[175] Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của Malaysia ở Biển Đông và phản ứng của Trung Quốc

Phản ứng của Trung Quốc và sự im lặng (tạm thời) của các nước khác – Ủy ban CLCS sẽ không xem xét đệ trình của Malaysia và dự đoán phản ứng của các nước – Trung Quốc làm rõ yêu sách trên Biển Đông – Rối rắm câu chữ: yêu sách “Nam Hải Chư Đảo” hay “Nam Hải chư đảo”?

Ngày 12.12.2019, Malaysia đã nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS). Đây là đệ trình thứ hai của Malaysia, trước đó, Malaysia và Việt Nam đã nộp một đệ trình chung (joint submission) ở khu vực phía nam Biển Đông vào năm 2009.

Theo bản đồ đính kèm tóm tắt đệ trình, ranh giới mà Malaysia yêu sách nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông, phía bắc quần đảo Trường Sa, xa về phía tây bắc của lãnh thổ Malaysia trên đảo Borneo. Ranh giới đối diện với bờ biển miền trung Việt Nam và bờ biển quần đảo Philippines. Xem thêm bài bình luận của PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao về đệ trình này.

Malaysia CLCS map

Phản ứng của Trung Quốc và sự im lặng (tạm thời) của các nước khác

Đệ trình được Malaysia nộp ngày 12.12.2019, và ngay trong ngày đó, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc đã có công hàm phản đối. Cho đến hôm nay, website của Ủy ban CLCS không ghi nhận thêm bất kỳ công hàm nào của các quốc gia khác. Việc thiếu vắng phản đối từng các quốc gia có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines có thể có nhiều lý do.

Thứ nhất, hai quốc gia này có thể đang xem xét và trong quá trình tham vấn nội bộ và với các quốc gia liên quan để có thể đưa ra phản ứng chính thức. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng, ví dụ như trong trường hợp đệ trình chung của Malaysia và Việt Nam và đệ trình riêng của Việt Nam vào năm 2009, Philippines chỉ có công hàm phản đối vào ngày 04.8.2009 – gần ba tháng sau khi hai đệ trình được nộp. Hơn nữa, với việc có công hàm phản đối của Trung Quốc, thì về cơ bản, Ủy ban sẽ không xem xét đệ trình của Malaysia lần này (xem phân tích bên dưới), do đó, Việt Nam và Philippines không bị áp lực về thời gian để để có phản ứng chính thức, cứ từ từ thông thả mà suy nghĩ và nói chuyện với nhau, không việc gì phải vội!

Suy luận thứ hai cho sự thiếu phản ứng của Việt Nam và Philippines là Malaysia và hai nước đã có tham vấn từ trước, hoặc ngay sau khi đệ trình được nộp. Hi vọng rằng đây là điều đã xảy ra, và nếu đúng thì đây là một tín hiệu rất tích cực!

Phản đối của Trung Quốc ngăn chặn Ủy ban CLCS xem xét đệ trình của Malaysia

Theo Điều 5(a) Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của Ủy ban CLCS, khi có tranh chấp giữa các quốc gia với nhau liên quan đến một đệ trình thì Ủy ban chỉ xem xét và cho khuyến nghị khi có sự đồng ý trước của tất cả các bên tranh chấp. Như vậy, chỉ với một công hàm phản đối của Trung Quốc đã buộc Ủy ban không xem xét đến đệ trình của Malaysia. Đây là điều đã xảy ra với đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia và của riêng Việt Nam vào năm 2009.

Với quy định như vậy, Việt Nam và Philippines (và cả Brunei) có nhiều lựa chọn để phản ứng với đệ trình của Malaysia. Thứ nhất, các quốc gia này có thể im lặng bởi vì với phản đối của Trung Quốc đệ trình của Malaysia sẽ không được xem xét. Khi nào Malaysia thuyết phục được Trung Quốc rút phản đối thì lúc đó ba nước này có thể cần nghĩ đến có nên phản đối hay không. Thời điểm này phản đối là không cần thiết, đôi khi lại gây cảm giác không dễ chịu cho phía Malaysia, từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển tình đoàn kết giữa các quốc gia.

Thứ hai, ba nước có thể có phản ứng rất nhẹ nhàng với Malaysia, từ việc ghi nhận và bảo lưu quyền có ý kiến trong tương lai, đến việc nhắc lại với Ủy ban CLCS quan điểm rằng tiến trình tại Ủy ban CLCS không ảnh hưởng đến việc các quốc gia giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sau này.

Thứ ba, hai lựa chọn trên là dành cho phía Malaysia, còn riêng với Công hàm của Trung Quốc, các quốc gia cần có sự phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, và nhanh chóng. Sự im lặng, dù không có nhiều ý nghĩa pháp lý, sẽ có thể làm suy yếu nhận thức của Trung Quốc đối về quyết tâm của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Tóm lại, phản đối của Trung Quốc đã đủ để Ủy ban CLCS không xem xét đến đệ trình của Malaysia. Các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam và Philippines (và cả Brunei) cần có công hàm càng sớm càng tốt. Một mặt, công hàm của ba nước này nên nhẹ nhàng với Malaysia. Mặt khác, cả ba nước cần phải thể hiện rõ lập trường kiên quyết của mình chống lại yêu sách thái quá mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm của mình. Như vậy, mục đích phải có công hàm phản đối của ba nước là đáp trả lại công hàm của Trung Quốc, chứ không phải là nhắm đến đệ trình của Malaysia.

Trung Quốc làm rõ hơn yêu sách của mình trên Biển Đông

Trong Công hàm ngày 12.12.2019, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã làm rõ hơn hẳn yêu sách của mình trên Biển Đông (bản tiếng Anh, bản tiếng Trung). Trước đó, Trung Quốc thường có quan điểm rất mơ hồ, chung chung, đa nghĩa với từ “vùng nước liên quan” (relevant waters). Lần này, Trung Quốc nói rất rõ yêu sách của mình:

“Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, dựa trên Nam Hải Chư đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, dựa trên Nam Hải Chư Đảo; Trung Quốc có các quyền lịch sử trên Biển Đông. Quan điểm trên của Trung Quốc tuân thủ với thực tiễn và luật pháp quốc tế liên quan.”

Not CN to Malaysia CLCS 2019 Eng

Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng về cái mà nước này muốn có ở Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc muốn có chủ quyền đối với bốn quần đảo, bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việc nhắc đến “Nam Hải Chư Đảo” gợi nhớ đến yêu sách “Tứ Sa” mà Chính phủ Trung Quốc trước đó, vào năm 2017. Vào năm 2017, Phó vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Xinmin đưa ra trong cuộc họp đối thoại luật biển giữa Bộ này với Bộ Ngoại giao Mỹ.[1] 

Thứ hai, Trung Quốc muốn có tất cả các vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Cần lưu ý rằng ngay sau khi Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, năm 2016, Trung Quốc cũng đã nhắc đến việc “Dựa trên Nam Hải Chư Đảo, Trung Quốc có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” (xem tại đây, và đây). Do đó, Công hàm ngày 12.12.2019 của Trung Quốc ở trên chỉ nhắc lại yêu sác trước đó, chứ không mới.

Thứ ba, Trung Quốc còn muốn có các quyền lịch sử trên Biển Đông, dù không rõ là Trung Quốc muốn quyền cụ thể gì.

Yêu sách “Nam Hải Chư Đảo” hay “Nam Hải chư đảo”?

Ở đây, xin nhấn vào cái muốn thứ hai của Trung Quốc vì có điểm đặc biệt thú vị. Với cách viết câu chữ trong công hàm bản tiếng Anh, có vẻ Trung Quốc hàm ý rằng nước này xem Nam Hải Chư Đảo (Nanhai Zhudao) là một thực thể đơn nhất (a single unit) để yêu sách vùng biển trên Biển Đông. Đây là một trong hai cách hiểu mà PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã đưa ra vào năm 2018 khi phân tích yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc có thể hoặc (i) vạch đường cơ sở bao quanh từng nhóm đảo của bốn nhóm đảo, hoặc (ii) vạch đường cơ sở bao quanh cả bốn nhóm đảo như một thực thể đơn nhất. Cách viết tiếng Anh trong công hàm ngày 12.12.2019 của Trung Quốc có vẻ rơi vào dự đoán thứ hai nêu trên.

Hi vọng đây không phải là ý muốn thực sự của Trung Quốc bởi vì quan điểm như thế là vô lý đến mức các cố vấn pháp lý của Trung Quốc cũng sẽ ngượng ngùng khi đưa ra. Hơn nữa, quan điểm như thế cũng không cần thiết để bảo đảm yêu sách của Trung Quốc bao trùm Biển Đông. Trung Quốc không cần xem Nam Hải Chư Đảo là một thực thể đơn nhất, mà chỉ cần xem từng trong bốn quần đảo trên là thực thể đơn nhất là cũng đủ để bao  toàn bộ Biển Đông.

Điểm khác nhau là nếu xem Nam Hải Chư đảo là một thực thể thống nhất thì có vẻ Trung Quốc muốn vùng nước nằm giữa bốn quần đảo thuộc chủ quyền của mình do sẽ nằm trong đường cơ sở bao quanh cả bốn quần đảo. Nếu đúng thế thì Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”, trong khi điều đó chắc chắn là không thể bởi vì Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới mà quyền tự do hàng hải là lợi ích quan trọng của các nước trên thế giới nói chung. Hi vọng Chính phủ Trung Quốc không có hàm ý như vậy, nếu không thì giới học giả Trung Quốc sẽ có những ngày tháng đau đầu kinh niên. Biện minh cho yêu sách đường chữ U đã là nhiệm vụ bất khả thi, biện minh cho một Nam Hải Chư Đảo như một thực thể đơn nhất là điều không tưởng về mặt pháp lý (xem thêm post này để hiểu thêm).

Tuy nhiên, nếu xem công hàm bản tiếng Trung thì ý nghĩa có vẻ lại hơi khác. Trong bản tiếng Trung, các yêu sách được bắt đầu bằng “trung quốc nam hải chư đảo có…” (中国南海诸岛拥有…). Nếu trong tiếng Anh và tiếng Việt, việc viết hoa hàm ý một danh từ riêng, ví dụ viết “Nanhai Zhudao” hay “Nam Hải Chư Đảo” thì hàm ý là một thực thể đơn nhất. Trong khi đó, tiếng Trung lại không có kiểu viết hoa để dễ phân biệt, do đó câu trên có thể viết thành “trung quốc nam hải chư đảo” với nghĩa là “các đảo ở Nam Hải của Trung Quốc”. Với cách hiểu thứ hai này thì hệ quả pháp lý sẽ khác. Cũng xin thành thật rằng do tác giả không biết tiếng Trung, do đó, xin dành phần nghiên cứu này cho các chuyên gia biết tiếng Trung, hoặc các chuyên gia theo dõi sát quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông. Xin đính kèm bản gốc tiếng Trung để đọc giả tự tìm hiểu thêm.

Note CN to Malaysia CLCS 2019

Nếu hiểu rằng ý định thực sự của Trung Quốc là muốn yêu sách biển từ “Nam Hải chư đảo” thì có hai cách hiểu. Thứ nhất, như PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh đã nêu, Trung Quốc có thể vạch đường cơ sở bao quanh từng nhóm đảo trong bốn nhóm đảo trên Biển Đông, và yêu sách biển từ từng nhóm đảo. Như vậy, thay vì xem bốn nhóm đảo là một thực thể đơn nhất “Nam Hải Chư Đảo” thì Trung Quốc muốn bốn thực thể đơn nhất. Thứ hai, Trung Quốc vẫn để mở khả năng yêu sách biển từ từng đảo một.

Trong cả ba cách hiểu trên, “Nam Hải Chư Đảo” như một thực thể đơn nhất, “Nam Hải chư đảo” với bốn thực thể đơn nhất, và “Nam Hải chư đảo” với yêu sách biển cho từng đảo, hai cách hiểu đầu tiên hoàn toàn không phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, xem phân tích của PGS. TS. Nguyễn Thị Lan AnhTS. Nguyễn Thị Hồng Yến, và bình luận quốc tế. Cách hiểu thứ ba phù hợp hơn với UNCLOS, nhưng bất hợp pháp vì Trung Quốc không có chủ quyền đối với bất kỳ đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đối với Trung Sa và Đông Sa thì có thể khác).

Trần H. D. Minh

———————————————————

[1] Bill Gertz. “Beijing Adopts New Tactic for S. China Sea Claims”. The Washington Free Beacon, ngày 21/09/2017. http://freebeacon.com/national-security/beijing-adopts-new-tactic-s-china-sea-claims truy cập ngày 10.01.2020, dẫn từ bài viết của PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, ‘Tứ Sa – Chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc ở Biển Đông’, ngày 19.06.2018, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/6990-tu-sa-chien-thuat-phap-ly-moi-cua-trung-quoc-o-bien-dong truy cập ngày 10.01.2020.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑