[06] Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc: Nội dung, tác động và gợi mở cho Việt Nam

Trần Hữu Duy Minh

Học viện Ngoại giao

Tham luận tại Hội thảo quốc tế về The South China Sea after the Award: Opportunities and Challenges do Đại học KHXHNV – ĐHQG Hà Nội tổ chức, Hà Nội, ngày 03/11/2016.

I. Tiến trình của vụ kiện

Ngày 22 tháng 01 năm 2013 Philippines gửi tuyên bố khởi kiện Trung Quốc về một số khía cạnh của tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trong Tuyên bố khởi kiện của mình, Philippines đề nghị Tòa trọng tài đưa ra phán quyết tuyên bố rằng:

  • Các quyền và nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc đối với các vùng biển, đáy biển và các thực thể trên Biển Đông được điều chỉnh bởi UNCLOS và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không phù hợp với Công ước và do đó không có giá trị pháp lý;
  • Xác định quy chế pháp lý của một số thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, làm rõ liệu các thực thể này là đảo, bãi lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm và liệu chúng có thể tạo ra các vùng biển rộng lớn hơn 12 hải lý hay không;
  • Cho phép Philippines được thực thi và hưởng các quyền bên trong và bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với quy định của Công ước.[1]

Philippines cũng nhấn mạnh rằng nước này không đề nghị Tòa trọng tài giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như không đề nghị Tòa phân định biển giữa hai nước.[2]

Sau khi nhận được Tuyên bố khởi kiện của Philippines, ngày 19 tháng 02 năm 2013 Trung Quốc đã có công hàm trả lời gửi cho Bộ Ngoại giao Philippines. Trong công hàm này, Trung Quốc phản đối và trả lại Tuyên bố khởi kiện cho phía Philippines. Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện, theo quy định của Công ước Tòa trọng tài theo Phụ lục VII vẫn được thành lập. Điều 9 Phụ lục VII UNCLOS quy định rõ ràng rằng việc vắng mặt của một bên tranh chấp không làm cản trở quá trình xét xử của tòa. Nhìn chung Trung Quốc duy trì lập trường ba không: không công nhận thẩm quyền, không tham gia và không tuân thủ phán quyết.

Theo quy định của Phụ lục VII UNCLOS,[3] Philippines chỉ định thẩm phán Rudiger Wolfrum (người Đức); ông này đang là thẩm phán tại Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS). Do Trung Quốc không tham gia chỉ định, theo Điều 3(c), (d) và (e) Phụ lục VII UNCLOS, Chánh án Tòa ITLOS sẽ chỉ định các trọng tài viên còn lại. Chánh án Tòa ITLOS lúc đó là thẩm phán Shunji Yanai (người Nhật Bản) đã chỉ định ông Stanislaw Pawlak (người Ba Lan, thẩm phán Tòa ITLOS), ông Jean-Pierre Cot (người Pháp, thẩm phán Tòa ITLOS) và ông Alfred Soons (người Hà Lan, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan). Chánh án Tòa ITLOS cũng chỉ định ông M.C.W. Pinto (người Sri Lanka, cựu đại sứ) làm chủ tịch của Tòa trọng tài. Tuy nhiên, sau đó ông Pinto đã từ chối tham gia với nguyên nhân được cho là do vợ của ông là người Philippines nên có thể không phù hợp để xét xử một vụ kiện mà một bên là Philippines.[4] Ông Thomas Mensah (người Ghana, cựu thẩm phán Tòa ITLOS) được chỉ định làm chủ tịch thay cho ông Pinto. Như vậy, Tòa trọng tài có 05 thành viên, bốn trong số đó đã hoặc đang là thẩm phán tại Tòa ITLOS và một giáo sư luật quốc tế.

July 2015- Arbitral Tribunal

Nguồn: PCA

Phía Trung Quốc đã có nhiều ý kiến phê phán quá trình chỉ định trọng tài viên và đặt nghi ngờ đối với tính trung lập của các trọng tài viên này. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước chính thức của Trung Quốc, cho rằng việc để cho một người Nhật Bản chỉ định bốn trọng tài viên là không khách quan và gây bất lợi cho Trung Quốc do thẩm phán Shunji Yanai được cho là có quan điểm cực hữu, diều hâu, chống Trung Quốc và từng là Đại sứ của Nhật Bản tại Mỹ.[5] Phản ứng lại thẫm phán Shunji Yanai cho rằng ông chỉ ngẫu nhiên là người Nhật Bản và khi tòa trọng tài cần được thành lập thì ông lại đang là Chánh án Tòa ITLOS và ông đã làm đúng thẩm quyền mà Phụ lục VII UNCLOS đã trao cho ông với tư cách là Chánh án Tòa ITLOS mà không phải với tư cách là đại diện cho Nhật Bản.[6] Một điểm cần lưu ý là Chánh án Tòa ITLOS sẽ không có thẩm quyền này nếu Trung Quốc tham gia và tự mình chỉ định trọng tài viên.[7]

Tân Hoa Xã cũng nghi ngờ tính trung lập của ông Thomas Mensah khi ghi nhận thông tin ông này đã từng theo học dài hạn tại Mỹ.[8] Ngoài ra, ông Xie Feng – Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia – cho rằng trong 5 trọng tài viên có đến 04 người từ Châu Âu và do đó không có tính đại diện rộng rãi.[9] Mặc dù có những ý kiến phê phán như thế, có thể thấy việc thành lập tòa trọng tài trong vụ kiện này đều tuân thủ đúng các quy định của Công ước và Phụ lục VII.

Ngày 21 tháng 6 năm 2013, đúng sáu tháng sau khi có Tuyên bố khởi kiện của Philippines, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII được chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Ngày 12/7/2013 Tòa chỉ định Tòa Trọng tài thường trự (Permanent Court of Arbitration – PCA) làm Ban thư ký. Ngày 27/8/2013 Tòa thông qua Quy tắc thủ tục và yêu cầu Philippines nộp bản tranh tụng chính thức trước ngày 30/3/2014.

Ngày 05/12/2014 Việt Nam gửi cho Tòa văn bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Theo đó, Tuyên bố của Việt Nam khẳng định rõ ràng và không nghi ngờ rằng Tòa có thẩm quyền xem xét vụ kiện, kiên quyết phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.[10] Đặc biệt, Việt Nam cũng đưa ra quan điểm cụ thể về quy chế pháp lý của các thực thể mà Philippines đề nghị Tòa xem xét, theo đó Việt Nam cho rằng không có bất kỳ thực thể nào trong số đó có thể tạo ra vùng biển rộng hơn 12 hải lý do chúng chỉ có thể là bãi lúc nổi lúc chìm hoặc đảo đá theo Điếu 121(3) UNCLOS.[11]

Ngày 07/12/2014 Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố Văn kiện lập trường của nước này về vấn đề thẩm quyền của Tòa trọng tại trong vụ kiện với Philippines.[12] Trung Quốc cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền do vụ kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển. Trung Quốc cho rằng vấn đề cốt lõi trong vụ kiện này thực chất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông, trong khi Tòa trọng tài chỉ có thẩm quyền liên quan đến tranh chấp biển do đó Tòa không thể có thẩm quyền liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trong vụ kiện này. Ngoài ra Trung Quốc cũng cho rằng các đệ trình của Philippines có liên quan đến vấn đề phân định biển do đó không thuộc thẩm quyền của Tòa theo Điều 298. Điều 298 cho phép các quốc gia thành viên được đưa ra tuyên bố loại trừ thẩm quyền của các cơ quan tài phán, bao gồm của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, đối với một số dạng tranh chấp như phân định biển. Năm 2006 Trung Quốc đã có tuyên bố loại trừ theo điều này.

Ngày 29/10/2015 Tòa trọng tài ra phán quyết về thẩm quyền và điều kiện thụ lý (gọi tắt là “Phán quyết về thẩm quyền”). Ngày 12/7/2016 Tòa ra phán quyết thực chất.

II. Nội dung phán quyết trọng tài

Tòa trọng tài đã đưa ra hai phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Các phán quyết khá phức tạp và dài do vụ kiện có nhiều đệ trình và cũng do tính chất nhạy cảm của vụ kiện này. Nội dung chính của hai phán quyết này có thể tóm tắt và bình luận ngắn như sau:

     Thứ nhất, Tòa khẳng định có thẩm quyền để xem xét tất cả 15 đệ trình của Philippines, bao gồm các đệ trình về giá trị pháp lý của đường chín đoạn, quy chế pháp lý của một số thực thể và các vi phạm của Trung Quốc trên vùng biển của Philippines.

    Thứ hai, Tòa khẳng định các quyền và nghĩa vụ trên biển của hai nước được điều chỉnh theo quy định của UNCLOS, bác bỏ mọi yêu sách bên ngoài UNCLOS mà trái với quy định của UNCLOS. Tòa khẳng định các quy định của UNCLOS và lịch sử đàm phán tại Hội nghị Luật Biển lần thứ ba cho thấy UNCLOS được xem là cơ sở pháp lý chính yếu cho mọi quyền trên biển của các quốc gia. Các quyền bên ngoài UNCLOS chỉ có thể tồn tại nếu không trái với quy định của Công ước. Nói cách khác, ở khu vực Biển Đông các quốc gia không thể duy trì các yêu sách biển vượt quá hoặc trái với các quy định của Công ước.

     Thứ ba, Tòa khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách đường chín đoạn của mình với tư cách là yêu sách biển (xem chi tiết tại post này).[13] Tòa xác định yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc có nội hàm là một yêu sách đối với một nhóm các quyền lịch sử cụ thể trên Biển Đông, bao gồm các quyền đối với tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc không yêu sách chủ quyền lịch sử trên Biển Đông. Tòa xác định các quyền lịch sử cụ thể mà Trung Quốc yêu sách không có bằng chứng để chứng minh chúng đã từng được xác lập hợp pháp trước khi UNCLOS được thông qua và cũng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có các quyền đó thông qua thỏa thuận với các nước sau khi UNCLOS có hiệu lực. Tòa còn đi xa hơn khi cho rằng kể cả khi Trung Quốc có các quyền lịch sử hợp pháp trước năm 1982 thì chúng cũng đã bị thay thế bởi các quy định của UNCLOS. Các quyền lịch sử không phù hợp hay trái với UNCLOS đề bị thay thế và xóa bỏ.

     Thứ tư, Tòa khẳng định không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo với đầy đủ các vùng biển tương tự như đất liền.[14] Một số trong đó chỉ là các bãi lúc nổi lúc chìm không có bất kỳ vùng biển nào, bao gồm bãi Xu Bi (Subi Reef), bãi Ga-ven (cụm phía Nam), bãi Tư Nghĩa (Hughes Reef), bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Tòa tái khẳng định lại kết luận của Tòa án Công lý Quốc tế trong các án lệ trước đây rằng các bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng để thụ đắc lãnh thổ.[15] Điều này có nghĩa Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào cũng không thể có cơ sở pháp lý để yêu sách chủ quyền đối với các thực thể này.

Đối với các thực thể luôn nổi trên mặt nước biển thì chúng chỉ có thể được xem là đảo đá (“rocks”) với tối đa 12 hải lý lãnh hải và 24 hải lý tiếp giáp lãnh hải tính từ đường cơ sở của từng thực thể, bao gồm đảo đá ở các bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal), bãi Ga-ven (cụm phía Bắc), bãi Ken Na (McKenna Reef), bãi Gạc Ma (Johnson Reef), bãi Châu Viên (Cuarteron Reef) và bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Nói cách khác, các đảo đá này không thể có vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý như đất liền.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế giả thích Điều 121 UNCLOS về quy chế pháp lý của đảo, đặc biệt là Khoản 3 của Điều này. Điều 121(3) quy định “Các đảo đá không có khả năng cho con người cư trú hoặc khả năng có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.” Đây là một trong số các điều khoản mù mờ nhất của Công ước và các cơ quan tài phán quốc tế trong quá khứ luôn né tránh giải thích. Lý do chính yếu nằm ở việc lịch sử đàm phán Điều 121(3) cho thấy các quốc gia có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này và việc dự thảo một điều khoản mù mờ, không rõ nghĩa là sự thỏa hiệp giữa hai quan điểm.[16] Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc không thể né tránh việc giải thích khi Philippines có đệ trình trực tiếp yêu cầu Tòa phải giải thích. Có lẽ do đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán tiến hành giải thích quy định này nên Tòa trọng tài đã tiến hành rất cẩn trọng. Tòa sử dụng nhiều biện pháp để giải thích, từ ý nghĩa thông thường của câu chữ, mục đích và đối tượng, ngữ cảnh, lịch sử đàm phán và thực tiễn các quốc gia.[17] Điều 121(3) khá ngắn gọn nhưng tốn đến 28 trang để giải thích nội hàm cụ thể (xem kết luận của Toà tại post này).

Với việc tuyên bố tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa không thể có vùng đặt quyền kinh tế và thềm lục địa, Tòa trọng tài đã gián tiếp khẳng định (a) các quốc gia chỉ có thể yêu sách lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo và tối đa là 24 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, (b) có tồn tại một khu vực Biển cả ở giữa Biển Đông – nơi mà mọi quốc gia đều có quyền tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải, hàng không, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học,… và (c) các quốc gia chỉ có thể yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với vùng nước bên trong và xung quanh quần đảo Trường Sa nếu nằm trong giới hạn cho phép của Công ước tính từ bờ biển của mình.

     Thứ năm, Tòa đã tuyên bố Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.[18] Trước đó, Tòa đã khẳng định các đảo ở quần đảo Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa do đó các vùng nước ngoài phạm vi 12 hải lý mà trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của Philippines đều là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.

Do nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, Tòa khẳng định Trung Quốc đã vi phạm khi xây dựng đảo nhân tạo trên bãi Vành Khăn (Mischief Reef),[19] ngăn cản tàu của Philippines thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Reed Bank,[20] áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông năm 2012,[21] ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá ở bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal),[22] không ngăn cản ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển của Philippines.[23]

     Thứ sáu, Tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.[24] Với các bằng chứng thu thập được, Tòa kết luận rằng việc cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo có quy mô lớn của Trung Quốc gần đây trên 07 thực thể ở quần đảo Trường Sa đã gây ra tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và do đó đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Điều 192 và 194 của Công ước, cụ thể liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm và khu vực cư trú của các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Tòa cũng cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng thích đáng (due diligence) theo quy định của Công ước khi đã biết nhưng không có biện pháp ngăn chặn ngư dân Trung Quốc khai thác các loài rùa, san hô và ốc biển đang bị đe dọa tuyệt chuẩn và đã sử dụng các phương thức đánh bắt gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô.  Liên quan đến an toàn hàng hải, Tòa kết luận rằng Trung Quốc đa vi phạm các quy định trong Công ước về Ngăn ngừa va chạm trên biển năm 1972 và Điều 94 Công ước khi tàu chấp pháp của nước này có hành vi nhiều lần tiếp cận và tìm cách chặn đầu tàu Philippines ở vận tốc cao, tạo ra nguy cơ va chạm và gây nguy hiểm cho tàu và thủy thủ Philippines.

     Thứ bảy và cuối cùng, khẳng định ngư dân Việt Nam có quyền đắt bắt cá truyền thống ở bãi Scarbough tương tự như ngư dân Trung Quốc, Philippines và Đài Loan và không một nước nào được độc quyền đành bắt cá ở bãi này (xem chi tiết tại post này).[25]

III. Giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài đối với Philippines, Trung Quốc và các quốc gia khác

  1. Hiệu lực ràng buộc và tính chất chung thẩm đối với Philippines và Trung Quốc

Về nguyên tắc, các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế (bao gồm cả tòa án và trọng tài) có tính chất ràng buộc và chung thẩm. Phán quyết trọng tài sẽ chỉ ràng buộc các quốc gia là một bên trong vụ kiện và không có giá trị ràng buộc với các quốc gia khác. Điều này cũng đúng trong trường hợp một bên từ chối tham gia vụ kiện và không công nhận cũng như không tuân thủ phán quyết. Về tính chất chung thẩm, các phán quyết thông thường sẽ không thể phúc thẩm trừ trường hợp văn bản hay thỏa thuận xác lập thẩm quyền của trọng tài có quy định khác.[26] Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp có điều khoản cho phép phúc thẩm trên thực tế.[27]

Trong trường hợp Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, Điều 296 UNCLOS quy định:

Điều 296

Tính chất chung thẩm và hiệu lực ràng buộc của phán quyết

  1. Bất kỳ phán quyết nào được đưa ra bởi một tòa án hay trọng tài có thẩm quyền theo mục này sẽ là chung thẩm và sẽ phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ.
  2. Bất kỳ phán quyết nào cũng không có hiệu lực ràng buộc trừ giữa các bên và đối với riêng tranh chấp cụ thể đó.

Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS quy định về tính chất chung thẩm của phán quyết trọng tài như sau: “Phán quyết sẽ có tính chất chung thẩm và không thể phúc thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về một thủ tục phúc thẩm. Phán quyết phải được các bên tranh chấp tuân thủ.” Như vậy có thể thấy, UNCLOS quy định rõ ràng tính chất ràng buộc của phán quyết trọng tài. Các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết. Chỉ trừ khi có thỏa thuận trước về khả năng phúc thẩm thì các bên mới có quyền đề nghị xem xét lại phán quyết; ngược lại phán quyết trọng tài có tính chất chung thẩm.

Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa trọng tài đã chứng minh một cách chặt chẽ và kết luận rằng Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Mặc dù Trung Quốc phủ nhận giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài nhưng theo quy định ở Điều 296 và Điều 12 nói trên, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết này. Hơn nữa do Philippines và Trung Quốc không có bất kỳ thỏa thuận trước về khả năng phúc thẩm nên phán quyết trọng tài trong vụ kiện này có tính chất chung thẩm, không thể xem xét lại.

Đối với Trung Quốc, mặc dù vẫn duy trì quan điểm ba không đối với vụ kiện và phán quyết nhưng nước này vẫn sẽ phải cân nhắc thật cẩn trọng giữ hai lựa chọn tiếp theo: tiếp tục phủ nhận phán quyết về tuyên bố và về thực tế, hoặc phủ nhận phán quyết về tuyên bố nhưng sẽ dần chấp nhận phán quyết trên thực tế. Nếu theo lựa chọn thứ nhất Trung Quốc sẽ có thể gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là về hình ảnh. Bởi lẽ kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới, như Mỹ và Nga đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và các phán quyết theo cách này hoặc cách khác. Mỹ trong Vụ Nicaragua v. Mỹ năm 1986, hay Nga trong vụ Tàu Arctic Sunrise năm 2015. Một ví dụ gần đây hơn là việc Mỹ đồng ý trả 400 triệu USD cho Iran để tránh một phán quyết quốc tế mà có thể buộc Mỹ phải trả hàng tỷ USD.[28] Có thể thấy kể cả siêu cường duy nhất cũng phải quan tâm đến luật pháp quốc tế và các tiến trình pháp lý. Trung Quốc cần có sự lựa chọn đúng đắn trong thời gian tới.

  1. Giá trị pháp lý của phán quyết đối với các quốc gia khác

Về nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các phán quyết của cơ quan tài phán chỉ ràng buộc các quốc gia là một bên trong tranh chấp và không ràng buộc bên thứ ba. Điều 296 và 12 nói trên cũng quy định tương tự như thế. Do đó phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc không có hiệu lực ràng buộc với các quốc gia khác, trừ hai nước này.

Tuy nhiên, việc phán quyết không ràng buộc các quốc gia khác không đồng nghĩa với việc phán quyết không có bất kỳ giá trị pháp lý nào. Phán quyết của các cơ quan tài phán được xem là nguồn bổ trợ của luật pháp quốc tế.[29] Thông qua các phán quyết các quốc gia và cơ quan tài phán có thể xác định được sự tồn tại của các quy định luật pháp quốc tế (đặc biệt là tập quán quốc tế) cũng như giúp định hướng việc giải thích các quy định cụ thể. Không hiếm trường hợp các cơ quan tài phán quốc tế viện dẫn lại nhiều phán quyết trước đây của chính mình hoặc của các cơ quan tài phán khác để xác định hay giải thích một quy định của luật pháp quốc tế. Nói một cách chính xác hơn rất ít các phán quyết được đưa ra mà không có bất kỳ viện dẫn nào đến các phán quyết trước đây. Điều này cho thấy mặc dù các phán quyết chỉ có hiệu lực ràng buộc giữa các quốc gia là một bên trong tranh chấp nhưng vẫn có một giá trị pháp lý nhất định tương đương với án lệ trong hệ thống thông luật (common law).

Rất nhiều phán quyết được công nhận có tính chất kinh điển mà các cơ quan tài phán và các quốc gia luôn viện dẫn lại như một tuyên bố xác thực về luật pháp quốc tế. Nổi tiếng nhất có thể nhắc đến phán quyết trong vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ chống lại Nicaragua trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1986. Phán quyết này luôn được nhắc đến khi đề cập đến nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực và nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Trong lĩnh vực luật biển quốc tế cũng có những phán quyết tương tự như thế, như phán quyết của Tòa ICJ trong vụ Biển Đen giữa Romania và Ukraine liên quan đến phân định biển năm 2009. Phán quyết này luôn được nhắc lại trong các phán quyết phân định biển sau đó của chính Tòa ICJ, Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS)[30] và cả Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS.[31]

Tuy nhiên, cũng có phán quyết được đưa ra nhưng không nhận được sự ủng hộ và đồng tình của các quốc gia và cơ quan tài phán trong những vụ việc tương tự sau đó. Các phán quyết này sẽ bị phê phán nhiều và không bao giờ được chấp nhận như là một tuyên bố xác thực về luật pháp quốc tế. Trong lĩnh vực luật biển quốc tế, có thể dẫn ra phán quyết trọng tài trong Vụ Cá ngừ vây xanh miền nam giữa Australia/New Zealand và Nhật Bản năm 2000. Đây là lần đầu tiên Phụ lục VII UNCLOS được kích hoạt. Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện này về việc Tòa không có thẩm quyền đã bị phê phán bởi các quốc gia, giới học giả và các cơ quan tài phán sau đó.

Có thể thấy giá trị pháp lý của một phán quyết phụ thuộc nhiều vào mức độ chấp nhận của các quốc gia, giới học giả và các cơ quan tài phán sau đó. Một phán quyết có lập luận chặt chẽ, giải thích luật logic, kết luận hợp lý sẽ được chấp nhận và sẽ có giá trị viện dẫn trong các vụ việc tương tự trong tương lai. Đối với các phán quyết đang tin cậy như thế chúng có thể được xem là một tuyên bố xác thực, có giá trị về luật pháp quốc tế, về sự tồn tại của một quy định tập quán hay nội hàm của một quy định cụ thể.

Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, có thể khá chắc chắn khi cho rằng phán quyết có độ tin cậy và tính thuyết phục khá cao. Tòa trọng tài nhận thức được tính chất nhạy cảm của vụ kiện và sự không tham gia của Trung Quốc do đó Tòa đã rất cẩn trọng trong việc thu thập chứng cơ, xây dựng lập luận nhằm bảo đảm từng lập luận và tất cả các kết luận có mức độ hợp lý và logic cao nhất. Thể hiện rõ nhất cho tính cẩn trọng của Tòa là mức độ cẩn trọng khi giải thích các quy định của UNCLOS, như Điều 121(3), làm cho phán quyết trở nên rất đồ sồ nhưng đầy đủ. Mặc dù có thể có một số điểm lập luận còn có thể gây tranh cãi nhưng nhìn chung đây là một phán quyết có cơ sở pháp lý vững chắc. Để biết chắc chắn nhất chúng ta còn cần chờ đợi một khoản thời gian nữa để các quốc gia, giới học giả đưa ra đánh giá của mình.

Đối với một phán quyết có cơ sở pháp lý như trong vụ kiện này các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, có thể sẽ chịu tác động lớn từ phán quyết. Các quốc gia khác có thể tuyên bố hoặc tự nhận thức rằng không chịu ràng buộc bởi phán quyết do là bên thứ ba, nhưng sẽ phải chấp nhận phán quyết như một tuyên bố có giá trị và xác thực về các quy định của UNCLOS và áp dụng vào Biển Đông. Khi các quốc gia khác, giới học giả và đặc biệt các cơ quan tài phán quốc tế viện dẫn và ủng hộ phán quyết thì một hay một vài quốc gia khó có thể phủ nhận giá trị pháp lý của pháp quyết.[32] Phán quyết vẫn chỉ ràng buộc Philippines và Trung Quốc nhưng các quốc gia khác sẽ phải chấp nhận các kết luận của Tòa trọng tài.

IV. Tác động của phán quyết đến tranh chấp Biển Đông và Việt Nam

Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines có nhiều tác động, cả ngắn hạn và dài hạn, đến sự pháp triển của luật biển quốc tế, tình hình tranh chấp ở Biển Đông và đến quan điểm, chính sách của Việt Nam.

  1. Tác động đến sự pháp triển của luật biển quốc tế

Có thể xem phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một trong những án lệ nổi bật trong luật biển quốc tế hiện đại. Phán quyết đã đóng góp vào việc làm sáng tỏ các quy định của Công ước về mặt thủ tục và thực chất.

     Về mặt thủ tục, phán quyết của Tòa đã xác nhận lại mạnh mẽ thẩm quyền của các tòa án và trọng tài luật biển trong các tranh chấp phức tạp, trộn lẫn cả khía cạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp biển. Phán quyết đã đóng góp thêm vào trong án lệ quốc tế khi khẳng định các cơ quan tài phán quốc tế hoàn toàn có thể có thẩm quyền để giải quyết một hoặc một số khía cạnh của một tranh chấp rộng lớn hơn. Nói cách khác, các quốc gia không thể viện dẫn tính chất đa diện của một tranh chấp để bác bỏ thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế, giống như trong vụ kiện này Trung Quốc không thể cho rằng tranh chấp với Philippines bao gồm cả tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển để loại trừ thẩm quyền của Tòa trọng tài. Điều này thúc đẩy các quốc gia sử dụng các cơ quan tài phán để giải quyết một hoặc một số khía cạnh của tranh chấp, góp phần thu hẹp bất đồng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc giải quyết triệt để tranh chấp trong tương lai.

     Về mặt thực chất, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm sáng tỏ nhiều quy định còn mập mờ của Công ước như Điều 121(3) liên quan đến quy chế đảo đá và Điều 311 liên quan đến quan hệ giữa Công ước và các quy định khác về quyền trên biển. Tòa lần đầu tiên giải thích một cách cặn kẽ nội hàm của Điều 121(3), tạo ra một điểm quy chiếu có giá trị để các cơ quan tài phán, các quốc gia và giới học giả thảo luận, xem xét nhằm hướng đến việc đạt được một sự đồng thuận nhất định về nội hàm của điều khoản mơ hồ này. Cũng lần đầu tiên Tòa phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa quy định UNCLOS và các quy định khác của luật pháp quốc tế như quyền lịch sử, xác lập rõ vị thế ưu tiên của UNCLOS và tuyên bố rằng mọi quy định không phù hợp với UNCLOS đều không còn giá trị, trừ trường hợp đạt được thỏa thuận với các quốc gia liên quan và không xâm phạm vào lợi ích của các quốc gia thành viên khác theo quy định của UNCLOS.

Cũng lưu ý rằng phán quyết trong vụ kiện này chỉ ràng buộc các Philippines và Trung Quốc – hai bên trong tranh chấp trước Tòa – mà không ràng buộc với các bên thứ ba. Do đó giá trị đóng góp của phán quyết cần phải chờ thời gian trả lời. Giá trị này phụ thuộc nhiều vào việc các quốc gia và giới học giả có đồng ý và bị thuyết phục bởi lập luận của Tòa hay không. Nếu họ cho rằng lập luận và kết luận của Tòa là hợp lý, đáng tin cậy thì phán quyết sẽ trở thành một điển hình, một án lệ quan trọng trong luật biển quốc tế và sẽ còn được viện dẫn, trích dẫn lâu dài trong tương lai bởi các cơ quan tài phán quốc tế, giới học giả và các quốc gia. Tại thời điểm này, có thể có một nhận định sơ bộ rằng các lập luận, logics và kết luận của Tòa về cơ bản có tính thuyết phục và hợp lý.

  1. Tác động đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông

Một học giả về luật biển quốc tế từng nhận định ngay sau khi phán quyết thực chất ngày 12/7/2016 được công bố rằng đây là một “vụ kiện thế kỷ, bước ngoặt Biển Đông”.[33] Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở và có vẻ được nhiều ý kiến ủng hộ. Phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines đã tạo ra nhiều tác động tích cực đến tranh chấp ở Biển Đông.

     Thứ nhất, phán quyết là cơ sở pháp lý rõ ràng để bác bỏ hoàn toàn yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc với ý nghĩa là đường yêu sách biển trên Biển Đông. Tính phi lý và không có cơ sở của yêu sách này đã được thảo luận rất nhiều năm và nhận được sự đồng thuận khá lớn trong giới học giả quốc tế. Tuy nhiên phán quyết trong vụ kiện là văn bản có giá trị pháp lý ràng buộc đầu tiên bác bỏ yêu sách đường chữ U. Phán quyết được đưa ra bởi một cơ quan tài phán được thành lập theo đúng quy định của Công ước. Phán quyết có giá trị chung thẩm và ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận, có tuân thủ hay không tuân thủ nó.[34] Sức nặng pháp lý của phán quyết này hơn hẳn so với ý kiến đơn thuần của giới học giả và mỗi quốc gia đơn lẻ. Hơn nữa, lập luận của Tòa có thể được các quốc gia sử dụng, vận dụng để bác bỏ một cách thuyết phục nhất, logic nhất và đầy đủ, trọn vẹn nhất trong đấu tranh buộc Trung Quốc rút lại yêu sách đường chín đoạn.

     Thứ hai, phán quyết đã làm sáng tỏ ở mức chưa từng thấy bức tranh tranh chấp ở Biển Đông bằng việc loại bỏ đường chín đoạn, xóa bỏ khả năng tạo ra vùng biển rộng hơn 12 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa và ngầm công nhận sự tồn tại của Biển cả ở Biển Đông. Tranh chấp Biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới, liên quan đến nhiều bên (năm nước sáu bên: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và có thể cả Indonesia) với nhiều yêu sách chồng lấn lên nhauTrước khi có phán quyết, bức tranh tranh chấp Biển Đông vô cùng rối rắm (xem ảnh bên dưới):

1

Nguồn: Clive Schofield và Andi Arsana (ANCORS), 2013, American Society of International Law

Với các kết luận của phán quyết bức tranh các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông được giảm thiểu rõ rệt. Theo đó, trên bản đồ các yêu sách tranh chấp ở Biển Đông sẽ không còn đường chữ U, các đường yêu sách biển của các quốc gia sẽ phải tính từ bờ biển đất liền, các đảo ở quần đảo Trường Sa chỉ còn các vùng biển nhỏ trong giới hạn 12 hải lý và sẽ có một vùng Biển cả (high seas) bên ngoài phạm vi 200 hải lý tình từ bờ biển các quốc gia và bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo ờ quần đảo Trường Sa. Bức tranh trở nên rõ ràng hơn.

BatongMap

Nguồn: GS. Jay L. Batongbacal (Đại học Philippines), xem tại http://cogitasia.com/sabahs-shadow-on-the-south-china-sea/

Hơn nữa, phán quyết cũng làm sáng tỏ phạm vi vùng biển tranh chấp. Trước đây với yêu sách đường chín đoạn, Trung Quốc đã tạo ra một vùng biển tranh chấp rộng chiếm 80% diện tích toàn Biển Đông. Việc các quốc gia yêu sách 200 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng tạo ra vùng biển tranh chấp rộng lớn khi chồng lấn với yêu sách hợp pháp từ đất liền. Phán quyết đã giới hạn phạm vi vùng biển tranh chấp chỉ ơ những khu vực mà yêu sách biển tính từ đất liền hay từ các đảo chồng lấn lên nhau. Ngoài ra, phán quyết đã khẳng định rằng trong Biển Đông có một khu vực biển được xem là Biển cả và tại nơi đó tất cả các quốc gia đều có quyền tự do biển cả và không một quốc gia nào có quyền yêu sách chủ quyền hay một quyền độc quyền trong khu vực biển đó. Với việc làm rõ các vùng biển tranh chấp và những vùng biển không tranh chấp các quốc gia có cơ sở vững chắc hơn để đấu tranh và đàm phán bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển.

     Thứ ba, với việc làm rõ giới hạn các vùng biển tranh chấp pháp quyết còn giúp các quốc gia đánh giá đúng bản chất của các vùng biển tranh chấp đó. Theo sau phán quyết, các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông sẽ có hai dạng chủ yếu. Một dạng tranh chấp trong vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo đá ở quần đảo Trường Sa thuộc về tranh chấp chủ quyền lãnh hải và phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo đó. May mắn là diện tích vùng biển thuộc dạng tranh chấp này khá nhỏ bé. Dạng tranh chấp còn lại là tranh chấp phân định biển trong vùng biển chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế (nhiều khả năng chỉ còn giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia và Brunei và Philippines) và thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý. Dạng tranh chấp thứ hai này rộng lớn hơn dạng một nhưng vẫn chỉ chiếm diện tích không lớn và hoàn toàn có thể giải quyết song phương giữa các quốc gia có vùng chồng lấn với nhau.

     Thứ tư, phán quyết là đóng vai trò chỉ dẫn cho các quốc gia xác định rõ hơn và chính xác hơn phạm vi yêu sách chủ quyền lãnh hổ của mình đối với các thực thể trên Biển Đông. Tòa đã xác định được quy chế pháp lý của một số thực thể và khẳng định một số thực thể là bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ. Cụ thể, các quốc gia trong tranh chấp không có quyền yêu sách chủ quyền lãnh thổ với bãi Xu Bi (Subi Reef), bãi Ga-ven (cụm phía Nam), bãi Tư Nghĩa (Hughes Reef), bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), trừ  trường hợp các bãi này nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ một đảo thuộc chủ quyền của họ. Điều này làm cho các quốc gia phải rút bớt các yêu sách chủ quyền mà họ từng đưa ra đối với bãi lúc nổi lúc chìm, bãi chìm và chỉ yêu sách chủ quyền đối với các đảo. Nếu áp dụng tiêu chí trong phán quyết đối với tất cả các thực thể trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, thì các quốc gia sẽ có thể làm rõ hơn nữa yêu sách chủ quyền của mình.

     Thứ năm, phán quyết sẽ tác động dài hạn đến quan điểm, cách hành xử và các cuộc đàm phán thực chất trong tương lai giữa các bên. Các kết luận và lập luận chặt chẽ của phán quyết sẽ đóng vai trò định hướng quan trọng trong việc định hình lại quan điểm của các bên. Không những thế với lập luận chặt chẽ và kết luận hợp lý phán quyết có thể đóng vai trò như một nền tảng nhận thức chung về bản chất pháp lý của tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên và ASEAN với tư cách một khối. Như vậy, trong tương lai dài hạn, phán quyết trong vụ kiện này có thể là điểm đồng để đoàn kết các quốc gia trong ASEAN. Học giả Tara Davenport thuộc Đại học Quốc gia Singapore còn nhận định phán quyết sẽ có tác động định hình lại các cuộc đàm phán tương lai, cân bằng vị thế đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines và các nước.[35] Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết nhưng nước này không thể hoàn toàn phớt lờ. Thực tế, Trung Quốc đã có một chiến dịch vận động quốc tế và một chiến dịch truyền thống để vô hiệu hóa phán quyết.

  1. Tác động và gợi mở đến quan điểm Việt Nam

Tác động đến các yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông

Việt Nam là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông với yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các vùng biển hợp pháp theo quy định của Công ước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhắc lại quan điểm nhất quán rằng:

“Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”[36]

Phân tích sâu hơn có thể thấy yêu sách của Việt Nam trên Biên Đông vẫn còn khá mơ hồ, chưa thực sự rõ ràng. Đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, mặc dù Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng cho đến hiện nay không có thông tin phổ biến và công khai cho thấy Việt Nam thực sự yêu sách đối với những thực thể cụ thể nào trong hai quần đảo trên. Đối với yêu sách vùng biển, Việt Nam khẳng định rõ ràng và chắc chắn rằng các yêu sách sẽ được xác định phù hợp với quy định của Công ước. Theo đó, Việt Nam có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. năm 2009 Việt Nam làm rõ hơn yêu sách về thềm lục địa khi nộp hai bản đề trình thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa đối với khu vực phía bắc Biển Đông và cùng với Malaysia đối với khu vực phía nam Biển Đông. Trong hai bản đệ trình này, đã có dấu hiệu cho thấy Việt Nam (và Malaysia) đã có nhận thức chung về việc xem các thực thể ở quẩn đảo Trường Sa chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải, và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.[37] Đến năm 2014 khi Việt Nam nộp bảng Tuyên bố lên Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Việt Nam đã trực tiếp nêu rõ quan điểm của mình về quy chế pháp lý của một số thực thể ở quần đảo Trường Sa, theo đó không có bất kỳ thực thể nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như vậy có thể thấy Việt Nam đã từng bước, đặc biệt là trong giai đoạn vụ kiện diễn ra, làm rõ ràng hơn quan điểm và yêu sách của mình đối với quy chế pháp lý của các thực thể. Tuy nhiên còn nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chưa được Việt Nam xác định rõ quy chế pháp lý.

Với kết luận tất cả các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh yế và thềm lục địa, phán quyết đã đặt ra cho Việt Nam một lựa chọn trực tiếp hơn để làm rõ quan điểm và yêu sách của mình. Điểm quan trọng nhất là liệu Việt Nam có ủng hộ kết luận trên hay không và quan trọng hơn liệu Việt Nam có sẵn sàng đưa ra một tuyên bố rõ ràng, công khai ủng hộ hay không. Việc có một tuyên bố yêu sách rõ ràng sẽ giúp tạo dư luận tích cực và nâng cao, mở rộng nhận thức đúng đắn của cộng đồng quốc tế về yêu sách hợp pháp của Việt Nam, tránh nhận thức sai lệch. Cũng cần lưu ý rằng hiện nay có một bộ phận không nhỏ học giả và các quốc gia còn mơ hồ về yêu sách của Việt Nam và đang duy trì hay bản đồ thể hiện hai phạm vi vùng biển tính từ đất liền.

20120707_ASM950

Nguồn: The Economist, xem tại http://www.economist.com/node/21558262, truy cập ngày 27/10/2016

Phán quyết là một cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam có ưu thế trong đàm phán, đấu tranh với Trung Quốc nhằm bác bỏ, vô hiệu hóa yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Đồng thời phán quyết là cơ sở cho Việt Nam bảo vệ quyền hợp pháp của mình trên các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Qua đó, có thể thúc đẩy đàm phán phân định biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà hiện nay đang bị tắt nghẽn do có liên quan đến một đoạn trong đường chín đoạn, ngăn chặn Trung Quốc tiến hành các hoạt động bất hợp pháp như vụ việc nước này đơn phương, trái phép gọi thầu một số lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào năm 2012, hay bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc,…

Tác động đến quan điểm về biện pháp giải quyết tranh chấp

Trong lịch sử giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và các nước, biện pháp đàm phán luôn là biện pháp duy nhất được áp dụng. Việt Nam đã đàm phán thành công phân định biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng biển chồng lấn trong Vịnh Thái Lan với Thái Lan, phân định thềm lục địa với Indonesia và xác lập vùng hợp tác cùng phát triển trong vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với Malaysia…

Đối với tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam kiên định lập trường giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.[38] Như vậy có thể thấy Việt Nam không loại trừ bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào và sẵn sàng sử dụng các biện pháp pháp lý khi cần thiết.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một ví dụ và kinh nghiệm quý giá đối với Việt Nam trong việc chuẩn bị sẳn sàng cho việc sử dụng biện pháp pháp lý. Quan trọng hơn vụ kiện đã đưa ra các định hướng về các vấn đề mà Việt Nam có thể kiện và có thể kiện thắng trước cơ quan tài phán quốc tế. Ví dụ như Việt Nam hoàn toàn có thể, vào thời điểm thích hợp, tiến hành một vụ kiện tương tự đối với quần đảo Hoàng Sa để làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể thuộc quần đảo này. Với việc Philippines có chiến thắng pháp lý lớn và những kết luận quan trọng của Tòa Việt Nam có thể có nhận thức sâu hơn về giá trị và vai trò của biện pháp pháp lý.

Xem thêm các bài bình luận về Vụ kiện Biển Đông liên quan đến các khía cạnh khác nhau của vụ kiện quan trọng này:

  1. Lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam
  2. Quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân các nước ở Bãi Scarborough
  3. Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa – Liên hệ thực tiễn của Việt Nam
  4. Hiểu đúng một phần bản chất của Đường chữ U
  5. Quy chế của các thực tể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông
  6. Phân tích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đến Tòa trọng tài
  7. Học giả Trung Quốc và Vụ kiện Biển Đông

——————————————————————

[1] Tuyên bố khởi kiện của Cộng hòa Philippines, ngày 22/01/2013, đoạn 6 (“Tuyên bố khởi kiện”).   [2] Như trên, đoạn 7.

[3] UNCLOS, Phụ lục VII, Điều 3(b).

[4] Thời báo Hoàn cầu, Arbitral Tribunal unfairly biased against Beijing, ngày 21/4/2016, xem tại http://www.globaltimes.cn/content/979450.shtml

[5] Tân Hoa Xã, News Analysis: Shunji Yanai, manipulator behind illegal South China Sea arbitration, ngày 17/7/2016, xem tại http://news.xinhuanet.com/english/2016-07/17/c_135519215.htm

[6] Jess Johnson, Beijing turns on Japanese judge as Hague tribunal ruling on South China Sea nears, The Japan Times, ngày 08/7/2016, xem tại http://www.japantimes.co.jp/news/2016/07/08/national/politics-diplomacy/beijing-turns-japanese-judge-hague-tribunal-ruling-south-china-sea-nears/#.WA91ceV97IU

[7] Như trên.

[8] Tân Hoa Xã, Spotlight: South China Sea arbitration decided by biased arbitrations, ngày 19/7/2016, xem tại http://news.xinhuanet.com/english/2016-07/19/c_135525163.htm

[9] Xie Feng, The dangerous arbitration of Beijng – Manila dispute, The Jakarta Post, ngày 09/6/2016, xem tại http://www.thejakartapost.com/academia/2016/06/09/the-dangerous-arbitration-of-beijing-manila-dispute.html

[10] Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Phán quyết thực chất, ngày 12/7/2016, đoạn 36.   [11] Như trên.

[12] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Văn kiện lập trường của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền của vụ kiện trong tài Biển Đông do Philippines khởi kiện (“Văn kiện lập trường của Trung Quốc”), ngày 07/12/2014, xem tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml

[13] Phán quyết thực chất, ngày 12/7/2016, tr. 67 – 118.   [14] Như trên, tr. 119 – 260.   [15] Như trên, tr. 132, đoạn 302.

[16] Tanaka Yoshifumi, The International Law of the Sea, Cambridge: Cambridge University Press, 2012, tr. 63.

[17] Phán quyết thực chất, ngày 12/7/2016, tr. 204 – 232.   [18] Như trên, tr. 261 – 298, 399 – 416.   [19] Như trên, tr. 399 – 416.   [20] Như trên, tr. 261 – 286.   [21] Như trên.   [22] Như trên, tr. 299 – 318.   [23] Như trên, tr. 287 – 298.   [24] Như trên, tr. 319 – 398, 417 – 436.   [25] Như trên, tr. 299 – 318.

[26] John G. Merrills, International Dispute Settlement, 5the ed., Cambridge: CUP, 2005, tr. 110 – 111.   [27] Như trên.

[28] Phát biểu của Tổng thống Obama, ngày 04/8/2016, xem tại https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2016/08/04/press-conference-president-after-meeting-national-security-officials

[29] Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Điều 38.

[30] Trong Vụ Phân định biển ở Vịnh Bengal (Bangladesh/Myanmar) năm 2012.

[31] Trong Vụ Phân định biển giữa Bangladesh và Ấn Độ năm 2013.

[32] Cho đến hiện nay, một số quốc gia, trong đó có các cường quốc hàng hải, lên tiếng ủng hộ phán quyết. Tuy nhiên rất tiếc là chưa có bất kỳ học giả có uy tín lớn nào có bài báo chuyên ngành ủng hộ phán quyết. Hi vọng trong tương lai các học giả sẽ có các bài báo như thế và/hay trích dẫn lại phán quyết trong các giáo trình, sách chuyên khảo. Nếu các giáo trình nổi tiếng về luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế hay giải quyết tranh chấp quốc tế ghi nhận ủng hộ phán quyết thì đây có thể xem là bước đầu tiên đê phán quyết nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác, giới học giả và cả các cơ quan tài phán trong tương lai.

[33] Việt Long, Vụ kiện thế kỷ, bước ngoặt Biển Đông, Vietnamnet, ngày 14/7/2016, xem tại http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/vu-kien-the-ky-buoc-ngoat-bien-dong-315653.html

[34] Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS quy định “phán quyết có giá trị chung thẩm và không được phúc thẩm”.

[35] Tara Davenport, Why the South China Sea Arbitration Case Matters (Even if China Ignores It), The Diplomat, ngày 08/7/2016, xem tại http://thediplomat.com/2016/07/why-the-south-china-sea-arbitration-case-matters-even-if-china-ignores-it/

[36] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Phi-líp-pin đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, ngày 12/7/2016, xem tại http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160712171301

[37]

[38] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Phi-líp-pin đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, ngày 12/7/2016, xem tại http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160712171301

16 bình luận về “[06] Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc: Nội dung, tác động và gợi mở cho Việt Nam

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: