[82] Bốn nội dung chính trong Tuyên bố ngày 07.12.2014  của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông

Ngày 07 tháng 12 năm 2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tuyên bố về quan điểm của Việt Nam liên quan đến Vụ kiện Biển Đông (Philippines vs Trung Quốc) đến Tòa trọng tài xét xử vụ kiện này. Tuyên bố này được in lại trong Phụ lục 468 của Tranh tụng bổ sung của Philippines (The Philippines’ Supplemental Written Submission – Volume VIII).

Bản tiếng Anh: Statement of MOFA of Vietnam to the Tribunal; bản dịch không chính thức tiếng Việt: Tuyên bố của BNG Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Với sự cho phép của Tòa, Việt Nam cũng cử đại diện đến nghe các phiên tranh tụng.

Photograph from Merits Hearing - November 2015 - Members of Observer Delegations

PCA: Thành viên các quốc gia quan sát viên tham dự phiên tranh tụng ngày 30/11/2015.

***

Tuyên bố có bốn nội dung chính như sau:

Thứ nhất, Việt Nam ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bao gồm cả biện pháp pháp lý theo Phần XV của Công ước Luật Biển năm 1982. Việt Nam khẳng định Tòa trọng tài có thẩm quyền xem xét vụ kiện mà Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc. Có hai lý do mà Việt Nam ủng hộ Tòa có thẩm quyền:

  • (1) Việt Nam cho rằng một phán quyết khách quan và trung lập của Tòa sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho tình hình tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là “tạo cơ sở pháp lý cho các bên trong vụ việc này giải quyết tranh chấp giữa họ, góp phần làm sáng tỏ quan điểm pháp lý của các bên trong vụ việc này và các bên thứ ba có lợi ích liên quan, và đóng góp vào việc gìn giữ và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, và tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông.”[1]
  • (2) Việt Nam cho rằng Tòa có thẩm quyền đối với vụ kiện theo Điều 288,[2] và Philippines không yêu cầu Tòa xem xét hai vấn đề không thuộc thẩm quyền của Tòa, cụ thể là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể địa lý ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và vấn đề phân định biển.[3]

Thứ hai, Việt Nam cho rằng mình có quyền và lợi ích pháp lý (rights and interests of a legal nature) có thể liên quan và thậm chí bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa trọng tài.[4] Do đó, Việt Nam gửi Tuyên bố này đến Tòa nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Cụ thể Việt Nam nêu 05 quyền và lợi ích pháp lý có thể bị ảnh hưởng:

  • Các quyền của Việt Nam trong quan hệ với các thực thể địa lý ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đây, lưu ý cách dùng từ “các quyền trong quan hệ với” (rights in connection with) có thể hàm ý các quyền theo nghĩa rộng, không chỉ giới hạn trong chủ quyền đối với các thực thể địa lý là đảo, mà có thể bao gồm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển tạo ra bởi các đảo thuộc hai quần đảo trên.
  • Quyền và lợi ích của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong Vụ kiện Biển Đông, Philippines yêu cầu Tòa trọng tài xác định quy chế pháp lý của tám thực thể thuộc Quần đảo Trường Sa và quyền trên biển mà tám thực thể này có thể tạo ra. Tám thực thể mà Philippines nêu ra cũng nằm trong yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông. Nếu Tòa xác định các thực thể đó là đảo và có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì sẽ tạo ra vùng chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tạo ra từ đất liền của Việt Nam. Như đã thấy trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa trọng tài xác định các thực thể đó không tạo ra vùng biển nào vượt quá 12 hải lý, do đó, không thể ảnh hưởng đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong phạm vi ngoài 12 hải lý.
  • Quyền và lợi ích của Việt Nam liên quan đến quy chế pháp lý và quyền trên biển mà các thực thể địa lý trên Biển Đông tạo ra, nằm bên trong “đường chín đoạn.” Như đã thấy trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, quan điểm của Tòa trọng tài về quy chế pháp lý của tám thực thể và quyền trên biển mà tám thực thể này có thể tạo ra phù hợp với quan điểm của Việt Nam.
  • Quyền và lợi ích của Việt Nam trong vùng biển chung (”common maritime areas”) bên trong “đường chín đoạn”. Ở đây Việt Nam dùng một thuật ngữ khá lạ trong luật biển – “vùng biển chung”. Có thể, Việt Nam hàm ý vùng biển cả (high seas) nằm giữa Biển Đông, và các quyền tự do biển cả mà Việt Nam sẽ được hưởng trong vùng biển cả đó. Việc không sử dụng thuật ngữ “biển cả” hay “vùng biển quốc tế” có thể mang hàm ý khác, hoặc cũng có thể không, hoặc là một cách dịch từ “công hải”. Vùng biển chung này cũng có thể bao gồm cả vùng đáy biển quốc tế (the Area).
  • Các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam trên Biển Đông. Đây là câu có tính chất “quét” nhằm để mở khả năng còn những quyền và lợi ích khác mà Việt Nam chưa dự trù hết được.

Photograph from Merits Hearing - November 2015 - Members of Observer Delegations (1)

PCA: Thành viên các quốc gia quan sát viên tham dự phiên tranh tụng ngày 30/11/2015.

Thứ ba, để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý nêu trên, Việt Nam đề nghị Tòa trọng tài xem xét thích đáng (due regard) đến các quyền và lợi ích của Việt Nam nêu trong Tuyên bố này trong quá trình Tòa xem xét vụ kiện.[5] Mục đích của Việt Nam khi yêu cầu Tòa xem xét thích đáng mà nhằm bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích của mình, tránh ảnh hưởng tiêu cực từ phán quyết của Tòa. Việt Nam cũng cam kết sẽ xem xét các yêu cầu hay đề nghị từ phía Tòa về việc cung cấp thông tin, bằng chứng về các quyền và lợi ích của Việt Nam, nếu Tòa có yêu cầu hay đề nghị.[6] Về điểm này Tuyên bố trích dẫn lại Tuyên bố của Thẩm phán ad hoc Gaja đính kèm Phán quyết năm 2011 của Tòa ICJ về yêu cầu can thiệp của Costa Rica vào Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Colombia. Tòa ICJ bác bỏ yêu cầu can thiệp của Costa Rica. Thẩm phán ad hoc Gaja cho rằng trong trường hợp quốc gia thứ ba không có quyền can thiệp, Tòa nên thiết lập một thủ tục để quốc gia thứ ba có thể gửi thông tin đến Tòa nhằm bảo vệ hiệu quả lợi ích của mình.[7] Việc Tuyên bố của Việt Nam trích dẫn lại Tuyên bố của Thẩm phán ad hoc Gaja có thể ngầm nhắc nhở Tòa trọng tài lưu ý đến việc cho phép Việt Nam được gửi thông tin (nếu cần thiết) đến Tòa.

Thứ tư, Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài quan điểm của mình về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Tuyên bố dẫn ra nhiều lần Việt Nam phản đối và bác bỏ yêu sách này và các hành động của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách của mình trên Biển Đông. Ví dụ như các lần gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hoặc cho Tổng thư ký Liên hợp quốc vào năm 1998 khi Trung Quốc thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, năm 2009 khi Trung Quốc đính kèm bản đồ đường chín đoạn trong công hàm phản đối đệ trình thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, năm 2012 khi phía Trung Quốc công bố mở thầu chín lô dầu khí trên Biển Đông và sử dụng bản đồ đường chín đoạn trong hộ chiếu của mình, năm 2014 khi Trung Quốc khẳng định yêu sách trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc.[8]

Trần H. D. Minh

Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:

  1. Nội dung chính, tác động của phán quyết và gợi mở cho Việt Nam
  2. Lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam
  3. Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
  4. Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa – Liên hệ thực tiễn của Việt Nam
  5. Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
  6. Quy chế của các thực tể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông
  7. Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông

—————————————————————————–

[1] Tuyên bố ngày 07 tháng 12 năm 2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982, Đoạn 1.   [2] Như trên, Đoạn 6.   [3] Như trên, Đoạn 3.   [4] Như trên, Đoạn 2.   [5] Như trên, Đoạn 6.   [6] Như trên, Đoạn 6.

[7] Tuyên bố của Thẩm phán ad hoc Gaja, ICJ Rep. 2011, đoạn 5.

[8] Tuyên bố ngày 07 tháng 12 năm 2014 (n 1) Đoạn 4(i).

13 bình luận về “[82] Bốn nội dung chính trong Tuyên bố ngày 07.12.2014  của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: