Nguyên tắc chung về sửa đổi, bổ sung điều ước – Sửa đổi, bổ sung điều ước đa phương – Sửa đổi, bổ sung điều ước trong quan hệ giữa một số thành viên – Tranh luận xung quanh vấn đề sửa đổi, bổ sung thông qua thực tiễn sau này
Việc sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế là một hiện tượng ngày càng phổ biến khi các điều ước quốc tế đa phương được ký kết ngày càng nhiều. Công ước Viên năm 1969 dành ba điều khoản để quy định về sửa đổi và bổ sung điều ước quốc tế: Điều 39 về nguyên tắc chung, Điều 40 về sửa đổi điều ước đa phương và Điều 41 về thỏa thuận bổ sung điều ước đa phương giữa một số bên. Không có quy định riêng cho sửa đổi, bổ sung điều ước song phương, bởi vì hai bên có thể đơn giản đàm phán với nhau. Điều ước đa phương có tính chất phức tạp hơn do đó cần hai điều khoản riêng để điều chỉnh. Hội nghị Viên (1968 – 1969) đã loại bỏ một dự thảo điều khoản mà ILC đệ trình do nhiều ý kiến trái chiều: Sửa đổi điều ước thông qua thực tiễn sau này.
Nguyên tắc chung về sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế
Điều 39 quy định “Một điều ước có thể được sửa đổi bằng một thỏa thuận giữa các bên.” Về nguyên tắc, các điều ước quốc tế chỉ có thể được thay đổi nội dung quy phạm bằng một điều ước quốc tế.[1] Do đó, việc sử đổi nhất định phải bằng một thỏa thuận ký kết giữa các bên. Về hình thức, như với điều ước quốc tế nói chung, các bên có thể lựa chọn bất kỳ hình thức nào cho thỏa thuận sử đổi, bao gồm bằng văn bản, bằng lời nói hay cả bằng thỏa thuận ngầm định.[2] Các bên ở đây có thể bao gồm tất cả các bên là thành viên của điều ước cần sửa đổi, hoặc chỉ giữa một số bên.[3]
Sửa đổi điều ước quốc tế đa phương theo Điều 40
Khoản 1 Điều 40 quy định việc sử đổi điều ước quốc tế đa phương do chính điều ước quốc tế đó quy định. Nhiều điều ước đa phương có quy định dự trù sẵn trường hợp phải sửa đổi, bổ sung điều ước. Ví dụ như Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 quy định về sửa đổi Hiến chương tại Điều 108 và 109; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 tại Điều 312, 313, và 314; Hiến chương ASEAN năm 2008 tại Điều 48.
Khi không có quy định trong điều ước (ví dụ như trường hợp Công ước Viên 1969 này), thì các quy định ở Điều 40(2), (3), (4) và (5) sẽ được áp dụng. Khoản 2 bảo đảm quyền tham gia vào tiến trình sửa đổi điều ước quốc tế của tất cả các bên thành viên của điều ước cần sửa đổi.[4] Khoản 3 bảo đảm mọi quốc gia là thành viên của điều ước gốc đều có quyền trở thành thành viên của thỏa thuận sau khi được sửa đổi.[5]
Do thỏa thuận sửa đổi điều ước được xem là một điều ước quốc tế, do đó, Khoản 4 quy định về hiệu lực ràng buộc của thỏa thuận sửa đổi. Theo đó, thỏa thuận sửa đổi điều ước sẽ không ràng buộc các quốc gia đang là thành viên của điều ước gốc nếu quốc gia đó không trở thành thành viên của điều ước sửa đổi. Và theo Điều 30(4)(b), giữa quốc gia là thành viên của cả hai điều ước và quốc gia chỉ là thành viên của điều ước gốc, thì điều ước gốc sẽ được áp dụng. Trong khi, Khoản 3 bảo bảo quyền tham gia thỏa thuận sửa đổi, Khoản 4 bảo đảm quyền không tham gia.
Khoản 5 điều chỉnh trường hợp một quốc gia gia nhập vào điều ước sau khi điều ước đã được sửa đổi. Trong trường hợp đó, trừ khi quốc gia gia nhập thể hiện ý định khác, thì mặc nhiên quốc gia đó sẽ là thành viên của điều ước đã được sửa đổi, và đồng thời cũng là thành viên của điều ước gốc trong quan hệ với các quốc gia chỉ là thành viên của điều ước gốc đó. Khoản 5 cho phép các quốc gia lựa chọn gia nhập vào điều ước gốc hay điều ước đã được sửa đổi. Nếu không lựa chọn (không thể hiện ý định khác), thì mặc nhiên được xem là gia nhập vào cả hai điều ước.
Sửa đổi điều ước đa phương giữa một số thành viên theo Điều 41
Điều 41 cho phép trong hai trường hợp một hay nhiều bên thành viên của một điều ước đa phương có thể ký kết thỏa thuận riêng để sửa đổi điều ước trong quan hệ giữa các bên này. Điều khác nhau với Điều 40 là: Điều 40 áp dụng cho trường hợp sửa đổi, bổ sung với ý định áp dụng cho tất cả các bên thành viên; còn Điều 41 áp dụng cho trường hợp một số bên sửa đổi, bổ sung với nhau và không có ý định cho các bên khác tham gia và thỏa thuận sửa đổi đó.[6]
Trường hợp thứ nhất là điều ước quốc tế đó cho phép. Ví dụ như Điều 311 của Công ước Luật Biển 1982 cho phép khả năng hay hay nhiều quốc gia thành viên ký kết thỏa thuận sửa đổi Công ước trong quan hệ giữa các quốc gia đó với nhau. Điều 311 cũng đặt ra các điều kiện để có thể ký kết các thỏa thuận như vậy.
Trường hợp thứ hai là khi điều ước quốc tế không có quy định cấm, nhưng phải kèm theo hai điều kiện: (i) Việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên khác; và (ii) Không liên quan đến các quy định hay ngoại lệ trái với việc thực thi hiệu quả mục đích và đối tượng của tổng thể điều ước.
Sửa đồi điều ước thông qua thực tiễn sau này
Trong dự thảo năm 1966 của ILC đệ trình ra Hội nghị Viên (1968 – 1969), dự thảo Điều 38 quy định về sửa đổi điều ước thông qua thực tiễn sau này (subsequent practice). Theo đề nghị của Phần Lan, Nhật Bản, Venezuela và Việt Nam,[7] Hội nghị Viên quyết định loại bỏ điều này khỏi Công ước, do nhiều ý kiến trái chiều của các quốc gia tham gia Hội nghị. Dự thảo Điều 38 quy định:
“Một điều ước có thể được sửa đổi thông qua thực tiễn sau này khi áp dụng điều ước mà [thực tiễn đó] tạo thành một thỏa thuận của các bên để sửa đổi điều ước.”
Theo ILC,[8] quy định này nhằm bao quát trường hợp các bên sửa đổi điều ước bằng hành vi thực tế của mình theo cách thức mà điều ước không dự kiến trước. Cũng lưu ý rằng, Điều 38 khác với quy định về giải thích điều ước bằng thực tiễn sau này (xem Điều 31(3)(b)). Như vậy, thực tiễn sau này có thể hoặc được xem là giải thích rõ hơn quy định của điều ước hoặc được xem là làm sửa đổi điều ước. Điểm khác biệt là trong trường hợp sửa đổi thì thực tiễn sau này trái ngược với nội hàm quy định của điều ước.
Tại Hội nghị Viên, một loạt phái đoàn đã lên tiếng phản đối dự thảo Điều 38 này, bao gồm phái đoàn Việt Nam.[9] Hội nghị sau đó bỏ phiếu xóa bỏ dự thảo Điều 38 này. Nhìn chung lý do phản đối bao gồm:
- Nguy cơ thừa nhận các bên có quyền thực thi trái với quy định điều ước, và do đó, vi phạm hoặc ít nhất làm suy yếu nguyên tắc thiện chí thực thi điều ước quốc tế pacta sunt servanda. Hơn nữa, như thế sẽ dẫn đến sự mất ổn định trong quan hệ điều ước do cho phép linh hoạt trong thực thi điều ước;
- Cần tính đến quan hệ phức tạp giữa điều ước quốc tế và tập quán quốc tế; Trùng với quy định về giải thích điều ước theo thực tiễn sau này cũng đã đủ để bao quát trường hợp sửa đổi điều ước bằng thực tiễn;
- Ảnh hưởng đến quyền của một quốc gia quyết định có hay không thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc với thỏa thuận sử đổi ngầm thông qua thực tiễn. Dự thảo Điều 38 có thể đặt một quốc gia vào hoàn cảnh phải chấp nhận một thỏa thuận sửa đổi mà nước đó không có cơ hội để từ chối tham gia;
- Gây khó khăn hoặc không khả thi cho quá trình phê chuẩn, phê duyệt trong nội bộ các quốc gia theo quy định của nội luật. Khó có thể phê chuẩn, phê duyệt một thỏa thuận phi-văn bản, ngầm định trong thực tiễn;
- Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước: Công ước chỉ điều chỉnh điều ước bằng văn bản, trong khi thỏa thuận sửa đổi bằng thực tiễn lại phi-văn bản và mang tính ngầm định.
Phái đoàn Venezuela phát biểu rằng:
“Một thực tiễn trái với quy định của điều ước không thể là cơ sở hình thành một quy định mới, mà cần được xem là một hành vi lạm quyền và vi phạm điều ước. Khi các bên cho rằng hoàn cảnh đã thay đổi thì cần phải tiến hành sửa đổi điều ước bằng việc ký kết một điều ước mới hay một nghị định thư để hợp pháp hóa tình hình mới… Một thực tiễn tự nó không thể là một căn cứ cho phép vi phạm quy định luật thành văn.”[10]
Trần H. D. Minh
Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:
- Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
- Định nghĩa “điều ước quốc tế”
- Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
- Các bước ký kết điều ước quốc tế
- Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
- Hiệu lực của điều ước quốc tế
- Áp dụng các điều ước điều chỉnh về cùng một vấn đề (xung đột điều ước)
- Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
- Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
- Vô hiệu điều ước
- Huỷ bỏ, đình chỉ thi hành điều ước
- Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế, Các cách tiếp cận ngoài Công ước Viên năm 1969, và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.
———————————————————————————–
[1] ILC, Draft articles on the law of treaties 1966, in ILC, Yearbook of the International Law Commission 1966, Vol II (United Nations 1967) 232 [4]. [2] Như trên, 232-233. [3] Như trên, 232. [4] Như trên, 233 [9]. [5] Như trên, 233-234 [10]. [6] Như trên, 235 [1].
[7] United Nations, Official Records of the United Nations Conference on the Law of Treaties (1968 – 1969) (United Nations 1971) 158, truy cập tại https://treaties.un.org/doc/source/docs/A_CONF.39_11_Add.2-E.pdf (ngày 10/8/2018). [8] Như trên, 236.
[9] Xem thảo luận tại Hội nghị tại: Official Records of the United Nations Conference on the Law of Treaties, First Session, 37th Meeting of the Committee of the Whole, Doc. A/CONF.39/C.1/SR.37 (http://legal.un.org/docs/?path=../diplomaticconferences/1968_lot/docs/english/sess_1/a_conf39_c1_sr37.pdf&lang=EF) và 38th Meeting of the Committee of the Whole, Doc. A/CONF.39/C.1/SR.38 (http://legal.un.org/docs/?path=../diplomaticconferences/1968_lot/docs/english/sess_1/a_conf39_c1_sr38.pdf&lang=EF) (truy cập ngày 10/8/2018).
[10] Như trên, 37th Meeting of the Committee of the Whole [60]