Ngày 29 tháng 6 năm 2017 Toà trọng tài trong vụ kiện giữa Croatia và Slovenia đã ra phán quyết cuối cùng liên quan đến ba vấn đề chính mà hai bên đã đệ trình: (i) phân định biên giới trên đất liền và biển, (ii) xác định quyền tiếp cận biển của của Slovenia, và (iii) quy chế sử dụng biển.
Riêng trong vấn đề phân định lãnh hải giữa hai nước,[1] Toà trọng tài đã dựa trên Điều 15 của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đưa thêm vào xem xét hai “nguyên tắc cơ bản” chưa từng được đề cập trong các án lệ trước đây.
Điều 15 UNCLOS quy định rằng: “Khi bờ biển của hai quốc gia đối diện hay liền kề nhau, không một nước nào được phép, trừ khi có thoả thuận, mở rộng lãnh hải của mình vượt quá đường trung tuyến mà mỗi điểm trên đường đó cách đều điểm gần nhất trên đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của hai nước. Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng trong trường hợp vì có danh nghĩa lịch sử hay các hoàn cảnh đặc biệt khác cần thiết phải phân định lãnh hải hai nước theo cách thức khác.” Quy định này thường được nhắc đến là phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh đặc biệt trong các án lệ (xem thêm tại đây).
Trong phán quyết của mình, Toà trọng tài lại lập luận theo hướng đồng hoá phương pháp theo Điều 15 nói trên với phương pháp phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong các án lệ. Phương pháp này thường được gọi là phương pháp ba bước: (1) vạch đường cách đều tạm thời, (2) điều chỉnh đường cách đều tạm thời theo những hoàn cảnh liên quan trong từng vụ việc, và (3) kiểm tra lại tính tương xứng giữa diện tích vùng biển chia cho mỗi bên và chiều dài đường bờ biển liên quan.
Theo đó, Toà cho rằng “liên quan đến phân định cả lãnh hải và các vùng biển bên ngoài lãnh hải, luật pháp quốc tế yêu cầu áp dụng đường cách đều, trừ khi có hoàn cảnh đặc biệt yêu cầu phải sử dụng một loại đường khác.”[2] Toà cho rằng đây là phương pháp phù hợp với thực tiễn xét xử của Toà ICJ và ý kiến của học giả, theo hướng đồng nhất phương pháp phân định lãnh hải với phân định các vùng biển khác. Dựa trên nhận định này, Toà sau đó đã kết hợp thêm hai “nguyên tắc cơ bản” mà Toà dẫn chiếu lại từ phán quyết của Toà ICJ trong Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969.[3] Chính Toà cũng thừa nhận án lệ trên là về thềm lục địa nhưng Toà cho rằng có lý do để áp dụng vào lãnh hải! Hai nguyên tắc này cụ thể là (i) sự kéo dài tự nhiên (natural prolongation) và (ii) nếu có thực thể hay cấu trúc địa lý có tác động lớn đến đường phân định thì tác động đó cần được giảm thiểu.[4] Đặc biệt nguyên tắc thứ hai là cơ sở mà Toà dựa vào đó để từ chối áp dụng đường cách đều trong phân định lãnh hải giữa hai nước. Theo Toà, địa hình bờ biển của Croatia cần được xem là một hoàn cảnh đặc biệt bởi lẽ nếu áp dụng đường cách đều một cách chặc chẽ vào địa hình của Croatia thì sẽ gây bất lợi lớn cho Slovenia. Toà cũng cẩn trọng để tránh bị phê phán khi nhấn mạnh rằng Toà không “tái định hình lại tự nhiên” và cũng không tìm cách bù đắp cho Slovenia bởi vì nước này có địa hình bất lợi. Toà chỉ tìm cách giảm nhẹ tác động tiêu cực thái quá của địa hình lên tình trạng bị “đóng thùng” (boxing-in) sẵn có của các vùng biển Slovenia theo đúng ‘nguyên tắc cơ bản’ thứ hai nêu trên. Đường phân định cuối cùng mà Toà quyết định là đường song song với đường phân định lãnh hải giữa Slovenia và Ý (đường T2 – T3 trong hình dưới đây), ký kết theo Hiệp định Osimo năm 1975 giữa Nam Tư và Ý.
Lập luận của Toà trọng tài liên quan đến phân định lãnh hải trên gây khó hiểu và tranh cãi. Giáo sư Alex Oude Elferink nhận xét rằng:
“Cách thức mà Toà xem xét vấn đề phân định lãnh hải giữa Croatia và Slovenia òn nhiều vấn đề phải xem xét lại. Khi giải thích Điều 15 của Công ước, Toà đã phớt lờ các án lệ liên quan và thay vào đó lập luận rằng có sự giống nhau giữa luật áp dụng cho phân định lãnh hải và các vùng biển chức năng bên ngoài [lãnh hải]. Như đã phân tích, về điểm này Toà đã dẫn chieu đến các án lệ mặc dù nếu xem xét kỹ các án lệ này thì chúng không hề ủng hộ quan điểm của Toà.
Toà cho rằng có hai nguyên tắc cơ bản áp dụng cho phân định lãnh hải. Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi liên quan đến việc toàn tại của một trong các nguyên tắc đó và liên quan đến liệu ‘nguyên tắc’ còn lại có thực sự là một nguyên tắc cơ bản áp dụng trong vụ việc này hay không.”[5]
Chưa nói đến liệu phán quyết trên có đưa ra một đường phân định lãnh hải hợp lý và có thể chấp nhận bởi Croatia và Slovenia hay không, cách thức lập luận và việc đưa thêm nhiều yếu tố mới vào quá trình xem xét phân định lãnh hải là một vấn đề sẽ biến phán quyết này thành một án lệ có vấn đề. Có thể các trọng tài viên mong muốn (i) tìm cách lập luận để hợp lý hoá đường phân định mà họ cho rằng là hợp lý và công bằng, hoặc (ii) họ muốn hợp nhất phương pháp phân định lãnh hải với phương pháp phân định vùng EEZ và thềm lục địa. Vấn đề nằm ở chỗ lập luận của họ “mới” nhưng chưa được phát triển đầy đủ và cẩn trọng để rõ ràng, mạch lạc và có thể chấp nhận được.
Trần H. D. Minh
———————————————————————
[1] Phán quyết ngày 29 tháng 6 năm 2017, download tại https://www.pcacases.com/web/view/3, đoạn 997 – 1014.
[2] Đoạn 999.
[3] Đoạn 1008 – 1010.
[4] Như trên.
[5] Alex Oude Elferink, Slovenia/Croatia arbitration – Is the territorial sea delimitation inconsitent with the case law on maritime delimitation?, ngày 16/8/2017, xem tại http://site.uit.no/jclos/2017/08/16/sloveniacroatia-arbitration-is-the-territorial-sea-delimitation-inconsistent-with-the-case-law-on-maritime-delimitation/