[189] Yêu sách của Đài Loan trong tranh chấp Biển Đông

Đài Loan (tên gọi tự xưng là Cộng hoà Trung Hoa – ROC) là một bên không thể phủ nhận trong tranh chấp Biển Đông khi đang chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu Aba) – đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do các quốc gia liên quan đều cam kết không công nhận Đài Loan theo chính sách “Một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh, nên Đài Loan thường không thể tham gia các tiến trình liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Có lẽ từ đó giới học giả mới đưa ra khái niệm “năm nước, sáu bên”, với năm nước là Brunei, Malaysia, Philippines, trung Quốc và Việt Nam, và một bên là Đài Loan.

Bài viết sẽ đề cập đến hai vấn đề trong quan điểm của Đài Loan về Biển Đông: (1) yêu sách chủ quyền và biển, và (2) quan điểm về Vụ kiện Biển Đông.

Yêu sách chủ quyền và biển

Theo thông tin chính thức trên website Bộ Ngoại giao Đài Loan, yêu sách của Đài Loan tại Biển Đông được tóm tắt như sau:

“Các đảo ở Biển Đông là một phần của Cộng hoà Trung Hoa. Không có bất kỳ nghi ngờ nào về việc Cộng hoà Trung Hoa có tất cả các quyền đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước liên quan phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển […] Chính phủ [Đài Loan] sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Cộng hoà Trung Hoa tại Biển Đông, cũng như các quyền đối với các vùng nước liên quan được hưởng theo luật quốc tế và luật biển. Đài Loan sẽ không từ bỏ chủ quyền hay các quyền pháp lý này.”[1]

Taiwan 1

Tuyên bố trên được Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh ( “Tsai Ing-wen”) nhắc đến khi phát biểu trong dịp kỷ niệm 70 năm thu phục các đảo tại Biển Đông vào năm 2016.

Như vậy, yêu sách của Đài Loan gồm hai bộ phận. Một, Đài Loan yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo tại Biển Đông. Yêu sách này giống về phạm vi với yêu sách của Trung Quốc, rộng hơn so với yêu sách của Việt Nam (chỉ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), Philippines (vốn chỉ yêu sách với một nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này gọi là Quần đảo Kalayaan) và Malaysia (chỉ yêu sách vài đảo phía đông nam của quần đảo Trường Sa, đối diện với bờ biển của nước này trên đảo Borneo).

Hai, Đài Loan yêu sách các quyền pháp lý đối với “các vùng nước liên quan” (relevant waters) tại Biển Đông. Bản thân việc sử dụng “vùng nước liên quan” khá giống với yêu sách của Trung Quốc về đường chín đoạn – một sự mập mờ cố tình không rõ nghĩa. Khi phân tích về Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 12.07.2016 về Vụ kiện Biển Đông, Chi-Ting Tsai, một học giả Đài Loan, cho rằng tuyên bố này thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của Đài Loan về đường chín đoạn, đặc biệt là việc không còn nhắc đến “lịch sử” hay “lịch sử sử dụng” Biển Đông – những từ mà Tổng thống Mã Cửu Anh (“Ma Ying-jeou”) thường sử dụng. Học giả này cho rằng điều này cho thấy “không giống Bắc Kinh, Đài Bắc không yêu sách quyền lịch sử hay vùng nước lịch sử trong đường chữ U”. Như vậy, quan điểm của Đài Loan phù hợp với phán quyết của Toà trọng tài. Nếu nhận định của Chi-Ting Tsai phản ánh chính xác quan điểm thực sự của chính quyền Đài Loan thì sẽ là tín hiệu tích cực cho tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến khi nào chính quyền Đài Loan còn sử dụng thuật ngữ “vùng nước liên quan” và chưa có tuyên bố rõ ràng về nội hàm của thuật ngữ này thì chưa có gì là chắc chắn.

Cũng lưu ý rằng Chính quyền Đài Loan dưới thời Tổng thống Mã Cửu Anh (2008 – 2016) có yêu sách rõ ràng hơn nhiều. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 07.07.2015 nêu rõ ràng: Bất kể từ quan điểm lịch sử, địa lý, hay luật pháp quốc tế, Quần đảo Nam Sa (Spratly), Tây Sa (Paracel), Trung Sa (Macclesfield Bank), và Đông Sa (Pratas), cũng như vùng nước xung quanh các quần đảo này là một phần đương nhiên của lãnh thổ và vùng biển Đài Loan”. Tuyên bố cũng xác nhận rằng bản đồ đường chín đoạn do Chính quyền Tưởng Giới Thạch xuất bản năm 1947 “vạch rõ phạm vi lãnh thổ và vùng biển của Đài Loan trong khu vực.” Tuyên bố này sau đó được làm rõ hơn qua Văn kiện lập trường của Đài Loan về Chính sách Biển Đông (Position Paper on ROC South China Sea Policy) đưa ra vào ngày 21.03.2016. Có thể thấy Chính quyền Mã Cửu Anh thể hiện rõ rằng Đài Loan yêu sách tất cả các đảo tại Biển Đông và toàn bộ vùng biển bên trong đường chín đoạn. So với Chính quyền Mã Cửu Anh, Chính quyền Thái Văn Anh hiện nay có quan điểm mơ hồ hơn hẳn khi sử dụng cụm từ “vùng nước liên quan” mà không giải thích rõ ràng. Sự mơ hồ này có thể là từ bỏ yêu sách thái quá của Chính quyền Mã Anh Cửu, hoặc chỉ đơn giản là Đài Loan làm mơ hồ yêu sách của mình để tránh bị chỉ trích.

Taiwan 2

Ba, trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Văn Anh nêu ở trên, bằng việc cho rằng kết luận của Toà trọng tài về việc tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa là đảo đá là vượt thẩm quyền, Đài Loan cũng ngầm cho rằng đảo Ba Bình là đảo có đầy đủ các vùng biển, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là vấn đề pháp lý thực chất duy nhất mà Đài Loan thể hiện quan điểm rõ ràng. Nói thêm là quan điểm của Đài Loan xung đột với quan điểm của Việt Nam thể hiện qua Công hàm 22/HC-2020 đang được thảo luận những tuần qua (xem thêm post này). Xem thêm post về Phán quyết của Vụ kiện Biển Đông về quy chế pháp lý của các thực thể trên Biển Đông tại đây.

Có thể thấy rằng, yêu sách của Đài Loan hiện nay có vẻ gần như hoàn toàn giống với yêu sách của Trung Quốc. So với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Thái Văn Anh lại càng cho thấy sự giống nhau này khi bắt đầu sử dụng từ “vùng nước liên quan” khi nhắc đến yêu sách biển tại Biển Đông. Có thể tóm lại rằng: Riêng với vấn đề Biển Đông, quan điểm của hai bờ eo biển Đài Loan là thống nhất bảo vệ một lợi ích Trung Hoa chung tại Biển Đông. Đây có thể là một trong những lý do mà các quốc gia khác, như Brunei, Philippines, Malaysia, hay Việt Nam không muốn Chính quyền Đài Loan hay học giả Đài Loan có bất kỳ vai trò nào trong bất kỳ thảo luận về tranh chấp Biển Đông, kể cả chính thức và học thuật, bên cạnh lý do chính yếu nhất là do các quốc gia này ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Trong Vụ kiện Biển Đông, Toà trọng tài cũng không chấp nhận yêu cầu của Đài Loan cử đại diện tham gia với tư cách quan sát viên.[2]

Quan điểm của Đài Loan về Vụ kiện Biển Đông

Ngay khi Toà trọng tài ra phán quyết về nội dung vào ngày 12.07.2016, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã có tuyên bố về quan điểm của mình đối với Vụ kiện Biển Đông. Đài Loan bác bỏ phán quyết của Toà trọng tại. Cụ thể, Đài Loan cho rằng Phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và các phán quyết đó “không có giá trị ràng buộc pháp lý” với Đài Loan. Nguyên văn tuyên bố như sau:

1. Trong văn bản của phán quyết, ROC được gọi là “Chính quyền Đài Loan của Trung Quốc”. Cách gọi không phù hợp này hạ thấp tư cách của Đài Loan như một quốc gia có chủ quyền.

2. Đảo Ba Bình không có trong đệ trình gốc của Philippines cho vụ kiện này. Tuy nhiên, toà đã tự mở rộng thẩm quyền, tuyên bố đảo Ba Bình do ROC quản lý, và các thực thể khác tại quần đảo Nam Sa (Spratly) do Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm đóng đều là đảo đá “không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế”. Kết luận này xâm phạm nghiêm trọng đến quy chế pháp lý của các đảo tại Biển Đông, mà Đài Loan thực thi chủ quyền, và các quyền trên biển liên quan.

Thực tế không thể nghi ngờ là ROC có tất cả các quyền đối với các đảo tại Biển Đông và vùng nước liên quan của các đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển. Toà trọng tài không chính thức mời ROC tham gia vụ kiện, cũng không xem xét quan điểm của ROC. Do đó, phán quyết không có giá trị ràng buộc pháp lý với ROC.

Chính phủ ROC nhắc lại rằng các đảo tại Biển Đông là một phần của lãnh thổ ROC và sẽ có biện pháp kiên quyết bảo vệ lãnh thổ đất nước và các quyền trên biển liên quan.”[3]

Tóm lại, Đài Loan bác bỏ phán quyết ngày 12.07.2016 của Toà trọng tài bởi vì (1) Đài Loan không được tham gia như một quốc gia có chủ quyền, và (2) Toà trọng tài đã có các kết luận vượt thẩm quyền (ultra vires) khi xem xét quy chế pháp lý của đảo Ba Bình và các đảo khác của quần đảo Trường Sa.

Trong khi không nhắc đến các vấn đề pháp lý thực chất khác trong Phán quyết, Đài Loan lại đề cập cụ thể đến vấn đề quy chế pháp lý của đảo Ba Bình. Điều này cho thấy, với Đài Loan, đây là quan trọng nhất phản ánh lợi ích tối thiểu mà Đài Loan kiên quyết giữ tại Biển Đông. Quy chế pháp lý của đảo Ba Bình là vấn đề được nhấn mạnh và chiếm phần lớn nội dung không chỉ trong Tuyên bố ngày 12.07.2016 nêu trên, mà còn trong các văn kiện, tuyên bố khác liên quan đến vụ kiện mà Đài Loan đưa: Văn kiện lập trường về Chính sách Biển Đông của Đài Loan ngày 21.03.2016,[4] Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 13.05.2016,[5] và trước đó là và Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 07.07.2015.[6] Đối với đảo Ba Bình, Đài Loan muốn đảo này được xem là đảo với có đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Điều 121(2) UNCLOS, mà không phải là đảo đá chỉ có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải theo Điều 121(3). 

Việc im lặng về tất cả các vấn đề khác, ví dụ như đường chín đoạn, hoạt động xây dựng đảo, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, hay phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines có thể giải thích hoặc là Đài Loan bảo lưu quyền đưa ra quan điểm trong tương lai hoặc ngầm chấm nhận kết luận của Toà trọng tài liên quan đến các vấn đề đó.

Trần H. D. Minh

——————————————————–

[1] Bộ Ngoại giao Đài Loan, South China Sea Issue, https://www.mofa.gov.tw/en/theme.aspx?n=E5A0D5E2432C234D&s=83376F561B7165E6&sms=BCDE19B435833080 truy cập ngàu 05.05.2020.

[2] Yann-Huei Song, “Taiwan’s Response to the Philippines-PRC South China Sea Arbitration”, ngày 15.07.2015, xem tại https://amti.csis.org/taiwans-response-to-the-philippines-prc-south-china-sea-arbitration/ truy cập ngày 13.05.2020; Shannon Tiezzi, “Taiwan: South China Sea Ruling ‘Completely Unacceptable’”, ngày 13.07.2016, xem tại https://thediplomat.com/2016/07/taiwan-south-china-sea-ruling-completely-unacceptable/ truy cập ngày 13.05.2020.

[3] Bộ Ngoại giao Đài Loan, “ROC position on the South China Sea Arbitration”, ngày 12.07.2016, xem tại https://www.mofa.gov.tw/en/News_Content.aspx?n=0E7B91A8FBEC4A94&sms=220E98D761D34A9A&s=5B5A9134709EB875 truy cập ngày 13.05.2020.

[4] Chính quyền Đài Loan, “Position Paper on ROC South China Sea Policy”, 21.03.2016, xem tại https://www.roc-taiwan.org/uploads/sites/35/2016/03/Position-Paper-on-ROC-South-China-Sea-Policy.pdf truy cập ngày 13.05.2020.

[5] Bộ Ngoại giao Đài Loan, “ROC reiterates position on South China Sea arbitration between Philippines, mainland China”, ngày 13.05.2016, xem tại https://www.mofa.gov.tw/en/News_Content.aspx?n=1EADDCFD4C6EC567&s=C2834B14509069C4 truy cập ngày 13.05.2020.

[6] Bộ Ngoại giao Đài Loan, “Statement on the South China Sea”, ngày 07.07.2015, xem tại https://www.mofa.gov.tw/en/News_Content.aspx?n=1EADDCFD4C6EC567&s=EDEBCA08C7F51C98 truy cập ngày 13.05.2020.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: