I. Quy định về phân định biển: Phân định lãnh hải – Phân định vùng tiếp giáp lãnh hải – Phân định vùng EEZ và thềm lục địa. II. Một số vấn đề chung khác: Vùng biển chồng lấn – Bờ biển liên quan và phạm vi chồng lấn – Vẽ một đường phân định chung cho vùng EEZ và thềm lục địa – Phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý. III. Thống kê các án lệ và một số luật sư nổi tiếng hiện nay về phân định biển.
Phân định biển là việc phân chia vùng biển chồng lấn giữa những quốc gia có bờ biển liền kề hay đối diện nhau. Tùy thuộc vào bản chất của vùng biển chồng lấn là lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa mà luật biển quốc tế có quy định khác nhau. Phân định biển được quy định trong Công ước Geneva về Lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (CTS), Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958 (CCS) và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNLOSC). Tất cả các Công ước trên đều ưu tiên sử dụng biện pháp đàm phán để đạt được thỏa thuận phân định biển.
I. Quy định về phân định biển
- Phân định lãnh hải
Phân định lãnh hải được quy định ở Điều 12 CTS và Điều 15 UNCLOS. Hai điều khoản này về cơ bản là giống nhau. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, không quốc gia nào được phép mở rộng lãnh hải vượt quá đường trung tuyến cách đều các điểm gần nhất trên đường cơ sở của mỗi bên, trừ khi do có danh nghĩa lịch sử hay các hoàn cảnh đặc biệt khác buộc phải áp dụng phương pháp phân định khác. Hoàn cảnh đặc biệt có thể là cấu trúc đặc biệt của đường bờ biển (ví dụ như hình dạng lồi, lõm), sự tồn tại của đảo, kênh giao thông thuỷ, các yếu tố an ninh, lợi ích đánh bắt cá.[1] Phương pháp này thường được gọi là phương pháp đường cách đều/hoàn cảnh đặt biệt (equidistance/special circumstances). Phương pháp trên gần đây được bổ sung (một cách gây tranh cãi) thêm hai nguyên tắc cơ bản trong phán quyết trọng tài Vụ Croatia và Slovenia năm 2017 (xem tại post này).
- Phân định vùng tiếp giáp lãnh hải
Phân định vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định ở Điều 24 CTS và không được ghi nhận lại trong UNLOSC. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, không quốc gia nào được phép mở rộng lãnh hải vượt quá đường trung tuyến cách đều các điểm gần nhất trên đường cơ sở của mỗi bên. Điều 24 không cho phép có ngoại lệ “hoàn cảnh đặc biệt” như ở Điều 12 về phân định lãnh hải. Do UNCLOS không có quy định nên có sự không rõ ràng về quy định áp dụng cho phân định vùng biển này.
- Phân định vùng EEZ và thềm lục địa
Phân định vùng EEZ chỉ được quy định ở Điều 74 UNCLOS do vùng biển này chỉ được pháp điển hóa trong Hội nghị Luật Biển lần thứ ba (1973 – 1982) mà không tồn tại trước đó. quy định về phân định vùng EEZ về cơ bản là giống với quy định về phân định thềm lục địa theo UNCLOS. Phân định thềm lục địa được quy định ở Điều 6 CCS và Điều 83 UNCLOS, trong Điều 83 gần như hoàn toàn khác với Điều 6. Trong khi Điều 6 CCS quy định phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh đặc biệt, hoặc đường cách đều/hoàn cảnh đặc biệt, Điều 83 UNCLOS (và Điều 74 UNCLOS) quy định chung rằng phân định thềm lục địa (và vùng EEZ):
“bằng thỏa thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế, như được dẫn chiếu ở Điều 38 Quy chế của Tòa án Công lý Quốc tế, nhằm đạt được một giải pháp công bằng.”
Điều 74 và 83 không quy định bất kỳ phương pháp cụ thể nào mà nhấn mạnh đến kết quả. Nói cách khác, UNCLOS để các bên tự do lựa chọn phương pháp phân định và chỉ áp đặt một yêu cầu bắt buộc là dù phương pháp gì được áp dụng thì kết quả phải là công bằng. Quy định mơ hồ và linh hoạt như thế này đã dẫn đến việc trong một giai đoạn khá dài các án lệ liên quan đến phân định biển không nhất quán nhau mà mang đậm tính vụ việc cụ thể (case-by-case). May mắn là sau đó các cơ quan tài phán đã thống nhất được một phương pháp, dù vẫn còn chưa cụ thể, nhưng đã bảo đảm cân bằng hơn giữa tính linh hoạt (flexibility) do Điều 74 và 83 tạo ra và tính có thể dự đoán (predictability) của luật pháp nói chung.
Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế năm 2009 trong Vụ Phân định biển ở Biển Đen (Romania v. Ukraine), Toà đã đưa ra phương pháp ba bước áp dụng cho phân định vùng EEZ và thềm lục địa.[2] Phương pháp ba bước này thay thế cho phương pháp hai bước trước đây các cơ quan tài phán (bao gồm cả Toà ICJ) áp dụng. Phương pháp hai bước thường được gọi là phương pháp đường cách đều/hoàn cảnh hữu quan (equidistance/relevant circumstances), cụ thể, một đường cách đều sẽ được vẽ làm đường phân định tạm thời và sau đó xem xét các hoàn cảnh hữu quan để điều chỉnh lại đường tạm thời đó. Phương pháp ba bước đưa thêm mộ bước kiểm tra lại tính công bằng của đường phân định để bảo đảm kết quả phân định cuối cùng phù hợp với yêu cầu của Điều 74 và 83 – “một giải pháp công bằng”. Phương pháp ba bước này sau đó đã được các cơ quan tài phán khác chấp nhận và áp dụng thống nhất trong xem xét các vụ việc sau năm 2009 đến nay.
Bước đầu tiên, một đường phân định tạm thời sẽ được vẽ. Bước thứ hai, các hoàn cảnh hữu quan sẽ được xem xét để điều chỉnh (hoặc không) đường tạm thời. Bước thứ ba và là bước cuối cùng là kiểm tra lại liệu đường tạm thời đã đạt được một kết quả công bằng chưa. Cụ thể:
- Vẽ đường phân định tạm thời. Đường phân định tạm thời được vẽ bằng phương pháp “khách quan về mặt hình học và đồng thời phù hợp với địa lý của khu vực” phân định. Nếu không có lý do thuyết phục (compelling reasons), đường cách đều sẽ được sử dụng. Ở bước này đường phân định tạm thời sẽ được vạch dựa vào các điểm trên bờ biển liên quan chỉ dựa trên các tiêu chí thuần tuý hình học và trên cơ sở thông tin khách quan. Nói cách khác, Toà sẽ bỏ qua mọi hoàn cảnh hữu quan có thể có ảnh hưởng đến đường phân định – các hoàn cảnh này sẽ được xem xét ở bước thứ hai. Ở bước này, Toà chỉ cần một đường tạm thời để làm cơ sở xem xét tiếp.
- Xem xét hoàn cảnh hữu quan. Do Điều 74 và 83 yêu cầu đường phân định cuối cùng phải cho ra một giải pháp công bằng, nên Toà sẽ cần xem xét liệu có bất kỳ yếu tố nào cần được tính đến để điều chỉnh đường phân định tạm thời vừa được vẽ ban đầu hay không. Tuỳ từng vụ việc cụ thể mà đường tạm thời có được điều chỉnh hay không.
- Kiểm tra lại kết quả phân định có công bằng. Toà sẽ xem liệu đường tạm thời sau khi điều chỉnh (hoặc không) ở bước thứ hai ở trên có dẫn đến kết quả không công bằng hay không. Cách thức kiểm tra là xem xét liệu có sự không tương xứng đáng kể (marked disproportion) giữa tỷ lệ độ dài đường bờ biển và tỷ lệ khu vực biển được phân chia cho từng bên theo đường tạm thời. Cũng lưu ý rằng việc so sánh này không có nghĩa là rằng khu vực phân chia phải tương ứng với độ dài đường bờ biển bởi vì việc phân chia vùng biển chồng lấn phải là kết quả của việc phân định, chứ không phải ngược lại. Việc so sánh tỷ lệ này mang tính ước chừng mà không cần chính xác về mặt toán học bởi mục đích của phân định là đạt được kết quả công bằng mà không phải chia đều vùng biển chồng lấn cho mỗi bên.[3]
II. Một số vấn đề chung khác
- Vùng biển chồng lấn
Sự tồn tại của vùng biển chồng lấn là điều kiện tiên quyết để tiến hành phân định biển. Vùng biển chồng lấn phải là vùng biển tại đó các quốc gia có yêu sách hợp pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó trước khi tiến hành bất kỳ đàm phán phân định biển nào các bên cần chắc chắn về tính hợp pháp của yêu sách biển của nhau và thực sự các yêu sách này chồng lấn nhau. Nếu xác định yêu sách của một bên là không có cơ sở pháp lý thì không cần thiết phải phân định biển mà phải giải quyết tranh chấp về yêu sách đó nhằm buộc bên có yêu sách không có cơ sở pháp lý rút lại yêu sách của mình.
Ví dụ như trường hợp đường chữ U của Trung Quốc chẳng hạn. Đường chữ U rõ ràng chồng lấn lên vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines nhưng sự chồng lấn này là do yêu sách không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc. Do đó không bao giờ các nước chấp nhận đàm phán phân định biển với Trung Quốc đối với những vùng biển mà Trung Quốc cho rằng chồng lấn với đường chữ U của mình.
Trong trường hợp thông thường việc xác định sự tồn tại của vùng biển chồng lấn không phức tạp, do hầu hết các vùng biển đều được xác định dựa trên khoảng cách tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên có một số trường hợp phức tạp hơn nếu vùng biển liên quan có (i) yêu sách vùng nước lịch sử, (ii) tranh chấp về tính hợp pháp của đường cơ sở, (iii) tranh chấp về quy chế pháp lý của đảo, hay (iv) tranh chấp về sự tồn tại hay ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Trong các trường hợp đó, việc đầu tiên cần làm là thống nhất (nếu thông qua đàm phán) hoặc giải quyết (nếu thông qua cơ quan tài phán) câu hỏi liên quán đến những vấn đề pháp lý đó trước khi đi vào bước phân định tiếp theo.
- Đường bờ biển liên quan và phạm vi vùng biển chồng lấn tạo ra bởi đường bờ biển liên quan
Sau khi xác định có sự tồn tại của vùng biển chồng lấn, các quốc gia cần phải xác định được bờ biển liên quan (relevant coasts) và từ đó xác định được phạm vi của vùng biển chồng lấn (scope of overlapping areas). Đường bờ biển liên quan là đường bờ biển tạo ra vùng biển chồng lấn. Đường bở biển liên quan và phạm vi vùng biển chồng lấn sẽ là giới hạn địa lý cho các bước phân định biển tiếp theo, bao gồm việc chọn điểm cơ sở để vạch đường phân định tạm thời và tính toán tỷ lệ đường bờ biển và vùng biển được phân chia.
- Một dường phân định chung cho vùng EEZ và thềm lục địa
Mỗi vùng biển chồng lần cần có một đường phân định riêng tuỳ bản chất của từng vùng biển. Một quốc gia có thể có đường phân định vùng EEZ và đường phân định thềm lục địa. Và khi đó đường phân định vùng EEZ chỉ giới hạn phân chia ở vùng nước, còn vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển sẽ theo đường phân định thềm lục địa. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trên thực tế cho các chủ thể hoạt động trên biển cũng như cho chính các quốc gia trong việc quản lý. Ví dụ như giàn khoan của nước A vào thềm lục địa của mình lại nằm trong vùng nước thuộc vùng EEZ của nước B! Nếu Việt Nam không thể thuyết phục Indonesia chấp nhận sử dụng đường phân định thềm lục địa theo Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước năm 2003 như đường phân định vùng EEZ chồng lấn giữa hai nước thì tình huống trên sẽ là một thực tế.
Để giảm thiểu rắc rối trên thực tế nêu trên, các quốc gia có thể đàm phán một đường phân định chung cho cả vùng EEZ và thềm lục địa. Ví dụ như đường phân định biển trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hoặc các quốc gia cũng có thể yêu cầu cơ quan tài phán quốc tế như thế, như trường hợp đường phân định trong Vịnh Maine giữa Canada và Mỹ, hay đường phân định trong Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar. Không có bất kỳ quy định luật pháp quốc tế nào cấm việc vạch một đường phân định chung.[4] Hơn nữa, quy định về phân định vùng EEZ (Điều 74) và thềm lục địa (Điều 83) lại hoàn toàn giống nhau tạo cơ sở pháp lý cho việc vạch một đường phân định duy nhất.
Đường phân định lãnh hải, EEZ và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định năm 2000, trong đó đường nối từ điểm 9 đến 21 là ranh giới chung cho cả EEZ và thềm lục địa . Nguồn: http://www.quangngai.gov.vn, xem tại đây.
- Phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý
Khác với các vùng biển khác được tính chiều rộng dựa vào khoảng cách với đường cơ sở, thềm lục địa có thể mở rộng theo sự kéo dài của lãnh thổ về phía biển đến bờ ngoài của rìa lục địa.[5] Một số quốc gia sẽ có bờ ngoài rìa lục địa rộng vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Phân định vùng biển chồng lấn giữa thềm lục địa ngoài 200 hải lý của các quốc gia đã được xem xét trong hai phán quyết của Toà ITLOS, cụ thể Vụ Vịnh Bengal (Bangladesh/Myanmar) và Vụ phân định biển ở Đại Tây Dương (Ghana/Côte d’Ivoire), và đang được xem xét tại Toà ICJ trong hai vụ (Vụ Nicaragua v. Colombia II, và Vụ Somalia v. Kenya). Trong hai vụ tại Toà ITLOS, điểm đặc biệt là các quốc gia liên quan chưa xác lập ranh giới ngoài do chưa có khuyến nghị của Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Trong Vụ Vịnh Bengal, các thẩm phán đã đánh giá cụ thể từng vụ việc và áp dụng tiêu chí “sự không chắc chắn đáng kể” (significant uncertainty, xem thêm ở đây) để xác định các quốc gia liên quan thực sự có thềm lục địa ngoài 200 hải lý.[6] Đây là một bước phát triển mới trong phân định biển và chế định thềm lục địa khi Toà phân định rõ giữa chức năng giữa Toà (giải quyết tranh chấp trong đó có phân định biển – delimitation) và CLCS (đưa ra khuyến nghị ranh giới ngoài của thềm lục địa ngoài 200 hải lý – delineation).[7] Trong Vụ Ghana/Côte d’Ivoire, Viện đặc biệt thuộc ITLOS cũng có vẽ chấp nhận tiêu chí “sự không chắc chằn đáng kể”.[8]
Theo Toà, Điều 83 áp dụng cho thềm lục địa nói chung, do đó cũng áp dụng để phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý.[9] Hơn nữa, Toà cũng cho rằng phương pháp phân định biển cũng nên được áp dụng giống nhau giữa thềm lục địa trong và ngoài 200 hải lý.[10] Logics để áp dụng phương pháp giống nhau cho thềm lục địa trong và ngoài 200 hải lý là do dù có cách gọi tên khác nhau nhưng về mặt pháp lý chỉ có duy nhất một thềm lục địa.[11] Và đã chỉ có một thềm lục địa thì phương pháp phân định phải giống nhau.
III. Thống kê các án lệ về phân định biển
Cho đến ngày 09/12/2017, có tổng cộng 27 vụ việc liên quan đến phân định biển được các cơ quan tài phán quốc tế thụ lý. Trong đó, 24 vụ đã có phán quyết (11 vụ trọng tài, bao gồm 3 vụ theo thủ tục trọng tài tại Phụ lục VII UNCLO; 13 vụ toà án, bao gồm 11 vụ tại Toà ICJ và 02 vụ tại Toà ITLOS), 03 vụ đang được xem xét tại Toà ICJ.
No. |
Tên vụ, nước liên quan, cơ quan tài phán |
Năm thụ lý – Năm ra phán quyết |
1. |
Vụ Grisnadarna (Na Uy v. Thuỵ Điển), Phán quyết của trọng tài năm 1909 | 1908 – 1909 |
2. | Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức/Đan Mạch; Đức/Hà Lan), Phán quyết của Toà ICJ năm 1969 | 1967 – 1969 |
3. | Vụ tranh chấp giữa Argentina và Chi Lê liên quan đến Kênh Beagle (Argentina và Chi Lê), Phán quyết của trọng tài năm 1977 | 1971 – 1977 |
4. | Vụ phân định thềm lục địa giữa Anh và Pháp (Anh/Pháp), Phán quyết của trọng tài năm 1977 và 1978 | 1975 – 1978 |
5. | Vụ phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Maine (Canada/Mỹ), Phán quyết của Viện thuộc Toà ICJ năm 1984 | 1981 – 1984 |
6. | Vụ liên quan đến Thềm lục địa (Tunisia/Libya), Phán quyết của Toà ICJ năm 1982 | 1978 – 1982 |
7. | Vụ phân định ranh giới trên biển giữa Guinea và Guinea-Bissau (Guinea/Guineas-Bissau), Phán quyết của trọng tài năm 1985 | 1983 – 1985 |
8. | Vụ liên quan đến Thềm lục địa (Libya/Malta), Phán quyết của Toà ICJ năm 1985 | 1982 – 1985 |
9. | Vụ xác định ranh giới trên biển (Guinea-Bissau/Senegal), Phán quyết của trọng tài 1989 | 1985 – 1989 |
10. | Vụ liên quan đến Phân định khu vực biển giữa Canada và Pháp (Canada/Pháp), Phán quyết của trọng tài năm 1992 | 1989 – 1992 |
11. | Vụ liên quan đến Phân định biển trong khu vực giữa Greenland và đảo Jan Mayen (Đan mạch v. Na Uy), Phán quyết của Toà ICJ năm 1993 | 1988 – 1993 |
12. | Vụ chủ quyền và Phân định biển ở Biển Đỏ (Eritrea/Yemen), Phán quyết giai đoạn 2 của trọng tài năm 1999 | 1996 – 1999 |
13. | Vụ liên quan đến Phân định biển và vấn đề lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain (Qatar v. Bahrain), Phán quyết của Toà ICJ năm 2001 | 1991 – 2001 |
14. | Vụ liên quan đến Ranh giới trên đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Guinea Xích đạo can thiệp), Phán quyết của Toà ICJ năm 2002 | 1994 – 2002 |
15. | Vụ Barbados và Trinidad and Tobago (Barbados/Trinidad and Tobago), Phán quyết của Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2006 | 2004 – 2006 |
16. | Vụ liên quan đến Tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Honduras trên Biển Caribbean (Nicaragua v. Honduras), Phán quyết của Toà ICJ năm 2007 | 1999 – 2007 |
17. | Vụ Guyana và Suriname (Guyana vs. Suriname), Phán quyết của Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2007 | 2004 – 2007 |
18. | Vụ phân định biển ở Biển Đen (Romania v. Ukraine), Phán quyết của Toà ICJ năm 2009 | 2004 – 2009 |
19. | Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia), Phán quyết của Toà ICJ năm 2012 | 2001 – 2012 |
20. | Vụ Tranh chấp về phân định ranh giới trên biển giữa Bangladesh và Myanmar trong Vịnh Bengal (Bangladesh/Myanmar), Phán quyết của Toà ITLOS năm 2012 | 2009 – 2012 |
21. | Vụ tranh chấp biển (Peru v. Chi-lê), Phán quyết của Toà ICJ năm 2014 | 2008 – 2014 |
22. | Vụ trọng tài ranh giới trên biển giữa Bangladesh và Ấn Độ (Bangladesh/Ấn Độ), Phán quyết của Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2014 | 2009 – 2014 |
23. | Vụ Croatia và Slovenia (Croatia/Slovenia), Phán quyết của trọng tài năm 2017 | 2009 – 2017 (xem post này) |
24. | Vụ phân định biển ở Đại Tây Dương (Ghana/Côte d’Ivoire), Phán quyết của Viện đặc biệt thuộc ITLOS năm 2017 | 2014 – 2017 (xem post nay) |
25. | Vụ về vấn đề phân định thềm lục địa giữa Nicaragua và Colombia ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển Nicaragua (Nicaragua v. Colombia), Toà ICJ | 2013 – đang xem xét |
26. | Vụ phân định biển ở Biển Carribbean và Thái Bình Dương (Costa Rica v. Nicaragua), Toà ICJ | 2014 – 2018 (xem post này) |
27. | Vụ phân định biển ở Ấn Độ Dương (Somali v. Kenya), Toà ICJ |
2014 – đang xem xét |
Cập nhật ngày 04.10.2019, tổng số vụ việc liên quan đến phân định biển là 28 vụ, với vụ mới nhất: Vụ tranh chấp phân định ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives ở Ấn Độ Dương (Mauritius/Maldives) trước Viện đặc biệt của Tòa ITLOS vào ngày 24.9.2019.
*
Xem danh sách các luật sư tham gia quá trình chuẩn bị hồ sơ và tranh tụng tại toà án và trọng tài trong những vụ việc đã ra phán quyết trong khoảng từ năm 2000 đến nay và 03 vụ đang chờ xem xét ở Toà ICJ, có thể thấy một số tên tuổi quen thuộc: Alain Pellet (tham gia 11 vụ), James Crawford (tham gia 08 vụ, hiện là thẩm phán Toà ICJ); Michael Wood (tham gia 08 vụ); Philippe Sands (tham gia 07 vụ); Vaughan Lowe (tham gia 06 vụ); Alex Oude Elferink (tham gia 05 vụ). Tất cả các luật sư trên đều đã hoặc đang là giáo sư luật quốc tế tại các đại học ở Anh, Pháp và Hà Lan. Ngoài ra, một công ty luật Mỹ cũng tham gia nhiều vào các vụ việc, Công ty Foley Hoag LLP, tham gia 07 vụ, tư vấn cho Ghana, Bangladesh, Nicaragua, Guyana và Somalia. Công ty này cũng tư vấn cho Philippines trong Vụ kiện Biển Đông.
Trần H. D. Minh
English summary: This article introduces main legal aspects of maritime delimitation of territorial sea, contiguous zone, the EEZ and continental shelf under the Geneva Conventions 1958 and the UNCLOS 1982. At the end it provides a table of maritime delimitation cases settled or being settled by international courts or tribunals (a total of 28), and a list of lawyers being active in consulting and litigating in recent cases.
———————————————————————-
[1] Symmons, Article 15, in trong Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea, C. H. Beck – Hart – Nomos, 2017, tr. 160 – 161.
[2] Vụ Phân định biển ở Biển Đen (Rumani v. Ukraine), Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế năm 2009, đoạn 115 – 122. [3] Như trên, đoạn 111.
[4] Vụ phân định đường ranh giới trên biển trong Vịnh Maine (Canada/Mỹ), Phán quyết của Viện thuộc Toà ICJ năm 1984, đoạn 27.
[5] UNCLOS, Điều 76(1).
[6] Phán quyết năm 2012, đoạn 443. [7] Như trên, đoạn 376. [8] Phán quyết năm 2017, đoạn 496. [9] Phán quyết năm 2012, đoạn 454 – 455. [10] Như trên; Phán quyết năm 2017, đoạn 526. [11] Như trên.