I. Hủy bỏ, đình chỉ điều ước theo thỏa thuận – II. Hủy bỏ, đình chỉ điều ước theo Công ước Viên – II.1. Do vi phạm của một bên – II.2. Do không còn khả năng thực thi – II.3. Do sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh – II.4. Do xung đột với quy phạm jus cogens – III. Vụ Dự án đập Gavcikovo – Nagymaros
Một điều ước quốc tế ra đời khi các quốc gia có nhu cầu hợp tác, tìm kiếm lợi ích chung. Nhu cầu đó xuất hiện và thay đổi theo thời gian. Một điều ước khi không còn phù hợp với nhu cầu của các quốc gia, không còn mang lại lợi ích như dự kiến trong hoàn cảnh mới. Các quốc gia sẽ tiến hành việc hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành điều ước đó. Công ước Viên năm 1969 có các quy định liên quan đến vấn đề này. Một lưu ý quan trọng là: Giống với vô hiệu điều ước quốc tế, tinh thần của Công ước Viên là hạn chế việc điều ước quốc tế bị hủy bỏ, đình chỉ thi hành (in a limitative manner).[1]
Có ba điểm khác nhau giữa vô hiệu điều ước và hủy bỏ thi hành điều ước. Thứ nhất, về bản chất pháp lý. Điều ước bị vô hiệu được xem như chưa từng tồn tại. Điều ước bị hủy bỏ vẫn được xem là tồn tại trong giai đoạn từ khi có hiệu lực đến khi bị hủy bỏ. Thứ hai, khác nhau về căn cứ pháp lý. Công ước Viên cho phép một quốc gia có thể hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước theo chính quy định của điều ước đó hoặc theo quy định của Công ước.[2] Vô hiệu điều ước quốc tế chỉ có thể theo quy định của Công ước Viên (xem thêm tại post này).[3] Thứ ba, khác nhau về hệ quả pháp lý. Vô hiệu điều ước làm cho các bên có quyền yêu cầu tái lập lại nguyên trạng trước khi có điều ước, trong khi đó, hủy bỏ điều ước không ảnh hưởng đến những quyền, nghĩa vụ, tình trạng pháp lý đã thực hiện điều ước trước khi bị hủy bỏ (Điều 73).
Trong Công ước Viên, các thuật ngữ sau đây được sử dụng tương đương nhau do cùng làm phát sinh hệ quả pháp lý giống nhau – điều ước quốc tế không còn hiệu lực ràng buộc -: hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực (termination), bãi ước (denunciation), rút khỏi điều ước (withdrawal). Thuật ngữ “đình chỉ thi hành” có nghĩa tạm thời không còn hiệu lực, không cần thực thi.
I. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành theo thỏa thuận của các quốc gia
Một điều ước quốc tế có thể bị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành theo thỏa thuận giữa các quốc gia. Thỏa thuận này có thể đã được ghi nhận ngay trong điều ước đó, hoặc đạt được sau đó. Điều 54 quy định rằng hủy bỏ điều ước quốc tế có thể tiến hành (a) phù hợp với quy định của điều ước, hoặc (b) theo sự chấp nhận của tất cả các bên sau khi tham vấn với nhau. Điều 57 quy định tương tự về đình chỉ thi hành.
Điều 56 còn dự trù trường hợp điều ước quốc tế không có quy định, và cũng không có sự chấp nhận của tất cả các bên. Trong trường hợp này, sự thỏa thuận của các quốc gia có thể xác lập một cách ngầm định, gián tiếp. Việc hủy bỏ, bãi ước hay rút khỏi điều ước chỉ có thể nếu (a) có bằng chứng cho thấy các bên đã ngầm thừa nhận khả năng hủy bỏ, hoặc (b) bản chất của điều ước ngầm cho phép hủy bỏ, rút khỏi điều ước. Về thủ tục, quốc gia muốn hủy bỏ điều ước phải thông báo trước 12 tháng.
Điều 58 cho phép đình chỉ thi hành trong quan hệ giữa một số (không phải tất cả) quốc gia thành viên của một điều ước đa phương khi điều ước cho phép hoặc không cấm. Khi điều ước không cấm việc đình chỉ thi hành giữa một số quốc gia thành viên, các quốc gia đó phải bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên khác và không trái với mục đích và đối tượng của điều ước.[4] Điều 58 điều chỉnh trường hợp đình chỉ bằng thỏa thuận, mà không áp dụng cho việc đình chỉ đơn phương. Không có quy định tương tự đối việc hủy bỏ điều ước giữa một số quốc gia thành viên.
Điều 59 quy định trường hợp một điều ước bị hủy bỏ, đình chỉ thi hành do các quốc gia thành viên ký kết một điều ước mới điều chỉnh cùng một vấn đề. Sự thỏa thuận về hủy bỏ, đình chỉ được thể hiện ngầm định, gián tiếp qua việc ký ký kết điều ước mới.
II. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành theo quy định của Công ước Viên
Bên cạnh căn cứ vào thỏa thuận giữa các quốc gia, việc hủy bỏ, đình chỉ thi hành có thể được thực hiện theo các căn cứ được quy định tại các Điều 60 (vi phạm nghiêm trọng của một bên), 61 (không còn khả năng thực thi), 62 (sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh), và 64 (xung đột với một quy phạm jus cogens mới xuất hiện).
I.1. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước do vi phạm nghiêm trọng của một bên
Với năm khoản, Điều 60 quy định về quyền hủy bỏ, đình chỉnh thi hành một điều ước nếu có vi phạm nghiêm trọng của một bên thành viên. Đối với điều ước song phương, theo Điều 60(1), một bên có quyền viện dẫn vi phạm nghiêm trọng điều ước của bên còn lại làm căn cứu để hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước. Quốc gia bị vi phạm có quyền lựa chọn hoặc hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành điều ước; trường hợp đình chỉ thi hành, có thể toàn bộ điều ước hoặc một phần điều ước.
Đối với điều ước đa phương, vấn đề phức tạp hơn bởi vì liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia. Nếu muốn hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước, Điều 60(2)(a) quy định cần phải có ‘thỏa thuận đồng thuận’ (unanimous agreement) của tất cả các bên còn lại. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước có thể hoặc chỉ giới hạn trong quan hệ với riêng quốc gia vi phạm (quốc gia vi phạm không còn là thành viên của điều ước; điều ước tiếp tục tồn tại trong quan hệ với các quốc gia còn lại) hoặc trong quan hệ với tất cả các bên (hủy bỏ hoàn toàn điều ước quốc tế). Nói cách khác, các quốc gia còn lại có quyền quyết định hủy bỏ, đình chỉ hoàn toàn điều ước hoặc chỉ riêng với quốc gia vi phạm.
Nếu không thể đạt được thỏa thuận đồng thuận, một bên còn lại chỉ có thể đình chỉ thi hành điều ước trong quan hệ giữa bên đó với bên vi phạm. Từng quốc gia riêng lẻ không có quyền hủy bỏ điều ước đa phương do một bên vi phạm, bởi lợi ích của các quốc gia khác cần phải tính đến.[5] Nhưng, quyền đình chỉ thi hành này chỉ có thể được viện dẫn nếu bên đó thuộc là bên bị đặc biệt ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm (Điều 60(2)(b)). Nếu không là một bên đặc biệt bị ảnh hưởng, Điều 60(2)(c) cho phép quyền đình chỉ thi hành có thể được viện dẫn nếu điều ước bị vi phạm là một điều ước “về bản chất, một bên vi phạm nghiêm trọng điều khoản của điều ước đó thì sẽ làm thay đổi lớn (radical changes) vị thế của mỗi thành viên trong việc tiếp tục thực thi nghĩa vụ của họ theo điều ước.” Đây là trường hợp các điều ước liên quan đến giải trừ quân bị.[6] Đối với các điều ước này, vi phạm nghiêm trọng của một bên sẽ đặt tất cả các bên khác vào vị thế không thể tiếp tục thực thi điều ước đó. Giả sử, Mỹ hay Nga vi phạm thỏa thuận hạn chế đầu đạn hạt nhân thì việc bên còn lại tiếp tục thực thi thỏa thuận đó sẽ đặt bên đó vào nguy cơ an ninh nghiêm trọng và lâu dài.
Khoản 3 Điều 60 định nghĩa về vi phạm nghiêm trọng (a material breach). Vi phạm nghiêm trọng là (a) việc không thực thi điều ước quốc tế trái với quy định của Công ước này, hoặc (b) vi phạm một quy định có tầm quan trọng trong việc đạt được mục đích và đối tượng của điều ước quốc tế. Trong quá trình soạn thảo,[7] ILC đã lựa chọn dung từ “vi phạm nghiêm trọng” (a material breach) thay cho từ “vi phạm cơ bản” (a fundamental breach) để bao quát rộng hơn các trường hợp vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 60. Vi phạm cơ bản có thể sẽ bị hiểu là vi phạm các quy định trực tiếp liên quan đến mục đích trọng tâm của điều ước. Vi phạm nghiêm trọng có nội hàm rộng hơn, và cũng bao hàm luôn trong đó vi phạm cơ bản. Anthony Aust lấy ví dụ một vi phạm quy định mang tính chất phụ trợ như ngăn cản thanh sát viên quốc tế thực thi quyền hạn theo Công ước chống Vũ khí hóa học là một vi phạm nghiêm trọng do cơ chế thanh sát là biện pháp trọng tâm để giám sát thực thi Công nước này.[8]
Quyền hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước song phương và đa phương nêu trên không được áp dụng đối với trường hợp liên quan đến các quy định về bảo vệ con người trong các điều ước nhân đạo.[9] Ngoại lệ này là cần thiết để bảo đảm mục đích nhân đạo như trong các Công ước Geneva về bảo vệ dân thường, tù binh chiến tranh và thương bệnh binh trong xung đột vũ trang. Nếu cho phép hủy bỏ, đình chỉ thi hành các điều ước này khi một bên vi phạm sẽ dẫn đến thiệt hại lớn hơn về nhân mạng. Điều 60 cũng không ảnh hưởng đến các quy định khác của luật quốc tế áp dụng cho trường hợp vi phạm điều ước, như các quy định về trách nhiệm quốc gia.[10]
II.2. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước do không còn khả năng thực thi
Điều 61(1) quy định một bên có quyền việc dẫn căn cứ không còn khả năng thực thi (supervening impossibility of performance) để hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước. Có hai điều kiện cần phải thỏa mãn: (a) tình trạng không còn khả năng thực thi là hệ quả của việc biến mất, phá hủy lâu dài một đối tượng không thể thiếu cho việc thực thi điều ước, và (b) tình trạng này không phải gây ra bởi vi phạm của bên muốn hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước đó.
- Đối tượng không thể thiếu cho việc thực thi điều ước phải là một đối tượng hữu hình, ví dụ một hòn đảo bị chìm, một con sông bị khô cạn, vỡ đập nước, nhà máy thủy điện,… chẳng hạn.[11] Điều ước về hợp tác phát triển kinh tế một hòn đảo hay xây dựng một nhà máy điện trên một con song sẽ không thể thực thi được nếu hòn đảo đó bị nhấn chìm do động đất, con sông đó bị khô cạn do biến đổi khí hậu.
- Điều kiện thứ hai là cụ thể hóa của nguyên tắc một bên không thể hưởng lợi từ vi phạm của chính mình.
Trong một số trường hợp, tình trạng không còn khả năng thực thi điều ước có thể trùng hợp với sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh theo Điều 62 bên dưới. Bởi vì, việc mất đi đối tượng cần thiết để thực thi điều ước cũng là một dạng thay đổi cơ bản của hoàn cảnh.[12]
II.3. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước do có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh
Như đã nói ngay ở đầu post này, một điều ước được ký kết trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định và khi hoàn cảnh đó thay đổi, điều ước có thể sẽ bị hủy bỏ, đình chỉ thi hành. Điều 62 ghi nhận lại trường hợp này. Sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh (rebus sic stantibus) là một căn cứ để một bên viện dẫn nhằm hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước nếu thỏa mãn tất cả 05 điều kiện sau:[13]
- Có sự thay đổi (change) giữa hoàn cảnh lúc ký kết và hoàn cảnh sau đó;
- Sự thay đổi đó phải mang tính cơ bản (fundamental);
- Sự thay đổi đó không được các bên biết trước (not foreseen);
- Hoàn cảnh bị thay đổi là căn cứ quan trọng (essential basis) để các bên chấp nhận chịu ràng buộc đối với điều ước; và
- Sự thay đổi đó làm biến đổi đáng kể (radically transform) phạm vi nghĩa vụ sẽ được thực thi theo điều ước.
Việc sử dụng cấu trúc câu “không thể viện dẫn … trừ khi… “ cho thấy, về nguyên tắc, không thể viện dẫn Điều 62 trừ trường hợp ngoại lệ.[14] Có thể thấy Điều 62 đặt ra yêu cầu rất cao để có thể viện dẫn căn cứ rebus sic stantibus. Điều 62(2) quy định trường hợp ngoại lệ không áp dụng rebus sic stantibus: (a) điều ước xác định biên giới, bao gồm cả điều ước hoạch định biên giới và chuyển nhượng lãnh thổ,[15] hoặc (b) sự thay đổi là hệ quả của việc vi phạm điều ước. Điểm (b) phù hợp với nguyên tắc một bên không thể hưởng lợi từ hành vi vi phạm của mình.[16]
II.4. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước do xung đột với quy phạm jus cogens mới xuất hiện
Quy phạm jus cogens là quy phạm có hiệu lực pháp lý cao nhất trong toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế. Nếu một điều ước được ký kết xung đột với một quy phạm jus cogens thì sẽ bị vô hiệu (Điều 53). Nếu điều ước đã tồn tại và sau đó một quy phạm jus cogens có nội dung trái ngược với điều ước mới xuất hiện, thì điều ước đó sẽ bị hủy bỏ (Điều 64). Có thể thấy Điều 53 điều chỉnh trường hợp quy phạm jus cogens đã tồn tại tại thời điểm ký kết điều ước, còn Điều 64 điều chỉnh trường hợp quy phạm jus cogens xuất hiện sau. Điều 53 quy định để một quy phạm jus cogens hình thành cần được sự chấp nhận của toàn thể cộng đồng quốc tế không cho phép loại trừ.
III. Vụ Dự án đập Gavcikovo – Nagymaros (Hungary v Slovakia)
Liên quan đến vấn đề hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước, án lệ quan trọng nhất mà bất kỳ bài viết nào về chủ đề này cũng cần phải nhắc đến là Vụ liên quan đến Dự án Gavcikovo – Nagymaros giữa Hungary và Slovakia trước Tòa ICJ (1993 – 1997): Giới thiệu vụ việc, tóm tắt phán quyết, phán quyết năm 1997.
Năm 1993, Hungary và Slovakia đề nghị Tòa ICJ xem xét giải quyết tranh chấp giữa hai nước liên quan đến việc Hungary muốn đình chỉ thi hành và hủy bỏ Hiệp định Budapest về Xây dựng và vận hạnh hệ thống đập Gabcikovo-Nagymaros, ký kết vào năm 1977. Lưu ý rằng Hiệp định này là ký giữa Hungary và Tiệp Khắc, từ năm 1993, Slovakia thừa kế Hiệp định này sau khi Tiệp Khắc tan rã. Theo Hiệp định này, Hungary sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đạp Nagymaros; Slovakia (trước là Tiệp Khắc) xây dựng đập Gabcikovo trên sông Danube chảy ra lãnh thổ hai nước. Năm 1989, Hungary đình chỉ và từ bỏ các phần việc mình chịu trách nhiệm theo Hiệp định. Năm 1992, Hungary đơn phương tuyên bố hủy bỏ Hiệp định. Sau năm 1989, Tiệp Khắc vẫn tiếp tục phần việc của mình, và để bảo đảm vận hành hệ thống đập trong bối cảnh phần việc thuộc về Hungary không được hoàn thành, Tiệp Khắc xây dựng theo một dự án phụ Variant C.
Do Hiệp định được ký kết trước khi Công ước Viên 1969 có hiệu lực, Tòa xác định luật áp dụng sẽ là các quy định tập quán quốc tế như được phản ánh ở Điều 60, 61 và 62 của Công ước Viên 1969.[17] Kết luận này phù hợp với án lệ nhất quán của Tòa ICJ trong các vụ việc trước đây: Vụ liên quan đến việc Nam Phi tiếp tục hiện diện tại Namibia [1971] (Ý kiến tư vấn) ICJ 47; Vụ liên quan đến Thẩm quyền đánh bắt cá (Anh v. Iceland) [1973] (Phán quyết về thẩm quyền) ICJ 18; Vụ liên quan đến Giải thích Thỏa thuận ngày 25 tháng 3 năm 1951 giữa WHO và Ai Cập [1980] (Ý kiến tư vấn) ICJ 95-96.[18] Hơn nữa, do Hiệp định không có quy định về hủy bỏ và cũng không dự kiến sẽ bị hủy bỏ, nên chỉ có thể căn cứ vào các quy định liên quan nêu trên.[19]
Về việc Hungary ra thông báo đơn phương hủy bỏ Hiệp định Budapest vào năm 1992 (xem Phán quyết năm 1977, đoạn 89 – 115). Hungary viện dẫn 05 căn cứ để biện minh cho việc hủy bỏ Hiệp định Budapest: tình trạng cấp thiết (state of necessity), không còn khả năng thực thi, sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh, vi phạm nghiêm trọng từ phía Tiệp Khắc, và các phát triển mới trong luật môi trường quốc tế.[20]
Hungary viện dẫn Điều 60.[21] Lập luận chính của Hungary cho rằng việc Tiệp Khắc đơn phương xây dựng dự án Variant C để vận hành riêng hệ thống đập là vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Budapest. Slovakia bác bỏ và cho rằng dự án Variant C thực chất là giải pháp khả thi nhất để thực thi Hiệp định Budapest trong bối cảnh Hungary đình chỉ thực hiện phần việc của mình. Tòa bác bỏ lập luận của Hungary ở hai điểm: (1) Hungray hủy bỏ Hiệp định trước khi Variant C được vận hành để điều chỉnh dòng chảy sông Danube (việc xây dựng Variant C không vi phạm Hiệp định); (2) Hungary không còn quyền để hủy bỏ do chính Hungary vi phạm trước Hiệp định do đã đình chỉ, từ bỏ thực hiện phần việc của mình trước đó.[22] Điểm thứ hai là không có trong quy định của Điều 60 Công ước Viên, do đó, cần được xem là một điều kiện theo tập quán quốc tế được xác định theo án lệ quốc tế phù hợp với nguyên tắc một bên không thể hưởng lợi từ vi phạm của mình. Tòa trích dẫn lại phán quyết năm 1927 của Tòa PCIJ – tiền thân của Tòa ICJ – trong Vụ Nhà máy Chorzów.
Hungary viện dẫn Điều 61.[23] Hungary cho rằng không còn khả năng thực thi Hiệp định Budapest do Hiệp định này đã mất đi “đối tượng không thể thiếu đề thực thi điều ước”. Đối tượng này chính là mục đích của Hiệp định khi ký kết: Xây dựng, vận hành một dự án đầu tư chung vì mục đích kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường. Những kiến thức mới về môi trường cho thấy việc tiếp tục thực hiện dự án sẽ gây ra tổn hại môi trường không thể khắc phục được. Hungary cho rằng “đối tượng” trong Điều 61 bao gồm không chỉ đối tượng vật chất (physical objects) mà cả đối tượng vô hình, ví dụ như “một tình trạng pháp lý là căn cứ để xác lập các quyền và nghĩa vụ”. Slovakia cho rằng Điều 61 chỉ áp dụng cho đối tượng hữu hình. Tòa cho rằng theo Điều 60(2), Hungary không còn quyền đển viện dẫn Điều 60 vì nước này đã vi phạm trước Hiệp định do đình chỉ, từ bỏ thực thi phần việc của mình.[24] Tiếc là Tòa không có ý kiến rõ ràng liệu “đối tượng” trong Điều 60 có bao quát cả các đối tượng vô hình hay không. Tòa chỉ nhận định chung rằng dựa theo câu chữ của Điều 60 và ý định của các quốc gia tham gia Hội nghị Viên 1968 – 1969 thì Điều 60 cần được giải thích hạn chế (a narrower concept).[25]
Hungary viện dẫn Điều 62.[26] Hungary cho rằng hoàn cảnh lú ký kết Hiệp định Budapest năm 1977 rất khác so với bấy giờ. Năm 1977, Hiệp định được ký kết trên tinh thần “đoàn kết xã hội chủ nghĩa” (socialist integration) giữa hai nước cộng sản, tinh thần này không còn tồn tại và không phù hợp với kinh tế thị trường sau khi hai nước tiến hành cải cách, việc xây dựng riêng Variant C của Tiệp Khắc làm cho hệ thống đập được dự trù không còn thống nhất và toàn vẹn như dự kiến, Hiệp định này không còn thỏa mản điều kiện bao vệ môi trường theo các quy định mới của luật môi trường quốc tế. Slovakia cho rằng ít nhất, điều kiện ở Điều 62(1)(b) yêu cầu sự thay đổi đó phải làm thay đổi bản chất của nghĩa vụ theo điều ước. Tòa không chấp nhận lập luận của Hungary bởi vì không trực tiếp liên quan đến Hiệp định, không thể nói là không dự kiến trước, không làm thay đổi cơ bản phạm vi nghĩa vụ các bên.[27] Hơn nữa, Hiệp định lại có sẵn các quy định để các bên có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế.[28] Đây có thể là phát triển mới của Tòa đặt thêm một điều kiện nữa để có thể viện dẫn Điều 62: Điều ước cần phải không có quy định, cơ chế để điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới.
Hungary viện dẫn tình trạng cấp thiết.[29] Tòa cho rằng đây không phải là căn cứ để hủy bỏ điều ước, mà thực chất là căn cứ để loại trừ tính chất sai phạm trong luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia.[30] Kết luận của Tòa là hoàn toàn chính xác: Công ước Viên không có quy định tình trạng cấp thiết là căn cứ để hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước. Đây thực chất là một trong tám hoàn cảnh để loại trừ tình chất sai phạm trong luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia (xem tại post này).
Hungary viện dẫn các phát triển mới của luật môi trường quốc tế.[31] Hungary cho rằng sự pháp triển của luật môi trường quốc tế sau khi Hiệp định năm 1977 làm cho việc thực thi Hiệp định Budapest là không phù hợp, ví dụ như nghĩa vụ không gây thiệt hại môi trường đáng kể cho lãnh thổ nước khác hay nguyên tắc phòng ngừa (precautionary principle). Slovakia cho rằng không có căn cứ nào trong luật điều ước cho phép viện dẫn sự pháp triển mới của luật quốc tế để hủy bỏ điều ước. Hơn nữa, các quy định mà Hungary viện dẫn cũng không phải là quy phạm jus cogens để loại trừ hiệu lực của các quy định của Hiệp định Budapest. Tòa cho rằng chính Hiệp định Budapest đã có quy định để các bên điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới, trong trường hợp này là các quy định mới của luật môi trường quốc tế. Tòa ngầm cho rằng một điều ước với quy định, cơ chế tự điều chỉnh không thể bị hủy bỏ dựa trên căn cứ này. Thực chất, căn cứ này nên được gộp chung vào căn cứ rebus sic stantibus ở Điều 62.
Riêng về hành vi đình chỉ, từ bỏ thực thi phần việc của mình, Hungary có một lập luận khá thú vị, dù rõ ràng không thuyết phục. Hungary cho rằng mình không đình chỉ thi hành Hiệp định Budapest vào năm 1989, vì về bản chất, nước này chỉ “đình chỉ và sau đó từ bỏ các phần việc thuộc trách nhiệm của mình”.[32] Tòa ICJ không chấp nhận vì rõ ràng hành vi của Hungray tương đương với đình chỉ thi hành Hiệp định Budapest. Hungary rõ ràng thể hiện không có ý định tiếp tục thực thi Hiệp định này, và gây ra hệ quả là làm cho cả hệ thống đập không thể được hoàn thành.[33]
Từ án lệ Gabcikovo – Nagymaros này, có thể có một số điểm quan trọng như sau. Thứ nhất, có thể thấy luật điều ước quốc tế đặt ra điều kiện rất cao để có thể hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước. Tinh thần chung là duy trì ôn định hệ thống điều ước quốc tế, tránh tối đa trường hợp điều ước bị hủy bỏ hay đình chỉ thi hành. Thứ hai, Tòa ICJ đặt ra một số điều kiện bên ngoài quy định của Công ước Viên, hạn chế hơn nữa quyền hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước của các quốc gia. Thứ ba, Tòa công nhận các Điều 60, 61 và 62 cũng là quy định tập quán quốc tế, dù có sự khác biệt nội hàm nhất định giữa các điều khoản trên và quy định tương tự trong tập quán quốc tế. Sự khác biệt đó thể hiện qua các điều kiện bên ngoài Công ước nêu ở điểm thứ hai ở trên.
Trần H.D. Minh
Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:
- Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
- Định nghĩa “điều ước quốc tế”
- Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
- Các bước ký kết điều ước quốc tế
- Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
- Hiệu lực của điều ước quốc tế
- Áp dụng các điều ước điều chỉnh về cùng một vấn đề (xung đột điều ước)
- Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
- Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
- Sửa đổi, bổ sung điều ước
- Vô hiệu điều ước quốc tế
- Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế, Các cách tiếp cận ngoài Công ước Viên năm 1969, và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.
—————————————————————————-
[1] Vụ Dự án Gabcikovo – Nagymaros (Hungary/Slovakia) [1997] (Phán quyết) ICJ 38 [47]
[2] Công ước Viên năm 1969, Điều 42(2). [3] Như trên, Điều 42(1). [4] Như trên, Điều 58(1)(b).
[5] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Draft articles on the law of treaties with commentaries 1966, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission 1966, vol. II (United Nations 1967) 255 [7]. [6] Như trên, 255 [8]. [7] Như trên, 255 [9].
[8] Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice (Cambridge University Press 2000) 236.
[9] Công ước Viên năm 1969, Điều 60(5). [10] Như trên, Điều 60(4).
[11] ILC (n 5) 256 [2]. [12] Như trên, 256 [1]. [13] Như trên, 259 [9].
[14] Vụ Dự án Gabcikovo – Nagymaros (chú thích số 1) 65 [104].
[15] ILC (n 5) 259 [11]. [16] Như trên, 260 [12]. [17] Như trên, 38 [46]. [18] Như trên. [19] Như trên, 62-63 [100]. [20] Như trên, 58 [92]. [21] Như trên, 60-62 [96]. [22] Như trên, 66 – 67 [108] – [110]. [23] Như trên, 59 [94]. [24] Như trên, 63 [103]. [25] Như trên, 63 [102]. [26] Như trên, 59-60 [95]. [27] Như trên, 64 – 65 [104]. [28] Như trên. [29] Như trên, 58 – 59 [93]. [30] Như trên, 63 [101]. [31] Như trên, 62 [97]. [32] Như trên, 39 [48]. [33] Như trên.
Khoản 1 Điều 60 Công ước viên quy định:
‘A material breach of a bilateral treaty by one of the parties entitles the other to invoke the
breach as a ground for terminating the treaty or suspending its operation in whole or in part.’
Dựa vào cấu trúc ngữ pháp trong câu thì có thể hiểu việc hủy bỏ cũng có thể là hủy bỏ toàn bộ hoặc hủy bỏ một phần. Điều này có đúng không ạ?
Chào Hồng Yến,
Giải thích như bạn là chính xác. Hơn nữa, Điều 44(2) Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 cũng khẳng định Điều 60 cho phép hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần.
Duy Minh