[170] Vấn đề vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo xa bờ thuộc quốc gia lục địa

Trong tuyên bố xác lập đường cơ sở ngày 15.5.1996, Trung Quốc đã tự ý vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa mà nước này xâm chiếm của Việt Nam khi sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1956 và 1974. Trung Quốc xác lập 28 điểm cơ sở trên các thực thể của quần đảo Hoàng Sa, từ đó nối thành các đoạn cơ sở thẳng bao kín toàn bộ quần đảo này. 

Paracel Islands Chinese illegal baselines

Đây là một cách thức vạch đường cơ sở “khá lạ” so với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo quy định của UNCLOS, có ba loại đường cơ sở cơ bản: đường cơ sở thông thường (normal baselines), đường cơ sở thẳng (straight baselines) và đường cơ sở quần đảo (archipelagic baselines). Xem thêm post về UNCLOS: Đường cơ sở. So sánh với ba loại đường cơ sở nêu trên, yêu sách đường cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa không thể là đường cơ sở thông thường. Hình dạng và cách vạch của đường cơ sở này rất giống với đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo.

Bài viết dưới đây sẽ xem xét liệu một quốc gia lục địa có quyền vạch đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo để bao quanh quần đảo xa bờ của mình hay không. Phần cuối sẽ đề cập vấn đề: Bên cạnh các quy định của UNCLOS, liệu có quy định tập quán quốc tế cho phép áp dụng đường cơ sở như cách Trung Quốc tự ý làm đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay không.

Lưu ý rằng trong mọi trường hợp, Trung Quốc không phải là quốc gia có quyền vạch đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa do nước này không có chủ quyền đối với quần đảo này. Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố, ngày 06.06.1996, Việt Nam đã có công hàm gửi Liên hợp quốc phản đối đường cơ sở của Trung Quốc bao quanh quần đảo này, khẳng định lại chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa (LOSB, Vol. 32, tr. 91).

Khả năng áp dụng đường cơ sở thẳng theo Điều 7?

Điều 7 UNCLOS quy định rằng một quốc gia chỉ có thể vạch đường cơ sở thẳng nếu bờ biển của nước này thuộc một trong ba trường hợp sau: (1) bờ biển khúc khủy, lồi lõm sâu, (2) có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển và ngay liền kề, hoặc (3) bờ biển không ổn định do có đồng bằng châu thổ hoặc do các điều kiện tự nhiên khác. Rõ ràng Điều 7 không có câu chữ minh thị hay hàm ý rằng các quần đảo xa bờ thuộc quốc gia lục địa có quyền được vạch đường cơ sở thằng bao quanh toàn bộ quần đảo liên quan.

Trong Phán quyết năm 2016, Tòa trọng tài cũng đồng ý với nhận định trên đây. Tại đoạn 575 của Phán quyết, Tòa cho rằng:

“Công ước cũng có quy định tại Điều 7 về việc các Quốc gia sử dụng đường cơ sở thẳng trong một số hoàn cảnh nhất định, và Tòa cũng biết rằng có thực tiễn của một số Quốc gia sử dụng đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ theo cách có tác dụng như đường cơ sở quần đảo. Theo quan điểm của Tòa, bất kỳ việc áp dụng đường cơ sở thẳng nào đối với quần đảo Trường Sa theo cách thức đó đều trái với Công ước. Điều 7 quy định rằng việc áp dụng đường cơ sở thẳng chỉ “ở những nơi mà đường bờ biển bị khúc khủy, lồi lõm sâu, hoặc nếu có chuỗi đảo dọc theo bờ biển và ngay gần kề.” Các điều kiện này không bao gồm tình huống quần đảo xa bờ. Mặc dù Công ước không loại trừ một cách rõ ràng việc sử dụng đường cơ sở thẳng trong các hoàn cảnh khác, Tòa cho rằng việc cho phép sử dụng đường cơ sở thẳng theo Điều 7, cùng với việc cho phép có điều kiện đối với một số Quốc gia để vạch đường cơ sở quần đảo theo Điều 46 và 47, loại trừ khả năng sử dụng đường cơ sở thẳng cho các hoàn cảnh khác, cụ thể là liên quan đến các quần đảo xa bờ không đáp ứng các điều kiện để vạch đường cơ sở quần đảo. Bất kỳ việc giải thích nào khác sẽ có khiến cho các điều kiện tại Điều 7 và 47 trở nên vô nghĩa.”[1]

Art 7 SCS Arbitration

Điều đó có nghĩa là các quốc gia lục địa không có quyền sử dụng đường cơ sở thẳng để bao quanh một quần đảo xa bờ của mình.

Ngược lại, giới học giả Trung Quốc cho rằng Tòa trọng tài đã sai khi cho rằng Điều 7 không thể áp dụng cho các quần đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Quan điểm này được đưa ra trong một nghiên cứu đồ sộ dài 542 trang của một nhóm đông đảo học giả luật quốc tế thuộc Hội Luật Quốc tế Trung Quốc: South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study (xuất bản năm 2018, gọi tắt là “A Chinese Critical Study”) – công trình dùng để phê phán “thậm tệ” các phán quyết của Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông – một cách hành xử “không theo tiêu chuẩn”, chưa từng có tiền lệ trong giới học giả luật quốc tế. Nghiên cứu này cho rằng:

“Điều 7 đưa ra các điều kiện địa lý để áp dụng đường cơ sở thẳng; nó không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về phạm vi địa lý áp dụng. Do đó, không thể nghi ngờ rằng các Quốc gia lục địa có thể áp dụng đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ của mình trong chừng mực đáp ứng các điều kiện địa lý.”[2]

Nói thêm rằng theo tài liệu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản năm 1996 đánh giá về yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc (Limits in the Seas No. 111: Straight Baseline Claim: China), Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng quần đảo Hoàng Sa không thỏa mãn các điều kiện tại Điều 7 để được phép vạch đường cơ sở thẳng.[3]

Khả năng áp dụng đường cơ sở quần đảo theo Điều 47?

Khoản 1 của Điều 47 của UNCLOS quy định rất rõ ràng rằng “Một Quốc gia quần đảo có thể vạch đường cơ sở quần đảo thẳng nối các điểm xa nhất của các đảo và bãi cạn xa nhất của quần đảo…”. Đây là quy định duy nhất của UNCLOS về đường cơ sở quần đảo, và quốc gia được phép vạch đường cơ sở quần đảo. Không có bất kỳ quy định nào khác quy định về đường cơ sở quần đảo hoặc cho phép các quốc gia khác (quốc gia lục địa – continental state) được phép vạch đường cơ sở quần đảo cho các quần đảo xa bờ của mình. Như vậy, UNCLOS không có quy định cho phép vạch đường cơ sở quần đảo cho các quần đảo xa bờ của các quốc gia lục địa.

Điều 46(a) UNCLOS định nghĩa “quốc gia quần đảo” (archipelagic states) như sau:

““Quốc gia quần đảo” có nghĩa là một Quốc gia được cấu thành hoàn toàn bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm các đảo khác.”

Trong Phán quyết năm 2016, Tòa trọng tài cho rằng chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền sử dụng đường cơ sở quần đảo. Nhận định của Tòa được đưa ra khi xem xét việc Trung Quốc muốn xem toàn bộ quần đảo Trường Sa là một thực thể thống nhất và yêu sách của nước này hàm ý rằng “Quần đảo Trường Sa nên được bao quanh bằng một hệ thống đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo”.[4] Tòa cho rằng:

“Với quan điểm này, Tòa không thể chấp nhận được. Việc sử dụng đường cơ sở quần đảo (một đường cơ sở bao quanh toàn bộ một quần đảo) được Công ước kiểm soát chặt chẽ, với Điều 47(1) giới hạn việc sử dụng đường cơ sở quần đảo cho “các quốc gia quần đảo”. Các quốc gia quần đảo được định nghĩa tại Điều 46 là các Quốc gia “được cấu thành hoàn toàn bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm các đảo khác.” Philippines là một Quốc gia quần đảo (do được cấu thành hoàn toàn bởi một quần đảo), nên có quyền sử dụng đường cơ sở quần đảo […] Tuy nhiên, Trung Quốc được cấu thành chính yếu do lãnh thổ trên đất liền của châu Á và không thể thỏa mãn định nghĩa quốc gia quần đảo.”[5]

Art 47 SCS Arbitration

Nói thêm là, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng: Trung Quốc (hay Việt Nam) không được phép xác lập đường cơ sở thẳng quần đảo xunh quanh quần đảo Hoàng Sa” bởi vì Việt Nam và Trung Quốc đều là quốc gia lục địa , không phải quốc gia quần đảo.[6]

Khả năng áp dụng quy định tập quán khác với UNCLOS?

Tòa trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông cho rằng không có bất kỳ quy định tập quán nào cho phép vạch đường cơ sở bao quanh một quần đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Tòa chỉ ra rằng:

“Mặc dù có thực tiễn của một số Quốc gia đi ngược lại [quy định của UNCLOS], Tòa không thấy có bằng chứng cho thấy có bất kỳ ngoại lệ nào cho quy định này được hình thành thành một quy định tập quán quốc tế cho phép làm khác đi các quy định rõ ràng của Công ước” [7]

Custom baselines SCS Arbitration

Ngược lại, giới học giả Trung Quốc cho rằng có quy định tập quán quốc tế cho phép vạch đường cơ sở bao quanh một quần đảo của một quốc gia lục địa tương tự như đường cơ sở quần đảo. Trong A Chinese Critical Study nêu trên, nhóm học giả Trung Quốc cho rằng:

“Trung Quốc là một Quốc gia lục địa. Quy chế về Quốc gia quần đảo trong Công ước không thể áp dụng trực tiếp vào Trung Quốc, và các quy định của Công ước về đường cơ sở quần đảo không thể trực tiếp áp dụng vào Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Cái nên được áp dụng là quy chế tập quán quốc tế áp dụng cho các quần đảo xa bờ.”[8]

Nghiên cứu chỉ cung cấp một số bằng chứng cho thấy có tồn tại một quy chế như thế trong luật tập quán quốc tế (tr. 486 [574] – 497 [586]). Tuy nhiên, các bằng chứng này không đủ để xác lập một quy định tập quán quán quốc tế  mà nên được xem là các vi phạm UNCLOS.(*)

Trần H. D. Minh

(*) Cập nhật 20.9.2020.

——————————————————-

[1] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) [2016] (Phán quyết trọng tài) 237 [575].

[2] Hội Luật Quốc tế Trung Quốc, South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study (2018) Chinese Journal of International Law 1, 508 [611].

[3] Bộ Ngoại giao Mỹ, Limits in the Sea No. 117: Straight Baseline Claim: China, tr. 8, xem tại https://2009-2017.state.gov/documents/organization/57692.pdf, truy cập ngày 12.12.2019.

[4] Vụ kiện Biển Đông (chú thích số 1) 236 [573].   [5] Như trên.

[6] Bộ Ngoại giao Mỹ (chú thích số 3) tr. 8.

[7] Vụ kiện Biển Đông (chú thích số 1) 237 [576].

[8] A Chinese Critical Study (chú thích số 2) 507 [609].

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑