[204] Giải quyết tranh chấp biên giới đất liền và biển giữa Việt Nam, Campuchia và Indonesia: Biện pháp pháp lý là giải pháp tối ưu và lâu dài

Trường hợp Campuchia

Hiện nay, trên đất liền, Việt Nam và Campuchia đã phân giới cấm mốc thành công 84% đường biên giới, và đang nỗ lực để hoàn thành 16% còn lại. Quá trình đàm phán đã diễn ra rất dài, phức tạp. Hai nước đã ký 07 điều ước song phương và một điều ước ba bên liên quan đến biên giới đất liền (xem các điều ước quốc tế về biên giới đất liền và trên biển giữa Việt Nam và Campuchia tại đây). Điều này cho thấy 16% còn lại là những khu vực mà quan điểm của Việt Nam và Campuchia có sự khác biệt căn bản, không phải dễ để thoả hiệp.

Về ranh giới trên biển ở Vịnh Thái Lan, Việt Nam và Campuchia mới ký kết Hiệp định về vùng nước lịch sử năm 1982, trong đó chỉ khẳng định hai nước xem vùng biển trên Vịnh Thái Lan là vùng nước lịch sử chung và sẽ đàm phán phân định sau.

Với biên giới đất liền, 16% còn chưa giải quyết triệt để nên được giải quyết bằng biện pháp pháp lý. Việt Nam và Campuchia có thể ký thoả thuận đặc biệt để mang vụ việc ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), hoặc nếu muốn kiểm soát tốt thành phần của toà trọng tài thì ký thoả thuận thành lập toà trọng tài ad hoc. Giải pháp này là tối ưu và lâu dài vì năm lý do sau:

  • Campuchia đã từng thắng một vụ việc tại Toà ICJ (Vụ Đền Preah Vihear với Thái Lan), do đó, có thể sẵn sàng để chấp nhận mang vấn đề biên giới đất liền ra giải quyết bằng biện pháp pháp lý lần nữa. Điều này khác với Trung Quốc.
  • Dư luận Campuchia vẫn còn một bộ phận không tin tưởng vào các điều ước quốc tế mà Chính quyền Hun Sen đàm phán, ký kết với Việt Nam. Do đó, việc giải quyết bằng biện pháp pháp lý sẽ giúp xoá bỏ triệt để những dư luận không có lợi cho quan hệ giữa hai nước như thế này. Việc giải quyết vụ việc bằng biện pháp pháp lý cũng có lợi về đối nội cho Chính quyền Hun Sen;
  • Việt Nam cần có một vụ việc xét xử tại cơ quan tài phán quốc tế để có kinh nghiệm chuẩn bị cho việc sử dụng biện pháp pháp lý tích cực hơn ở những khu vực tranh chấp khác. Một vụ việc như với 16% biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đủ lớn để tiến hành vụ kiện, lại đủ nhỏ để bảo đảm khả năng kiểm soát, bao gồm kiểm soát dư luận hậu phán quyết;
  • Nếu sử dụng biện pháp trọng tài ad hoc, Việt Nam cần chỉ định trọng tài viên và nên thuê luật sư nổi tiếng thế giới. Đây là một cách thức để xây dựng quan hệ giữa Việt Nam và giới học giả có uy tín cao trong lĩnh vực luật quốc tế. Các học giả có cơ hội tham gia một vụ kiện quốc tế, trong khi Việt Nam có cơ hội xây dựng quan hệ sâu sắc để có thể tham vấn các vấn đề pháp lý khác trong tương lại.
  • Do việc giải quyết bằng biện pháp pháp lý không là biện pháp tiêu cực ở cả Việt Nam và Campuchia, kịch bản Trung Quốc – Philippines sau khi Philippines khởi kiện Vụ kiện Biển Đông sẽ không xảy ra. Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực vì một vụ kiện mà hai nước cảm thấy chấp nhận được.

Với năm điểm nêu trên, có thể thấy sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết 16% biên giới đất liền chưa giải quyết được là giải pháp mà Việt Nam và Campuchia có thể chấp nhận được, giải quyết triệt để tranh chấp với nhau, đồng thời có lợi về mặt đối nội cho Campuchia, và về mặt chuẩn bị nhân sự pháp lý cho Việt Nam.

Các lý do nêu trên cũng áp dụng cho một vụ kiện để phân định vùng biển chồng lấn giữa hai nước trên Vịnh Thái Lan. Hơn nữa, do vùng nước gần bờ hai nước đang được xem vùng nước này là vùng nước lịch sử, nên việc có một phán quyết về vùng nước lịch sử sẽ góp phần làm sáng tỏ khái niệm này trong luật quốc tế. Biết rằng phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông cũng đề cập đến vấn đề này, nếu có thêm một phán quyết nữa thì sẽ làm sáng tỏ thêm. Nếu phán quyết trong vụ kiện giữa Việt Nam và Campuchia xác nhận lại các kết luận của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông thì điều này có lợi cho một trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông, là đóng góp của Việt Nam và Campuchia trong việc gia cố trật tự trên.

Trường hợp Indonesia

Với Indonesia, hai nước đã ký Hiệp định phân định thềm lục địa vào năm 2003 (Xem các điều ước quốc tế về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia tại đây).

Hiện hai nước đang đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Vướng mắc giữa hai nước có thể khó hoà giải bởi vì:

  • Việt Nam muốn đường phân định EEZ nên trùng với đường phân định thềm lục địa đã ký trước đây. Điều này phù hợp với thực tiễn sử dụng một đường phân định chung cho cả vùng EEZ và thềm lục địa trong thực tiễn và án lệ quốc tế (xem thêm post này). Ngoài ra, một đường phân định chung như thế sẽ đơn giản hoá việc tuân thủ của ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của cả hai nước trên thực địa; hoặc
  • Indonesia không chấp nhận một đường phân định chung như thế (nếu Indonesia chấp nhận thì đã không cần kéo dài việc đàm phán đến hiện nay). Indonesia muốn một đường phân định vùng EEZ lệch về phía bờ biển Việt Nam, gần phía Côn Đảo. Đương nhiên Việt Nam sẽ không dễ chấp nhận nhượng bộ ở điểm này bởi vì một nhượng bộ như thế có thể đặt ra câu hỏi cho dư luận trong nước; hoặc
  • Hai bên đã xác định đường phân định những còn vướng mắc về vấn đề quản lý và khai thác tài nguyên sinh vật vắt ngang.

Với một tranh chấp như thế, biện pháp pháp lý có thể là giải pháp tháo gỡ cho cả hai nước. Lưu ý rằng giống với Campuchia, Indonesia đã từng tham gia vụ kiện ở Toà ICJ, cụ thể là Vụ tranh chấp chủ quyền đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan với Malaysia. Khả năng Indoenisa chấp nhận mang tranh chấp vùng EEZ với Việt Nam ra Toà ICJ hay toà trọng tài ad hoc là có thể. Trong khi, Việt Nam không có lý do để phản đối.

Hơn nữa, một phán quyết tài phán quốc tế ở khu vực phía nam Biển Đông sẽ có thể đóng góp vào gia cố thêm trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông. Tuy vậy, cũng lưu ý rằng do khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia bị yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trùm qua, nên Trung Quốc sẽ có thể có biện pháp gây sức ép để hai nước không thể kích hoạt thêm một vụ kiện mới ở Biển Đông. Điều này là rất có thể xảy ra bởi vì Toà ICJ hay toà trọng tài có thể cần phải xem xét liệu Trung Quốc có phải là một bên không thể thiếu, và như vậy yêu sách đường chín đoạn sẽ được mang ra xem xét. Nước này không muốn có thêm một phán quyết bác bỏ đường chín đoạn.

Tóm lại, biện pháp pháp lý là biện pháp tối ưu để giải quyết triệt để, nhanh chóng, lâu dài cho các tranh chấp biên giới đất liền và trên biển giữa Việt Nam và Campuchia, và giữa Việt Nam và Indonesia. Đồng thời có lợi cho trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông, đóng góp cho án lệ quốc tế và sự phát triển của luật quốc tế nói chung.

Trần H.D. Minh

English summary: There are five reasons why Vietnam and Cambodia should settle their land border dispute by judicial means. These reasons applies also to the delimitation dispute between them in the Gulf of Thailand. Judicial means is also suitable to settle the dispute between Vietnam and Indonesia concerning the overlapping exclusive economic zone. If the two delimitation disputes are brought before a arbitral tribunal, as that in South China Sea Arbitration, the awards would have more impact on the rule-based order in the South China Sea. Both disputes involve historic waters (between Vietnam and Cambodia in the Gulf of Thailand) and the nine-dash line (which covers the overlapping area between Vietnam and Indonesia in the southern part of the South China Sea, and which must be considered by the arbitral tribunal to see whether China is an indispensable party). The two awards are expected to be consistent with the 2016 Award in South China Sea Arbitration. Then, it could be said about an established jurisprudence rejecting the nine-dash line claim. China is thus expected to prevent the three states to settle their disputes in this way.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑