồng lấn với vùng biển của nước khác. Do đó, việc ban hành các khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm này đều phù hợp với chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển đó theo quy định của UNCLOS.
Trần H. D. Minh
Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:
- Nội dung chính, tác động của phán quyết và gợi mở cho Việt Nam
- Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
- Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa – Liên hệ thực tiễn của Việt Nam
- Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
- Quy chế của các thực tể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông
- Phân tích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài
- Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông
Eng: This post summarizes the reasoning and conclusion of the Arbitral Tribunal in the South China Sea Arbitration on the illegality of the unilateral fishing moratorium in the South China Sea issued by China in 2012. A reference to Vietnam’s domestic law on fishing moratorium shall be made in this regard. It can be observed that Vietnam only applies fishing bans on the maritime zones within its sovereignty. No fishing ban shall be applied in areas beyond the territorial sea of Vietnam. Indeed the areas subject to fishing ban are mainly within the internal waters.
————————————————————-
[1] Người phát Bộ Ngoại giao Lê Dũng, ‘Về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại biển Đông’, ngày 16/5/2009, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns090516113430> (truy cập ngày 24/4/2018).
[2] Người phát Bộ Ngoại giao Lê Dũng, ‘Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam’, ngày 07/6/2009, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns090607151159> (truy cập ngày 24/4/2018).
[3] Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 5 năm 2010 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns100506162833 > (truy cập ngày 24/4/2018).
[4] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, ‘Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam’, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns110516113342> (truy cập ngày 24/4/2018).
[5] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị, ‘Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc’, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns120120114255> (truy cập ngày 24/4/2018).
[6] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị, ‘Việt Nam phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông’, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns130516044208> (truy cập ngày 24/4/2018).
[7] Trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị ngày 10/01/2014, xem tại <https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns140111011900> (truy cập ngày 24/4/2018).
[8] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trước việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ra thông báo phương án quản lý đánh bắt cá trên biển ngày 16/5/2015, xem tại < https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns150517151022> (truy cập ngày 24/4/2018).
[9] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về việc Trung Quốc thông báo về thời gian, phạm vi và biện pháp thực thi nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông, xem tại < https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160517223027> (truy cập ngày 24/4/2018).
[10] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam ngày 28/2/2017, xem tại < https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170228191923> (truy cập ngày 24/4/2018).
[11] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lê Thị Thu Hằng tại hợp báo thường kỳ ngày 22/3/2018, xem tại < https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns180322165338> (truy cập ngày 24/4/2018).
[12] Vụ kiện Biển Đông (Philippines vs Trung Quốc) [2016] (Phán quyết) Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, tr. 283 – 284, đoạn 710 – 711. [13] Như trên, đoạn 714. [14] Như trên. [15] Như trên, đoạn 715. [16] Như trên. [17] Như trên, đoạn 712. [18] Như trên. [19] Như trên.