[223] Từ Luật Hải cảnh đến Luật An toàn hàng hải của Trung Quốc: Quan ngại của Việt Nam và mô-típ phát ngôn

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc thông qua hai đạo luật gây ra quan ngại đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam: Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải. Việc một quốc gia ban hành luật về cảnh sát biển hay về an toàn hàng hải là đều rất bình thường. Vậy vì sao hai đạo luật này của Trung Quốc lại gây ra quan ngại cho các nước khác? Câu trả lời nằm ở chỗ phạm vi áp dụng của hai đạo luật này bao quát gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả vùng biển hợp pháp của các quốc gia khác, và có khả năng chúng sẽ được áp dụng trên thực tế ở những vùng biển này. Đây là chưa bàn sâu đến việc liệu nội dung của hai luật có phù hợp với luật quốc tế hay không.

Luật Hải cảnh Trung Quốc

Không có câu chữ nào trong Luật Hải cảnh nhắc đến Biển Đông. Điều 3 Luật Hải cảnh chỉ nói chung chung đến rằng “Luật này được áp dụng cho cơ quan Hải cảnh khi triển khai hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển và trên không tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.” Điều gây quan ngại chính ở cụm từ “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Công hòa nhân dân Trung Quốc”. Cụm từ này cần được hiểu thế nào?

Về mặt phương pháp, Luật Hải cảnh Trung Quốc là nội luật của nước này và cần phải được giải thích theo quan điểm của Trung Quốc.[1] Logics ở đây là sử dụng quan điểm, chính sách, chủ trương của Trung Quốc để giải thích và làm rõ nội hàm của các câu chữ mà Trung Quốc sử dụng trong văn bản nội luật của chính Trung Quốc.

Không ai không rõ ràng rằng Trung Quốc xem Biển Đông là vùng biển của nước này. Vì vậy, từ góc độ của Trung Quốc, cụm từ trên trong Luật Hải cảnh Trung Quốc nhất định bao gồm Biển Đông. Logics này đúng với tất cả các đạo luật của Trung Quốc nếu chứa cụm từ trên, hoặc những cụm từ tương tự như “vùng biển của Trung Quốc” chẳng hạn.

Vì Luật Hải cảnh Trung Quốc có phạm vi áp dụng bao gồm cả Biển Đông, các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam, có hai lý do để quan ngại. Thứ nhất, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Năm 2016, Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông đã khẳng định Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông, và yêu sách của nước này cũng không phù hợp với UNCLOS (post). Khi Trung Quốc ban hành nội luật để thực thi trên vùng biển không thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, các quốc gia khác hoàn toàn có lý do quan ngại. Thứ hai, yêu sách của Trung Quốc như phản ánh trong đường chín đoạn mà nước này công bố quốc tế vào năm 2009 (xem Công hàm CML/17/2009 của nước này) bao trùm lên yêu sách hợp pháp của các quốc gia khác ở xung quanh Biển Đông: Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia, và Việt Nam. Việc một quốc gia ban hành nội luật áp dụng vào vùng biển của quốc gia khác là điều không thể chấp nhận được. Đây là hai lý do mà Luật Hải cảnh Trung Quốc, dù chỉ là nội luật, lại gây quan ngại trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc

Với Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, tương tự như với Luật Hải cảnh, câu chuyện nằm ở chỗ luật này áp dụng vào “vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc. Hơn nữa, Luật này còn điều chỉnh cụ thể vào hoạt động qua lại của tàu thuyền trong “lãnh hải” của Trung Quốc. Theo quy định của UNCLOS – mà Trung Quốc là thành viên từ năm 1996 – thì lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở và rộng tối đa 12 hải lý. Dùng phương pháp tương tự ở trên, luật của Trung Quốc cần được giải thích phù hợp với quan điểm của Trung Quốc. Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Và do đó, Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền đối với lãnh hải tạo ra từ các đảo thuộc hai quần đảo này. Cụ thể, lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông theo cách hiểu đơn phương của nước này sẽ bao gồm (i) vùng biển rộng 12 hải lý bên ngoài đường cơ sở mà nước vạch ở quần đảo Hoàng Sa (xem thêm post này), và (i) vùng biển rộng 12 hải lý bao quanh các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Như vậy, Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc có phạm vi áp dụng ở những vùng biển này trên Biển Đông.[2]

Trong khi đó, Việt Nam khẳng định Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một phần quần đảo Trường Sa cũng bị Philippines và Malaysia yêu sách. Như vậy, việc Trung Quốc ban hành một luật có phạm vi áp dụng vào vùng biển của nước khác gây quan ngại và phản đối từ các nước khác là điều không thể bình thường hơn.

Mô-típ phản ứng của Việt Nam và logics của nó

Ngày 29.01.202104.02.2021, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, Người phát ngôn (NPN) Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.” (link)

Với Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, ngày 01.09.2021, NPN cho biết:

“Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.” (link)

Nội dung của cả hai phát ngôn đều cùng một cấu trúc: (1) khẳng định quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, và (2) yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi ban hành và thực thi văn bản nội luật. Đây nhiều khả năng sẽ là mô-típ cho các phát ngôn sau này của Việt Nam đối với việc quốc gia khác (không chỉ Trung Quốc) ban hành văn bản nội luật tương tự có khả năng áp dụng vào vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.

Nội dung thứ (2) trong phát ngôn của NPN xuất phát từ một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc pacta sunt servanda. Theo nguyên tắc này, các quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi các nghĩa vụ pháp lý quốc tế ràng buộc chính mình, bao gồm cam kết trong điều ước quốc tế (post). Điều này có nghĩa rằng việc ban hành văn bản nội luật cũng cần phù hợp với các nghĩa vụ của quốc gia trong luật quốc tế. Với Trung Quốc, việc ban hành Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải (bao gồm cả nội dung của luật, giải thích và áp dụng luật) cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ của nước này trong luật quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Vậy vì sao Việt Nam chỉ nhắc đến nguyên tắc pacta sunt servanda, mà không phản đối trực tiếp hai luật này? Có thể vấn đề nằm ở chỗ hai luật này không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, và có thể, dưới sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc sẽ không áp dụng ở Biển Đông. Một câu hỏi thú vị là NPN sẽ phát ngôn như thế nào nếu: (1) có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ áp dụng hai luật trên vào Biển Đông, hoặc (2) Trung Quốc áp dụng hai luật trên nhưng với tàu thuyền của nước khác (như tàu chiến hạt nhân của Mỹ đi vào vùng 12 hải lý ở Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hạn), hoặc (3) Trung Quốc áp dụng hai luật trên đối với tàu thuyền của Việt Nam.

Nói thêm rằng, bên cạnh Việt Nam, các quốc gia không phải bên tranh chấp ở Biển Đông cũng có căn cứ để phản ứng với hai luật trên của Trung Quốc nếu (i) việc ban hành và triển khai luật sẽ gây bất ổn, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải của tuyến hàng hải quan trọng toàn cầu qua vùng biển này, đe dọa làm tổn hại lợi ích của các quốc gia khác, và (ii) nội dung của luật vi phạm quyền của các quốc gia này theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, ví dụ như quyền tự do hàng hải, tự do hàng không chẳng hạn.

Trần H. D. Minh


[1] Lưu ý rằng việc dùng quan điểm của Trung Quốc để giải thích luật của Trung Quốc không đồng nghĩa rằng cách giải thích như thế là phù hợp với luật quốc tế. Đây là hai vấn đề pháp lý hoàn toàn khác nhau.

[2] Ngoài ra, không ai dám chắc là Trung Quốc không muốn biến cả Biển Đông thành “lãnh hải” của mình.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: