(Cập nhật lần gần nhất: 07/12/2017) Cho đến hiện nay chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào tổng hợp tất cả các bảo lưu mà Việt Nam đã đưa ra, do đó, bài viết này hướng đến việc rà soát, tập hợp từ nhiều nguồn uy tín, có thể xác thực (cả nguồn văn bản trong nước và cơ sở dữ liệu nước ngoài) tất cả các bảo lưu mà Việt Nam từ đưa ra. Qua rà soát thực tiễn bảo lưu điều ước quốc tế của Việt Nam, có thể thấy điều khoản mà Việt Nam lựa chọn bảo lưu nhiều nhất là các điều khoản quy định giải quyết tranh chấp bắt buộc bằng trọng tài, toà án hay hoà giải. Việt Nam cũng một lần rút bảo lưu. Xem thêm post Công ước Viên năm 1969: Bảo lưu điều ước quốc tế.
Theo tổng hợp của tác giả, Việt Nam đưa ra bảo lưu lần đầu tiên là vào năm 1957 (lúc đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) với các Công ước Geneva về luật nhân đạo quốc tế năm 1949.
Bảng tổng hợp dưới đây được xếp theo năm Việt Nam đưa ra bảo lưu.
Năm |
Điều ước quốc tế |
2016 |
Công ước quốc tế về Trấn áp hành vi khủng bố hạt nhân năm 2005 UNTS:[1] “1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không xem Công ước này là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thực hiện việc dẫn độ phù hợp với quy định pháp luật trong nước trên cơ sở các điều ước về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại. 2. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi khoản 1 của Điều 23 Công ước này.” Ghi chú: Điều 23(1) về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc Toà ICJ. |
2015 |
Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) năm 1980 (xem Điều 1, Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN ngày 24/11/2015): “Điều 1. Gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế đã được thông qua vào ngày 11/4/1980 tại Viên, Áo và bảo lưu quy định về hình thức của hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và phần II của Công ước, phù hợp với quy định tại Điều 12 và Điều 96 của Công ước.” Trong Thông báo của Bộ Ngoại giao ngày 05.02.2016 về việc Công ước có hiệu lực với Việt Nam, nội dung trên được cụ thể hoá như sau: “Khi phê chuẩn Công ước nói trên, … Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố theo quy định tại Điều 12 và Điều 96 của Công ước: ‘Bất kỳ quy định nào của Điều 11, Điều 29 hoặc Phần II của Công ước này cho phép hợp đồng mua bán, việc thay đổi hoặc đình chỉ hợp đồng theo sự thoả thuận của các bên hoặc đơn chào hàng hoặc chấp nhận đơn chào hàng hay bất kỳ sự thể hiện ý chí nào của các bên được lập và không phải dưới hình thức viết tay mà dưới bất kỳ hình thức nào sẽ không được áp dụng khi dù chỉ một trong số các bên có trụ sở thương mại đặt ở Việt Nam.'” Ghi chú: Điều 96 của Công ước này cho phép một quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố lựa chọn không áp dụng các Điều 11, 29 và Phần II. |
2014 |
Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn (xem Điều 2, Nghị quyết số 83/2014/QH13 ngày 28/11/2014): “Điều 2 Bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 của Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc nguyên tắc có đi có lại.” Ghi chú: Khi gửi công hàm thông báo cho LHQ, Việt Nam đã điều chỉnh câu chữ của Nghị quyết để chính xác hơn. Theo đó, thay vì bảo lưu khoản 1, Điều 30, được viết lại thành “phù hợp với khoản 2, Điều 30 Việt Nam không xem bị ràng buộc bởi khoản 1, Điều 30.” Khoản 2, Điều 30 cho phép lựa chọn chịu ràng buộc hoặc không đối với khoản 1 của Điều này, do đó, đối với khoản 1, Điều 30, đây là tuyên bố lựa chọn chứ không phải tuyên bố bảo lưu. Quốc gia phản đối (01): Ba Lan phản đối bảo lưu của Việt Nam đối với Điều 8(2) do trái với mục đích và đối tượng của Công ước. |
Công ước về Luật điều chỉnh việc sử dụng không vì mục đích giao thông các dòng chảy quốc tế năm 1997 UNTS:[2] “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo lưu quyền được chọn biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp không phụ thuộc vào quyết định của bên liên quan khác.” Quốc gia phản đối (0): Không |
|
Công ước quốc tế chống hành vi bắt giữ con tin năm 1979 UNTS:[3] “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi quy định tại khoản 1, Điều 16 của Công ước này.” Ghi chú: Điều 16(1) về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc Toà ICJ. |
|
Công ước quốc tế về Trấn áp hành vi đánh bom khủng bố năm 1997 UNTS:[4] “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi quy định tại khoản 1 Điều 20 của Công ước này.” Kèm theo là tuyên bố: “1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố rằng các quy định của Công ước quốc tế về Trấn áp hành vi đánh bom khủng bố không thể tự thực hiện được (non-self-executing) ở Việt Nam. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thực hiện đúng các quy định của Công ước thông qua các cơ chế song phương và đa phương các quy định cụ thể trong nội luật của mình và trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. 2. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 9 của Công ước này, tuyên bố nước này sẽ không xem Công ước này là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thực hiện việc dẫn độ phù hợp với quy định pháp luật trong nước trên cơ sở các điều ước về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.” |
|
Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 UNTS:[5] “Phù hợp với Điều 54, khoản 1 của Công ước, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không chịu ràng buộc bởi Điều 52 của Công ước.” Ghi chú: Điều 52 quy định giải quyết tranh chấp bằng Toà ICJ nếu không thể tự giải quyết với nhau. Điều 54(1) cho phép quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố loại trừ Điều 52. |
|
Công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 UNTS:[6] “Phù hợp với Điều 46, khoản 1 của Công ước, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không chịu ràng buộc bởi Điều 44 của Công ước.” Ghi chú: Điều 44 quy định giải quyết tranh chấp bằng Toà ICJ nếu không thể tự giải quyết với nhau. Điều 46(1) cho phép quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố loại trừ Điều 44. |
|
2011 |
Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 (Quyết định số 2550/2011/QĐ-CTN ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Chủ tịch nước). UNTS: Việt Nam bảo lưu Điều 15(2)[7] về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc Toà ICJ. Quốc gia phản đối (0): Không |
Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công ước Palermo) (Quyết định số 2549/2011/QĐ-CTN ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Chủ tịch nước). Quốc gia phản đối (0): Không |
|
2009 |
Công ước Liên hợp quốc về chống tham những năm 2003 (xem Điều 1, Quyết định số 950/QĐ-CTN ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chủ tịch nước). Việt Nam bảo lưu Điều 66(2) và có tuyên bố kèm theo: “- Phù hợp với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng) và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 26 của Công ước trên). – Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước trên; việc thực hiện các quy định của Công ước trên sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại. – Căn cứ Điều 44 của Công ước trên, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.” Quốc gia phản đối (0): Không |
2007 |
Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá năm 2005 UNTS:[9] “Bằng việc phê chuẩn Công ước, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với khoản 4 Điều 25 của Công ước, tuyên bố nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi quy định tại khoản 3 Điều 25 của Công ước.” Ghi chú: Điều 25(3) quy định giải quyết tranh chấp bằng hoà giải. Điều 25(4) cho phép quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố loại trừ Điều 25(3). |
2006 |
Công ước quốc tế về Bảo vệ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng năm 1961 UNTS:[10] “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với Điều 16(1) của Công ước này, tuyên bố rằng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi quy định tại Điều 12 và điểm (d) Điều 12 của Công ước này.” Ghi chú: Điều 16 là quy định riêng về Bảo lưu, chỉ cho phép quốc gia thành viên bảo lưu một số điều khoản. |
2004 |
Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1979 (xem Điều 2, Quyết định số 332/2004/QĐ-CTN ngày 07/6/2004 của Chủ tịch nước). “Điều 2. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: bảo lưu các quy định tại Điều 33 của Công ước Berne và áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước.” Ghi chú: Ghi chú: Thực chất đây không phải là hành vi bảo lưu mà Việt Nam đang thực hiện quy định ở Điều 33(2) của Công ước này cho phép đưa ra tuyên bố lựa chọn không chịu ràng buộc bởi Điều 33(1) về giải quyết tranh chấp. |
2002 |
Công ước về Trấn áp tài trợ khủng bố năm 1999 UNTS:[11] – Việt Nam bảo lưu Điều 24(1), và tuyên bố quy định của Công ước này sẽ không áp dụng với các tội trong các điều ước dưới đây mà Việt Nam không là thành viên: Công ước về Bảo vệ vật lý nguyên liệu hạt nhân năm 1980. – Ngày 14/02/2014 Việt Nam gửi công hàm cho TTK Liên hợp quốc theo Điều 2(2)(a) liên quan đến tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập rằng Công ước sẽ không áp dụng đối với các điều ước sau: “từ ngày 8 tháng 2 năm 2014, tuyên bố của Việt Nam theo Điều 2.2(a) của Công ước về Trấn áp tài trợ khủng bố năm 1999 sẽ dừng có hiệu lực đối với các Công ước: Công ước quốc tế chống bắt giữ con tin năm 1979, và Công ước quốc tế về Trấn áp đánh bom khủng bố năm 1997.” Quốc gia phản đối (0): Không |
Công ước về Ngăn chặn và trừng phạt tội ác chống lại những người được quốc tế bảo vệ, bao gồm nhân viên ngoại giao năm 1973 UNTS:[12] “Bằng việc gia nhập vào Công ước này, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra bảo lưu đối với khoản 1 Điều 13 của Công ước.” Ghi chú: Điều 13(1) về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc Toà ICJ. |
|
2001 |
Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 UNTS:[13] “Gia nhập vào Công ước này, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra bảo lưu đối với điều 66 của Công ước này.” Quốc gia phản đối (03): Đức do điều 66 là một phần thiết yếu của Công ước và việc bảo lưu của Việt Nam gây nghi ngờ đối với cam kết đầy đủ của Việt Nam đối với mục đích và đối tượng của Công ước; Hà Lan phản đối và loại bỏ các quy định ở Phần V của Công ước trong quan hệ điều ước với Việt Nam; Anh phản đối bảo lưu và không chấp nhận Công ước có hiệu lực trong quan hệ giữa Anh và Việt Nam. |
Nghị định thư tuỳ chọn của Công ước về Quyền của trẻ em trong vấn đề mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm đồi trị trẻ em năm 2000 UNTS:[14] “… nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra bảo lưu với điều 5(1), (2), (3) và (4) của Nghị định thư này.” Ghi chú: Các điều khoản trên liên quan đến dẫn độ (extradition). Ngày 23/06/2009, Việt Nam rút bảo lưu trên. |
|
1997 |
Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961, được sửa đỗi theo Nghị định thư ngày 25 tháng 3 năm 1972 sửa đổi Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961 năm 1975 UNTS:[15] “Chính phủ Việt Nam tuyên bố bảo lưu điều 36, khoản 2 điểm b về Dẫn độ (extradition) và điều 48 khoản 2 về giải quyết tranh chấp của Công ước đơn nhất về các chất ma tuý năm 1961.” |
Công ước về các chất hướng thần năm 1971 UNTS:[16] “Chính phủ Việt Nam tuyên bố bảo lưu đối với điều 22, khoản 2 điểm b về Dẫn độ và điều 31, khoản 2 về giải quyết tranh chấp của Công ước về các chất hướng thần năm 1971.” |
|
Công ước Liên hợp quốc chống mua bán trái phép ma tuý và các chất hướng thần năm 1988 UNTS:[17] “Chính phủ Việt Nam tuyên bố bảo lưu đối với Điều 6 về Dẫn độ, điều 32, khoản 2 và 3 về giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp quốc chống mua bán trái phép ma tuý và các chất hướng thần năm 1988.” |
|
1995 |
Công ước về Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài năm 1958 UNTS:[18] “1. Công ước chỉ áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ quốc gia là thành viên của Công ước này. Đối với quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ của quốc gia chưa ký kết hoặc tham gia Công ước, Công ước được áp dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại. 2. Sẽ chỉ áp dụng Công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại. 3. Mọi việc giải thích Công ước trước toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.” Quốc gia phản đối (0): Không |
1992 |
Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963 (Quyết định số 610/NQ-HĐNN8 ngày 20 tháng 6 năm 1992): “Về khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 58 của Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không cho các cơ quan lãnh sự do viên chức lãnh sự danh dự đứng đầu được sử dụng giao thông ngoại giao, giao thông lãnh sự, va ly ngoại giao, va ly lãnh sự và điện mật mã cũng như sẽ không cho các Chính phủ, các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan lãnh sự khác được sử dụng giao thông ngoại giao, giao thông lãnh sự, va ly ngoại giao, va ly lãnh sự và điện mật mã để liên lạc với các cơ quan lãnh sự do viên chức lãnh sự danh dự đứng đầu, trừ khi được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép trong từng trường hợp một.” |
1988 |
Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946 UNTS:[19] “1. Những bất đồng về giải thích hoặc áp dụng Công ước chỉ được đưa ra giải quyết tại Toà án quốc tế khi có sự thoả thuận của tất cả các bên hữu quan. 2. Ý kiến tư vấn về pháp lý của Toà án quốc tế nêu trong tiết 30, điều 8 của Công ước này, chỉ có giá trị tư vấn, chứ không có giá trị quyết định, trừ phi được các bên hữu quan thoả thuận.” Quốc gia phản đối (01): Anh |
1985 |
Công ước quốc tế về viễn thông năm 1982 (Xem Quyết định số 691-NQ/HĐNN7 ngày 21 tháng 12 năm 1985 của Hội đồng Nhà nước): “Phê chuẩn Công ước quốc tế về viễn thông được thông qua tại Đại hội toàn quyền của Liên minh viễn thông quốc tế (UIT) họp tại Nairobi (Kênya) năm 1982, mà Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với lời tuyên bố bảo lưu ghi số 48 trong Nghị định thư cuối cùng kèm theo Công ước.” |
1984 |
Công ước về Tổ chức Hàng hải Quốc tế năm 1948 UNTS:[20] “Trong khi chấp nhận Công ước về Tổ chức Hàng hải quốc tế, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố ủng hộ mục đích của Tổ chức như được nêu trong Điều 1 của Công ước. Tuy nhiên, xuất phát từ chủ quyền quốc gia, chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác của mình, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ xem xét mọi kiến nghị như được nêu trong Điều 1(1) của Công ước và mọi khuyến nghị bổ sung có liên quan.” |
1983 |
Công ước về việc không áp dụng thời hiệu đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người năm 1968 UNTS:[21] “Gia nhập Công ước này, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam thấy cần thiết phải tuyên bố rằng theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia thì Công ước này phải để ngỏ cho tất cả các nước tham gia, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay hạn chế nào.” |
1982 |
Công ước về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 UNTS:[22] Việt Nam tuyên bố “rằng các quy định của điều 48, khoản 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và điều 26, khoản 1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, theo đó khiến cho một số các quốc gia bị tước bỏ cơ hội trở thành thành viên của các Công ước, có tính chất phân biệt đối xử. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho rằng các Công ước, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, nên được mở cho mọi quốc gia được gia nhập mà không có bất kỳ phân biệt hay hạn chế nào.” Quốc gia phản đối (0): Không |
Công ước về Loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW) UNTS:[23] “Khi thực thi Công ước này, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi quy định tại khoản 1 điều 29.” Quốc gia phản đối (0): Không |
|
Công ước quốc tế về Loại trừ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc năm 1966 UNTS:[24] “1. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố rằng những quy định của khoản 1 điều 17 và khoản 1 điều 18 của Công ước mang tính chất phân biệt đối xử, vì theo những quy định đó, một số nước sẽ không có khả năng trở thành thành viên của Công ước này, và cho rằng theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền các quốc gia thì Công ước phải để ngõ cho tất cả các nước gia nhập mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay hạn chế nào. 2. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc bởi những qui định của điều 22 của Công ước, và cho rằng mọi tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng Công ước muốn được đưa ra Toà án quốc tế thì cần phải có sự thoả thuận của tất cả các bên trong cuộc tranh chấp.” Ghi chú: Năm 1984 Việt Nam có phản đối việc cái gọi là chính phủ Dân chủ Kampuchea phê chuẩn Công ước này. |
|
1981 |
Công ước về Ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng năm 1948 UNTS:[25] Văn kiện nộp ngày 9 tháng 6 năm 1981 “1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chịu ràng buộc của điều IX quy định thẩm quyền tài phán của Toà án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp về giài thích, áp dụng hoặc thực hiện công ước này khi có một trong các bên tranh chấp yêu cầu, và cho rằng Toà án quốc tế chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nói trong điều IX này, khi các bên tranh chấp, trừ bọn tội phạm, đều tán thành trao quyền xét xử cho Toà án. 2. Nước Công hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chấp nhận điều XII và cho rằng tất cả các quy định của công ước này đều phải được áp dụng đối với cả các lãnh thổ chưa giành được quyền tự trị, trong đó gồm cả các lãnh thổ đặt dưới chế độ quản thác. 3. Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thấy điều XI có tính chất phân biệt đối xử, tước bỏ quyền của một số nước gia nhập công ước, và cho rằng công ước này phải được mở cho tất cả các quốc gia đều có quyền được gia nhập.” Quốc gia phản đối (02): Hà Lan phản đối bảo lưu Điều IX của Việt Nam do trái với mục đích và đối tượng của Công ước, và Hà Lan không xem Việt Nam là thành viên của Công ước; Anh. Chính phủ Cộng hoà dân chủ Kampuchea có tuyên bố phủ nhận giá trị pháp lý của việc Việt Nam gia nhập công ước. |
1980 |
Nghị định thư về Cấm sử dụng các chất làm ngạt, khí độc hay các khí khác, và các phương tiện vũ khí sinh học năm 1925 ICRC:[26] “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ chịu ràng buộc bởi Nghị định thư nói trên chỉ trong quan hệ với các quốc gia đã ký và phê chuẩn hoặc gia nhập. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không chịu ràng buộc bởi Nghị định thư nói trên trong quan hệ với các quốc gia thù địch mà lực lượng vũ trang của các nước đó hoặc đồng minh của họ không tôn trọng các quy định của Công ước.” Ghi chú: Đây là một bảo lưu đặc biệt khi (i) có ý định loại trừ hoàn toàn tất cả các điều khoản trong quan hệ với các quốc gia khác với (ii) điều kiện là quốc gia đó là quốc gia thù địch và có quân đội của mình hay đồng minh không tuân thủ quy định của Nghị định thư. Đây có phải là một bảo lưu hay không còn cần xem xét thêm. Tính chất trả đũa có đi có lại trong tuyên bố này (không chịu ràng buộc đối với nước đã vi phạm Nghị định thư) có thể cần xem xét trong quan hệ với Điều 60 Công ước Viên năm 1969 về đình chỉ thi hành, huỷ bỏ điều ước quốc tế khi có vi phạm. |
1957/1973 |
Các Công ước Geneva năm 1949 ICRC:[27] Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1957) và Chính phủ lâm thời cách mạng Miền Nam Việt Nam (1973) gia nhập và đưa ra các bảo lưu: – Điều 10, Công ước Geneva về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh trong lực lượng vũ trang trên chiến trường – Điều 10, Công ước Geneva về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và người bị đắm tàu trong lực lượng vũ trang trên biển – Điều 4, 10, 12 và 85, Công ước Geneva về đối xử với tù binh chiến tranh – Điều 11 và 45, Công ước Geneva về Bảo vệ thường dân trong chiến tranh |
- Cập nhật, bổ sung liên tục theo thông tin có sẵn trên các cơ sở dữ liệu VBQPPL, UNTS và các CSDL online khác
- Các điều ước dưới đây có thể đi kèm với tuyên bố mà tác giả chưa thể xác định được có phải bảo lưu hay không, hoặc các tuyên bố lựa chọn điều khoản.
- Cột “Năm” là năm có hành vi liên quan đến bảo lưu.
Trần H. D. Minh
English summary: Practice in respect to reservations to treaties of Vietnam (last updated: 18/11/2017). There are 30 treaties subject to reservations made by Vietnam. Nearly all of reservations were made to provision concerning compulsory judicial settlement dispute.
—————————————————————————————–
[1] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/No%20Volume/44004/A-44004-Viet%20Nam-0800000280480b3c.pdf
[2] https://treaties.un.org/pages/viewdetails.aspx?src=treaty&mtdsg_no=xxvii-12&chapter=27&clang=_en#EndDec
[3] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/No%20Volume/21931/A-21931-Viet%20Nam-080000028039eebd.pdf
[4] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/No%20Volume/37517/A-37517-Viet%20Nam-080000028039eedf.pdf
[5] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/No%20Volume/15705/A-15705-Viet%20Nam-08000002803d980d.pdf
[6] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/No%20Volume/16743/A-16743-Viet%20Nam-08000002803d9879.pdf
[7] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=XVIII-12-a&chapter=18&lang=en
[8] https://treaties.un.org/pages/viewdetails.aspx?src=ind&mtdsg_no=xviii-12&chapter=18&lang=en#EndDec
[9] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%202466/v2466.pdf, tr. 247 – 248.
[10] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%202402/v2402.pdf, tr. 77.
[11] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=XVIII-11&chapter=18&lang=en#19
[12] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%202182/v2182.pdf
[13] https://treaties.un.org/pages/ViewDetailsIII.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXIII-1&chapter=23&Temp=mtdsg3&clang=_en#EndDec
[14] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%202171/v2171.pdf, tr. 284.
[15] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201996/v1996.pdf, tr. 424.
[16] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201996/v1996.pdf, tr. 427.
[17] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201996/v1996.pdf, tr. 436.
[18] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201887/v1887.pdf, tr. 394.
[19] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201501/volume-1501-A-4-English_French.pdf
[20] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201358/volume-1358-A-4214-English_French.pdf
[21] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201314/volume-1314-A-10823-English_French.pdf
[22] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&clang=_en#EndDec
[23] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-8&chapter=4&lang=en#EndDec
[24] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201279/volume-1279-A-9464-English_French.pdf
[25] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%201228/volume-1228-A-1021-English_French.pdf
[26] https://ihl-databases.icrc.org/applic/ihl/ihl.nsf/Notification.xsp?action=openDocument&documentId=050F03D85CC6470CC1256402003F7689, trích dẫn lại theo Schindler/Toman, The Law of Armed Conflicts, Martinus Nijhoff Publishers, 1988, tr. 127.
[27] https://ihl-databases.icrc.org/applic/ihl/ihl.nsf/Notification.xsp?action=openDocument&documentId=3092893761F8178BC1256402003F9940