[39] Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế ở Việt Nam

(Cập nhật lần gần nhất: 23.7.2020). Theo Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016, có hai trường hợp quy định điều ước quốc tế (ĐUQT) có thể được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam.[1] Trường hợp thứ nhất ở khoản 1 khi quy định của ĐUQT xung đột/khác với quy định của pháp luật Việt Nam về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định ĐUQT. Trường hợp thứ hai là khi có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp của Quốc hội, Chủ tịch nước hay Chính phủ khi thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc bởi một ĐUQT. Thực tế cho thấy rất hiếm trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trên có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp.

Dưới đây là danh sách các ĐUQT mà quyết định của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ đồng ý chịu ràng buộc bởi một ĐUQT có điều khoản minh thị cho phép áp dụng trực tiếp ở Việt Nam (số lượng: 08).

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy (tháng 4.2021), trên thực tế hầu hết các ĐUQT ở Việt Nam đều được áp dụng trực tiếp và được thể hiện trong hồ sơ đề nghị ký kết ĐUQT chứ không trong quyết định đồng ý chịu ràng buộc bởi một ĐUQT của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Điều này đặt ra câu hỏi tiêu chí nào để xác định khi nào thì quyết định cho phép áp dụng trực tiếp ĐUQT sẽ được quy định minh thị trong quyết định của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ, và khi nào thì ghi nhận trong hồ sơ đề nghị ký kết ĐUQT. Hơn nữa, câu hỏi quan trọng hơn là thực tiễn này có thể hàm ý rằng khi phê chuẩn, phê duyệt một ĐUQT, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ đã phải đồng ý với tất cả mọi nội dung trong hồ sơ ký kết ĐUQT, không chỉ liên quan đến vấn đề áp dụng trực tiếp. Hồ sơ, theo đó, chính là nội dung của quyết định phê chuẩn, phê duyệt.

Ngoài ra, việc áp dụng trực tiếp ĐUQT không được ghi minh thị trong quyết định đồng ý chịu ràng buộc của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ đặt ra yêu cầu là việc hiểu đúng và áp dụng đúng quyết định của các cơ quan này cần phải tìm đọc hồ sơ đề nghị ký kết ĐUQT, trong khi hồ sơ này không có sẵn để tiếp cận. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có nên đưa thẳng việc áp dụng trực tiếp vào trong quyết định của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ (hoặc trong thông báo ĐUQT có hiệu lực của Bộ Ngoại giao) để đơn giản hóa và minh thị hóa. Bởi vì đây là các văn bản được đăng công khai trên Công báo Chính phủ nên dễ dàng tiếp cận cho mọi đối tượng, bao gồm những nhà nghiên cứu không có cơ hội tiếp cận hồ sơ đề nghị ký kết ĐUQT.

Năm

Điều ước quốc tế

2020

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IVIPA)  – Áp dụng trực tiếp một phần (xem Điều 2, Nghị quyết số 103/2020/QH104 của Quốc hội ngày 08 tháng 6 năm 2020).

Ghi chú: Áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định này.

2020

Hiệp định Thương mại tự do giư4a Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – Áp dụng trực tiếp một phần và có điều kiện (xem Điều 2, Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội ngày 08 tháng 6 năm 2020).

Ghi chú: Áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết này, và các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.

2019

Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 05 tháng 10 năm 2019 – Áp dụng trực tiếp toàn bộ (xem Điều 2, Nghị quyết số 98/2019/QH14 của Quốc hội ngày 27 tháng 11 năm 2019).

2017

Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào năm 2016 – Áp dụng trực tiếp toàn bộ (xem Điều 2, Nghị quyết của Quốc hội số 40/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017).

2017

Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào năm 2007 – Áp dụng trực tiếp toàn bộ (xem Điều 2, Nghị quyết số 39/2017/QH14 của Quốc hội ngày 19 tháng 6 năm 2017).

2016

Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2016 – Áp dụng trực tiếp toàn bộ (xem Điều 2, Nghị quyết số 135/2016/QH13 của Quốc hội ngày 9 tháng 04 năm 2016).

2013

Thoả thuận về sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Việt Nam và Căm-pu-chia để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán năm 2013 – Áp dụng trực tiếp toàn bộ (xem Điều 2, Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 03 năm 2013).

2006

Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 – Áp dụng trực tiếp một phần (xem Đoạn 2 và Phụ lục – Nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam, Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2006).

Ghi chú: Phụ lục của Nghị quyết liệt kê các quy định cụ thể của các luật sẽ không còn được áp mà sẽ áp dụng các cam kết WTO thay thế. Cụ thể là các quy định của 07 luật hiện hành tại thời điểm đó: Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật dân sự 2006, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật điện ảnh năm 2006.

Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:

  1. Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
  2. Định nghĩa “điều ước quốc tế”
  3. Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
  4. Các bước ký kết điều ước quốc tế
  5. Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
  6. Hiệu lực của điều ước quốc tế
  7. Áp dụng các điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề (xung đột điều ước)
  8. Sửa đổi và bổ sung điều ước
  9. Vô hiệu điều ước
  10. Huỷ bỏ, đình chỉ thi hành điều ước
  11. Giải thích điều ước quốc tế

English summary: Practice in respect of direct application of treaties in Vietnam (last updated: 18/11/2017). Up to date, five (05) treaties to which Vietnam is a party are allowed to apply directly in Vietnam without any further domestic procedure. Four treaties are applied directly in whole, the other is partly.

———————————————

[1] Xem thêm Trần Hữu Duy Minh, Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước quốc tế ở Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 3(189), tháng 3 năm 2016, tr. 38 – 46, xem tại http://iuscogens-vie.com/2017/03/25/10/

16 bình luận về “[39] Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế ở Việt Nam

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: