[84] Tranh chấp tên gọi giữa Macedonia và Hy Lạp: Macedonia là Macedonia nào?

Thỏa thuận ngày 12 tháng 6 năm 2018 – Bối cảnh lịch sử  – Tác động tiêu cực đến Macedonia – Vụ kiện liên quan trước Tòa ICJ

Thỏa thuận ngày 12 tháng 6 năm 2018

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, thủ tướng Hy Lạp và Macedonia đã đồng ý thỏa thuận giải quyết dứt điểm tranh chấp tên gọi giữa hai nước, kéo dài hơn 25 năm qua.[1] Hai nước đồng ý Macedonia sẽ có tên gọi chính thức là “Cộng hòa Bắc Macedonia.”[2] Đây là một bước tiến lớn mở đường cho Macedonia thuận lợi gia nhập vào EU và NATO. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã gây phản ứng tiêu cực trong nội bộ hai nước, trong đó, chỉ một ngày sau khi được ký kết, Tổng thống Macedonia đã phủ quyết thỏa thuận trên.[3] Một tranh chấp có vẻ vô lý như thế tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là cho phía Macedonia. Tranh chấp này còn liên quan đến một vụ kiện trước Tòa ICJ mà Macedonia là bên thắng.

Nội dung chính của Thỏa thuận ngày 12.6.2018 có thể xem tại đây, và bài viết phân tích về các bước tiếp theo để Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực đối với hai nước. Trong giai đoạn hiện tại, hai nước có nghĩa vụ không làm trái mục đích và đối tượng của Thỏa thuận theo Điều 18(a) của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969.

Điều 18. Nghĩa vụ không làm trái mục đích và đối tượng điều ước trước khi có hiệu lực

Một quốc gia có nghĩa vụ tránh có những hành vi làm cho một điều ước mất đối tượng và mục đích:

a) Khi quốc gia đó đã ký hoặc trao đổi văn kiện cấu thành điều ước cần phải được phê chuẩn, chấp thuận hoặc phê duyệt, cho đến khi quốc gia đó thể hiện rõ ý định không muốn trở thành một bên của điều ước đó nữa; hoặc

b) Khi quốc gia đó đã thể hiện sự đồng ý chịu sự ràng buộc của điều ước, trong thời gian trước khi điều ước có hiệu lực và với điều kiện là việc có hiệu lực này không được trì hoãn một cách quá đáng.

Bối cảnh lịch sử

Từ khi Nam Tư ran rã và Macedonia tuyên bố độc lập năm 1991, Hiến pháp nước này sử dụng tên gọi đất nước là Cộng hòa Macedonia (Republic of Macedonia). Hy Lạp đã liên tục phản đối việc Macedonia đặt tên gọi này do trùng với vùng Macedonia ở phíc bắc Hy Lạp. Một số người e ngại rằng việc lấy tên Macedonia có thể là cái cớ để Macedonia yêu sách chủ quyền lãnh thổ với vùng Macedonia thuộc Hy Lạp này.[4]

Trong lịch sử, Macedonia là trung tâm của đế quốc Macedon của Alexander Đại đế (Alexander the Great, 356 – 323 TCN).[5] Sau đó, La Mã đã mở rộng tỉnh Macedonia bao gồm lãnh thổ của Hy Lạp, Macedonia, Bulgari và Albania ngày nay.[6] Người Hy Lạp cho rằng người Macedonia ngày nay có gốc là dân Slovav và không còn là người Macedonia như từng sinh sống tại đó trong quá khứ. Do đó, việc Macedonia lấy tên gọi là Macedonia là một hình thức đánh cắp lịch sử. Trong một cuộc biểu tình vào ngày 06/06/2018, các biểu ngữ nêu khẩu hiệu “Macedonia thuộc về Hy Lạp”, “Phải tôn trọng lịch sử của chúng ta”.[7] Một người biểu tình cho biết: “Macedonia là linh hồn của chúng tôi! Chỉ có duy nhất một Macedonia và nó là một phần của Hy Lạp – nơi Vua Phillip và Alexander Đại đế được sinh ra.”[8] Theo một cuộc thăm dò gần đây, hầu hết người Hy Lạp không muốn Macedonia được sử dụng tên gọi Macedonia dưới mọi hình thức và kết hợp.[9]

Macedonia

Có thể thấy rằng tinh thần dân tộc là động cơ lớn nhất thúc đẩy đa số người dân Hy Lạp phản đối với Macedonia được gọi là Macedonia. Họ tự hào về Macedonia cổ đại thuộc Hy Lạp, tự hào về Alexander Đại đế vĩ đại – vua của đế quốc Macedon và là một người Hy Lạp. Tinh thần dân tộc này có vẻ khá vô lý đối với những người bên ngoài Hy Lạp khi người dân của một quốc gia lại phản đối việc người dân của một quốc gia khác đặt tên gọi cho chính nước mình. Chính thủ tướng hiện nay của Hy Lạp cũng cho rang “Hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và rất vô lúc khi giữ độc quyền tên gọi Macedonia.”

Tác động đến Macedonia

Có thể có người cho rằng Macedonia cứ phớt lờ yêu sách của phía Hy Lạp. Tuy nhiên, Macedonia khó có thể phớt lờ được. Tranh chấp tên gọi giữa Macedonia và Hy Lạp gây nhiều hệ quả tiêu cực cho Macedonia. Cho đến nay quốc gia này chỉ có tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (the former Yoguslav Repulic of Macedonia) được sử dụng ở Liên Hợp Quốc. Nghiêm trọng hơn, Hy Lạp liên tục phủ quyết việc EU kết nạp Macedonia là thành viên – để kết nạp thành viên mới, thỏa thuận kết nạp phải được tất cả các quốc gia thành viên ký kết và phê chuẩn.[10] Với tinh thần dân tộc đối với vấn đề tên gọi, khó có khả năng các chính trị gia và dân cử Hy Lạp mạo hiểm để phê chuẩn thỏa thuận kết nạp Macedonia nếu tranh chấp tên gọi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Vụ kiện liên quan trước Tòa ICJ

Năm 2008 Macedonia nộp đơn kiện Hy Lạp ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Hy Lạp vi phạm Thỏa thuận tạm thời năm 1995 giữa hai nước sau khi Hy Lạp phản đối Macedonia gia nhập NATO tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 (xem tóm tắt toàn bộ vụ việc tại đây). Thỏa thuận tạm thời (Interim Accord) được ký vào ngày 13 tháng 9 năm 1995, do còn khác biệt về tên gọi nên Thỏa thuận không đề cập đến “Hy Lạp” và “Macedonia” mà sử dụng từ Bên thứ nhất cho Hy Lạp và Bên thứ hai cho Macedonia. Điều 11(1) của Thỏa thuận quy định rằng:

“Khi Thỏa thuận này có hiệu lực, Bên thứ nhất đồng ý không phản đối đơn xin gia nhập hay tư cách thành viên của Bên thứ hai tại các tổ chức và thiết chế khu vực, đa phương và quốc tế mà Bên thứ nhất là một thành viên; tuy nhiên, Bên thứ nhất bảo lưu quyền phản đối tư cách thành viên nêu trên nếu và trong chừng mực mà Bên thứ hai được gọi tên khác với quy định tại khoản 2 của Ngị quyết 817 (1993) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các tổ chức hay thiết chế như thế.”

Khoản 2 của Nghị quyết 817 ghi nhận rằng Hội đồng Bảo an khuyến nghị Đại hội đồng kết nạp Macedonia làm thành viên của Liên hợp quốc và “tạm thời được gọi tên cho tất cả các mục đích tại Liên hợp quốc là ‘Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia’ trong khi chờ giải quyết bất đồng về tên gọi Quốc gia.”

Tòa ICJ cho rằng có đủ bằng chứng để cho thấy Hy Lạp đã sử dụng tranh chấp tên gọi để phản đối việc kết nạp Macedonia vào NATO. Các thư tín ngoại giao và phát biểu của quan chức cấp cao của Hy Lạp cho thấy tranh chấp tên gọi là “tiêu chí có tính quyết định” để Hy Lạp chấp nhận kết nạp Macedonia.[11] Tòa cho rằng Hy Lạp đã vi phạm vào Điều 11(1) trên. Mặc dù được Tòa ICJ kết luận thắng trong vụ kiện, phán quyết của Tòa chỉ có thể dừng lại ở việc tuyên bố Hy Lạp vi phạm Thỏa thuận năm 1995 mà không thực sự giúp Macedonia gia nhập NATO hay EU. Hy Lạp chỉ cần không thể hiện rõ hoặc không để lại bằng chứng cho thấy nước này ngăn Macedonia được kết nạp dựa trên tranh chấp tên gọi là được.

Trần H. D. Minh

—————————————————————————–

[1] Helena Smith, ‘Macedonia agrees to new name after 27-year dispute with Greece’, ngày 12/6/2018, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2018/jun/12/macedonia-agrees-to-new-name-after-27-year-dispute-with-greece (truy cập ngày 15/6/2018).   [2] Như trên.

[3] Helena Smith, ‘Macedonia and Greece fail to resolve bitter naming dispute’, ngày 13/6/2018, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2018/jun/13/macedonia-rejects-treaty-greece-name-row-zoran-zaev (truy cập ngày 15/6/2018).

[4] Reuters Staff, ‘Thousands protest in northern Greece over Macedonia name dispute’ https://www.reuters.com/article/us-greece-macedonia-name-protests/thousands-protest-in-northern-greece-over-macedonia-name-issue-idUSKCN1J22UZ (truy cập ngày 15/6/2018).

[5] ‘Greece and Macedonia strike deal on name dispute’, 12/6/2018, DW http://www.dw.com/en/greece-and-macedonia-strike-deal-on-name-dispute/a-44187782 (truy cập ngày 15/6/2018).   [6] Như trên.

[7] Reuters Staff (n 1).   [8] Như trên.

[9] Vassilis Triandafyllou, ‘Greeks rally against use of ‘Macedonia’ in name dispute with Skpje’, 21/01/2018, https://www.reuters.com/article/us-greece-macedonia-protests/greeks-rally-against-use-of-macedonia-in-name-dispute-with-skopje-idUSKBN1FA0FY (truy cập ngày 15/6/2018).

[10] European Commission, ‘Accession to the EU’, https://ec.europa.eu/neighbourhood-enlargement/policy/glossary/terms/accession-eu_en (truy cập ngày 15/6/2018).

[11] Tranh chấp liên quan đến việc áp dụng Thỏa thuận tạm thời ngày 13 tháng 9 năm 1995 (Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia v. Hy Lạp) (Phán quyết) [2011] ICJ Rep 644, 670, đoạn 81.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: