[108] Giải thích điều ước quốc tế: Các cách tiếp cận ngoài Công ước Viên 1969

Giải thích điều ước quốc tế là một phần quan trọng trong công việc hàng ngày của các luật sư, cố vấn pháp lý của bộ ngoại giao các nước.[1] Bên cạnh ba quy định của Công ước Viên 1969 (xem thêm post này), các cơ quan tài phán quốc tế còn áp dụng các biện pháp, cách tiếp cận khác để giải thích điều ước quốc tế. Các cách tiếp cận khác sẽ được giới thiệu trong các bài viết tiếp theo. Bài viết này sẽ điểm qua bốn cách tiếp cận, ba cách tiếp cận chính đã tồn tại trước khi Công ước Viên ra đời, và có ảnh hưởng lớn đến ba quy định giải thích điều ước trong Công ước. Một cách tiếp cận khác cũng được đề cập đến là giải thích phát triển. Như vậy, để giải thích điều ước quốc tế, ngoài việc áp dụng các Điều 31 – 33 của Công ước Viên, còn có thể áp dụng trực tiếp các cách tiếp cận này trong từng vụ việc cụ thể. Do đó, không nên cảm thấy xa lạ hay bất ngờ khi một phán quyết, một nghiên cứu giải thích luật quốc tế theo cách thức không hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Viên.

  1. Ba cách tiếp cận chính

Giải thích điều ước quốc tế là một phần quan trọng trong công việc hàng ngày của các luật sư, cố vấn pháp lý của bộ ngoại giao các nước.[2] Mặc cho tính chất quan trọng của công việc này, trong chừng mực nhất định giải thích điều ước quốc tế thường được xem là một nghệ thuật hơn là một khoa học chính xác.[3] Thực tế, trước khi có quy định về giải thích điều ước quốc tế trong Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 (Công ước Viên), việc giải thích điều ước quốc tế khá linh hoạt, do cần phải đánh giá, so sánh và cân bằng giữa nhiều yếu tố trong và cả ngoài văn bản điều ước.[4] Các cơ quan tài phán sử dụng nhiều biện pháp với nhiều lập luận khác nhau để giải thích điều ước quốc tế; vấn đề không nằm ở chỗ không có biện pháp giải thích mà là có quá nhiều biện pháp và tuỳ từng trường hợp mà một hay một vài biện pháp kết hợp được sử dụng để giải thích điều ước.[5]

approaches to interpretation

Trước khi có Công ước Viên, ba cách tiếp cận chính về giải thích điều ước là: (1) giải thích theo câu chữ văn bản; (2) giải thích theo ý định các bên; và (3) giải thích theo mục đích và đối tượng.[6] Từng cách tiếp cận có tính hợp lý nhất định.

Giải thích theo câu chữ văn bản nhấn mạnh đến câu chữ của văn bản bởi lẽ đây là những câu chữ được các bên đồng ý sử dụng để viết ra giấy các cam kết của mình. Cách tiếp cận này xem câu chữ của văn bản điều ước là bằng chứng xác thực nhất về ý định của các bên ký kết. Trong khi đó, cách tiếp cận giải thích theo ý định của các bên thì nhấn mạnh đến việc tìm hiểu trực tiếp ý định của các bên ký kết mà không nhất thiết phải bám sát vào câu chữ văn bản. Cách tiếp cận thứ hai này không bắt đầu bằng phân tích câu chữ của văn bản, mà tìm kiếm trong các biên bản đàm phán nhằm truy nguyên các trao đổi, mặc cả, nhượng bộ giữa các bên để xác định đúng ý định gốc của các bên khi ký kết điều ước quốc tế. Cách tiếp cận thứ ba thì tập trung vào mục đích và đối tượng của điều ước: giải thích điều ước quốc tế cần theo hướng hiện thực hoá mục đích và đối tượng theo đúng dự phóng của các bên khi ký kết. Cách tiếp cận này đôi khi được gọi là giải thích theo mục đích luận.

Các học giả có thể ủng hộ riêng một torng ba cách tiếp cận nêu trên, nhưng họ không phủ nhận nhau hoàn toàn lẫn nhau mà chủ yếu tranh cãi về yếu tố nào là yếu tố cơ bản, chính yếu để giải thích điều ước quốc tế. Thực tế cho thấy đa số học giả ủng hộ cách tiếp cận giải thích theo câu chữ, nhưng cũng tuỳ từng trường hợp cũng xem xét đến ý định các bên và mục đích, đối tượng của điều ước.[7] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) khi dự thảo các quy định về giải thích điều ước quốc tế đã lựa chọn một cách tiếp cận trung hoà ba cách tiếp cận trên: lấy giải thích theo câu chữ là điểm bắt đầu, kết hợp các yếu tố thể hiện ý định các bên và mục đích và đối tượng của điều ước. ILC đã cố gắng kết hợp điểm hợp lý của từng cách tiếp cận, đồng thời hạn chế các điểm yếu. Ba quy định về giải thích điều ước quốc tế được ILC dự thảo sau đó được ghi nhận thành Điều 31, 32 và 33 của Công ước Viên.

  1. Giải thích phát triển

Ngoài ba cách tiếp cận chính nêu ở trên, có một cách tiếp cận khác không được quy định trong Công ước Viên: giải thích phát triển (evolutionary interpretation/evolutive interpretation). Mặc dù không được ghi nhận vào Công ước Viên nhưng trên thực tế cách tiếp cận này vẫn tồn tại và được sử dụng cho đến hiện nay. Sử dụng cách tiếp cận này rộng rãi và nhất quán nhất có lẽ phải đề cập đến Toà án Nhân quyền châu Âu. Toà này cho rằng Công ước Nhân quyền châu Âu là một “văn kiện sống” và cần phải được giải thích phù hợp với các điều kiện tại thời điểm giải thích.[8]

Giải thích phát triển mang yếu tố thời gian vào trong quá trình giải thích điều ước quốc tế. Cách tiếp cận này là một trong quan điểm chính để trả lời cho câu hỏi luật pháp quốc tế và ngôn ngữ đều thay đổi theo thời gian, vậy điều ước quốc tế như một bộ phận của luật quốc tế và ngôn ngữ dùng để ghi nhận cam kết vào điều ước có thay đổi ý nghĩa của các quy định? Đây là vấn đề còn tranh cãi cho đến hiện nay trong khuôn khổ ILC, thường liên quan đến các thảo luận về Khoản 1 và 3 của Điều 31. Theo đó, nội hàm của một quy định điều ước có thể khác nhau tùy thuộc vào thời điểm giải thích, khi nghĩa thông thường (ordinary meaning) của câu chữ thay đổi, và/hoặc các quy định có liên quan khác của luật quốc tế (any relevant rules of international law applicable in the relations between the parties) thay đổi. Cho đến hiện nay, ngay trong các nghiên cứu ILC cũng chưa có quan điểm thống nhất và rõ ràng.[9]

Trần H.D. Minh

Lược trích từ: Trần Hữu Duy Minh, ‘Giải thích điều ước quốc tế theo quy định của Công ước Viên năm 1969 và pháp luật Việt Nam’, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 10 (366), tháng 10/2018, tr. 77-.

Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:

  1. Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
  2. Định nghĩa “điều ước quốc tế”
  3. Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
  4. Các bước ký kết điều ước quốc tế
  5. Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
  6. Hiệu lực của điều ước quốc tế
  7. Áp dụng các điều ước điều chỉnh về cùng một vấn đề (xung đột điều ước)
  8. Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
  9. Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
  10. Sửa đổi, bổ sung điều ước
  11. Vô hiệu điều ước quốc tế
  12. Hủy bỏ, đình chỉ thi hành điều ước quốc tế
  13. Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế, và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.

————————————————————————

[1] Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice, 2nd ed., (Cambridge University Press 2007) 230

[2] Như trên.

[3] ILC, Draft articles on the law of treaties with commentaries 1966, in trong Yearbook of the International Law Commission 1966, vol. II,United Nations, 1967, tr. 218.

[4] Như trên.

[5] Như trên.

[6] Như trên; Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 932.

[7] Như trên.

[8] Bernadette Rainey, Elizabeth Wicks, và Clare Ovey, Jacobs, White, and Ovey: The European Convention on Human Rights, 6th ed. (Oxford University Press 2014) 74.

[9] ILC, Report of the Study Group of the ILC onFragmentation of International Law: Difficulties arising from the Diversification and Expansion of International Law”, A/CN.4/L.682, 2006, đoạn 475 – 478.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: