Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực – Ấn Độ có vi phạm nguyên tắc này? – Quyền tự vệ phòng ngừa và tự vệ phủ đầu – Vi phạm chủ quyền của Pakistan
Theo Reuters, ngày 26.02.2019, khu vực Balakot của Pakistan bị phía Ấn Độ không kích. Ấn Độ giải thích rằng cuộc không kích nhằm tiêu diệt một trại huấn luyện của nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammed (JeM) – bị Ấn Độ cáo buộc thực hiện tấn công liều chết ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 14.02.2019. Cuộc tấn công liều chết gây thương vong cho cảnh sát Ấn Độ.
Theo tuyên bố ngày 26.02.2019 của Ngoại trưởng Ấn Độ sau cuộc không kích, Ấn Độ đã nhiều lần cung cấp thông tin về địa điểm huấn luyện của nhóm này cho phía Pakistan nhưng Pakistan đã không có hành động cụ thể. Tuyên bố còn hàm ý hoạt động của nhóm khủng bố JeM không thể tiến hành trong hai thập kỷ qua trên lãnh thổ Pakistan mà không có ‘sự dung túng’ của chính quyền sở tại.
Cùng ngày Ngoại trưởng Pakistan thông báo cho đoàn ngoại giao về “việc Ấn Độ vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan khi vào khoảng 02h54ph sáng, 6-8 máy bay Ấn Động đã bị không quân Pakistan ngăn chặn và buộc quay đầu lại cùng lúc thả ngẫu nhiên bom xuống khu vực hẻo lánh.” Ngoại trưởng Pakistan cũng phủ nhận có trại huấn luyện của nhóm vũ trang ở khu vực bị đánh bom.
Có thể thấy, hai nước đưa ra hai phiên bản khác nhau về điều gì đã xảy ra vào ngày 26.02.2019. Một điều chắc chắn rõ ràng là máy bay của Ấn Độ đã đi cố ý vào không phận của Pakistan mà không có sự đồng ý của Pakistan, và đã thả bom xuống lãnh thổ Pakistan. Vụ việc này khá tương tự như vụ Mỹ đột kích bắn chết trùm khủng bố Osama bin Laden cũng trên lãnh thổ Pakistan năm 2011.
Khuôn khổ pháp lý: Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và hai ngoại lệ
Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế là nền tảng cơ bản cho toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế và chính trị quốc tế sau năm 1945, là một quy định pháp lý ràng buộc tất cả các quốc gia thông qua các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế (xem chi tiết ở post này). Nguyên tắc này nghiêm cấm việc một quốc gia sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác, và với tính chất là một quy phạm jus cogens, là “tấm khiên pháp lý” kiên cố nhất bảo đảm chủ quyền quốc gia.
Theo quan điểm truyền thống, và được đa số các quốc gia chấp nhận, nguyên tắc này cho phép hai ngoại lệ: (1) sử dụng vũ lực theo ủy quyền của Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc, và (2) quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 51 quy định rằng quyền tự về là quyền tự nhiên của mọi quốc gia, cho phép sử dụng vũ lực khi bị tấn công vũ trang (“armed attack”) – xem thảo luận chi tiết về quyền tự vệ ở post này.
Ấn Độ vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực?
Áp dụng các quy định trên vào cuộc không kích của Ấn Độ, có nhiều khả năng Ấn Độ đã vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực. Vì sao lại nói là nhiều khả năng mà không phải chắc chắn. Bởi vì, một mặt, hành động của Ấn Độ liên quan đến các máy bay quân sự và có thả bom vào lãnh thổ Pakistan rõ ràng là hành vi sử dụng vũ lực chống lại Pakistan. Hành vi đó không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an cũng không thể xem là đang thực thi quyền tự vệ vì không có cuộc tấn công vũ trang nào từ Pakistan vào Ấn Độ.
Mặt khác, có yếu tố có thể làm suy yếu nhận định trên nằm hàm ý trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ nêu ở trên. Tuyên bố ghi rõ rằng:
“Chính phủ Ấn Động quyết tâm sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Do đó hành động phủ đầu phi-quân sự này là nhằm cụ thể đến trại huấn luyện của JeM.”
Ấn Độ nêu hai lập luận: cuộc không kích là hành động “phi-quân sự” (non-military preemptive action), và nhắm đến cụ thể trại huấn luyện của nhóm JeM. Lập luận rằng cuộc không kích là hoạt động phi quân sự không thuyết phục khi, trong hoàn cảnh tương tự, có thể nói mọi quốc gia đều cho rằng đây là hành vi quân sự, do máy bay quân sự thực hiện và có sử dụng vũ khí quân dụng.
Lập luận thứ hai có vẻ hợp lý hơn khi Ấn Độ khẳng định cuộc không kích không nhằm vào Pakistan mà nhằm vào cụ thể vào nhóm JeM. Việc tự vệ chống lại các nhóm phi-quốc gia ở quốc gia khác chỉ có thể nếu cuộc tấn công của nhóm đó có thể quy trách nhiệm cho quốc gia sở tại – (xem thêm phần Tấn công vũ trang do các nhóm phi quốc gia thực hiện? trong post này). Nói cách khác, Ấn Độ phải chứng minh rằng cuộc tấn công của nhóm JeM phải do Pakistan chịu trách nhiệm. Điều này là rất khó bởi vì có thể Pakistan chỉ cung cấp căn cứ, tài chính hay hậu cần cho nhóm JeM mà không tham gia vào chỉ huy các cuộc tấn công – mà theo các án lệ của Tòa ICJ, tấn công vũ trang phải là việc sử dụng vũ lực ở mức độ nghiệm trọng nhất (most grave forms of the use of force). Tấn công vũ trang là sử dụng vũ lực; nhưng sử dụng vũ lực chưa chắc là tấn công vũ trang. Chưa nói tới việc các hỗ trợ của Pakistan có thể chưa đến mức sử dụng vũ lực.
Quyền tự vệ phòng ngừa và tự vệ phủ đầu
Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ, một số câu cho thấy dấu vết rằng Ấn Độ đang có vẻ viện dẫn quyền tự vệ phòng ngừa và/hoặc quyền tự vệ phủ đầu. Phần dưới đây sẽ điểm qua một số lý thuyết về hai quyền tự vệ này và áp dụng vào trường hợp Ấn Độ – Pakistan này.
Sean Murphy – thành viên người Mỹ của Uỷ ban Luật pháp Quốc tế – từng có bài viết vào năm 2005 về các khía cạnh pháp lý của quyền tự vệ phủ đầu. Bài viết khá hoàn thiện để sử dụng làm khuôn khổ lý thuyết phân tích: The Doctrine of Preemptive Self-Defence. Trong bài viết này, Sean Murphy định nghĩa tự vệ phòng ngừa và tự vệ phủ đầu đều là dạng sử dụng vũ lực khi chưa bị tấn công vũ trang mà chỉ có mối đe dọa bị tấn công vũ trang.
Trong đó, tự vệ phòng ngừa (anticipatory self-defense) là trường hợp mối đe dọa nhãn tiền (imminent threat); còn tự vệ phủ đầu (preemptive self-defense) là khi mối đe dọa đó chưa thực sự gần kề, nhưng sẽ xảy ra nếu không có hành động tự vệ trước. Theo nghĩa đó, tự vệ phủ đầu cũng là một dạng tự vệ phòng ngừa nhưng phòng ngừa từ xa.
Trong đó, ông nhóm lại các quan điểm thành 04 trường phái lý thuyết chính, trong đó một trường phái bác bỏ tự vệ phủ đầu, ba trường phái cố gắng hợp pháp hóa quyền trên. Riêng sự tồn tại của 04 trường phái đã cho thấy quyền tự vệ phủ đầu là một vấn đề con gây tranh cãi trong giới học giả và cả giữa các quốc gia. Tình trạng này là chỉ dấu cho thấy có thể không có một “quyền” như thế trong luật quốc tế, kể cả tại thời điểm hiện nay – 14 năm sau bài viết của Sean Murphy.
- Trường phái kiến tạo thuần túy (strict constructionist school) với một số học giả nổi tiếng như Ian Brownlie và Philip Jessup, cho rằng Điều 2(4) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng vũ lực xuyên biên giới, bất kể là nhằm vào quốc gia khác hay các thực thể khác. Điều 51 quy định rất rõ ràng rằng tự vệ chỉ có thể “nếu bị tấn công vũ trang”, nên mọi hành vi tự vệ phòng ngừa hay phủ đầu đều bất hợp pháp.
- Trường phái ủng hộ thuyết mối đe dọa nhãn tiền (imminent threat school) cho rằng Điều 51 đúng là chỉ quy định tự vệ khi “bị tấn công vũ trang”, nhưng quyền tự vệ trong tập quán quốc tế lại cho phép tự vệ phòng ngừa (anticipatory self-defence), không phải tự vệ phủ đầu, chống lại các mối đe dọa nhãn tiền, không thể tránh khỏi. Tự vệ phủ đầu là một dạng tự vệ phòng ngừa nhưng áp dụng cho các tình huống mà mối đe dọa không nhãn tiền, nhưng sẽ nhãn tiền nếu không có hành động trước.
- Trường phái ủng hộ thuyết mối đe dọa thực sự (qualitative threat school) về cơ bản đồng ý với trưởng phái mối đe dọa nhãn tiền, nhưng đặt thêm các điều kiện để có thể chứng thực khả năng bị tấn công vũ trang: đánh giá mức độ bị tấn công, có biện pháp phi vũ lực thay thế không, và sức tàn phá nếu bị tấn công. Qua đó, các điều kiện trên cho thấy khả năng cao sẽ có một cuộc tấn công có sức tàn phá lớn trong tương lại, quyền tự vệ phủ đầu có thể được áp dụng.
- Trường phái phủ nhận Hiến chương (‘Charter-is-dead’ school) cho rằng Hiến chương cùng với Điều 2(4) và 51 có thể có giá trị vào năm 1945, nhưng qua thực tế sử dụng vũ lực sau đó, các quốc gia đã cho thấy Hiến chương không còn ý nghĩa pháp lý. Do đó, trường phái này cho rằng các quốc gia có quyền tự vệ bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết để bảo vệ dân tộc mình.
Trong bốn trường phái trên, trường phái đầu tiên có thể được đa số các quốc gia chấp nhận. Trường phái thứ hai hợp lý nhưng khả năng bị lạm dụng cao. Trường phái thứ ba cố gắng đặt ra giới hạn cho trường phái thứ hai, qua đó, hi vọng cân bằng được giữa tính hợp lý về mục đích và tính dễ bị lạm dụng. Nếu trường phái thứ ba này có thể – giống như với trường trượng trách nhiệm bảo vệ (R2P, xem ở post này và post này) đưa can thiệp nhận đạo vào trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an – đưa quyền tự vệ phòng ngừa hay tự vệ phủ đầu vào trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an thì có thể dễ được chấp nhận hơn. Trường phái thứ tư muốn đưa trật tự thế giới quay về thời gian trước năm 1945 do đó khó có thể được các quốc gia chấp nhận.
Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ có câu ám chỉ viện dẫn quyền tự vệ phòng ngừa hoặc phủ đầu:
“Nguồn tin tình báo đáng tin cậy cho thấy nhóm JeM đang chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công tự xác khác vào các khu vực khác nhau của đất nước và các phần tử cực đoan Hồi giáo đang được huấn luyện để thực hiện cuộc tấn công. Trước mối đe dọa nhãn tiền, một cuộc tấn công phủ đầu là hoàn toàn cần thiết.”
Nếu theo trường phái thứ nhất, hành động trên có thể là “hoàn toàn cần thiết” nhưng vẫn bất hợp pháp. Nếu theo trường phái thứ hai, hành vi có thể được chấp nhận do có mối đe dọa nhãn tiền (đương nhiên có thực sự có mối đe dọa hay không, và có thực sự nhãn tiền hay không là vấn đề còn tranh cãi). Trường phái thứ ba cũng có thể chấp nhận một cuộc tấn công như thế vì tuyên bố cũng ghi nhận Ấn Độ đã cố thuyết phục Pakistan loại trừ nhóm này nhưng hai thập kỷ qua Pakistan phớt lờ. Hành động tấn công của Ấn Độ phù hợp với điều kiện không còn biện pháp phi-vũ lực để loại trừ mối đe dọa. Lưu ý rằng trường phái thứ hai và thứ ba chỉ là những quan điểm chưa được chấp nhận rộng rãi và chưa thể xem là thể hiện quy định luật pháp quốc tế.
Ấn Độ vi phạm chủ quyền của Pakistan
Chủ quyền của một quốc gia là quyền tối cao bên trong và bên ngoài theo luật quốc tế (xem thêm post này). Luật pháp quốc tế bảo đảm chủ quyền quốc gia sẽ không bị hạn chế mà không có sự đồng ý của quốc gia liên quan. Rõ ràng hành vi cố ý của Ấn Độ xâm phạm không phận của Pakistan đã vi phạm chủ quyền của Pakistan.
Trần H. D. Minh
——————————————————————————
Trả lời