[203] Phán quyết Vụ kiện Biển Đông: Chung thẩm và ràng buộc, không thể phúc thẩm và không có căn cứ để vô hiệu

Về nguyên tắc, Philippines và Trung Quốc đều là thành viên UNCLOS, cả hai nước đều có nghĩa vụ thực thi tất cả và toàn bộ các quy định của Công ước theo nguyên tắc pacta sunt servanda. Nghĩa vụ này bao gồm nghĩa vụ tuân thủ các Phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII trong Vụ kiện Biển Đông được đưa ra phù hợp với quy định của Công ước. Việc không tuân thủ phán quyết đồng nghĩa với việc vi phạm quy định của Công ước, và làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế cho Trung Quốc.

Hiệu lực pháp lý của các phán quyết của tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS được quy định ở Điều 296 Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII. Điều 296(1) về “Hiệu lực ràng buộc và chung thẩm của các phán quyết” quy định rằng:

“Bất kỳ phán quyết nào được đưa ra bởi một tòa án hay trọng tài có thẩm quyền theo mục này sẽ là chung thẩm và sẽ phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ.”

Điều 11 Phụ lục VII quy định cụ thể hơn rằng:

“Phán quyết sẽ có tính chất chung thẩm và không thể phúc thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về một thủ tục phúc thẩm. Phán quyết phải được các bên tranh chấp tuân thủ.”

Screen Shot 2020-09-12 at 23.05.19

Theo đúng các quy định trên, về nguyên tắc, phán quyết trọng tài là chung thẩm và ràng buộc. Như Điều 11 đã quy định, ngoại lệ cho nguyên tắc trên là các quốc gia liên quan có thỏa thuận trước cho phép phúc thẩm. Trong Vụ kiện Biển Đông, Philippines và Trung Quốc không có bất kỳ thỏa thuận nào như thế về khả năng phúc thẩm phán quyết trọng tài. Theo đó, các Phán quyết của Tòa trọng tài vào năm 2015 và 2016 có hiệu lực ràng buộc hai nước và chung thẩm, không thể phúc thẩm.

Ngoài các quy định của UNCLOS, theo một số học giả, khả năng một bên trong vụ kiện trọng tài có thể yêu cầu vô hiệu một phán quyết trong tài còn có thể “phụ thuộc một phần vào luật quốc tế chung”.[1] Khi không có thỏa thuận trước, Merrills cho rằng một bên có thể viện dẫn học thuyết vô hiệu (the doctrine of nullity).[2] Tuy nhiên, chưa có cơ sở chắc chắn về sự tồn tại của học thuyết này trong luật quốc tế; nói cách khác, có vẻ học thuyết vô hiệu chỉ là một học thuyết trong giới nghiên cứu luật quốc tế mà không có giá trị pháp lý của một quy định pháp lý quốc tế. Có thể học thuyết vô hiệu xuất phát từ các quy định nội luật cho phép tòa án vô hiệu phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, luật quốc tế và luật quốc gia là hai hệ thống pháp lý khác biệt, nên việc một quy định nội luật không thể tự động được chuyển hóa thành vào luật quốc tế. Hơn nữa, do luật quốc tế không có tòa án có thẩm quyền chung như trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, học thuyết vô hiệu có thể bị lạm dụng bởi bên thua trong vụ kiện trọng tài. Nếu một quốc gia có thể lạm dụng học thuyết này để vô hiệu phán quyết trọng tài thì cũng có thể làm thế với phán quyết tòa án quốc tế, và điều này có thể dẫn đến việc làm suy yếu hơn nữa hệ thống giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán cũng như làm phát sinh thêm tranh chấp mới sau khi có phán quyết. Với các điểm bất lợi của việc chuyển hóa học thuyết vô hiệu vào luật quốc tế, học thuyết này khó có thể và không nên được chấp nhận.

Thực tiễn tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho thấy chỉ có ý kiến cá nhân hoặc ý kiến riêng của một số thẩm phán cho rằng một bên trong vụ kiện trọng tài có thể từ chối hiệu lực của phán quyết trọng tài nếu phán quyết đó có sai sót nghiêm trọng.[3] Theo các thẩm phán này, để vô hiệu phán quyết trọng tài, một bên có thể viện dẫn các căn cứ như tòa không có thẩm quyền hay vượt quá thẩm quyền, các trọng tài viên gian lận hay tham nhũng, hoặc tòa đã vi phạm các nguyên tắc tố tụng cơ bản như không giải thích căn cứ trong phán quyết.[4] Trên thực tế, Tòa ICJ có hai lần thụ lý vụ việc mà một bên yêu cầu Tòa vô hiệu phán quyết trọng tài: Vụ Phán quyết trọng tài của Vua Tây Ban Nha (Honduras v. Nicaragua) và Vụ Phán quyết trọng tài ngày 31 tháng 07 năm 1989 (Guinea-Bissau v. Senegal). Trong cả hai vụ việc, Tòa xem xét và bác bỏ các lập luận của bên yêu cầu vô hiệu. Điều quan trọng cần lưu ý rằng, Tòa ICJ không nhắc đến học thuyết vô hiệu như một quy định của luật quốc tế, mà Tòa chỉ xem xét theo đúng yêu cầu mà các bên liên quan đã thỏa thuận khi đệ trình tranh chấp vô hiệu lên Tòa. Như vậy, chưa có cơ sở cho giá trị pháp lý của học thuyết vô hiệu trong luật quốc tế nói chung.

Năm 2018, Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) đã cho xuất bản một ấn phẩm đặc biệt, dài 542 trang phản bác lại các Phán quyết của Toà trọng tài: The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study (xem tại đây). Ấn phẩm là công trình tập thể của 79 học giả Trung Quốc (39 người dự thảo, 21 người rà soát và 19 người có góp ý) đăng trên Chinese Journal of International Law do NXB. Oxford University Press ấn hành. Trong phần dưới đây, các tác giả sẽ thảo luận các lập luận của CSIL sử dụng để cố gắng vô hiệu các Phán quyết của Tòa trọng tài. Vì căn cứ liên quan đến gian lận hay tham những không được viện dẫn, trong khi căn cứ tòa không có thẩm quyền hay vượt quyền không thuyết phục như đã trình bày ở trên,[5] nên các tác giả sẽ thảo luận các lập luận của CSIL liên quan đến căn cứu rằng Tòa trọng tài đã không giải thích đầy đủ khi đưa ra kết luận trong phán quyết của mình.[6]

Nghiên cứu của CSIL cho rằng có tám điểm mà Phán quyết của Tòa trọng tài đã không giải thích đầy đủ căn cứ cho các kết luận của mình.[7] Một mặt, đúng là các phán quyết trọng tài hay phán quyết của tòa án phải đi kèm với lập luận đầy đủ giải thích căn cứ mà cơ quan tài phán sử dụng để đưa ra kết luận của mình. Mặt khác, nghĩa vụ này không yêu cầu cơ quan tài phán phải trình bày lập luận một cách toàn diện trong phán quyết. Nghĩa vụ chỉ yêu cầu lập luận của cơ quan tài phán phải đầy đủ. Tòa ICJ đã từng giải thích cụ thể một phán quyết như thế nào là được xem là có lập luận đầy đủ. Trong Ý kiến tư vấn năm 1973 cho Vụ Đơn xin phúc thẩm Phán quyết số 158 của Tòa Hành chính Liên hợp Quốc,[8] Tòa giải thích rằng:

“Trong khi yêu cầu nêu rõ căn cứ [trong phán quyết] là cần thiết để phán quyết của Tòa có hiệu lực, câu hỏi ở đây là hình thức và mức độ lập luận như thế nào để thỏa mãn yêu cầu này. Nguyên đơn có vẻ cho rằng, để một phán quyết có lập luận đầy đủ, mỗi lập luận [của các bên] phải được thảo luận và phải nêu ra lý do để chấp nhận hay bác bỏ từng lập luận. Nhưng thực tiễn, và về nguyên tắc, cũng không yêu cầu nghiêm ngặt như thế khi giải thích quy định này, [quy định này] có vẻ được hiểu chung đơn giản là yêu cầu phán quyết phải được đưa ra dựa trên một quá trình lập luận được trình bày [trong phán quyết]. Trình bày [trong phán quyết] phải cho thấy một cách tổng thể lập luận mà dựa vào đó phán quyết được đưa ra; nhưng không cần thiết phải đi vào chi tiết từng yêu cầu và từng lập luận của bất kỳ bên nào. Trong khi một cơ quan tài phán có nghĩa vụ xem xét tất cả các đệ trình chính thức của một bên, cơ quan tài phán không có nghĩa vụ phải trình bày lập luận của mình trong phán quyết dưới hình thức của tiến trình xem xét cụ thể từng đầu mục đệ trình. Cũng không có bất kỳ hình thức hay kỹ thuật bắt buộc nào để đưa ra phán quyết: một tòa án có thể sử dụng lập luận trực tiếp hoặc gián tiếp, và trình bày các kết luận cụ thể hoặc chỉ ngầm định, với điều kiện rằng các lập luận là căn cứ của phán quyết phải rõ ràng.”[9]

Screen Shot 2020-09-12 at 23.01.13

Rõ ràng rằng từ đoạn trích nêu trên, yêu cầu về giải thích rõ căn cứ của phán quyết chỉ ở mức hợp lý. Một cơ quan tài phán không có nghĩa vụ phải “đi vào chi tiết từng yêu sách và từng lập luận của bất kỳ bên nào” hay phải trình bày “một tiến trình xem xét chi tiết”.

Trong vụ việc trên, Tòa ICJ cũng nhận định rằng “[v]ấn đề liệu một phán quyết có thiếu căn cứ hay không… cần thiết phải được đánh giá đặt trong vụ việc cụ thể và của phán quyết một cách tổng thể.”[10] Trong Vụ kiện Biển Đông, Nghiên cứu của CSIL đã phớt lờ bối cảnh của Vụ kiện và không đánh giá các Phán quyết một cách tổng thể. Các tác giả của Nghiên cứu này nên xem xét đến việc trong bối cảnh Trung Quốc không tham gia vụ kiện và việc thiếu các lập luận chính thức từ phía Trung Quốc, Tòa trọng tài đã xem xét cẩn trọng Văn kiện lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tất cả các thông tin sẵn có, và thậm chí cố gắng dự đoán các lập luận có lợi cho Trung Quốc.[11] Sau đó, Tòa trọng tài đã xem xét tất cả và từng lập luận đó trong Phán quyết của mình. Không có căn cứ để cho rằng các Phán quyết về tổng thể là trình bày thiếu căn cứ. Thêm vào đó, tám điểm mà Nghiên cứu của CSIL đưa ra thực chất là các căn cứ mà Tòa trọng tài dựa vào để đưa ra một số trong nhiều kết luận của mình. Rõ ràng, các tác giả của Nghiên cứu của CSIL biết được căn cứ cho các kết luận của Tòa, chỉ là họ không hài lòng với các căn cứ đó. Yêu cầu trình bày chi tiết “căn cứ của căn cứ” cho các kết luận có thể xem là một yêu cầu thái quá. Cũng thú vị nếu đem so sánh Phán quyết trong vụ kiện này với các phán quyết của các cơ quan tài phán trong các vụ việc khác, thì khó có thể phủ nhận rằng các Phán quyết trên trình bày lập luận và căn cứ với mức độ rất chi tiết.

Trích từ Phạm Lan Dung & Trần Hữu Duy Minh, “Phán quyết của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc: Tiến trình, Nội dung và Giá trị pháp lý”, in trong Nguyễn Hồng Thao (chủ biên), Luật quốc tế và những vấn đề thực tiễn tại Việt Nam (NXB. Thanh Niên 2020), tr. 65-100.

———————————————————-

[1] John G. Merrills (2011), International Dispute Settlement, 5th ed., Cambridge University Press, Cambridge, tr. 100.   [2] Như trên, tr. 103.

[3]Effect of awards of compensation made by the U.N. Administrative Tribunal [1954] (Advisory Opinion) (Dissenting Opinion of Judge Alvarez) ICJ Reports 47, tr. 68. Xem thêm (Individual Opinion of Judge Winiarski), như trên, tr. 65.

[4] John G. Merrills (chú thích số 1) tr. 103-106; Malcolm N Shaw (2008), International Law, 6th ed., NXB. Cambridge University Press, Cambridge, tr. 1053-1054.   

[5] Xin xem ở Mục 2 của bài viết trong bản in.

[6] Nghiên cứu của CSIL, tr. 652, đoạn 980. Nghiên cứu của CSIL cũng lập luận rằng các Phán quyết là vô hiệu do Tòa trọng tài đã sai lầm về mặt chứng cứ và luật (như trên, tr. 650-652, đoạn 979). Tuy nhiên, bỏ qua các điểm không hợp lý trong lập luận, việc giải thích Công ước và việc đánh giá chứng cứ của Nghiên cứu của CSIL là không chính thức và đơn phương, bởi vì quyền giải thích Công ước thuộc về tập thể các quốc gia thành viên hoặc của cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước. Hơn nữa, cũng khó có thể xem Nghiên cứu của CSIL là một nguồn bổ trợ của luật quốc tế tương đương với ý kiến của các học giả có uy tín cao theo Điều 38 Quy chế Tòa ICJ. Phạm vi bài viết cũng không thích hợp thảo luận chi tiết về các lập luận của Nghiên cứu phản biện trong vấn đề này. Liên quan đến lập luận về sai lầm về mặt chứng cứ, ở đây chỉ xin trích lại ý kiến của Tòa ICJ về vấn đề này: “Việc thẩm định giá trị chứng cứ của các tài liệu và bằng chứng thuộc về quyền quyết định của trọng tài viên và không thể bị nghi ngờ.” (Case concerning the Arbitral Award made by the King of Spain on 23 December 1906 (Honduras v. Nicaragua) [1960] (Judgment) ICJ Reports 192, tr. 215-216).   [7] Như trên.

[8] Application for Review of Judgment No. 158 of the United Nations Administrative Tribunal [1973] (Advisory Opinion) ICJ Reports 166.   [9] Như trên, tr. 210-211, đoạn 95.   [10] Như trên.

[11] Phán quyết về thẩm quyền năm 2015, tr. 11-12, đoạn 12-15. Có những phần trong Phán quyết, các lập luận được dự đoán có lợi cho Trung Quốc được đưa ra dưới tiêu đề “Các phản đối tiềm năng” (Possible Objections).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: