Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch năm 1961 – Chưa thể tước quốc tịch của Shamima Begum – Ba lựa chọn cho Anh để thực hiện việc tước quốc tịch – Việt Nam có nên tham gia Công ước?
Bộ Nội Vụ của Anh thông báo tước quốc tịch của Shamima Begum với lý do cô này là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Shamima Begum là công dân Anh, sinh ra tại Anh. Năm 2015, khi 15 tuổi, Shamima đến Syria gia nhập vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – IS). Sau khi IS bị đánh bại, Shamima gần đây đã xin được quay trở lại Anh. Yêu cầu đó của cô bị bác bỏ. Ngày 19.02.2019, Bộ Nội vụ Anh gửi thư cho cha mẹ Shamima thông báo “quyết định tước quốc tịch Anh của cô đã được ban hành.”[1]
Dư luận bên trong nước Anh ủng hộ quyết định của Bộ Nội vu nước này tước bỏ quốc tịch Anh của Shamima, đặc biệt là khi cô này tuyên bố không hối hận khi gia nhập IS. Tuy nhiên, việc tước quốc tịch sẽ chưa thể thực hiện được nếu quốc tịch Anh là quốc tịch duy nhất của Shamima, hoặc Shamima không thể xin được nhập tịch một quốc gia khác.

Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch năm 1961
Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch (Convention on the Reduction of Statelessness) năm 1961 này nhằm giảm thiểu số lượng người không quốc tịch (stateless persons) – những người ở vị thế dễ tổn thương về pháp lý khi họ không được bất kỳ quốc gia nào bảo hộ. Công ước có hiệu lực năm 1975, hiện có 73 quốc gia thành viên (Việt Nam không là thành viên của Công ước).[2] Công ước quy định hai nghĩa vụ cho các quốc gia: nghĩa vụ trao quốc tịch cho người không quốc tịch, và nghĩa vụ không tước quốc tịch của một người chỉ có duy nhất một quốc tịch. Điều 8(1) của Công ước quy định:
“Bên ký kết sẽ không tước quốc tịch của một người nếu việc tước quốc tịch sẽ làm người đó không quốc tịch.”
Nghĩa vụ không tước quốc tịch này có ba ngoại lệ. Điều 8(2) quy định nghĩa vụ trên không áp dụng cho trường hợp: người nhập tịch, người sinh ra ngoài lãnh thổ, và người có quốc tịch do lừa dối. Điều 8(3) còn cho phép các quốc gia được tước bỏ quốc tịch kể cả khi đó là quốc tịch quy nhất nếu có tuyên bố bảo lưu các trường hợp khác được phép tước quốc tịch duy nhất theo Điều 8(3) khi tham gia Công ước.
Anh là thành viên của Công ước từ năm 1966, do đó, có nghĩa vụ không tước quốc tịch duy nhất theo Điều 8 trên. Anh có tuyên bố bảo lưu theo Điều 8(3) đối với người nhập tịch (naturalized persons).[3]
Chưa thể tước quốc tịch của Shamima
Shamima Begum có quốc tịch duy nhất là quốc tịch Anh, và quốc tịch này không phải do nhập tịch hay lừa dối. Do đó, tất cả mọi ngoại lệ của Điều 8 đều không thể áp dụng làm cơ sở để tước quốc tịch của Shamima. Vài ngày sau thông báo tước quốc tịch, Bội vụ Anh đã hoãn việc tước quốc tịch của Shamima. Một mặt kiên trì quyết tâm tước quốc tịch của Shamima, Bộ trưởng Nội vụ Anh cho biết:
“Tôi sẽ không ra quyết định … khi quyết định đó sẽ làm một cá nhân trở thành người không quốc tịch.”[4]
Quyết định hoãn này có thể đưa ra sau khi xem xét kỹ hơn các quy định của Công ước.
Ba lựa chọn cho nước Anh
Với Anh có hai lựa chọn ưu tiên có thể được xem xét: (1) rút khỏi Công ước, lấy lại quyền tự do tước quốc tịch, hoặc (2) thuyết phục một nước khác chấp nhận cấp quốc tịch và thuyết phục Shamima chấp nhận quốc tịch mới.
Lựa chọn thứ nhất giải quyết được vấn đề ngay, phù hợp với dư luận trong nước Anh. Do Điều 8(1) của Công ước khó có thể xem là quy định tập quán quốc tế, việc rút khỏi Công ước sẽ giải phóng Anh khỏi nghĩa vụ không được phép tước quốc tịch duy nhất. Sau khi xử lý xong trường hợp của Shamima, và giải quyết tất cả các trường hợp tương tự, Anh sau đó có thể tham gia lại Công ước. Hệ quả lâu dài là khả năng dư luận Anh khó đồng ý với việc tham gia lại vào Công ước, trừ khi có sửa đổi cho phép các quốc gia đưa ra các tuyên bố bảo lưu tự do hơn.
Lựa chọn thứ hai khó khăn hơn và cũng tốn kém hơn. Với thái độ không hối hận tham gia IS, Shamima được xem là thành phần nguy hiểm cho bất kỳ quốc gia nào. Anh sẽ khó thuyết phục hoặc phải có nhượng bộ, bồi thường thích đáng để có quốc gia tiếp nhận. Kể cả khi có quốc gia tiếp nhận, có thể với lợi thế quyền lực của hộ chiếu nước Anh, Shamima có thể sẽ không chấp nhận một quốc tịch khác.
Một lựa chọn thứ ba của Anh là cứ giữ nguyên trạng. Shamima sẽ không được quay lại Anh, đồng thời, sẽ bị giữ ở trại tị nạn với điều kiện sống nghèo nàn. Tình trạng khó khăn có thể buộc Shamima chấp nhận lựa chọn thứ hai ở trên.
Việt Nam có nên tham gia Công ước năm 1961?
Mục đích của Công ước mang lại lợi ích lớn nhất cho các cá nhân thông qua việc bảo đảm quyền có quốc tịch. Các quốc gia cũng được hưởng lợi khi người nước ngoài ở trên lãnh thổ của mình sẽ không trở thành người không quốc tịch, và là gánh nặng cho quốc gia đó.
Đương nhiên, qua trường hợp của Shamima Begum, việc tham gia Công ước năm 1961 sẽ hạn chế rất lớn đến quyền tự do của một quốc gia trong vấn đề quốc tịch. Hơn nữa, Công ước chỉ cho phép bảo lưu hạn chế ba điều khoản, và cấm mọi bảo lưu khác (Điều 17). Do đó, có thể một số quốc gia có nhiều công dân tham gia các tổ chức khủng bố nước ngoài, bao gồm cả Nhà nước Hồi giao (IS), từ chối tham gia vào Công ước này.
Việc tước bỏ quốc tịch của một người tham gia lực lượng khủng bố sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia mà người này mang quốc tịch khi ngăn chặn việc quay trở lại của những thành phần nguy hiểm này. Tuy nhiên, điều này lại đặt thêm gánh nặng cho quốc gia mà người đó đang có mặt (ví dụ như Syria). Do đó, đây chỉ là dịch chuyển nguy cơ và gánh nặng từ nước này sang nước khác; việc tước quốc tịch không là giải pháp căn cơ để loại trừ các thành phần nguy hiểm. Với quan điểm bài ngoại và lợi ích quốc gia ích kỷ ngày càng lên cao, xu hướng không tham gia Công ước và các ví dụ tước quốc tịch duy nhất sẽ có thể ngày càng gia tăng. Việt Nam nên cân nhắc khi xem xét liệu có nên tham gia vào Công ước hay không.
Trần H. D. Minh
————————————————————————————
[1] Guy Faulconbridhe, Paul Sandle, ‘Britain strips citizenship from teenager who joined Islamic State in Syria’, Reuters, ngày 19.02.2019, https://www.reuters.com/article/us-mideast-crisis-britain-teenager/britain-strips-citizenship-from-teenager-who-joined-islamic-state-in-syria-idUSKCN1Q82RM
[2] Xem tình trạng pháp lý của Công ước tại: https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=V-4&chapter=5&clang=_en#EndDec
[3] Như trên.
[4] Gareth Davies, ‘Sajid Javid defends striping Shamima Begum of her nationality, saying he would not make someone ‘stateless’’, The Telegraph, ngày 21.02.2019, https://www.telegraph.co.uk/news/2019/02/21/sajid-javid-defends-stripping-isil-bride-nationality-saying/
Trả lời