[205] Thử bóc tách khía cạnh pháp lý trong vấn đề Nagorno-Karabakh

Quan điểm của các bên | Ba vấn đề pháp lý chính: Thừa kế từ Liên Xô – Quyền dân tộc tự quyết Tư cách quốc gia | Việt Nam nên kiến nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xin ý kiến tư vấn của Toà ICJ *

Xung đột quân sự đã diễn ra trong những ngày qua giữa Armenia và Azerbaijan – hai nước cộng hòa xô viết thuộc Liên Xô cũ – tại khu vực Nagorno-Karabakh. Xung đột giữa hai nước tại khu vực này đã xuất hiện từ những năm cuối 1980 khi Liên Xô có dấu hiệu tan rã. Về mặt pháp lý, đây là một vấn đề phức tạp giữa ba bên: Armenia, Azerbaijan và nước Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh.

1. Quan điểm của Cộng hoà tự xưng Nagorno-Karabakh, Azerbaijan và Armenia

Quan điểm của Cộng hòa Nagorno-Karabakh

Từ những năm 1920, Liên Xô thành lập Khu vực tự trị Nagorno-Karabakh bên trong Cộng hòa Azerbaijan. Dân cư của Lãnh thổ này có 95% là thuộc dân tộc Armenia, và theo Công giáo. Trong khi đó, Azerbaijan do người Azerbaijan là đa số tuyệt đối, và theo đạo Hồi. Đến năm 1988, khi Liên Xô có dấu hiệu tan rã, Khu vực tự trị Nagorno-Karabakh thông qua nghị quyết sáp nhập vào Cộng hòa Armenia. Xét về dân tộc và tôn giáo, Nagorno-Karabakh có sự tương đồng với Cộng hòa Armenia hơn là Azerbajain. Do đó, xung đột tại khu vực này có liên quan đến quyền dân tộc tự quyết sẽ được xem xét bên dưới.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Khu vực tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập, sau đó là xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đối với khu vực này. Năm 1993, Armenia kiểm soát được khu vực này, cùng với khoản 20% lãnh thổ lân cận của Azerbaijan. Năm 1994, với sự hòa giải của Nga, thỏa thuận ngừng bắn được chấp nhận. Khu vực tự trị Nagorno-Karabakh vẫn duy trì tính độc lập, không sáp nhập vào Armenia cũng không tự xem là một phần của Azerbaijan.

Nguồn: BBC, Armenia-Azerbaijan: What’s behind the Nagorno-Karabakh conflict?, https://www.bbc.com/news/world-europe-54324772 (truy cập ngày 01.10.2020).

Theo Điều 1(1) Hiến pháp hiện hành của Cộng hoà Nagorno-Karabakh (còn gọi là Cộng hoà Artsakh), Nagorno-Karabakh là “một Quốc gia xã hội, dân chủ và có chủ quyền.”

Hiện nay, theo thông tin của Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Nagorno-Karabakh, Cộng hoà này không được bất kỳ quốc gia nào công nhận.

Quan điểm của Azerbaijan

Azerbaijan xem khu vực Nagorno-Karabakh là một phần lãnh thổ của mình, thừa kế từ Liên Xô.

Năm 2008, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/243 (ngày 25 tháng 4 năm 2008) về “Tình hình tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Azerbaijan”. Khoản 1 và 2 của Nghị quyết ghi nhận rằng:

“1. Xác nhận tiếp tục tôn trọng và ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Azerbaijan trong đường biên giới được quốc tế công nhận;

2.  Yêu cầu tất cả lực lượng Armenia rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng của Cộng hòa Azerbaijan.”

Nghị quyết này được thông qua với sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia thành viên: 39 phiếu ủng hộ (chủ yếu là các quốc gia Hồi giáo), 07 phiếu chống, còn lại là phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu (Việt Nam không bỏ phiếu).

Quan điểm của Armenia

Về phần Armenia, nước này xem Cộng hoà Nagorno-Karabakh là một quốc gia độc lập, có chủ quyền ngang hàng với Azerbaijan. Theo Bộ Ngoại giao Armenia, chính sách với Nagorno-Karabakh gồm ba điểm chính:

  • Người dân của khu vực này phải có quyền tự quyết;
  • Cộng hoà Nagorno-Karabakh phải có tuyến giao thông trên bộ với Armenia và tuyến này phải thuộc quyền tài phán của Armenia;
  • An ninh của Cộng hoà Nagorno-Karabakh phải được quốc tế bảo đảm.

Mặc dù không đề cập đến việc sáp nhập Nagorno-Karabakh vào Armenia, việc duy trì nguyên tắc người dân Nagorno-Karabakh phải có quyền dân tộc tự quyết để ngỏ khả năng này.

Tóm lại, vấn đề Nagorno-Karabakh có thể tóm tắt như sau: (1) Nagorno-Karabakh muốn tách khỏi Azerbaijan, và có xu hướng sáp nhập vào Armenia; (2) Azerbaijan xem Nagorno-Karabakh là lãnh thổ kề thừa từ Liên Xô, và muốn thu hồi lại lãnh thổ này; (3) Armenia muốn Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan, và tự quyết tương lai chính trị của mình.

2. Ba khía cạnh pháp lý chính trong vấn đề Nagorno-Karabakh

Từ phân tích quan điểm của ba bên liên quan có thể thấy vấn đề Nagorno-Karabakh liên quan đến ba điểm pháp lý chính:

  • Liệu Azerbaijan có thừa kế khu vực Nagorno-Karabakh từ Liên Xô?

Khi Liên Xô còn tồn tại, Azerbaijan là một cộng hoà xô viết trực thuộc Liên Xô, còn Nagorno-Karabakh là một Khu vực tự trị thuộc Azerbaijan. Điều 86 và 87 Hiến pháp Liên Xô năm 1977 quy định Khu vực tự trị này là “một phần cấu thành của các Cộng hoà xô viết” Azerbaijan. Armenia cũng công nhận rằng từ năm 1923 cho đến khi Liên Xô tan rã Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan và Azerbaijan thực thi quyền quản lý đối với khu vực này.[1]

Một mặt, khi Liên Xô tan rã, các nước Cộng hoà xô viết đã cam kết tôn trọng đường biên giới hiện có (respect of the existing borders). Cam kết này được ghi nhận trong Tuyên bố Alma-Ata ký ngày 21.12.1991 giữa nguyên thủ của 11 nước Cộng hoà xô viết, trong đó có Armenia và Azerbaijan. Tuyên bố này thành lập Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), đồng thời tuyên bố Liên Xô chính thức tan rã. Lời mở đầu của Tuyên bố có đoạn: “công nhận và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau và sự bất khả xâm phạm của các đường biên giới đang tồn tại” (recognizing and respecting each other’s territorial integrity and the inviolability of the existing borders).

Nguyên tắc uti possidetis juris cũng có vẻ ủng hộ việc duy trì biên giới hiện có. Mặc dù, nguyên tắc áp dụng trong quá trình phi thuộc địa hoá, nhưng có học giả cho rằng nguyên tắc này áp dụng chung, vượt ngoài khuôn khổ truyền thống.[2] Đúng là không có lý do gì để phản đối việc áp dụng nguyên tắc này đối với trường hợp một quốc gia tan rã thành nhiều quốc gia. Các ranh giới hành chính nên được giữ nguyên và biến thành biên giới quốc tế. Mục đích chính là bảo đảm sự ổn định của các đường biên giới, và cùng đó là tránh tranh chấp phát sinh.

Như vậy, Armenia và Azerbaijan cam kết tôn trọng đường biên giới đang tồn tại vào thời điểm Liên Xô tan rã. Câu hỏi bây giờ là liệu Nagorno-Karabakh có còn là một phần của Azerbajain vào thời điểm đó? Câu trả lời phụ thuộc vào nội luật của Liên Xô.

Ngày 03.4.1990, Liên Xô ban hành Luật về thủ tục ly khai khỏi Liên Xô.[3] Điều 3 quy định rằng từng Khu vực tự trị sẽ được trưng cầu dân ý riêng.[4] Người dân của Khu vực tự trị sẽ có quyền độc lập quyết định việc tiếp tục là một phần của Liên Xô, hay là một phần của Cộng hoà xô viết, hoặc thành lập một quốc gia độc lập. Như vậy, nội luật Liên Xô trao quyền tự quyết cho các Khu vực tự trị, như Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, điều kiện tổ chức trưng cầu rất nghiêm ngặt, trong đó cần có sự tham gia của Cộng hoà xô viết trong quá trình tổ chức và kiểm phiếu (trong trường hợp này là Azerbaijan), sau đó Cộng hoà xô viết sẽ đệ trình lên Xô viết Tối cao để công nhận.[5]

Ngày 10.12.1991, một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Nagorno-Karabakh với kết quả được cho là tuyệt đại đa số lựa chọn độc lập khỏi Azerbaijan. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý không có sự tham gia của Azerbaijan,[6] do đó, cũng không được đệ trình lên Xô viết Tối cao để công nhận. Tóm lại, về mặt quyền, người dân Nagorno-Karabakh có quyền tự quyết tách khỏi Azerbaijan. Nhưng, về mặt thủ tục lại không hoàn thành đúng như nội luật Liên Xô quy định.

Câu chuyện lại phức tạp hơn. Từ ngày 21.12.1991, Liên Xô tan rã, Xô viết Tối cao không còn tồn tại. Câu hỏi đặt ra là liệu Luật về ly khai năm 1990 có còn được tiếp tục áp dụng tại các nước Cộng hoà vừa tái lập, ít nhất trong chừng mực liên quan đến quyền tự quyết của các Khu vực tự trị? Câu trả lời dành cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn về việc luật áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp.

  • Liệu người dân Nagorno-Karabakh có quyền tự quyết theo luật quốc tế?

Một khía cạnh khác của vấn đề Nagorno-Karabakh là quyền tự quyết của người dân Nagorno-Karabakh. Quyền dân tộc tự quyết là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng vào Nagorno-Karabakh gặp hai trở ngại. Thứ nhất, không rõ liệu người dân Nagorno-Karabakh có được xem là một “dân tộc” (peoples) để có quyền này. Tranh luận vẫn chưa ngã ngũ về việc liệu “dân tộc” nên được hiểu là “dân tộc-quốc gia” hay “dân tộc-sắc tộc”. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, người dân Nagorno-Karabkah có quyền tự quyết. Bởi vì rõ ràng về sắc tộc (Armenia) và tôn giáo (Công giáo), người dân khu vực này khác biệt lớn với bộ phận còn lại của Azerbaijan (Azerbaijan, Hồi giáo). Nếu hiểu “dân tộc” theo nghĩa đầu tiên, thì người dân khu vực này không có quyền này, mà chỉ có toàn thể người dân Azerbaijan có quyền này.

Trở ngại thứ hai là dù cho có quyền dân tộc tự quyết thì mối quan hệ giữa quyền này và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ vẫn cũng đang tranh cãi. Một số quốc gia cho rằng trong trường hợp không thể khác hơn, một dân tộc có quyền thực hiện quyền tự quyết bên ngoài (external sef-determination) để ly khai. Một số khác lại không chấp nhận cách giải thích rộng như thế.

Cách đây hơn 10 năm, khi trình bày quan điểm của Việt Nam trước Toà ICJ trong Vụ xin ý kiến tư vấn về tuyên bố độc lập đơn phương của chính quyền Kosovo, đại diện Việt Nam cho rằng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ là một quy phạm jus cogens, và cần phân biệt giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền của các dân tộc thiểu số. Quan điểm này ngầm cho rằng quyền dân tộc tự quyết không thể dẫn đến ly khai, tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia, và các “dân tộc” cần được hiểu là dân tộc-quốc gia. Nếu Việt Nam không thay đổi quan điểm trong 10 năm qua (và có vẻ như thế), thì từ góc độ luật pháp quốc tế, quan điểm của Việt Nam có vẻ sẽ ngầm hợp với Azerbaijan hơn là Armenia. Nói “ngầm hợp” bởi vì Việt Nam sẽ gần như chắc chắn không phát biểu quan điểm của mình về vấn đề pháp lý thực chất bởi vì không mang lại lợi ích thiết thực mà còn gây hại cho quan hệ song phương.

Xem thêm post về quyền dân tộc tự quyết tại đây, và quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và nguyên tắc uti possidetis juris tại đây.

  • Liệu Cộng hoà Nagorno-Karabakh có đã là một quốc gia?

Một góc nhìn khác của vấn đề Nagorno-Karabakh là từ góc độ tư cách quốc gia. Một quốc gia cần thoả mãn ba điều kiện tiên quyết: lãnh thổ, dân cư và chính quyền (xem them post về Định nghĩa “Quốc gia” trong luật quốc tế tại đây). Có vẻ Cộng hoà Nagorno-Karabakh đều thoả mãn.

Tuy nhiên, có hai yếu tố có thể cần xem xét đến: công nhận quốc gia và tính độc lập. Như nêu ở trên, Cộng hoà Nagorno-Karabakh không được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Kể cả Armenia cũng không thiết lập quan hệ ngoại giao với Nagorno-Karabakh. Ở khía cạnh này, tình trạng của Nagorno-Karabakh tiêu cực hơn nhiều so với Kosovo – cũng có hoàn cảnh rất tương tự (Khu vực tự trị thuộc Serbia dưới thời Liên Xô, sắc tộc và tôn giáo khác biệt lớn với phần còn lại của Serbia).

Yếu tố thứ hai là tính độc lập của Nagorno-Karabakh. Câu hỏi này đặt ra bởi vì có dấu hiệu cho thấy Nagorno-Karabakh có vẻ nhận nhiều trợ giúp từ Armenia. Tuỳ mức độ trợ giúp mà mức độ nghi ngờ khác nhau về việc liệu Nagorno-Karabkh có thực sự độc lập để xem là một quốc gia.

3. Một ý kiến tư vấn trước Toà ICJ?

Năm 2008, khi chính quyền Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Serbia đã vận động thành công Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết xin ý kiến tư vấn của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ). Câu hỏi là: Liệu tuyên bố độc lập đơn phương của chính quyền Kosovo có phù hợp luật quốc tế? Toà ICJ đã “né” không trả lời vấn đề thực sự bằng cách giải thích rằng Đại hội đồng chỉ hỏi “việc đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương”, chứ không hỏi về giá trị pháp lý của một tuyên bố như thế. Vì vậy, Toà kết luận việc đưa ra tuyên bố độc lập không trái với luật quốc tế. Toà im lặng về giá trị pháp lý của tuyên bố độc lập của Kosovo, cũng như câu hỏi về quyền dân tộc tự quyết, quan hệ của quyền đó với nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, và vấn đề ly khai.

Những vấn đề pháp lý nêu trên khá tương tự như với Nagorno-Karabakh. Do đó, có vẻ nên có một ý kiến tư vấn từ Toà ICJ. Lần này, tuỳ mục đích chính trị-ngoại giao của việc xin ý kiến mà dự thảo câu hỏi đưa cho Toà. Nếu muốn làm rõ rốt ráo các khía cạnh pháp lý, câu hỏi cần viết rõ ràng hơn để tránh việc Toà ICJ né trả lời. Còn nếu muốn sử dụng như một biện pháp giảm căng thẳng, dành tự do lớn cho giải pháp chính trị-ngoại giao thì chỉ cần câu hỏi chung chung như trong vụ Kosovo.

Việt Nam đang là uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam nên đưa ra kiến nghị này. Kiến nghị phù hợp với quan điểm nhất quán của Việt Nam khi mới nhất nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an: Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật quốc tế. Đương nhiên, cần tham vấn với Armenia và Azerbaijan trước, nếu không sẽ ảnh hưởng quan hệ song phương nếu hai nước không muốn như thế.

Trần H.D. Minh


[1] Theo mô tả vấn đề Nagorno-Karabakh trên wwebsite của Bộ Ngoại giao Armenia, trong suốt giai đoạn Liên Xô, chính quyền Azerbaijan bị Armenia cáo buộc là đã có chính sách phân biệt đối xử, có ý định diệt chủng, phá huỷ và huỷ hoại các công trình và giá trị văn hoá Armenia của Nagorno-Karabakh. Hơn nữa, website cũng cung cấp thông tin rằng người dân Nagorno-Karabakh và chính quyền Armenia đã nhiều lần đề nghị Liên Xô xem xét lại việc sáp nhập (incorporating) khu vực này vào Azerbaijan, nhưng bị bác bỏ. Điều này cho thấy mặc dù có thể không hài lòng với quyết định của Liên Xô đặt Nagorno-Karabakh trong Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Armenia vẫn chấp nhận quyết định đó. Xem Bộ Ngoại giao Armenia, “Nagorno-Karabakh issue”, https://www.mfa.am/en/nagorno-karabakh-issue/ truy cập ngày 30.9.2020.

[2] FS Mirzayev, Uti Possidetis v Self-Determination: The Lessons of the Post-Soviet Practice (Luận án tiến sĩ, Đại học Leicester, 2014), file:///Users/macbook/Downloads/2014mirzayevfphd.pdf truy cập ngày 01.10.2020.

[3] Xem bản dịch tiếng Anh không chính thức tại http://soviethistory.msu.edu/1991-2/shevarnadze-resigns/shevarnadze-resigns-texts/law-on-secession-from-the-ussr/ truy cập ngày 30.9.2020. Đã kiểm tra chéo tính chính xác với: Glasnost in Jeopardy: Human Rights in the USSR: A Human Watch Report (1991) tr. 169-175.

[4] Như trên. Ghi chú thêm: Nội dung của Điều 3 Luật này đã được kiểm tra chéo với: F Mirzayev, ‘Abkhaizia’ in trong C Walter, A von Ungern-Sternberg & K Abushov (eds), Self-Determination and Secession in International Law (Oxford University Press 2014) 191, tr. 199-200.

[5] Như trên, Điều 5, 6, 7.

[6] Xem phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngày 22.11.2019, https://mfa.gov.az/en/news/6460/no37519-the-head-of-the-press-service-department-of-the-ministry-of-foreign-affairs-of-the-republic-of-azerbaijan-leyla-abdullayeva-responded-to-a-media-request-to-comment-on-the-answer-of-the-prime-minister-of-armenia-n-pashinyan-to-the-question-of-the-azerbaijani-blogger-in-milan truy cập ngày 30.9.2020.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑