[91] Công ước Viên 1969: Áp dụng các điều ước điều chỉnh cùng một vấn đề

Thế nào là “cùng một vấn đề”? – Điều 103 Hiến chương Liên hợp quốc – Lex posterior – Lex specialis – Trách nhiệm pháp lý

Không hiếm các trường hợp các quốc gia ký kết nhiều điều ước quốc tế có phạm vi và đối tượng điều chỉnh giống nhau. Mà tất cả các điều ước quốc tế đó đều đang có hiệu lực. Hiện tượng này dẫn đến cùng một vấn đề lại được điều chỉnh bởi nhiều điều ước quốc tế cùng một lúc. Theo nguyên tắc pacta sunt servanda, quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí tất cả các điều ước quốc tế đó. Trong trường hợp các điều ước mang tính chất bổ sung cho nhau, không trái nhau, thì việc áp dụng đồng thời các điều ước không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Đây là trường hợp thông thường trên thực tế, vì trước khi ký kết một điều ước quốc tế mới, các quốc gia sẽ rà soát, kiểm tra tính tương thích giữa điều ước định ký kết và các điều ước đang có hiệu lực. Nếu xung đột thì sẽ hủy bỏ điều ước cũ, điều chỉnh điều ước mới hoặc có quy định trong điều ước mới để giải quyết trường hợp xung đột có thể xảy ra.

Ngược lại, trong trường hợp, các quốc gia không rà soát hoặc rà soát nhưng không lường trước khả năng xung đột. Khi xung đột phát sinh, các quốc gia sẽ đối mặt với một tình huống không dễ chịu gì: khi thực thi đồng thời các điều ước là không thể, việc lực chọn một trong các điều ước để thực hiện sẽ dẫn đến vi phạm các điều ước khác. Vậy luật điều ước quốc tế và Công ước Viên có quy định nào để giải quyết tình huống này? Điều 30 của Công ước Viên quy định về “Áp dụng các điều ước nối tiếp nhau liên quan đến cùng một vấn đề” – Application of successive treaties relating to the same subject-matter.

article 30

“cùng một vấn đề”

Trước khi đi vào phân tích năm khoản của Điều 30, vấn đề đầu tiên cần được đề cập là hiểu thế nào về “cùng một vấn đề” (the same subject-matter). Điều 30 và thuyết minh của ILC khi dự thảo nên điều này không đưa ra bất kỳ tiêu chí cụ thể nào. Hiểu theo một cách chặt chẽ thì cùng một vấn đề có thể được xác định theo ngành luật, ví dụ nhân quyền, thương mại, môi trường, luật biển,… Tuy nhiên, cách hiểu thế là không thực sự hợp lý vì rõ ràng có những vấn đề được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật trên thực tế, ví dụ khía cạnh nhân quyền hay môi trường trong luật thương mại quốc tế chẳng hạn.[1]

Một nhóm nghiên cứu do ILC thành lập đề xuất rằng tiêu chí để xác định các điều ước về cùng một vấn đề nên tập trung vào câu hỏi liệu việc thực thi một nghĩa vụ của một điều ước này có ảnh hưởng đến việc thực thi nghĩa vụ của một điều ước khác hay không.[2] “Ảnh hưởng” có thể theo hai hướng: hoặc dẫn đến không thể thực thi một trong các điều ước hoặc phá hủy mục đích và đối tượng của một điều ước.[3] Villiger cũng đồng ý như thế, tiêu chí quan trọng nhất có thể là việc các điều ước đó có đồng thời được áp dụng hay không. Theo đó, “xung đột có thể phát sinh trong trường hợp các quy định của một điều ước ký kết trước và sau cùng liên quan đến một vấn đề, nhưng không thể phù hợp với nhau theo nghĩa rằng chúng không thể được áp dụng đồng thời.”[4]

Hiến chương Liên hợp quốc – điều ước đặc biệt được ưu tiên áp dụng

Khoản 1 Điều 30 xác lập một nguyên tắc rằng các quy định được ghi nhận ở Điều 30 sẽ áp dụng vào trường hợp điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề, trừ trường hợp được trù định ở Điều 103 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 103 quy định Hiến chương có vị trí đặc biệt “cao” hơn, “ưu tiên” hơn hẳn so với tất cả các điều ước quốc tế khác:

“Trong trường hợp có sự xung đột giữa nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương này và nghĩa vụ theo bất cứ một thỏa thuận quốc tế nào khác thì nghĩ vụ theo Hiến chương này sẽ được ưu tiên hơn.

Article 103 of the United Nations Charter

In the event of a conflict between the obligations of the Members of the United Nations under the present Charter and their obligations under any other international agreement, their obligations under the present Charter shall prevail.

Như vậy, trong quan hệ điều ước giữa 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, trong mọi trường hợp xung đột giữa Hiến chương và các điều ước quốc tế khác, các quốc gia sẽ phải thực thi Hiến chương. Việc không thực thi nghĩa vụ trong các điều ước khác không được xem là vi phạm, và không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia liên quan.

Lex posterior derogat legi priori

Khoản 3 Điều 30 Công ước Viên ghi nhận một quy định có nguồn gốc từ pháp luật quốc gia – nguyên tắc lex posterior derogate legi priori: luật ra đời sau được ưu tiên so với luật ra đời trước. Khi các quốc gia là thành viên của một điều ước quốc tế ra đời trước đồng thời cũng là thành viên của một điều ước ra đời sau đó, mà điều ước ra đời trước không bị hủy bỏ hay đình chỉ thi hành, thì điều ước ra đời trước đó chỉ có thể áp dụng trong chừng mực phù hợp với điều ước ra đời sau. Ví dụ như Canada và Đan Mạch là thành viên của cả Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958 và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cả hai Công ước này đều đang có hiệu lực, nhưng Công ước Geneva chỉ được áp dụng trong quan hệ hai nước nếu các quy định trong đó không trái với UNCLOS. Định nghĩa về thềm lục địa trong hai Công ước là khác nhau, do đó, định nghĩa trong UNCLOS sẽ được áp dụng.

Khoản 4 Điều 30 quy định một trường hợp đặc biệt khi một quốc gia đồng thời là thành viên của hai điều ước, nhưng một quốc gia khác chỉ là thành viên của một trong hai điều ước. Khi đó, đối với quốc gia đồng thời là thành viên của hai điều ước, điều ước nào mà cả hai nước cùng là thành viên sẽ được áp dụng, bất kể điều ước đó ra đời trước hay sau.[5] Ví dụ như Canada và Mỹ đều là thành viên của Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958. Canada là thành viên của UNCLOS, nhưng Mỹ thì không. Như vậy, trừ khi có quy định tập quán khác, trong quan hệ giữa Canada và Mỹ, Canada phải áp dụng Công ước Geneva năm 1958.

Lex specialis derogat legi generali

Một quy định khác cũng đôi khi được áp dụng, nhưng không được ghi nhận trong Công ước Viên 1969, để giải quyết xung đột giữa những điều ước quốc tế về cùng một vấn đề là nguyên tắc lex specialis derogate legi generali: luật cụ thể được ưu tiên so với luật chung. Nguyên tắc này có thể được hiểu theo hai cách.[6] Một là quy định cụ thể được xem là nội hàm được cụ thể hóa của quy định chung khi áp dụng vào một tình huống cụ thể. Hai là quy định cụ thể được xem là một ngoại lệ của quy định chung. Khác với nguyên tắc lex posterior, việc xác định một điều ước là “chung” hay “cụ thể” không phải dễ dàng.[7]

Xem thêm nguyên tắc này và cả nguyên tắc lex posterior trong Báo cáo năm 2006 của nhóm nghiên cứu về tình trạng phân mảnh của luật quốc tế (fragmentation of international law).

Trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh

Khoản 5 Điều 30 ghi nhận rằng các quy định xác định ưu tiên ở khoản 4 không ảnh hưởng đến vấn đề trách nhiệm pháp lý. Nếu việc áp dụng một điều ước dẫn đến vi phạm quyền của một quốc gia khác, thì quốc gia bị vi phạm có quyền yêu cầu quốc gia vi phạm chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế.[8]

Trần H. D. Minh

Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:

  1. Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
  2. Định nghĩa “điều ước quốc tế”
  3. Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
  4. Các bước ký kết điều ước quốc tế
  5. Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
  6. Hiệu lực của điều ước quốc tế
  7. Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
  8. Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
  9. Sửa đổi và bổ sung điều ước
  10. Vô hiệu điều ước
  11. Huỷ bỏ, đình chỉ thi hành điều ước
  12. Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế, Các cách tiếp cận ngoài Công ước Viên năm 1969, và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.

————————————————————————————-

[1] Report of the Study Group of the International Law Commission, Fragmentation of International Law: Difficulties arising from the diversification and expansion of international law (2006) Doc. A/CN.4/L.682 129 – 130 [253]-[254] xem tại http://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_l682.pdf (truy cập ngày 13/7/2018).   [2] Như trên 130 [254].   [3] Như trên.

[4] ME Villiger, The Commentary on the 1969 Vienna Convention on the Law of Treaties (Brill 2009) 402.

[5] Công ước Viên năm 1969, Điều 30(4)(b).

[6] Report of the Study Group of the International Law Commission, Fragmentation of International Law: Difficulties arising from the diversification and expansion of international law (2006) Doc. A/CN.4/L.682 35 [56] xem tại http://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_l682.pdf (truy cập ngày 13/7/2018).   [7] Như trên, 36 [58].

[8] ILC, Draft Articles on the Law of Treaties 1966, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission 1966, vol. II (United Nations 1967) 217 [11].

17 bình luận về “[91] Công ước Viên 1969: Áp dụng các điều ước điều chỉnh cùng một vấn đề

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: