[186] Quan điểm chính thức của Việt Nam về Công thư do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1958

Ngày 17.04.2020, Trung Quốc có công hàm gửi đến Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản bác các Công hàm của Việt Nam, trong đó có Công hàm 22/HC-2020 với nhiều nội dung pháp lý quan trọng liên quan đến Biển Đông (về Công hàm của Việt Nam, xem thêm post nàynày). Trong Công hàm của Trung Quốc có nhắc đến Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14.9.1958 như là bằng chứng cho thấy Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản gốc tiếng Trung và bản dịch tiếng Anh của Trung Quốc.

Các trao đổi công hàm này diễn ra trong bối cảnh ngày 12.12.2019, Malaysia nộp đệ trình thềm lục địa mở rộng vượt ngoài 200 hải lý của nước này tại Biển Đông lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) (xem thêm post này).

Nội dung Công thư năm 1958

Nội dung nguyên văn của Công thư năm 1958 như sau:

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.[1]

Lời văn và tinh thần của Công thư bao gồm: (1) tán thành tuyên bố của Trung Quốc quyết định về hải phận, cụ thể là mở rộng lãnh hải lên 12 hải lý, (2) nhấn mạnh rằng Việt Nam “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”, (3) không có câu chữ nhắc đến “Hoàng Sa”, “Trường Sa” nói riêng, hay “chủ quyền”, “lãnh thổ” nói chung, và (4) tinh thần của Công thư thể hiện rõ nét là về vấn đề biển khi nhắc đến “quyết định về hải phận”, “hải phận 12 hải lý” và “trên mặt biển”.

Nói thêm về tên gọi, bài viết sử dụng cách gọi “công thư” – có vẻ là tên gọi của văn bản này mà các cơ quan nhà nước sử dụng. Trong ba tài liệu ngoại giao bên dưới, công thư này được dịch sang tiếng Anh là “note” hay “letter“.

Việt Nam nhiều lần thể hiện quan điểm công khai và rõ ràng về Công thư năm 1958

Việc viện dẫn đến Công thư năm 1958 là một lập luận không mới của phía Trung Quốc. Ít nhất từ những năm 1970, Việt Nam đã biết lập luận này và đã có trả lời rõ ràng với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Cụ thể, Tuyên bố ngày 07.08.1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trích lại trong Sách trắng về Chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xuất bản bằng tiếng Anh năm 1979 có đoạn nêu rõ rằng:

“Diễn giải của Trung Quốc về công thư ngày 14 tháng Chín năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như là sự công nhận quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các quần đảo là sự xuyên tạc nghiêm trọng bởi vì cả lời văn và tinh thần của công thư chỉ có nghĩa [Việt Nam] công nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.”[2]

1979

Lần gần đây nhất mà Việt Nam nêu quan điểm về Công thư năm 1958 là vào năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Trong giai đoạn đó, các tài liệu cho thấy Việt Nam có ít nhất ba lần nêu rõ ràng quan điểm của mình về Công thư năm 1958.

Lần thứ nhất là trong Họp báo Quốc tế về Biển Đông ngày 23.05.2014

Trong Họp báo quốc tế về Biển Đông ngày 23.05.2014 với sự chủ trì của: ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao; ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế; ông Đỗ Văn Hậu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, có câu hỏi liên quan đến Công thư năm 1958 và trả lời của các cơ quan chức năng . Câu hỏi như sau: “Thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn sai lệch công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.

Câu trả lời của cơ quan chức năng Việt Nam:

“- Cần khẳng định rằng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

– Việc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956 phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.

– Việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp là đi ngược lại chính quan điểm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Ngày 24/9/1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Ý kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cũng được ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/05/1988 đăng trên Nhân dân Nhật Báo. Xin lưu ý: năm 1958, Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nên hiểu rất rõ về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và phía Trung Quốc không nên nói và làm ngược với những ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc trước đây.”

Lần thứ hai là ngày 03.07.2014 khi Việt Nam cho lưu hành tại Liên hợp quốc Văn kiện lập trường của Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa

Gần như giống với trả lời của cơ quan chức năng trong Họp báo nêu trên, Văn kiện lập trường này (xem A/68/942) có đoạn như sau:

“Trung Quốc đã cố ý xuyên tác và giải thích sai lịch sử khi dẫn chiếu đến công thư do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 và các xuất bản phẩm tại Việt Nam trước năm 1975 nhằm cố gắng biện minh cho yêu sách của mình đối với Quần đảo Hoàng Sa. Công thư không hề đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công thư liên quan đến vấn đề quyền trên biển, không phải các vấn đề lãnh thổ. Thực tế, cách mà Trung Quốc ngày nay giải thích Công thư trái với chính các tuyên bố của Trung Quốc, bao gồm các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Vào tháng Chín năm 1975, 17 năm sau khi công thư được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi đi, Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói với Lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng: ‘Trung Quốc có đầy đủ tài liệu để chứng minh rằng Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) đã là một phần lãnh thổ Trung Quốc từ lâu. Tuy nhiên, theo đúng nguyên tắc hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ thảo luận với nhau về vấn đề này’. Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình được ghi nhận rõ ràng trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề ngày 12 tháng 5 năm 1988 và phản ánh rằng Trung Quốc hiểu rằng vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết bằng các tuyên bố hay thoả thuận trước đó theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng bằng chứng lịch sử và tiến hành đàm phán nghiêm túc với Việt Nam về vấn đề Quần đảo Hoàng Sa.”

942

Lần thứ ba là ngày 26.12.2017 khi Việt Nam cho lưu hành tại Liên hợp quốc Công hàm gửi đến Trung Quốc trước đó vào ngày 21.12.2017

Tại đoạn 2 của Công hàm trên (xem A/72/692) viết rằng:

“Việc Trung Quốc cố tình viện dẫn đến một số tài liệu, tuyên bố, và xuất bản phẩm, bao gồm công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong các lập luận gửi phía Việt Nam về các vấn đề chủ quyền không phù hợp với thực tế và bối cảnh lịch sử trong giai đoạn 1954 – 1975 và cũng không phù hợp với các nguyên tắc giải thích luật pháp quốc tế và luật học. Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam là một quốc gia bị chia cắt. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà trong việc thực thi các hoạt động khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này. Như Việt Nam đã nhiều lần nhất mạnh nhất quán rằng, công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ ghi nhận một vấn đề duy nhất là sự ủng hộ về nguyên tắc đối với việc Trung Quốc mở rộng chiều rộng lãnh hải và không nhắc đến bất kỳ quan điểm nào về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cách diễn giải của Trung Quốc đi ngược lại với tuyên bố của các lãnh đạo Trung Quốc vào tháng Chín năm 1975, theo đó, Trung Quốc thừa nhận rằng “có tồn tại tranh chấp giữa hai nước” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trung Sa và “vấn đề này sẽ được giải quyết giữa hai nước trong tương lai” .”

692

Nhận định

Có thể tóm gọn lập luận của Việt Nam để bác bỏ các diễn giải của Trung Quốc về Công thư năm 1958 là dựa vào lời văn và tinh thần của chính Công thư năm 1958 đặt trong bối cảnh lịch sử và nhận thức trong quá khứ của Trung Quốc về Công thư này. Đây là cách diễn giải mà Việt Nam cho rằng “phù hợp với các nguyên tắc giải thích luật pháp quốc tế và luật học” nêu trên. Cụ thể ba cấu thành trong lập luận của Việt Nam bao gồm: (1) lời văn và tinh thần của Công thư năm 1958 không hề có nội dung Việt Nam công nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, (2) vào năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không có “quyền quản lý” đối với hai quần đảo này,[3] (3) chính Trung Quốc trong quá khứ cũng không tin rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc khi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào năm 1975 xác nhận vấn đề chủ quyền còn đang tranh chấp và sẽ đàm phán giải quyết với Việt Nam.

Trần H. D. Minh

———————————————————–

[1] “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 23.05.2014, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Cong-ham-1958-voi-chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-cua-Viet-Nam/199959.vgp truy cập ngày 24.04.2020. Dẫn lại cùng ngày tại trang VNExpress, https://vnexpress.net/cong-thu-1958-co-noi-dung-nhu-the-nao-2994952.html, truy cập ngày 24.04.2020. Nội dung nguyên văn của Công thư cũng được trích lại trong Nguyễn Bá Diến, ‘Về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 và vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam’, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, số 27 (2011), tr. 241, https://js.vnu.edu.vn/LS/article/view/1001/969 truy cập ngày 24.04.2020. Bài viết trên lại trích lại nhưng không nêu rõ số trang: Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an Nhân dân, 1995.

[2]Statement by the Ministry of Foreign Affairs of the Socialist Republic of Viet Nam on the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagos (August 7, 1979’, in lại trong Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, Vietnam’s Sovereignty over the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes, Hanoi, 1979, xem tại https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP08C01297R000300180007-5.pdf truy cập ngày 24.4.2020.

[3] Giải thích điểm này theo “logic thông thường”, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao được trích lời vào năm 2014 như sau: “Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam cộng hòa theo Hiệp định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được.Thảo Nguyên (tổng hợp), “Sự thật Công thư năm 1958”, Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 05.06.2014, https://baoquocte.vn/su-that-cong-thu-1958-137.html truy cập ngày 24.04.2020.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: