[132] Từ yêu sách “đường lưỡi bò”đến “Tứ Sa” : “Bình mới rượu cũ” trong chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông

  1. Yêu sách “đường lưỡi bò” và tham vọng độc chiếm Biển Đông

Đường “lưỡi bò”, đường “chữ U” hay đường “đứt khúc 9 đoạn”… là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Bruney, Philippines… Theo các tác giả Trung Quốc, đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa – The Location Map of South China Sea Islands do Fu Jiaojin và Wang Siguang biên soạn và được Vụ Địa lý thuộc Bộ Nội Vụ Trung Quốc xuất bản năm 1947[1]. Thậm chí, trong một số tài liệu không chính thức của các học giả Trung Quốc còn đưa ra những thời điểm khác nhau (chủ yếu là trước năm 1947) cho sự xuất hiện của bản đồ đường lưỡi bò theo hướng có lợi hơn cho phía Trung Quốc liên quan đến yêu sách cho một danh nghĩa lịch sử[2].
Ngày 7/5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công khai yêu sách đường lưỡi bò của mình trong khu vực biển Đông khi cùng lúc gửi công hàm số hiệu CML/17/2009 đến Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm phản đối việc Việt Nam nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, mặt khác Trung Quốc cũng đính kèm theo công hàm này sơ đồ đường yêu sách gồm 9 đoạn của mình trong khu vực biển Đông. Theo Công hàm này, Trung Quốc khẳng định mình có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và các vùng nước kế cận; đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở khu vực này[3]. Có thể thấy rằng, Công hàm ngày 7/5/2009 là tuyên bố có tính chất pháp lý đầu tiên của Trung Quốc đối với yêu sách 9 đoạn tại khu vực biển Đông trong hơn 60 năm qua, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thừa nhận và công khai sơ đồ đường yêu sách này với cộng đồng quốc tế[4].

Sau khi chính thức thừa nhận và công khai bản đồ về đường lưỡi bò trước cộng đồng quốc tế, nhằm kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của thế giới với yêu sách của mình, các học giả của Trung Quốc khi được hỏi về vấn đề này đã không ít lần chính thức đưa ra các lập luận thừa nhận tính hợp pháp của đường lưỡi bò.

Lập luận đầu tiên được các học giả Trung Quốc sử dụng khi giải thích về sự hiện diện của đường lưỡi bò tại khu vực biển Đông đó là: đường yêu sách này là hợp pháp và được vạch ra phù hợp với các quy định của “luật pháp quốc tế đương đại” (tức luật pháp quốc tế vào thời điểm nó được vẽ ra). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vào thời điểm mà đường đứt đoạn được vẽ ra (1947), những quy định của luật biển quốc tế còn tồn tại chủ yếu dưới dạng những quy phạm tập quán, theo đó lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có chiều rộng 3 hải lý tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất. Ngoài phạm vi lãnh hải là biển cả hay còn gọi là biển quốc tế – vùng biển mọi quốc gia đều có thể thực hiện quyền tự do biển cả[5]. Như vậy, ngay cả theo “luật pháp quốc tế đương đại”, yêu sách đường lưỡi bò vẫn không thể coi là hợp pháp.

  Lập luận thứ hai được các học giả Trung Quốc sử dụng để giải thích về đường lưỡi bò là do đường này được vẽ ra từ năm 1947, do đó Trung Quốc có thể đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi biển Đông như một vịnh lịch sử”, và đường này sẽ được ngộ nhận như là đường biên giới trên biển của Trung Quốc[6]. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế một vịnh hay một vùng nước sẽ được hưởng danh nghĩa lịch sử khi vịnh hay vùng nước đó phải thỏa mãn 2 tiêu chí sau đây:

1. Quốc gia yêu sách phải thực sự xác lập chủ quyền của mình một cách liên tục, hòa bình và lâu dài ở trên đó;

2. Có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.

* Về điều kiện thứ nhất

Xác lập chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ là nhằm xách định danh nghĩa của quốc gia đối với một vùng lãnh thổ nhất định nào đó, việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ phải được thực hiện dựa trên cơ sở các phương thức thụ đắc hợp pháp do Luật quốc tế quy định.

Thụ đắc lãnh thổ là việc thiết lập ranh giới địa lý chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ mới theo những phương thức phù hợp với nguyên tắc của pháp luật quốc tế[7]. Một phương thức thụ đắc lãnh thổ được coi là hợp pháp khi: (i) nó được tiến hành trên một đối tượng lãnh thổ phù hợp (đối tượng thụ đắc của phương thức chiếm cứ hữu hiệu phải là lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi); (ii) Chủ thể xác lập danh nghĩa chủ quyền phải có tư cách quốc gia (iii) và được thực hiện theo đúng cách thức mà pháp luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ đòi hỏi.

Trở lại với yêu sách của Trung Quốc, có thể thấy rằng, không có một bằng chứng nào trong lịch sử Trung Quốc khẳng định sự chiếm cứ thực sự của họ tại vùng biển này. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc không hề thiết lập hoặc thực hiện các hoạt động nhằm duy trì sự độc tôn nào của họ trong vùng biển này. Các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc như Đại nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí (1842) trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”, nghĩa là xa nhất về phía Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không có bất kỳ khẳng định nào về sự chiếm cứ của mình tại vùng nước này. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc do người nước ngoài cùng thời vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ”. Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc về Việt Nam, không còn là đất vô chủ[8]. Ngược lại, vào cùng thời điểm, phía chính quyền Việt Nam đã có những hoạt động thiết lập chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, điển hình là hoạt động của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải của nhà Nguyễn. Về mặt quản lý hành chính, Hoàng Sa được các chính quyền của Việt Nam đặt dưới sự quản lý hành chính của Quãng Ngãi (khi là phủ hay là trấn hay tỉnh qua từng thời kỳ) hoặc của tỉnh Thừa Thiên huế (thời Pháp thuộc) hoặc của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (thời kì thống nhất đất nước). Việc xác nhận sự quản hạt này đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện và sách địa lý như: Hoàng Việt Địa Dư chí hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí dưới triều Nguyễn, trong các dụ, sắc lệnh, quyết định của chính quyền Việt Nam…[9]

Ngoài ra, đường đứt khúc 9 đoạn do Trung Quốc đưa ra cũng không phải là một đường có tính ổn định, liên tục vì đã có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau. Sự thay đổi này được các học giả Trung Quốc gọi là “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Tuy nhiên, xét về bản chất, một con đường như vậy không thể coi là đường biên giới quốc gia theo luật pháp quốc tế, vì đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới chính là sự ổn định và dứt khoát, ngay cả khi xuất hiện những sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh – điều khoản Rebus sic stantibus – đường biên giới vẫn không thể thay đổi.

* Về điều kiện thứ hai

Mặc dù các học giả Trung Quốc cho rằng “đường lưỡi bò” đã tồn tại từ lâu và không bị quốc gia nào phản đối, tuy nhiên, trên thực tế “đường lưỡi bò” trước đây chỉ xuất hiện trong một bản đồ tư nhân (không phải là yêu sách chính thức của nhà nước Trung Quốc) nên các quốc gia khác không thể bày tỏ quan điểm của mình một cách chính thống. Hơn nữa, tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia thành viên cũng đã bác bỏ đề nghị về chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Ngoài ra, “đường lưỡi bò” còn mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4/6/1958 về các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc. Trong tuyên bố này, Trung Quốc đã công nhận rằng các đảo xa bờ là các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải bởi các vùng nước lịch sử. Hơn nữa, năm 1992 Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh hải cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ban hành Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của mình cũng chỉ đòi hỏi lãnh hải với bề rộng 12 hải lý và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không có những đòi hỏi cụ thể nào cho một “vùng nước lịch sử”. Thêm vào đó, ngày 15/5/1996 Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về việc xác định hệ thống về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của mình, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, cách thức vạch đường cơ sở của Trung Quốc không chạy theo một trong những phương pháp xác định đường cơ sở cho các quốc gia lục địa theo quy định của UNCLOS 1982[, mà lại chạy theo cách thức vạch đường cơ sở được quy định riêng cho các quốc gia quần đảo.

Từ những lập luận trên có thể khẳng định rằng, yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc chỉ là yêu sách đơn phương, mang tính chất tùy tiện, không có cơ sở. Nội dung yêu sách và các lập luận không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế (cụ thể là UNCLOS 1982), do đó không có giá trị pháp lý.

Quan trọng hơn nữa, trong vụ việc Phillippines kiện Trung Quốc, Toà trọng tài đã chính thức đưa ra kết luận về đường lưỡi bò trong phán quyết của mình năm 2016.  Theo đó, Toà kết luận rằng việc Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển tại Biển Đông được bao bọc bởi “đường 9 đoạn” là không phù hợp với Công ước và vượt quá các giới hạn về địa lý đối với các vùng biển mà Trung Quốc được xác lập theo quy định của Công ước[10]. Như vậy, yêu sách “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc muốn thiết lập nhằm xác lập các quyền về lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình tại Biển Đông là không có căn cứ.

2. Yêu sách “Tứ Sa” – “bình mới rượu cũ”?

Năm 2016, Tòa Trọng tài trong Vụ việc giữa Philippines và Trung Quốc đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc theo đường 9 đoạn và xác định không cấu trúc nào tại quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Tuy Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, nhưng kết luận của Tòa cũng phần nào tác động đến các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc không thể từ bỏ các yêu sách đã tuyên bố trước đây vì lo ngại bị giải thích là Trung Quốc gián tiếp chấp nhận phán quyết của Tòa. Mặt khác, Trung Quốc cần xây dựng yêu sách và lập luận mới để đảm bảo các lợi ích mà Trung Quốc tuyên bố tại Biển Đông vẫn được giữ nguyên, ít nhất là về mặt pháp lý, đồng thời, giảm nhẹ các chỉ trích về việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa. Trong bối cảnh đó, năm 2017, Trung Quốc đưa ra yêu sách “Tứ Sa” một cách không chính thức và cũng không giải thích cụ thể về cả nội dung và cơ sở pháp lý của yêu sách này. Tuy nhiên, với các đòi hỏi tương đối nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay, có thể thấy yêu sách “Tứ Sa” sẽ bao gồm hai đòi hỏi quan trọng là chủ quyền đối với các nhóm cấu trúc tại Biển Đông và chủ quyền, quyền chủ quyền tạo ra từ các vùng biển bao quanh các nhóm cấu trúc này[11]. Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân đã đưa ra khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với “Tứ Sa” bao gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield)[12], đồng thời cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này.

Về bản chất, yêu sách “Tứ Sa” vẫn phản ánh tham vọng không thay đổi của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông. Thông qua việc khẳng định chủ quyền với “Tứ Sa” và kết luận rằng các cấu trúc tại đây có đầy đủ các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, có thể thấy chiến thuật này giúp cho Trung Quốc yêu sách vùng biển có phạm vi gần như không khác biệt nhiều so với với yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây. Yêu sách này được đánh giá là chiến lược pháp lý mới của Trung Quốc, thay thế cho “đường lưỡi bò” sau khi yêu sách này chính thức bị tuyên bố là bất hợp pháp bởi Toà Trọng tài.

Xét dưới góc độ pháp lý, giống như yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây, yêu sách các vùng biển dựa trên chủ quyền đối với “Tứ Sa” cũng là một phiên bản mơ hồ, thiếu rõ ràng, lập luận pháp lý không có căn cứ và thiếu logic, cụ thể:

  • Thứ nhất, về cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền, mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định đã phát hiện, đặt tên cho các cấu trúc tại Biển Đông từ thời kỳ cổ đại nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc với các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước.
  • Thứ hai, về việc xác lập đường cơ sở quần đảo, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thiết lập đường cơ sở quần đảo đối với bất cứ nhóm đảo nào thuộc “Tứ Sa”. Đối chiếu với các quy định của UNCLOS, Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, Trung Quốc không thể áp dụng phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng quần đảo, và cho dù Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng như vậy thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu tỉ lệ diện tích nước so với diện tích đất nằm trong khoảng 1/1 và 9/1 theo quy định của UNCLOS. Để bỏ qua hạn chế của quốc gia lục địa, Trung Quốc lập luận rằng phương pháp đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 UNCLOS không chỉ giới hạn cho các quốc gia quần đảo. Trên thực tế, nhiều quốc gia lục địa cũng áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo và tạo thành tập quán quốc tế. Lập luận này không chính xác vì số lượng các quốc gia lục địa áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo như vậy rất hạn chế. Trong quá trình đàm phán UNCLOS, vấn đề áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo của quốc gia lục địa đã được đề cập và bị bác bỏ. Vì vậy, đây là các thực tiễn áp dụng sai quy định của UNCLOS, không tạo ra tập quán quốc tế như Trung Quốc cố tình diễn giải.
  • Thứ ba, về yêu sách vùng biển rộng lớn cho “Tứ Sa”: Các cấu trúc địa lý ở Biển Đông có chung đặc điểm địa lý là các cấu tạo san hô, có diện tích nhỏ và với các điều kiện tự nhiên nguyên sơ ban đầu, không có khả năng cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng. Chính vì vậy, Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định các cấu trúc địa lý của Trường Sa và Scarborough/Hoàng Nham không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Với đặc điểm tự nhiên tương đồng, kết luận này của Tòa trọng tài nhiều khả năng có thể áp dụng với các nhóm đảo khác trong lập luận Tứ Sa, bao gồm Hoàng Sa và Đông Sa (Pratas)[13]. Đồng thời chính Trung Quốc cũng thừa nhận trong Sách trắng năm 2016 của mình rằng nhiều cấu trúc tại các quần đảo này có điều kiện tự nhiên khác nhau bao gồm đá ngầm, bãi cạn, cồn cát… Do đó, một số cấu trúc chỉ có thể tạo ra vùng biển tối đa 12 hải lý theo quy định của UNCLOS – phạm vi nhỏ hơn rất nhiều so với vùng biển mà Trung Quốc muốn yêu sách. Vì vậy, yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho Tứ Sa, trong đó có Trường Sa, đi ngược lại kết luận của Tòa Trọng tài có giá trị pháp lý ràng buộc với Trung Quốc.

Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về yêu sách “Tứ Sa” cũng như giải thích về bản chất pháp lý của yêu sách này. Tuy nhiên, căn cứ các Điều 7, 10 và 47 của UNCLOS cũng như cách giải thích của các cơ quan tài phán quốc tế, việc xác lập đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm cấu trúc ngoài khơi và xa bờ là không phù hợp với Công ước. Đồng thời, thực tiễn quốc tế cũng như “quan điểm pháp lý” của các quốc gia thể hiện trước và sau khi UNCLOS có hiệu lực đều cho thấy không tồn tại tập quán quốc tế cho phép các quốc gia ven biển được xác lập đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm cấu trúc ngoài khơi và xa bờ. Vì vậy, phù hợp với quy định của luật quốc tế về nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, Trung Quốc cần từ bỏ đường cơ sở bao quanh Hoàng Sa đã được xác lập năm 1996.

Ngoài ra, khi phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, Trung Quốc đã chấp thuận sự ràng buộc của Công ước (bao gồm cả các Điều 7, 10 và 47), chính vì vậy, nếu Trung Quốc xác lập đường cơ sở thẳng bao quanh 4 nhóm cấu trúc tại Biển Đông theo yêu sách “Tứ Sa” và viện dẫn tập quán quốc tế làm cơ sở pháp lý như quan điểm của các học giả nước này thể hiện tại tài liệu công bố tháng 5/2018[14], thì theo quan điểm của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, hành vi này sẽ làm giảm giá trị pháp lý của UNCLOS, đồng thờivi phạm nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS theo Điều 300 củaCông ướcvà nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các điều ước quốc tế được quy định trong Công ước Viên về luật Điều ước quốc tế năm 1969 mà Trung Quốc cũng là thành viên[15].

Tóm lại, dù là yêu sách “đường lưỡi bò” hay yêu sách “Tứ Sa” đều thể hiện tham vọng muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Đây đều là những yêu sách phi lý, bất hợp pháp và không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi có một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên biển Đông.

Nguyễn T.H. Yến & Trần Thị Thu Thủy


[1] Chinese Society of International Law, above n 65, [574].

[2] Vienna Convention on the Law of Treaties, opened for signature 23 May 1969, 1155 UNTS 331 (entered into force 27 January 1980) art 26.

[3] United Nations Treaty Collection, Status of Vienna Convention on the Law of Treaties (17 June 2018) <https://treaties.un.org/PAGES/ViewDetailsIII.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXIII-1&chapter=23&Temp=mtdsg3&clang=_en>.

[4] Nguyễn Hoàng Minh,  “Tứ Sa”: Chiến thuật mới của Trung Quốc tại Biển Đông, đường link: http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/6733-tu-sa-chien-thuat-moi-cua-trung-quoc-tai-bien-dong, truy cập lần cuối ngày 4/3/2019.

[5] Nguyễn Thị Lan Anh, Tứ Sa – chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 1 (112), tháng 3/2018, đường link: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/6990-tu-sa-chien-thuat-phap-ly-moi-cua-trung-quoc-o-bien-dong.

[6] Bill Gertz, Beijing Adopts New Tactic for S. China Sea Claims, The Washington Free Bacon, đường link: http://freebeacon.com/national-security/beijing-adopts-new-tactic-s-china-sea-claims/, truy cập lần cuối ngày 4/3/2019/.

[7] Nhiều tác giả (2012), Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Nxb trẻ TP. Hồ Chí Minh (tái bản lần thứ nhất), 2012;

[8] Nguyễn Bá Diến, Áp dụng các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ trong Luật quốc tế giải quyết hoà bình các tranh chấp ở biển Đông, đường link: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/737-nguyn-ba-din, truy cập lần cuối ngày 2/3/2019.

[9]Xem thêm: Nhiều tác giả (2012), tlđd, tr.240-241.

[10] China & Phlippines Case. See
https://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf

[11] Xem toàn văn Công hàm CML/17/2009 Trung Quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc tại:
https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf truy cập lần cuối ngày 1/3/2019.

[12] Li Jinming & Li Dexia, The Dotted line on the Chinese map of the South China Sea: A Note, Ocean Development & International Law, 2003, tr. 287-288.

[13] Nguyễn Thị Lan Anh, tlđd

[14]Chinese Society of International Law, above n 65, [574].

[15]United Nations Treaty Collection, Status of Vienna Convention on the Law of Treaties (17 June 2018) <https://treaties.un.org/PAGES/ViewDetailsIII.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXIII-1&chapter=23&Temp=mtdsg3&clang=_en>.

 


 

2 bình luận về “[132] Từ yêu sách “đường lưỡi bò”đến “Tứ Sa” : “Bình mới rượu cũ” trong chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông

Add yours

  1. Thiết nghĩ các bài đăng có bản đồ đường lưỡi bò cần có dấu X để phản bác bản đồ vô giá trị.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: