Trách nhiệm bảo vệ (Responsibility to protect – thường được viết tắt là RtoP hoặc R2P…) là một trong những học thuyết được xây dựng nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn các hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền con người như: diệt chủng, tội ác chiến tranh, thang trừng sắc tộc và tội ác chống nhân loại. Nội dung RtoP nhấn mạnh rằng các quốc gia cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân của mình trước bốn loại tội ác quốc tế nêu trên, đồng thời, nguyên tắc này cũng chỉ ra rằng các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế cũng phải có trách nhiệm giúp các quốc gia thực thi nhiệm vụ này. Nếu vì bất kỳ lý do nào đó, một quốc gia không có khả năng hoặc không sẵn sàng trong việc bảo vệ người dân của mình, thì cộng đồng quốc tế có trách nhiệm can thiệp để cứu người dân của quốc gia đó thoát khỏi nạn diệt chủng và các hành động thảm sát tương tự.
Như vậy, có thể thấy RtoP được coi như một giải pháp để mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế có thể chung tay nhằm giải quyết những hành vi vi phạm nghiêm trọng tới các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện RtoP đã xuất hiện những bất cập dẫn tới việc áp dụng học thuyết này được ví như việc mở chiếc hộp Pandora bí ẩn vì luôn tiềm ẩn những nguy hiểm đối với vấn đề chủ quyền quốc gia và hòa bình an ninh thế giới[1]. Bài viết sau đây của các tác giả sẽ đưa ra những góc nhìn cụ thể về RtoP trong luật quốc tế, tình hình thực hiện cũng như quan điểm, kiến nghị riêng trong việc vận dụng RtoP một cách có hiệu quả nhằm mục đích bảo vệ các quyền cơ bản của con người..
- Học thuyết trách nhiệm bảo vệ: sự hiện thực hóa của những ý tưởng
Sự xuất hiện và phát triển của học thuyết trách nhiệm bảo vệ gắn liền với quá trình thực hiện hành vi can thiệp nhân đạo (Humanitarian Intervention) của các quốc gia[2]. Trước khi diễn ra sự kiện Kosovo năm 1999, thực tiễn thi hành luật quốc tế không ghi nhận bất kỳ ví dụ điển hình nào minh chứng cho sự can thiệp nhân đạo bằng biện pháp quân sự đã được tiến hành bởi cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, việc thực hiện hành vi can thiệp với mục đích là can thiệp nhân đạo hay không vẫn còn nhiều tranh cãi do các tiêu chí để đánh giá tính hợp pháp của hành động này rất đa dạng, nó có thể bao gồm: (i) tình trạng, mức độ vi phạm quyền con người của quốc gia bị can thiệp; (ii) quy mô của các chiến dịch quân sự thuộc hoạt động can thiệp; (iii) mục tiêu của các hoạt động quân sự can thiệp; (iv) lực lượng quân sự tham gia can thiệp nhân đạo thuộc nhiều quốc gia hoặc là quân đội của một quốc gia nhất định; (v) là biện pháp bắt buộc cuối cùng sau khi những biện pháp phi quân sự khác đã tỏ ra không có hiệu lực; (vi) sự ủng hộ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương[3]…Điều này có thể hiểu là, mặc dù không có những hướng dẫn cụ thể, nhưng trên thực tế, việc thực hiện hành vi can thiệp nhân đạo không chỉ tập trung vào việc can thiệp nhân đạo đơn lẻ mà còn nhấn mạnh vào trách nhiệm và nỗ lực để phòng ngừa và ngăn chặn những tội ác tàn bạo đã, đang và sẽ xảy ra ở các quốc gia.[4] Vấn đề can thiệp nhân đạo và chủ quyền quốc gia, trong rất nhiều năm, đã gây ra những tranh luận sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về việc có hay không sự “nhường nhịn” của yếu tố chủ quyền cho các hành động can thiệp vì con người từ bên ngoài vào quốc gia sở tại. Và nếu thừa nhận sự tồn tại của học thuyết can thiệp nhân đạo thì ranh giới nào để phân định giữa một bên là chủ quyền quốc gia với một bên là trách nhiệm, hay chế định này sẽ tạo cơ sở cho một sự can thiệp được coi là hợp pháp vào công việc nội bộ của các quốc gia? đáp lại những tranh luận này, trong Báo cáo số A/54/2000 ngày 27/3/2000, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anna cũng đã bày tỏ lo ngại về sự bùng phát của các vi phạm quyền con người nghiêm trọng nếu cộng đồng quốc tế không thể giải quyết được mối liên hệ giữa can thiệp nhân đạo với chủ quyền quốc gia và vấn đề bảo vệ quyền con người. Ông nhấn mạnh:
“nếu như coi sự can thiệp nhân đạo quả nhiên là sự xâm phạm chủ quyền và do đó không thể được thừa nhận, vậy làm sao chúng ta có thể có giải pháp để giải quyết những trường hợp như Rwanda, như Srebrenica, mà tại đó những vi phạm về pháp luật nhân quyền quốc tế đang diễn ra một cách công khai và mang tính hệ thống chống từng nguyên tắc chung của nhân loại?”[5].
Như vậy, một giải pháp cho sự dung hòa giữa chủ quyền quốc gia với sự can thiệp nhân đạo trở thành nhu cầu cấp thiết thời điểm bấy giờ, đặc biệt sau những thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng ở cả Bosnia và Rwanda.[6]
Ý tưởng về sự ra đời của học thuyết trách nhiệm bảo vệ bắt nguồn từ quan điểm của một số chuyên gia nghiên cứu về luật quốc tế, trong đó có Francis Deng – một nhà cựu ngoại giao của Xu-đăng và sau này trở thành đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về người vô gia cư ở trong nước (IDP) trong những năm 1990. Deng và các chuyên gia đã lập luận rằng quan điểm về ‘chủ quyền quốc gia‘ không nên hiểu là quyền tự do tuyệt đối của mỗi quốc gia được làm bất kỳ điều gì họ muốn trong phạm vi lãnh thổ của mình, thay vào đó chủ quyền quốc gia cần dựa trên khái niệm “chủ quyền là trách nhiệm”[7].
Quan điểm của Francis Deng sau đó đã được Ủy ban quốc tế về sự can thiệp và chủ quyền quốc gia (International Commission on Intervention and State Sovereignty – ICISS) sử dụng để xây dựng học thuyết trách nhiệm bảo vệ, lần đầu tiên được giới thiệu công khai trong báo cáo của Ủy ban này vào tháng 12/2001[8]. Trong đó, các thành viên độc lập của ICISS cho rằng: việc can thiệp vào một quốc gia để giải thoát người dân khỏi những mất mát hay thiệt hại nghiêm trọng gây ra bởi nội chiến hay bạo động… không phải là “quyền”, mà đã trở thành một “nghĩa vụ” đối với quốc gia và cộng đồng quốc tế[9]. Cũng trong báo cáo này, ICISS đã đưa ra các nguyên tắc cho việc thực hiện RtoP, đó là: (A) chủ quyền quốc gia phải đi kèm với trách nhiệm và trách nhiệm chính cho việc bảo vệ người dân là của các quốc gia; (B) khi người dân phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do nội chiến, bạo động hay đàn áp…mà quốc gia đó không thể ngăn chặn thì trách nhiệm của cộng đồng quốc tế sẽ được đặt ra[10]. Bên cạnh đó, báo cáo của ICISS cũng đã tập trung làm rõ một số vấn đề như:
Thứ nhất, sự can thiệp quốc tế bằng vũ lực để bảo vệ người dân chịu ảnh hưởng của các tội ác chống lại nhân loại đã được bản báo cáo định nghĩa lại. Theo đó, thay vì tập trung phân tích về khái niệm can thiệp nhân đạo thì báo cáo này đưa ra một khái niệm rộng hơn là trách nhiệm bảo vệ, trong đó thừa nhận trách nhiệm bảo vệ của các quốc gia, của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đe dọa từ các tội ác chống lại nhân loại.
Thứ hai, trên thực tế, RtoP chủ yếu được thực hiện bởi chính các quốc gia nơi những tội ác đó đang diễn ra, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế chỉ được coi là hợp pháp khi bản thân quốc gia đó không thể tự thực thi được trách nhiệm bảo vệ của mình.
Thứ ba, việc can thiệp phải đảm bảo một cách tối ưu rằng những tội ác đó sẽ được chấm dứt trên thực tế.[11]
Điểm đáng lưu ý trong bản báo cáo này đó là ICISS cũng nhấn mạnh rằng, theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, sự can thiệp bằng các biện pháp quân sự phải được hạn chế một cách tối đa, trừ trường hợp việc áp dụng biện pháp này là thực sự cần thiết. [12] Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng hành động can thiệp bằng quân sự phải được sự đồng ý và cho phép của Hội Đồng Bảo An và chỉ được tiến hành sau khi đã xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng những yếu tố sau đây:
- Tội ác đe dọa rất nghiêm trọng chẳng hạn như diệt chủng, tội ác chiến tranh, các tội ác chống lại nhân loại, hoặc thanh trừng sắc tộc;
- Mục đích nền tảng cho sự can thiệp đó là nhằm ngăn chặn các thảm họa phi nhân đạo;
- Sự can thiệp bằng vũ lực được thừa nhận là biện pháp ngăn chặn cuối cùng;
- Mức độ của hành động can thiệp quân sự phải phù hợp, tương thích với mức độ của tội ác đe dọa.
- Hậu quả của hành động can thiệp quân sự phải ít nghiêm trọng hơn hậu quả của việc không hành động.[13]
Ngoài ra, trong tài liệu tóm tắt báo cáo của ICISS, dựa trên các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế, luật quốc tế về quyền con người và pháp luật quốc tế về người tị nạn, các chuyên gia của Ủy ban này cũng đã đưa ra các “yếu tố” quan trọng tạo nên trách nhiệm bảo vệ của các quốc gia[14], đó là:
- Trách nhiệm phòng chống (Responsibility to prevent) để phòng chống và ngăn chặn những tội ác chống lại nhân loại có thể xảy ra để có những biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo rằng những thảm họa gây ra bởi những tội ác này sẽ không xảy ra. Cụ thể hơn, theo quy tắc này, quốc gia có trách nhiệm tiến hành mọi biện pháp có thể trong phạm vi thẩm quyền tài phán của mình để ngăn chặn những tội ác chống lại nhân loại và việc xâm phạm chủ quyền của mình;[15]
- Trách nhiệm phản hồi (Responsibility to react) có thể coi trách nhiệm này là cam kết giúp đỡ các quốc gia xây dựng và củng cố năng lực để bảo vệ công dân, giải quyết khủng hoảng nhân quyền có nguy cơ xảy ra hoặc hiện đang trải qua khủng hoảng nhân quyền;[16]
- Trách nhiệm tái kiến thiết, khôi phục (Responsibility to rebuild) nhằm khôi phục lại cơ cấu kinh tế – xã hội tại nơi mà những tội ác chống lại nhân loại đã diễn ra.[17] Quy tắc thứ ba này nên được áp dụng phù hợp với hai quy tắc trên để nhằm thiết lập ra cơ sở hạ tầng và thượng tầng cho một quốc gia, đồng thời giúp đỡ và thuyết phục cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công dân của mình phù hợp với những nghĩa vụ pháp lý được thừa nhận ở quy tắc trách nhiệm phòng chống.
Bản báo cáo này sau đó đã được nhiều quốc gia đồng tình, ủng hộ và cũng được cụ thể hóa trong chương trình làm việc của Ủy ban cấp cao về các mối đe dọa, thách thức và thay đổi năm 2004 và báo cáo của Tổng thư ký Kofi Anna về “sự tự do lớn hơn: hướng đến sự phát triển, an ninh và quyền con người cho tất cả mọi người” năm 2005[18]. Tuy nhiên, cho đến năm 2005, RtoP mới thực sự được ghi nhận một cách rộng rãi và chính thức trong văn bản cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Thế giới của Liên Hợp Quốc với tên gọi “Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới”.[19] Tài liệu này ghi nhận nghĩa vụ chính trong việc bảo vệ người dân trước các tội ác nói trên là thuộc về quốc gia, trong khi cộng đồng quốc tế cần khuyến khích và giúp đỡ các quốc gia thực hiện nghĩa vụ này, cũng như có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhân đạo và các biện pháp hòa bình khác để giúp các quốc gia bảo vệ người dân. Trong trường hợp các biện pháp hòa bình không phát huy tác dụng và chính quyền của quốc gia sở tại không thể hoặc không thực hiện được các hành động nhằm bảo vệ người dân của mình, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới cũng tuyên bố tại đoạn 139 của tài liệu rằng:
“chúng ta sẵn sàng thực hiện các biện pháp tập thể một cách kịp thời và quyết đoán thông qua Hội Đồng Bảo An phù hợp với Hiến chương, kể cả Chương VII, trên cơ sở từng vụ việc và với sự hợp tác của các tổ chức khu vực khi thích hợp.”.[20]
Nhằm pháp điển hóa các nội dung về RtoP trong báo cáo này, tháng 4/2006, Hội Đồng Bảo An của Liên hợp quốc đã tái khẳng định các quy định của đoạn 138 và 139 và thông qua Nghị quyết S/RES/1674, theo đó chính thức tạo ra cơ chế ràng buộc pháp lý quốc tế cho việc tôn trọng và thực hiện RtoP trên phạm vi toàn cầu[21]. Đến tháng 4/2009, Liên hợp quốc đã chính thức công bố bản báo cáo về việc “Thực hiện trách nhiệm bảo vệ” do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tổ chức biên soạn. Báo cáo này được xem là tài liệu đầy đủ và chính thức của Liên hợp quốc về RtoP với ba trụ cột (pillar) quan trọng, được thiết kế phối hợp cùng nhau để ngăn chặn những hành động thảm sát, bao gồm:
1. Trách nhiệm quốc gia bảo vệ người dân của mình trước hành động diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và tội ác chống nhân loại, và không bị kích động về những việc này.
2. Cam kết của cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia thực hiện những nghĩa vụ này.
3. Nếu nhà nước không tự bảo vệ được công dân của mình khỏi những tội ác hàng loạt thì trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong Liên hợp quốc là hành động tập thể kịp thời và quyết liệt khi một quốc gia không đảm bảo được trách nhiệm bảo vệ đó. Những hành động này có thể bằng các phương thức hòa bình, ngoại giao và nhân đạo… Can thiệp quân sự được coi là phương sách cuối cùng dựa trên những nguyên tắc đã được ghi nhận tại Chương VII của Hiến Chương Liên hợp quốc.[22]
RtoP sau đó còn được đề cập đến trong khá nhiều báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc và một số nghị quyết có tính dẫn chiếu nhằm giải quyết cho từng vụ việc cụ thể như: Nghị quyết A/RES/63/308 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trách nhiệm bảo vệ – nghị quyết được giới thiệu bởi phái đoàn Guatemala và sự hỗ trợ của 67 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; báo cáo “cảnh báo sớm, đánh giá và trách nhiệm bảo vệ” của Tổng thư ký Ban Ki-moon ngày 17/7/2010[23]…
Cũng cần thấy rằng, dù được nhắc đến khá rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, trong cả tài liệu của Hội nghị thượng đỉnh thế giới 2005 đến các văn kiện sau này liên quan đến RtoP đều không đề cập trực tiếp đến trường hợp các quốc gia có được đơn phương tiến hành các biện pháp can thiệp nhằm thực hiện trách nhiệm bảo vệ khi chưa được sự cho phép của Hội Đồng Bảo An hay không? Điều này có nghĩa là, nếu chưa thể hình thành một quy phạm mới về RtoP trong luật quốc tế thì việc sử dụng vũ lực cần tiếp tục được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý quốc tế hiện tại và mọi hành vi can thiệp đơn phương, theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, là không được phép. Thực tế cho thấy, RtoP tự thân nó không phải là cơ sở pháp lý cho việc tiến hành một hành động quân sự, nó chỉ định ra các tình huống có thể cho việc áp dụng một hành động quân sự, đồng thời xác định trách nhiệm cụ thể của những bên liên quan. Việc can thiệp quân sự, kể cả theo RtoP, hiện nay vẫn theo cơ chế an ninh tập thể của Liên hợp quốc mà tại đó Hội Đồng Bảo An là cơ quan chịu trách nhiệm chính[24].
2. Trách nhiệm bảo vệ và chủ quyền quốc gia
Như đã đề cập ở trên, một trong những vấn đề đáng lo ngại khi áp dụng RtoP vào thực tiễn đó là liệu nguyên tắc này có gây ảnh hưởng tới chủ quyền của các quốc gia hay không? Điều 2.1 Hiến Chương Liên hợp quốc khẳng định rằng “Liên hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên”, đồng thời“tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”[25], và các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không được can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia đơn lẻ nào[26]. Tuy nhiên, những biện pháp sẽ được thi hành theo quyết định của Hội Đồng Bảo An vì mục đích hòa bình, an ninh quốc tế theo Chương VI, VII của Hiến Chương này được coi như những trường hợp ngoại lệ đặt ra đối với vấn đề chủ quyền quốc gia[27]. Các quy định này một lần nữa chỉ ra rằng, chủ quyền quốc gia là tối thượng và thiêng liêng nhưng không nên “tuyệt đối hóa” một cách cứng nhắc mà chủ quyền quốc gia cần được đặt trong mối tương quan với trách nhiệm của chính quốc gia đó với công dân, dân tộc của mình cũng như với công dân, dân tộc khác của cộng đồng quốc tế trong trường hợp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh thế giới.[28] Theo tinh thần đó, có lẽ sự xuất hiện của học thuyết RtoP được coi như một điển hình cho sự dung hòa giữa quyền lợi của quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Và như vậy, ở một khía cạnh nào đó, việc tồn tại của học thuyết RtoP sẽ có ý nghĩa “hỗ trợ” thêm cho nguyên tắc chủ quyền quốc gia bởi vì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, RtoP không bao giờ xâm phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia vì mục đích chính thực hiện RtoP là nâng cao trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ những người dân đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của tội ác diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại… Việc thay đổi chính quyền hoặc áp đặt một thể chế chính trị – xã hội mới tại quốc gia xảy ra khủng hoảng về quyền con người là vượt quá tinh thần của học thuyết RtoP, các quy định của Hiến Chương Liên hợp quốc và xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của quốc gia đó. Chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia luôn được thừa nhận và tôn trọng trong luật pháp quốc tế.[29]
3. Thực tiễn áp dụng trách nhiệm bảo vệ trong trường hợp của Lybia và Syria
Không phải cho đến tận những năm 2000 người ta mới bắt đầu áp dụng RtoP, trên thực tế từ đầu thập kỷ 90 trở đi, thực tiễn áp dụng của RtoP đã được triển khai trong các trường hợp tại Nam Tư, Irắc, Somalia, Bosnia, Rwanda, Kosovo, Sudan…nhưng chủ yếu vẫn dưới khái niệm “can thiệp nhân đạo”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt sau sự kiện Lybia và Syria, nguyên tắc RtoP lại một lần nữa được đề cập bởi cộng đồng quốc tế với những quan điểm, ý kiến khác nhau.
Sự kiện Libya năm 2011
Với chiến dịch mang tên “Bình minh Odyssey” được phát động theo Nghị quyết số 1973 năm 2011 của Hội Đồng Bảo An nhằm “bảo vệ thường dân và những vùng dân cư bị đe dọa tấn công” tại Libya, nhiều học giả đã cho rằng đây là trường hợp can thiệp quân sự đầu tiên được hợp thức hóa theo học thuyết RtoP của Hội Đồng Bảo An Liên hợp quốc.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Libya bùng phát từ ngày 15/2/2011 nhằm phản đối chính phủ vì bất bình với nạn thất nghiệp, giá cả leo thang, tình trạng tham nhũng… đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ chức sau hơn 4 thập niên cầm quyền. Làn sóng biểu tình đã biến thành một cuộc nội chiến thực sự khi lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí buộc phe chính phủ phải đáp trả bằng các biện pháp thảm sát, đàn áp quân sự. Trước tình hình đó, Hội Đồng Bảo An đã thông qua Nghị Quyết số 1970 buộc tội chính quyền Gaddafi đã sử dụng vũ lực trên diện rộng và có hệ thống đối với công dân của nước mình và yêu cầu chính quyền của quốc gia này cần chấm dứt ngay những hành động đó. Ngoài ra, Hội Đồng Bảo An cũng đã vận dụng học thuyết RtoP trong việc thông qua hai Nghị quyết số SC/10180 và S-15/1[30] để yêu cầu Libya thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân thường của mình và chấm dứt các hành động vũ lực ngược đãi dân thường. Tuy nhiên trước tình hình không biến chuyển của chính quyền Libya lúc bấy giờ, Hội Đồng Bảo An đã thông qua Nghị quyết số 1973 bày tỏ sự quan ngại đối với tình hình tại Libya, đồng thời yêu cầu chính quyền nước này chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người, đồng thời áp đặt một số biện pháp cấm vận và hạn chế đi lại để gây sức ép cho chính quyền Libya đương thời.[31]
Theo Nghị quyết số 1973, Hội Đồng Bảo An nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ thường dân và những khu vực tập trung đông dân cư trước nguy cơ bị tấn công, tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An cũng lưu ý rằng, “những biện pháp này sẽ không bao gồm việc sử dụng bất kỳ lực lượng bên ngoài nào, dưới bất kỳ hình thức nào và trên bất kỳ phần lãnh thổ nào của Libya”.[32] Bên cạnh đó, một vùng cấm bay qua Libya cũng đã được Hội Đồng Bảo An quyết định thành lập nhằm ngăn cản chính quyền Lybia thực hiện các cuộc không kích vào các lực lượng nổi dậy và dân thường, đồng thời cho phép NATO được áp dụng các biện pháp cần thiết để thực thi lệnh cấm bay. Mục đích của việc áp dụng những biện pháp này nhằm buộc chính quyền Libya ngừng các hành vi vi phạm quyền con người và những sự lạm quyền, ngược đãi rõ ràng có thể cấu thành tội ác chống lại nhân loại[33]. Chỉ hai ngày sau khi Nghị quyết số 1973 được thông qua, một liên minh quân sự dưới sự điều hành của NATO đã đánh bom những nơi khởi nguồn của những cuộc tấn công vào dân chúng của chính quyền Libya. Tuy nhiên, cuộc tấn công của NATO được xem là “vội vàng” và “không tương xứng” với những vi phạm về quyền con người của chính quyền Libya, đồng thời nó được coi như hành động tiếp thêm dầu vào lửa cho những khủng hoảng đang chìm đắm tại Lybia thay vì mang đến những ngày tươi đẹp cho người dân ở đây, chính điều này đã gây ra những tranh luận khác nhau và đa phần các ý kiến cho rằng một phần trách nhiệm nằm ở ngôn ngữ thể hiện trong nghị quyết còn khá mập mờ.
Sau khi Chính quyền Tổng thống Gaddafi bị lật đổ, vào ngày 16/9/2011 Hội Đồng Bảo An cũng đã thông qua Nghị quyết 2009 yêu cầu các quốc gia khác và NATO chấm dứt các biện pháp can thiệp cưỡng chế vũ lực đối với Libya.[34]
Mặc dù vấn đề của Libya đã tạm thời lắng xuống, tuy nhiên, hành động can thiệp vũ lực của NATO đối với Libya đã dẫn tới nhiều mối nguy hiểm đe dọa việc thực thi RtoP trong tương lai. Mục đích ban đầu của liên minh quân sự là để bảo vệ thường dân của một quốc gia khỏi những tội ác tàn sát do Chính Phủ của họ gây ra, nhưng sau đó dường như sự can thiệp này đã nhằm đến một mục đích khác đó là lật đổ và tiêu diệt chính quyền Libya.[35] Một vấn đề lo ngại đặt ra là liệu các quốc gia chấp thuận Nghị quyết số 1973 và tham gia vào liên minh quân sự này có lợi dụng trách nhiệm bảo vệ của mình để “hợp pháp hóa” hành động xâm phạm chủ quyền của Libya hay không. Hơn nữa, cho dù việc can thiệp có sự cho phép của Hội Đồng Bảo An nhưng việc thay đổi mục đích bảo vệ thường dân khỏi tội ác gây ra bởi chính quyền của họ sang thành việc lật đổ chính quyền được xem là vượt quá sứ mệnh mà Hiến Chương Liên hợp quốc ghi nhận.
- Sự kiện Syria năm 2012
Tương tự như trường hợp của Libya, việc áp dụng RtoP cũng được đặt ra với trường hợp của Syria vào năm 2012, tuy nhiên quá trình thực hiện trách nhiệm bảo vệ của cộng đồng quốc tế vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn trong việc giải quyết khủng hoảng nhân quyền tại chính quốc gia này.
Chính quyền Tổng thống al-Assad bị lên án và kết tội cho những hành động sử dụng vũ lực, đặc biệt là vũ khí hóa học chết người để đàn áp những người biểu tình chống lại chính quyền, dẫn tới cái chết của hàng ngàn người. Tình trạng hỗn loạn ở Syria đã làm dấy lên lo ngại của từng thành viên trong Hội Đồng Bảo An. Trong khi phần đông các nước phương Tây như Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len cho rằng việc cần thiết là phải chấm dứt bạo lực và yêu cầu chính quyền Syria phải đáp ứng những yêu cầu và lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời những hành vi vi phạm nhân quyền quốc tế phải bị lên án và có những biện pháp trừng phạt thích đáng. Trong khi đó, Nga lại cho rằng sự việc diễn ra tại Syria hoàn toàn là vấn đề mang tính nội bộ của quốc gia đó và không cấu thành mối đe dọa đối với trật tự hòa bình an ninh thế giới, chính vì vậy nếu xuất hiện bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài đều có thể gây ra những bất ổn khu vực đáng kể tại Trung Đông.[36] Đồng quan điểm với Nga, Trung Quốc viện dẫn tới nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trong Hiến Chương Liên Hợp Quốc và cũng cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn là được giải quyết.[37]
Như vậy, việc viện dẫn RtoP để giải quyết vấn đề về nhân quyền trong trường hợp này đang vấp phải khá nhiều luồng ý kiến khác nhau, điều này cho thấy, các quốc gia đang dần thận trọng hơn trong việc đồng thuận áp dụng RtoP, đặc biệt sau sự kiện Lybia năm 2011. Bởi vì, trụ cột thứ 3 của RtoP đã nêu rõ: Nếu như nỗ lực và vai trò của chính phủ Syria hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ người dân thì việc triển khai RtoP là hành động cần thiết của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hành động này cần được xem xét một cách khách quan, cẩn thận dựa trên các cơ sở pháp lý và thực tiễn quốc tế, nhằm tránh đi vào “vết xe đổ” của sự kiện Lybia trước đó.
KẾT LUẬN
Trong bài phát biểu về trách nhiệm bảo vệ ngày 15-7-2009 tại Berlin (CHLB Đức), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh rằng: RtoP không phải là một khái niệm nhằm thay thế cho “can thiệp nhân đạo” mà là một khái niệm mới, với những nội hàm và chỉ dẫn mới. Tuy nhiên, RtoP có thực sự là một khái niệm mới hay chỉ đơn thuần là sự “nâng tầm” từ hành động “can thiệp” thành hành động vì “trách nhiệm”, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và việc đánh giá hiệu quả áp dụng của học thuyết này cũng cần dựa trên những vụ việc cụ thể.
Rõ ràng, ý tưởng ban đầu cho sự hình thành RtoP là hoàn toàn chính đáng và cần thiết vì nó hướng cộng đồng quốc tế đến các hành động nhằm ngăn chặn và phòng ngừa hơn là một sự can thiệp. Tuy nhiên, do còn những cách giải thích và hiểu khác nhau nên thực tế áp dụng RtoP đang bị chỉ trích là tạo cớ cho việc lạm dụng và phô trương sức mạnh quân sự của các nước lớn nhằm đạt được các mưu đồ chính trị ẩn sau đó mà sự kiện liên quân Anh, Mỹ tại Irac năm 2003 là một minh chứng.[38]
Nhiều giả thiết đã được nêu ra nhằm lý giải vì sao có sự lạm dụng RtoP của các quốc gia. Ngoài các nguyên nhân về chính trị, một số ý kiến cho rằng sự thiếu vắng một cơ chế giám sát trong việc thực thi luật quốc tế nói chung hay là tính phổ quát của vấn đề quyền con người cũng là căn nguyên dẫn đến các hành động can thiệp dưới danh nghĩa là để thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Chính vì vậy, để hạn chế sự mở rộng phạm vi sử dụng RtoP nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, việc áp dụng học thuyết này, thiết nghĩ cần phải được giới hạn nghiêm ngặt trong việc phòng chống và ngăn chặn các tội ác quốc tế; đồng thời các yếu tố để quyết định áp dụng biện pháp can thiệp vũ lực hay quân sự phải được xem xét một cách kỹ lưỡng và thận trọng theo quy định của pháp luật quốc tế. Ngoài ra, sự mập mờ, không rõ ràng và thống nhất trong cách hiểu và giải thích RtoP của các nhóm lợi ích khác nhau trong cộng đồng quốc tế cũng đang là trở ngại lớn cho việc tìm kiếm một sự đồng thuận chung về việc áp dụng RtoP giữa các quốc gia. Chỉ khi nào việc áp dụng RtoP là minh bạch, khách quan và đủ rõ ràng, vì sự an toàn của con người tại các quốc gia chứ không vì bất kì các mục tiêu chính trị nào khác, thì khi đó RtoP mới có “cơ hội” để được thừa nhận rộng rãi như một nguyên tắc mới của hệ thống pháp luật quốc tế./.
Nguyễn Thị Hồng Yến & Nguyễn Phương Dung
(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Luật học số tháng 8/2016.
Xem thêm bài: Trách nhiệm bảo vệ (R2P) trong luật quốc tế.
———————————————————————-
[1]Xem Antonio Cassese, “Ex iniuria ius oritur: Are We Moving towards International Legitimation of Forcible Humanitarian Countermeasures in the World Community?” (1999), European Journal of International Law, Tr.23, 25
[2] Theo định nghĩa được đại đa số các quốc gia chấp nhận thì can thiệp nhân đạo được coi là hành động đơn phương của một quốc gia mà không có sự thông qua của cộng đồng quốc tế hoặc là hành động của nhiều quốc gia hoặc một liên minh thực hiện theo Nghị quyết của một tổ chức đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, liên quan đến việc sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của một quốc gia khác mà không có sự đồng ý của chính phủ quốc gia sở tại, với mục đích chính là ngăn chặn và chấm dứt sự vi phạm nghiêm trọng, trên diện rộng các quyền cơ bản của con người trong luật nhân quyền quốc tế mà quốc gia bị can thiệp thực hiện với chính công dân của nước mình. (Xem Đào Minh Hồng & Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2013. http://nghiencuuquocte.org/2014/12/19/can-thiep-nhan-dao/)
[3] Xem Đào Minh Hồng & Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2013. http://nghiencuuquocte.org/2014/12/19/can-thiep-nhan-dao/
[4] Xem Malcom D. Evans, International Law (3rd edition, 2010), Oxford University Press, Tr. 510 – 511
[5] Xem Report of the Secretary-General “We the Peoples: The Role of the United Nations in the Twenty-First Century” (2000) UN Doc A/54/2000 tại
Alex J. Bellamy và Ruben Reike, “The Responsibility to Protect and International Law” (6/2010), Volum 2, số 3, Global Responsibility to Protect Journal, Tr. 267, 270.
[6] Xem Carlo Focarelli, The Responsibility to Protect Doctrine and Humanitarian Intervention: Too Many Ambiguities for a Working Doctrine, Journal of Conflict & Security Law, Oxford University Press 2008, Tr. 4-5.
[7] Xem Alex J. Bellamy and Ruben Reikeb, “The Responsibility to Protect and International Law”, Martinus Nijhoff Publishers, (2010) đoạn 267-286
[8] Ủy ban này được thành lập vào tháng 9/2000 dưới sự bảo trợ của Chính phủ Canada nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ can thiệp nhân đạo và những người ủng hộ cách hiểu truyền thống về chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, Ủy ban đã dựa trên quan điểm của Deng để lập luận rằng các quốc gia không chỉ hưởng lợi từ quyền và những đặc ưu từ chủ quyền quốc gia, mà họ còn phải chấp nhận Trách nhiệm Bảo vệ người dân sống trong biên giới lãnh thổ của họ.
[9] Xem Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty (ICISS) “The Responsibility to Protect” (2001), in thành Phụ lục của Tài liệu Liên hợp quốc số A/57/303
[10] Xem ICISS, Summary of the RtoP: The report of ICISS tại http://www.responsibilitytoprotect.org/files/R2PSummary.pdf.
[11] Xem International Commission on International and State Sovereignty (2001), The Responsibility to Protect: Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty, Ottawa, International Development Research Centre, điểm 2
[12] Xem International Commission on International and State Sovereignty (2001), The Responsibility to Protect: Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty, Ottawa, International Development Research Centre, điểm16.
[13] Xem International Commission on International and State Sovereignty (2001), The Responsibility to Protect: Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty, Ottawa, International Development Research Centre; Zifcak S (điểm 2) 512.
[14] Xem ICISS, Summary of the RtoP: The report of ICISS tại http://www.responsibilitytoprotect.org/files/R2PSummary.pdf.
[15] Xem Report of General Assembly/Security Council “Intergrated and coordinated implementation of and follow-up to the outcomes of the major United Nations conferences and summits in the economic, social and related fields” (2012) Doc A/66/874 – S/2012/578, đoạn 9 – 11.
[16] Như trên, đoạn 12. [17] Như trên.
[18] Xem http://www.un.org/en/preventgenocide/rwanda/about/bgresponsibility.shtml
[19] Xem 2005 World Summit Outcome, Tài liệu Liên hợp quốc số A/Res/60/1 ngày 24/10/2005, các đoạn 138-139. http://www.responsibilitytoprotect.org/index.php/about-rtop/core-rtop-documents
[20] Xem đoạn 139 Tài liệu cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Thế giới năm 2005
[21] Xem Điểm 4 Security Council, Resolution S/RES/1674 (2006) http://www.un.org/en/sc/documents/resolutions/2006.shtml
[22] Xem Report of General Assembly/Security Council No. A/60/L.1, 24/9/2005, đoạn 138 – 140,
[23] Xem thêm tại http://www.responsibilitytoprotect.org/index.php/about-rtop/core-rtop-documents
[24] Xem thêm về chức năng của Hội Đồng Bảo An tại Điều 24, Chương VI, VII, VIII của Hiến chương Liên hợp quốc. http://www.un.org/en/sections/un-charter/introductory-note/index.html
[25] Xem Điều 2.4 của Hiến Chương Liên hợp quốc http://www.un.org/en/sections/un-charter/introductory-note/index.html
[26] Xem Điều 2.7 của Hiến Chương Liên hợp quốc http://www.un.org/en/sections/un-charter/introductory-note/index.html
[27] Xem thêm Hiến chương Liên hợp quốc tại http://www.un.org/en/sections/un-charter/introductory-note/index.html
[28] Xem Edward C. Luck, “Sovereignty, Choice, and the Responsibility to Protect” Global Responsibility to Protect” (2009), Global Responsibility to Protect, đoạn 10, 17 tại http://www.ipinst.org/wp-content/uploads/2010/04/pdfs_s3.pdf.
[29] Xem Edward C. Luck, “Sovereignty, Choice, and the Responsibility to Protect” Global Responsibility to Protect” (2009), Global Responsibility to Protect tại http://www.ipinst.org/wp-content/uploads/2010/04/pdfs_s3.pdf.
[30] Xem http://www.nato.int/nato_static/assets/pdf/pdf_2011_02/20110927_110226-UNSCR-1970.pdf.
[31] Xem Spencer Zifcak, “The Responsibility To Protect After Libya and Syria” (2012), Melbounre Journal of International Law, Tr. 59, 62 – 64
[32] Xem Security Council, Resolution No. S/Res/1973/1973 (17/3/2011), đoạn 12
[33] Xem Security Council, Resolution No. S/Res/1973/1973 (17/3/2011), đoạn 12 http://www.un.org/en/sc/documents/resolutions/2011.shtml
[34]Xem Security Council, Resolution No. S/RES/2009 (2011) ngày 16/9/2011 tại http://www.un.org/en/sc/documents/resolutions/2011.shtml
[35]Xem Spencer Zifcak, “The Responsibility To Protect After Libya and Syria” (2012), Melbounre Journal of International Law, Tr. 59, 69 – 70.
[36] Xem http://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/Syria%20S%20PV%206524.pdf.
[37] Xem Spencer Zifcak, “The Responsibility To Protect After Libya and Syria” (2012), Melbounre Journal of International Law 59, Tr. 72 – 78.
[38] Xem Alex J. Bellamy and Ruben Reike, “The Responsibility to Protect and International Law” (2010), Global Responsibility to Protect, 267, Tr. 270