Vùng chồng lấn là một khu vực biển mà hai hay nhiều quốc giađều có yêu sách hợp pháp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (‘Công ước’). Vùng chồng lấn thường xuất hiện giữa các quốc gia có bờ biển liên kế nhau hoặc đối diện nhau nhưng khoảng cách giữa bờ biển các nước này không đủ để mỗi nước xác lập chiều rộng tối đa cho các vùng biển của mình mà không chồng lấn lên nhau. Ví dụ như vùng chồng lấn lãnh hải giữa hai nước có bờ biển đối diện nhau nhưng khoảng cách giữa các bờ biển dưới 24 hải lý, tạo ra một khu vực biển nằm giữa hai nước nơi mà yêu sách 12 hải lý lãnh hải của từng nước chồng lên nhau. Đối với các vùng biển rộng lớn hơn như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khả năng xuất hiện vùng chồng lấn là rất lớn. Trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến vùng chồng lấn thềm lục địa.
Đối với vùng chồng lấn thềm lục địa, các quốc gia thường tiến hành phân định biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn chưa phân định được, Điều 83(3) của Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia liên quan trong vùng chồng lấn thềm lục địa. Cụ thể: “[…] các quốc gia liên quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ nỗ lực hết sức mình để đạt được các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn, và trong giai đoạn quá độ, không gây phương hại hay cản trở đến việc đạt được thoả thuận cuối cùng. Các dàn xếp như thế không ảnh hưởng đến việc phân định cuối cùng.”
Cho đến hiện nay đã có hai phán quyết của các toà án và trọng tài luật biển giải thích và áp dụng điều khoản này, cụ thể là phán quyết trọng tài năm 2007 trong vụ Guyana vs Suriname[1] và phán quyết của Viện đặc biệt thuộc Toà ITLOS năm 2017 trong vụ Phân định biển giữa Ghana và Côte d’Ivoire.[2] Nội dung liên quan đến Điều 83(3) trong phán quyết vụ Guyana vs Suriname đã được tác giả phân tích trước đây,[3] và sẽ được tóm tắt lại ý chính làm cơ sở để đối chiếu với nội dung tương ứng trong phán quyết vụ Ghana và Côte D’Ivoire mới đây.
- Điều 83(3) trong vụ Guyana vs Suriname (2007)[4]
Toà trọng tài giải thích rằng Điều 83(3) và quy định tương tự áp dụng cho vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế ở Điều 74(3) quy định hai nghĩa vụ cụ thể cho các quốc gia liên quan: nghĩa vụ nỗ lực đạt được một dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và nghĩa vụ nỗ lực không gây phương hại hay cản trở đến việc đi đến một thoả thuận phân định cuối cùng. Hai nghĩa vụ này cần được thực hiện “trên tinh thần hiểu biết và hợp tác”.
Nghĩa vụ đầu tiên yêu cầu các bên cần phải có nỗ lực để đạt được một dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn nhằm thiết lập một cơ chế hợp tác tạm thời để khai thác, sử dụng các tài nguyên của vùng biển chồng lấn trong khi chưa thể phân định biển. Điều này sẽ giúp mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan. Tòa Trọng tài cho rằng các bên, “trên tinh thần hiểu biết và hợp tác,” phải tiến hành đàm phán một cách có thiện chí và sẵn sàng đưa ra các nhượng bộ cần thiết với cách tiếp cận hòa giải. Cần lưu ý rằng nghĩa vụ này không bắt buộc các quốc gia phải đạt được một dàn xếp hay thỏa thuận tạm thời, nghĩa vụ này nhấn mạnh đến “nỗ lực” của các quốc gia.
Nghĩa vụ thứ hai yêu cầu các bên cần nỗ lực không gây phương hại hay cản trở đến việc đi đến một thỏa thuận phân định cuối cùng. Mục đích của nghĩa vụ này nhằm đặt ra giới hạn cho các hoạt động đơn phương của các quốc gia liên quan trong vùng biển chồng lấn chưa phân định. CƯLB không cấm mọi hành vi, hoạt động đơn phương trong vùng biển chồng lấn. Các quốc gia liên quan có quyền tự mình thực hiện một số các hoạt động trong vùng biển này như việc thăm dò địa chấn (seismic test). Nhưng một số hoạt động khác thì cần thiết phải có thỏa thuận của tất cả các bên liên quan, như việc khai thác tài nguyên dầu khí chẳng hạn, bởi lẽ các hoạt động này sẽ xâm phạm vào quyền và lợi ích của các bên liên quan khác.
Các hoạt động không được phép thực hiện đơn phương là các hoạt động có khả năng tạo ra sự thay đổi, biến đổi thực tế đối với môi trường biển một cách vĩnh viễn, ví dụ như hoạt động khai thác dầu khí.
Các giải thích trên của Toà trọng tài có thể nói là dựa trên cách giải thích Điều 83(3) trong Virginia Comentary Volume II xuất bản năm 1993.[5] Virginia Commentary là một bộ sách thuộc loại kinh điển trong luật biển quốc tế, được viết dựa trên các tài liệu, biên bản đàm phán tại Hội nghị Luật Biển lần III (1973 – 1982). Do đó có thể nói Toà trọng tài đã cố gắng bám chặt vào ý định của các quốc gia khi đàm phán Điều 83(3) để đưa ra một cách giải thích hợp lý và dễ chấp nhận nhất trong phán quyết đầu tiên về điều khoản này. Cách tiếp cận của Toà trọng tài khá chắc chắn và đáng tin cậy. Tuy nhiên, phán quyết năm 2017 của Viện đặc biệt của Toà ITLOS trong vụ Phân định biển giữa Ghana và Côte d’Ivoire có vẻ đã có sự khác biệt.
- Điều 83(3) trong vụ Ghana và Côte d’Ivoire (2017)
2.1. Quan điểm và lập luận của hai bên
Trong vụ này, Côte d’Ivoire đã yêu cầu Viện đặc biệt xem xét và phán quyết rằng Ghana đã vi phạm nghĩa vụ trong vùng chồng lấn theo Điều 83(3) của Công ước khi Ghana đã: (i) có các hoạt động kinh tế đơn phương, bao gồm hoạt động khoan dầu khí, (ii) không thông báo trước cho Côte d’Ivoire về ý định thực hiện các hoạt động này, và (iii) không thông báo cho Côte d’Ivoire về sự tồn tại của các mỏ dầu khí chồng lấn.[6] Côte d’Ivoire cho rằng “‘các hoạt động của Ghana trong vùng biển tranh chấp, cùng với sự không linh hoạt của nước này trong đàm phán, đã gây cản trở việc ký kết thoả thuận phân định’ và rằng ‘thái độ của Ghana lại càng không phù hợp với tinh thần của điều 83 khi nước này đang đàm phán với Côte d’Ivoire thì lại công khai thúc đẩy các hoạt động của mình trong vùng biển tranh chấp.’”[7] Lập luận của Côte d’Ivoire bám sát vào kết luận trong phán quyết năm 2007 của Toà trọng tài trong vụ Guyana vs Suriname.
Ở phía đối diện, Ghana bác bỏ các lập luận của Côte d’Ivoirve. Nước này cho rằng các hoạt động của Ghana mà Côte d’Ivoire cho rằng là vi phạm nghĩa vụ theo Điều 83(3) thực chất là việc tiếp tục các hoạt động kinh tế đã định hình từ nhiều năm. Các hoạt động này không phải là hoạt động mới mà những hoạt động tương tự đã được thực hiện nhiều thập kỷ tại khu vực có liên quan. Cách giải thích Điều 83(3) của Ghana cũng có nhiều điểm thú vị. Ghana nhấn mạnh lại là “Điều 83(3) không áp đặt nghĩa vụ nhất định phải đạt được dàn xếp tạm thời, và một Quốc gia không vi phạm quy định này chỉ bởi không đạt được dàn xếp như thế, chừng nào [quốc gia đó] vẫn có nỗ lực thiện chí theo hướng đó.”[8] Ghana cho rằng Điều 83(3) không cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế trong vùng biển tranh chấp.[9] Việc đánh giá một hoạt động không phải dựa trên cơ sở tác động lý của hoạt động đó mà dựa trên cơ sở tác động có thể có đối với tiến trình đạt được thoả thuận phân định cuối cùng.[10] Theo đó, các hoạt động trong vùng chồng lấn cần được xem xét ở khía cạnh là liệu các hoạt động này có đi ngược lại nguyên trạng (status quo) của khu vực đó và gây cản trở việc đạt được thoả thuận phân định hay không.[11] Ghana cũng cho rằng Côte d’Ivoire cũng chưa từng đề xuất đàm phán các dàn xếp tạm thời với Ghana, mà chỉ ‘nằng nặt’ yêu cầu Ghana chấm dứt các hoạt động của mình.
So với phán quyết năm 2007 trong vụ Guyana vs Suriname, điểm giống nhau là Ghana duy trì cho rằng không phải tất cả các hoạt động đơn phương đều bị cấm và nghĩa vụ theo Điều 83(3) chỉ là một nghĩa vụ nỗ lực. Nhưng ở điểm khác, cơ bản quan điểm của Ghana đi theo một hướng mới, có vẻ đối lập với quan điểm của Toà trọng tài trong vụ Guyana vs Suriname. Ghana đã thay tiêu chí “tác động vật lý không thể khắc phục đến đáy biển và môi trường biển” thành “tác động đến tiến trình đạt được thoả thuận phân định cuối cùng.”
2.2. Kết luận của Viện đặc biệt
Dù không trích dẫn lại phán quyết năm 2007 nhưng Viện đặc biệt cũng chung quan điểm khi cho rằng Điều 83(3) bao gồm hai nghĩa vụ liên quan nhau và hai nghĩa vụ này là nghĩa vụ hành vi (obligation of conduct) chứ không phải là nghĩa vụ kết quả (obligation of result).[12] Ở những điểm khác, Viện đặc biệt có cách tiếp cận khác so với Toà trọng tài trong vụ Guyana vs Suriname nhưng không đưa ra lời giải thích.
Các thẩm phán của Viện đặc biệt: Thẩm phán Bouguetaia (Chủ toạ), Thẩm phán Wolfrum, Thẩm phán Paik, Thẩm phán ad hoc Mensah, Thẩm phán ad hoc Abraham, và Thư ký Gautier. Nguồn: http://www.itlos.org
(*) Đối với nghĩa vụ nỗ lực đạt được dàn xếp tạm thời mang tính thực tiển, Viện đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố “thiện chí” (good faith). Theo Viện đặc biệt, “ngôn ngữ mà nghĩa vụ này được ghi nhận cho thấy các bên liên quan có nghĩa vụ hành động thiện chí” và “nghĩa vụ này được củng cố bằng việc ghi nhận các hành vi đó phải được thực hiện ‘trên tinh thần hiểu biết và hợp tác’”.[13] Viện đặc biệt cho rằng việc Côte d’Ivoire không đề xuất đàm phán các dàn xếp tạm thời, mà chỉ yêu cầu Ghana chấm dứt việc tiếp tục hoạt động dầu khí của mình (đã diễn ra nhiều năm), cùng với việc Côte d’Ivoire không có hành vi thiện chí đã “ngăn cản Côte d’Ivoire không có cơ sở để cho rằng Ghana đã vi phạm nghĩa vụ đàm phán các dàn xếp như thế.”
Kết luận này có thể hợp lý và dễ chấp nhận khi rõ ràng hoạt động của Ghana đã diễn ra từ rất lâu (trở thành nguyên trạng theo lời của Ghana) mà cho đến gần đây Côte d’Ivoire mới có cáo buộc vi phạm. Tuy nhiên cách lập luận của Viện đặc biệt có vẻ không chặt chẽ và thuyết phục khi Viện không xem xét đến lập luận của Côte d’Ivoire cho rằng Ghana đã vi phạm nghĩa vụ trên khi không có thông báo trước. Viện nên xem xét đến (và có thể bác bỏ sau đó) lập luận này. Việc không xem xét đến đã ảnh hưởng đến tính chặt chẽ và thuyết phục của kết luận của Viện do trong vụ Guyana vs Suriname đây là lập luận mà Toà trọng tài đã xem xét đến và có phân tích hợp lý. Toà trọng tài đã cho rằng nghĩa vụ ở Điều 83(3) là một nghĩa vụ “tại mọi thời điểm” và các hoạt động nên trên tinh thần hợp tác thông báo trước và trực tiếp cho bên kia, và nên có để xuất hợp tác, chia sẽ lợi ích.[14] Rõ ràng rằng các kết luận của Toà trọng tài có vẻ liên quan hợp lý đến vụ việc hiện tại giữa Ghana và Côte d’Ivoire nên cần phải xem xét đến, hơn nữa Côte d’Ivoire đã đưa ra lập luận cụ thể của mình. Viện đặc biệt đã chỉ ra Côte d’Ivoire đã không làm đúng quy định nhưng cũng không chứng minh được Ghana đã tuân thủ!
Một điểm có vấn đề khác nữa là Viện cho rằng việc Côte d’Ivoire không yêu cầu đàm phán do đó không được cáo buộc Ghana vi phạm nghĩa vụ tại Điều 83(3). Viện cho rằng Côte d’Ivoire đánh nhẽ đã phải đưa ra đề nghị đàm phán với Ghana để kích hoạt việc đàm phán bắt buộc các dàn xếp tạm thời. Có vẻ theo Viện thì đây là một điều kiện mới được Viện đưa thêm vào trong nội hàm của Điều 83(3), theo đó, nghĩa vụ nỗ lực đạt được dàn xếp tạm thời không thể được kích hoạt nếu không được đề xuất. Và nếu không được đề xuất thì bên không đề xuất sẽ không có căn cứ để cáo buộc bên còn lại vi phạm nghĩa vụ này. Lập luận này hợp lý ở chừng mực rằng một quốc gia không thể cáo buộc nước khác không thực hiện một nghĩa vụ trong khi chính mình cũng không thực hiện. Tuy nhiên, Viện đã bỏ qua một khía cạnh khác là nghĩa vụ ở Điều 83(3) áp dụng đồng thời cho cả hai bên, theo nghĩa, cả hai bên đều có nghĩa vụ nỗ lực hết sức (make every effort). Việc Ghana không có đề xuất đàm phán các dàn xếp tạm thời và thậm chí đã không có phản ứng trước yêu cầu chấm dứt hành vi đơn phương của mình như Viện ghi nhận rõ ràng[15] cho thấy Ghana đã không có nỗ lực. Lập luận của Viện ở điểm này có vẻ đã trộn lẫn giữa việc xem xét một cáo buộc có đúng hay sai với việc bên đưa ra cáo buộc có căn cứ (locus standi) để đưa ra cao buộc hay không.
(*) Đối với nghĩa vụ không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng, Viện đặc biệt không xem xét cụ thể bởi lẽ câu chữ trong đệ trình của Côte d’Ivoire cáo buộc rằng các hoạt động vi phạm Điều 83(3) của Ghana trong “vùng biển của Côte d’Ivoire”, trong khi các hoạt động đó không nằm trong vùng biển của Côte d’Ivoire. Nói cách khác, các hoạt động này nằm trong vùng chồng lấn! Lập luận này của Viện đặc biệt có vấn đề khi rõ ràng các lập luận cụ thể của Côte d’Ivoire trong bản phản tranh tụng (Couter-Memorial) và bản tái tranh tụng (Rejoinder) đều cho thấy rằng nước này cáo buộc vi phạm trong vùng chồng lấn, chỉ đến đệ trình cuối cùng mới nhắc đến vùng biển của Côte d’Ivoire.[16] Côte d’Ivoire không chặt chẽ về câu chữ nhưng nội dung lập luận lại cho thấy rõ ràng nước này muốn cáo buộc điều gì. Việc Viện đặc biệt bám vào câu chữ để bác bỏ toàn bộ lập luận của một bên là không hợp lý.
Hơn nữa, nếu lập luận như Viện thì Viện cũng nên từ chối xem xét và đưa ra kết luận liên quan đến nghĩa vụ nỗ lực đạt được dàn xếp tạm thời ở Điều 83(3) ngay ở phần trên. Bởi lẻ Côte d’Ivoire không hề yêu cầu Viện xem xét đến nghĩa vụ này trong để trình cuối cùng của mình. Trong bản phản tranh tụng (Couter-Memorial), bản tái tranh tụng (Rejoinder) và phiên tranh tụng (hearing),[17] Côte d’Ivoire chỉ nhắc đến đệ trình về nghĩa vụ không gây phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận cuối cùng. Sự thiếu nhất quán trên làm giảm tính thuyết phục của Phán quyết trong vấn đề này.
- Nhận định chung
Trong phán quyết năm 2017 của vụ Phân định biển giữa Ghana và Côte d’Ivoire, Viện đặc biệt đã củng cố lại cách giải thích của Toà trọng tài trong vụ Guyana vs Suriname ở những điểm quan trọng của nghĩa vụ trong vùng chồng lấn theo Điều 83(3). Các điểm này bao gồm việc giải thích Điều 83(3) thành hai nghĩa vụ mang tính “nỗ lực” và “thiện chí”. Tuy nhiên, toàn bộ lập luận của Viện đặc biệt không chặt chẽ, thiếu toàn diện. Thẩm phán Paik – thành viên của Viện – trong Ý kiến riêng đi kèm phán quyết cũng cho rằng lập luận của Viện là không đầy đủ và không thuyết phục.[18] Ông còn cho rằng vụ kiện này là cơ hội để Viện làm rõ hơn nội hàm của nghĩa vụ theo Điều 83(3) nhưng Viện đã không làm được như thế.[19] Viện đặc biệt đã bỏ qua một cơ hội để xem xét (lại) cách giải thích của Toà trọng tài trong vụ Guyana vs Suriname và làm rõ hơn nội hàm của Điều 83(3). Viện đặc biệt có thể đã hoàn thành nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa Ghana và Côte d’Ivoire nhưng có vẻ đã thất bại trong nhiệm vụ phát triển luật pháp quốc tế.
Trần H. D. Minh
English summary: Obligations in overlapping areas under article 83(3) UNCLOS: the Judgement of the Special Chamber (ITLOS) in the Ghana/Côte D”Ivoire case. The Special Chamber has not employed a comprehensive reasoning on this matter leading to insufficient and unconvincing reasons as Judge Paik stated in his Separate Opinion. The Special Chamber did not refer to the 2007 Award in the Guyana vs Suriname case – the first judicial decision concerning article 83(3). The Special Chamber should have taken this chance to clarify more on the content of this important provision as there is vast maritime areas in the world being overlapping between claims of states. If it could not intend to employ a new reasons, at least it could have refer to the 2007 Award, whether to support or not, as a normal way international courts and tribunals to build jurisprudence on a particular matter.
———————————————————————————-
[1] Xem toàn bộ hồ sơ vụ kiện cùng phán quyết tại https://www.pcacases.com/web/view/9
[2] Xem toàn bộ hồ sơ vụ kiện cùng phán quyết tại https://www.itlos.org/en/cases/list-of-cases/case-no-23/
[3] Trần Hữu Duy Minh, Nghĩa vụ trong vùng biển chồng lấn thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 (325), tháng 05/2015.
[4] Nội dung phần này xin xem ở tài liệu trên. Tác giả không trích dẫn lại các đoạn, trang trong phán quyết.
[5] Satya N. Nadan and Shabtai Rosenne (chủ biên), United Nations Convention on the Law of the Sea 1982: A Commentary, Vol II, Martinus Nijhoff Publishers, 1993, đoạn 83.19(d), gọi tắt là (‘Virginia Comentary’).
[6] Phán quyết năm 2017, đoạn 608, 612 và 613.
[7] Như trên, đoạn 614.
[8] Như trên, đoạn 617.
[9] Như trên.
[10] Như trên, đoạn 618.
[11] Như trên.
[12] Như trên, đoạn 626-7, 629.
[13] Như trên, đoạn 627.
[14] Phán quyết năm 2007, đoạn 476 – 477. Các kết luận này nằm trong phần áp dụng vào tình huống cụ thể trong vụ Guyana và Suriname, mà không nằm trong phần giải thích chung về Điều 83(3) của Toà trọng tài. Theo đó, giá trị viện dẫn có thể thấp hơn và có thể chỉ mang tính chất đặc thù vụ việc. Đây là điểm mà Viện đặc biệt có thể bác bỏ lập luận của Côte d’Ivoire mà không ảnh hưởng đến kết luận của mình.
[15] Phán quyết năm 2017, đoạn 632.
[16] Couter-Memorial of Côte d’Ivoire, tr. 235 – 242; Rejoinder of Côte d’Ivoire, tr. 165 – 173.
[17] Như trên, đoạn 60-2.
[18] Seperate Opinion of Judge Paik, đoạn 1.
[19] Như trên, đoạn 3.
Em chào thầy ạ,
Bài viết này rất hay ạ, cũng qua vụ việc này em muốn có một câu hỏi. Vậy khái quát lại, có thể hiểu “nỗ lực – thiện chí” là như nào ạ?
Em cảm ơn thầy ạ.
Chào Quỳnh Vũ,
Đây là câu hỏi khó, cần vào từng vụ việc cụ thể với bằng chứng và hoàn cảnh cụ thể mới có thể xác định được. Tóm lại, không thể khái quát được, em cần đọc vào từng án lệ có liên quan để hình dung.
Duy Minh