Nguồn của nguyên tắc – Nội dung chính – Ngoại lệ
Luật pháp quốc tế có 07 nguyên tắc cơ bản, có vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật quốc tế sau Thế chiến thứ hai đến nay. Các bài viết trước đã phân tích các nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (và ngoại lệ quyền tự vệ chính đáng), nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này), nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Bài viết này sẽ phân tích một trong các nguyên tắc đó: nguyên tắc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đang có hiệu lực. Cấu trúc phân tích gồm 04 phần: Nguồn – Nội dung chính – Áp dụng cho mọi nghĩa vụ pháp lý quốc tế? – Ngoại lệ.
I. Nguồn của nguyên tắc
Xuất phát điểm của nguyên tắc này là nguyên tắc thiện chí thực thi các điều ước quốc tế – nguyên tắc pacta sunt servanda. Nguyên tắc pacta sunt servanda đã tồn tại lâu đời trong luật pháp quốc tế – có thể xem là “nguyên tắc lâu đời nhất của luật pháp quốc tế.”[1] Nguyên tắc này là một nguyên tắc cơ bản của luật điều ước quốc tế,[2] được xem là một quy định có tính chất “hiến định” điều chỉnh việc thực thi tất cả các điều ước quốc tế trong luật quốc tế. Điều 26 của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 ghi nhận lại nguyên tắc này như sau: “Mỗi điều ước quốc tế đang có hiệu lực đều ràng buộc các bên thành viên của điều ước đó và phải được các bên thực thi một các thiện chí.”
II. Nội dung chính
Nguyên tắc pacta sunt servanda có hai nội dung chính: (1) các điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc, và (2) các bên ký kết có nghĩa vụ phải thực thi các điều ước đó một cách thiện chí. Thứ nhất, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với các bên ký kết thì đều ràng buộc (binding) đối với các bên đó, bất kể chính điều ước quốc tế có ghi nhận trong điều khoản về nguyên tắc pacta sunt servanda hay không. Một điều ước quốc tế đang có hiệu lực thì sẽ tạo ra ràng buộc pháp lý đối với quốc gia thành viên. Nội dung này có tính chất đương nhiên, minh thị, và không thể phủ nhận, và cũng không cần thiết chứng minh thêm. Ở đây, nguyên tắc pacta sunt servanda có hai điều kiện để có thể áp dụng: văn kiện liên quan phải là điều ước quốc tế (xem thêm post về định nghĩa điều ước quốc tế) và đã bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia thành viên (xem thêm post về hiệu lực của điều ước quốc tế, phần hiệu lực theo thời gian). Điều ước “đang có hiệu lực” cũng bao gồm cả trường hợp áp dụng tạm thời điều ước theo Điều 25 của Công ước Viên 1969 (provisional application).[3] Điều ước không “đang có hiệu lực” bao gồm điều ước chưa có hiệu lực, điều ước bị vô hiệu, và điều ước đã bị đình chỉ thi hành hay hủy bỏ.
Thứ hai, các bên ký kết có nghĩa vụ phải thực thi các điều ước đang có hiệu lực một cách thiện chí. Khi điều ước đã bắt đầu có hiệu lực ràng buộc, thì các quốc gia cũng bắt đầu phải thực thi điều ước quốc tế đó, và phải thực thi theo cách thức thiện chí. “Thiện chí” (good faith) là một nguyên tắc của luật quốc tế, mặc dù nội hàm có thể không xác định được rõ ràng. Năm 1974, Tòa ICJ trong Vụ thử hạt nhân nhận định rằng:
“Một trong những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh việc xác lập và thực thi các nghĩa vụ pháp lý, bất kể thuộc nguồn nào, là nguyên tắc thiện chí. Sự tin tưởng, tin cậy là bản chất của hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong thời đại mà hợp tác trong nhiều lĩnh vực đang trở thành một phần thiết yếu. Cũng giống như nguyên tắc pacta sunt servanda trong luật điều ước quốc tế cũng dựa vào sự thiện chí, tính chất ràng buộc của một nghĩa vụ quốc tế được xác lập bằng tuyên bố đơn phương cũng dựa trên sự thiện chí. Do đó, các quốc gia có lợi ích liên quan có thể ghi nhận tuyên bố đơn phương và tin tưởng vào các tuyên bố đó, và có quyền yêu cầu nghĩa vụ được tạo ra từ các tuyên bố này phải được tôn trọng.”[4]
Nguyên tắc thiện chí là nội hàm không thể tách rời của nguyên tắc pacta sunt servanda.[5] Nội hàm của nguyên tắc thiện chí rất khó để xác định, mà có thể dễ xác định nhất khi xem xét từng trường hợp cụ thể. Anthony Aust lấy ví dụ về một trường hợp áp dụng nguyên tắc thiện chí như sau. Điều 23(1) của Hiến chương Liên hợp quốc quy định ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Cộng hòa Trung Hoa và Liên Xô. Nếu giải thích bám sát câu chữ thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hòa và Nga không thể là ủy viên thường trực cho đến khi sửa đổi Hiến chương. Anthony Aust cho rằng giải thích như thế không thiện chí (an act of bad faith).[6] Áp dụng tương tự với Điều 7 của Công ước Viên 1969 cũng như thế: Điều 7 quy định người đại diện quốc gia dùng từ “ông ấy” (He), và sẽ không thiện chí nếu cho rằng phụ nữ không thể làm đại diện quốc gia.
III. Áp dụng cho tất cả các cam kết quốc tế?
Hầu hết các thảo luận đều chỉ xem nguyên tắc pacta sunt servanda là một nguyên tắc của luật điều ước quốc tế, hay chỉ áp dụng đối với điều ước quốc tế. Điều này là đúng, bởi vì từ “pacta” có nghĩa là thỏa thuận, là hợp đồng, là điều ước, và vì nguyên tắc này ghi nhận chính yếu trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969.
Tuy nhiên, nguyên tắc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế có nội hàm rộng hơn so với nguyên tắc pacta sunt servanda, theo đó, nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ tất cả cam kết quốc tế (bao gồm cả điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc pháp luật chung hay hành vi pháp lý đơn phương). Như trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế (Nghị quyết 2526 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc) – văn bản được xem là giải thích có giá trị (authoritative interpretation) của các nguyên tắc cơ bản ghi nhận trong Hiến chương – nguyên tắc pacta sunt servanda được giải thích rõ ràng áp dụng cho tất cả các nghĩa vụ pháp lý bất kể nguồn chứa đựng: Mỗi Quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí các nghĩa vụ của mình “theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi và các quy định của luật pháp quốc tế” (its obligations under the generally recognized principles and rules of international law).
Theo Tòa ICJ trong Vụ thử hạt nhân nêu trên, Tòa cho rằng chính nguyên tắc thiện chí mới là cơ sở pháp lý để xác lập tính chất ràng buộc của tất cả nghĩa vụ pháp lý trong luật quốc tế, bất kể nguồn thể hiện.[7]
IV. Ngoại lệ
Không có ý kiến học giả hay án lệ nào đề cập đến ngoại lệ của nguyên tắc pacta sunt servanda. Nếu có thể xem là ngoại lệ thì có thể là có hai trường hợp. Thứ nhất là nghĩa vụ thực thi Hiến chương Liên hợp quốc khi có xung đột với các điều ước khác. Điều 103 Hiến chương quy định:
“Trong trường hợp có xung đột giữa nghĩa vụ của Thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương này và nghĩa vụ theo bất kỳ thỏa thuận quốc tế khác, nghĩa vụ theo Hiến chương này được ưu tiên áp dụng.”
Như vậy, nguyên tắc pacta sunt servanda sẽ không được xem là bị vi phạm nếu một quốc gia từ chối thực thi một nghĩa vụ điều ước để thực thi nghĩa vụ theo Hiến chương.
Trường hợp ngoại lệ thứ hai có thể là trong trương hợp đình chỉ thi hành điều ước. Điều 72 Công ước Viên quy định về hệ quả pháp lý phát sinh khi đình chỉ thi hành điều ước quy định rằng: Khi điều ước quốc tế bị đình chỉ thi hành, các bên không phải thực thi điều ước trong thời gian đình chỉ. Mặc khác, Điều 72(1)(b) cũng nhấn mạnh việc đình chỉ thi hành không ảnh hưởng đến quan hệ pháp lý giữa các bên được xác lập bởi điều ước đó. Điều đó có nghĩa là điều ước vẫn có hiệu lực ràng buộc giữa các bên, dù đã bị đình chỉ thi hành. Như vậy, nguyên tắc pacta sunt servanda cũng có thể được xem là tạm thời không áp dụng dù rằng điều ước vẫn có hiệu lực (in force). Hơn nữa, Điều 72(3) quy định rằng trong thời gian đình chỉ, các bên không được có hành vi làm cho việc tái thực thi điều ước không thể thực hiện được. Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) thuyết minh khoản 3 này như sau:
“Ủy ban cho rằng nghĩa vụ này đã ngầm định ngay trong bản chất của khái niệm ‘đình chỉ’, và là nghĩa vụ áp đặt lên các bên theo nguyên tắc pacta sunt servanda về thực thi điều ước một cách thiện chí.”[8]
Trần H.D. Minh
—————————————————————–
[1] MN Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 904.
[2] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Draft articles on the law of treaties 1966, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commissionn 1966, vol. II (United Nations 1967) 211 [1]. [3] Như trên, 211 [3].
[4] Vụ thử hạt nhân (Australia v Pháp) [1974] (Phán quyết) ICJ Rep 253, 268 [46].
[5] ILC (n 2) 211 [2].
[6] A Aust, ‘Pacta sunt servanda’ trong Max Planck Encyclopedia of Public International Law [MPEPIL].
Theo quan điểm của mình thì ngoại lệ của nguyên tắc này còn các trường hợp: – Khi mà đối tượng của các cam kết không còn; – Xuất hiện quy phạm Juscogens mới mà các cam kết trái với Juscogens này; Một bên có sự vi phạm nghiêm trọng; – Khi xuất hiện sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khách quan.
Cảm ơn Đức Quân đã có comment!
Các trường hợp bạn nêu là căn cứ để chấm dứt hiệu lực hoặc đình chỉ thi hành điều ước quốc tế. Trong trường hợp đình chỉ thi hành thì có thể xem là ngoại lệ của nguyên tắc pacta sunt servanda (vì điều ước vẫn còn hiệu lực nhưng không cần thi hành). Còn nếu sử dụng các căn cứ trên để chấm dứt hiệu lực thì điều ước quốc tế không còn hiệu lực và không thuộc phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc (nguyên tắc chỉ áp dụng đối với “a treaty in force” như quy định ở Điều 26 Công ước Viên năm 1969.
Duy Minh